Những ý nguyện cao cả
(ANTĐ) - Hơn ai hết, bằng công việc hằng ngày, họ đang truyền tải một thông điệp đến với những người tham gia giao thông “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy”. Họ là những người khuyết tật đang việc làm tại nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm Protec ở Sóc Sơn, Hà Nội.
Những thiên thần trên xe lăn
Lao động sẽ làm họ hạnh phúc nhất - Lỗ Thị Liên bị bại liệt nửa người từ khi bẩm sinh |
Không ồn ào, nhộn nhịp, hối hả..., trái lại, lặng lẽ và bình thản, là không khí làm việc ở nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm Protec nằm trong khu công nghiệp Nội Bài. Một số công nhân làm việc tại đây có hoàn cảnh đặc biệt, họ là những người khuyết tật ở các vùng quê của Vĩnh Phúc, Nam Định, Đông Anh, Sóc Sơn...
Công việc hàng ngày của họ trong nhà máy là sản xuất ra những chiếc mũ bảo hiểm, góp phần tránh khỏi chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông. Việc nhà máy ưu tiên hàng đầu cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc đã giúp cho họ ổn định cuộc sống hàng ngày.
Trong dây chuyền sản xuất, người liệt hai chân, người liệt tay, khoèo tay... mỗi người được phân công theo từng công việc phù hợp với khả năng. Người dán hoa văn cho mũ, người lắp quai, lắp kính...
Chị Kim Thị Huyền quê Vĩnh Phúc chỉ còn duy nhất bàn tay trái hoạt động được, mọi di chuyển của chị đều trên chiếc xe lăn. Công việc hằng ngày của Huyền là dán số cỡ và mác mũ bảo hiểm. Làm việc ở đây đã được hơn một năm, tuy chị Huyền đã quen việc nhưng vẫn còn khó khăn trong thao tác.
Chị Vương Thị Thanh Huyền 25 tuổi, ở thị trấn Sóc Sơn, đã làm việc tại nhà máy được gần ba năm, có nhiều kinh nghiệm hơn, đi lại bằng nạng được nên chị có thể vừa làm ở tổ xốp, vừa chạy đi chạy lại chuyển các phụ kiện. Chị Huyền tâm sự : “Ở đây chị Lỗ Thị Liên vất vả nhất, chị ấy có hai con nhỏ, bị bại liệt cả hai chân và bị chùn cột sống”.
Nhưng chị Liên như vậy vẫn còn may mắn hơn một số người khác vì chị đã có gia đình đầm ấm, còn hầu hết những người phụ nữ khuyết tật làm việc ở đây vẫn độc thân.
Chị thổ lộ Nguyễn Thị Hương bị liệt bẩm sinh, quê ở thị trấn Đông Anh. Năm nay tôi đã 35 tuổi rồi, chân tay như thế này có công ăn việc làm ổn định, lao động với những người cùng cảnh ngộ và những công nhân bình thường khác là chúng tôi đã cảm thấy vui và hạnh phúc lắm rồi”.
Họ là những người nỗ lực trong cuộc sống |
Những lúc cao điểm nhà máy có đến gần 300 công nhân. Hiện nay nhà máy 20 người tàn tật. Mức thu nhập bình quân cho mỗi người tàn tật làm việc tại đây là 1 triệu đồng/tháng. Họ được hưởng mọi chế độ theo luật lao động hiện hành.
Thử việc và học nghề 1 tháng, sau đó ký hợp đồng 1 năm, rồi 3 năm... Nhờ có việc làm, mọi người đã ổn định cuộc sống và có gia đình hạnh phúc. Nhà máy là nơi “giao duyên” của một số người khuyết tật.
Những người công nhân ở đây luôn tự hào rằng công việc của họ tuy đơn giản nhưng rất quan trọng đối với xã hội. Đó chính là việc sản xuất mũ bảo hiểm để giúp mọi người tránh khỏi chấn thương sọ não khi gặp tai nạn giao thông.
Tình yêu xuyên thế kỷ
Người có tấm lòng cưu mang người khuyết tật là ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu á (AIPF- Asia Injury Prevention Foundation) đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm Protec. Việc ông đến với chiếc mũ bảo hiểm là câu chuyện dài.
AIPF là một thành viên của Hội An toàn giao thông Liên hợp quốc và đã được quốc tế công nhận như là một tổ chức tiên phong trong việc thúc đẩy an toàn giao thông. Những hoạt động tại Việt Nam của cơ quan này đã được hoan nghênh như là một mô hình cho các nước đang phát triển khác noi theo.
Cùng với chương trình “Mũ Bảo Hiểm cho trẻ em” (Helmets for Kids), với hơn 300.000 mũ bảo hiểm của Protec đã được trao tặng cho trẻ em trên toàn quốc.
AIPF đã tích cực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoàn chỉnh tiêu chuẩn mũ bảo hiểm, phát triển chương trình giảng dạy về an toàn giao thông trong các trường tiểu học, thực hiện thành công chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Sau việc phát triển một cuộc cách mạng mũ bảo hiểm “nhiệt đới” đối với người Việt Nam, AIPF đã thành lập Công ty mũ bảo hiểm phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, đó là Protec. Tất cả lợi nhuận từ đây sẽ được chuyển thẳng vào Quỹ Phòng chống Thương vong châu á để duy trì và phát triển các hoạt động cho các chương trình phục vụ cộng đồng.
Protec là công ty duy nhất tại Việt Nam có trang bị phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm trong nhà máy. Tất cả các sản phẩm mũ Protec đều được kiểm tra chất lượng bằng những thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế trước khi đến người tiêu dùng - Tiêu chuẩn chất lượng (TCVN 5756-2001 và TCVN 6979-2001).
Sản phẩm mũ bảo hiểm của nhà máy được UBATGTQG lựa chọn sử dụng cho Dự án ATGT trên toàn quốc.
Câu chuyện về an toàn giao thông ở một nước khí hậu nhiệt đới như Việt Nam đã được người đàn ông 58 tuổi đến từ Mỹ này - ông Greig Craft dày công nghiên cứu. Ông đã tiến hành đo kích thước đầu của 5.000 người Việt Nam để cuối cùng cho ra đời chiếc mũ bảo hiểm an toàn, thời trang và phù hợp khí hậu nhiệt đới.
Tình yêu Việt Nam của ông Greig Craft là tình yêu xuyên thế kỷ? Cụ của Greig Craft đã có tình cảm thân yêu với đất nước này từ những năm 1899-1900 qua những chuyến đi bằng tàu biển sang Việt Nam. Rồi đến người thân sinh ra Greig Craft sau mỗi lần đặt chân đến Việt Nam, ông đã mang những tấm ảnh về đất nước nhiệt đới xa xôi cho cậu con trai xem.
Trước khi cha của Greig Craft qua đời, ông đã tiếc nuối rằng nhiều lần đến Việt Nam nhưng ông chưa có dịp thăm Hà Nội và miền Bắc Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, bố của Greig Craft đã trở thành học giả nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông biết Bác Hồ là chính khách vĩ đại nhất thế giới. Điều trăn trối đó của người cha trước khi mất càng thúc đẩy Greig Craft đến với Việt Nam và ông đã quyết định ở lại Hà Nội cho đến hôm nay.
Nguyễn Đức Tuấn