Những tên trộm giấu mặt
(ANTĐ) - Thời gian gần đây, hiện tượng lừa đảo bằng tin nhắn trên điện thoại di động (ĐTDĐ) rất phổ biến. Một trong những thủ đoạn lừa đảo này là khách hàng nhận được tin nhắn trúng thưởng, song phải nhắn lại các thông tin cá nhân. Căn cứ vào những thông tin này, kẻ lừa đảo dễ dàng trục lợi…
Khách hàng đi giao dịch tại các ngân hàng nên thận trọng khi khai các thông tin cá nhân |
Nhận tin nhắn ảo, mất tiền… thật
Trên một diễn đàn về điện thoại di động khá nổi tiếng, một nick name có tên vanthuc cảnh báo: Phần mềm lừa đảo tin nhắn trên điện thoại ngày càng nhiều. Bất kỳ ai cũng có một vài phần mềm dạng này trong máy mà không biết, thậm chí một số ứng dụng được người dùng tin tưởng là “sạch” như các trình duyệt diệt virus cũng có khả năng trộm tiền thông qua nhiều hình thức.
Chị Nguyễn Thu Hường, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên rất ấm ức chuyện mình bị mất 2,5 triệu đồng trong thẻ ATM vì tin nhắn lừa đảo: “Sau khi đăng ký dịch vụ nạp tiền qua tin nhắn bằng tiền trong tài khoản ngân hàng, tôi lập một tài khoản ATM và chuyển vào tài khoản này 5 triệu đồng. Sau đó vài ngày, bỗng nhiên tôi nhận được tin nhắn yêu cầu gửi mã số đặc biệt để được trúng thưởng xe hơi. Sau khi gửi tin nhắn, tổng đài của ngân hàng nơi tôi lập thẻ ATM gửi tin nhắn dồn dập thông báo tôi đang liên tục thực hiện việc rút tiền trong tài khoản. Tôi đã lập tức gọi cho đường dây nóng của ngân hàng đề nghị chặn không cho chuyển tiền nhưng kẻ gian cũng đã kịp lấy đi vài triệu đồng” - chị Hường cho biết.
Gần đây, một chủ thuê bao tại TP.HCM cũng có đơn khiếu nại gửi Công ty Điện thoại di động MobiFone yêu cầu làm rõ tin nhắn từ điện thoại của khách hàng này liệu có người khác nắm được rồi xâm nhập chiếm đoạt tài sản hay không, bởi gần đây, một loạt những giao dịch bất thường đã được thực hiện trong tài khoản của khách hàng này... Mới đây, một số khách hàng của Ngân hàng Vietcombank nhận được tin nhắn với nội dung: “Thông báo khách hàng được trúng thưởng chương trình quay số điện thoại do Vietcombank và Viettel tổ chức. Đề nghị nhắn tin theo mật mã XYZ... để mua thẻ cào trị giá 100.000VND…". Tuy vậy Ngân hàng Vietcombank khẳng định, đây là tin nhắn lừa đảo.
Các thông báo được dán tại chi nhánh của Ngân hàng Vietcombank |
Khó đòi lại được tiền
Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc người sử dụng điện thoại đòi lại được tiền đã bị mất rất khó xảy ra vì khi họ đã cài phần mềm vào máy hoặc nhắn tin theo cú pháp có sẵn từ tin nhắn rác nghĩa là đã chấp thuận các điều khoản của nó. Các nhà cung cấp mạng hầu như “bó tay” vì họ chỉ là nơi cho thuê số máy tổng đài.
Điều đáng nói là đa phần các phần mềm lừa đảo thường viết tiếng Anh và rất nhiều người cài phần mềm nhấn “OK” ngay cả khi chưa hiểu rõ nội dung. Nghiêm trọng hơn, hiện có không ít tổ chức nước ngoài cũng phát triển phần mềm lừa đảo rồi đăng ký những số thuê bao tổng đài tại Việt Nam gửi đến các chủ thuê bao di động. Trong trường hợp này, khi “mắc bẫy”, khách hàng chỉ có… kiện đằng trời !
Nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng đồng thời ngăn chặn những tác động xấu gây ảnh hưởng đến uy tín của Vietcombank trước hành vi lừa đảo trên, Vietcombank đã có thông báo “Cảnh báo hành vi lừa đảo” tại các chi nhánh, các phòng giao dịch, trong đó khẳng định: Vietcombank không có bất cứ một chương trình quay số điện thoại trúng thưởng như trên. Khách hàng khi nhận được những tin nhắn tương tự cần cảnh giác để tránh bị lợi dụng, đồng thời thông báo cho Vietcombank theo số điện thoại trực 24/7: 1900545413 (bấm phím 1 để giao dịch bằng tiếng Việt, bấm tiếp phím 0 để gặp cán bộ trực). Khách hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như: tên, địa chỉ, ngày sinh, số CMND, số thẻ Connect24, số tài khoản cá nhân… khi nhận được những tin nhắn như trên đồng thời cảnh báo hiện tượng này cho người thân cùng biết, trách bị mắc lừa.
Theo một đại diện của Trung tâm Ứng cứu mạng Việt Nam (VNCERT), hiện tượng tin nhắn rác hiện đã giảm, song đôi khi người sử dụng điện thoại vẫn phải nhận một số tin nhắn rác. Những tin nhắn này chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Để giải quyết tình trạng trên, hiện các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai hệ thống thông báo, xử lý tin nhắn rác (hệ thống SPAMALERT) để cung cấp chính thức cho người sử dụng. Hy vọng khi phần mềm này được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế, tình trạng lừa đảo qua tin nhắn sẽ được hạn chế.
Huệ Linh