Những người thầy khoác màu áo xanh

(ANTĐ) - Nói tới nghề thầy giáo là nói tới một công việc cực nhọc. Nhưng những người thầy giáo - quản giáo ở các trại giam nói chung, Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội nói riêng còn cực nhọc hơn nhiều bởi “học trò” của họ đều có vết nhơ trong quá khứ. Nhiệm vụ của các thầy ở đây là giúp họ gột bỏ tội lỗi, lấy lại niềm tin và khát vọng một cuộc sống yên bình khi trở về mái ấm của mình.

Những người thầy khoác màu áo xanh

(ANTĐ) - Nói tới nghề thầy giáo là nói tới một công việc cực nhọc. Nhưng những người thầy giáo - quản giáo ở các trại giam nói chung, Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội nói riêng còn cực nhọc hơn nhiều bởi “học trò” của họ đều có vết nhơ trong quá khứ. Nhiệm vụ của các thầy ở đây là giúp họ gột bỏ tội lỗi, lấy lại niềm tin và khát vọng một cuộc sống yên bình khi trở về mái ấm của mình.

Chúng tôi muốn nói về những người thầy giáo ấy với tấm lòng trân trọng bởi các anh đã gánh trên vai một nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất đỗi tự hào: Truyền đến “học trò” của mình những bài học làm người!

Chúng tôi có mặt tại Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội một chiều đầu đông se lạnh. Một chuyến ghé thăm có chủ ý, để được ngồi trò chuyện với các anh lâu hơn khi phạm nhân đã kết thúc một ngày lao động. Cùng nhâm nhi chén trà đặc, Thiếu tá Kim Văn Nghĩa, Phân trại trưởng Phân trại Quản lý phạm nhân mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một triết lý rất “tình và đời”: “Bản ngã của con người vốn tính thiện, họ cũng là những con người, dù là phạm nhân nhưng cũng rất đáng để trân trọng. Họ phạm vào cái ác bởi sự tác động từ nhiều phía. Vậy nên trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, cán bộ chiến sỹ quản giáo chúng tôi luôn trọng tâm chú ý việc khơi dạy bản ngã hướng thiện trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người. Đó là cách để phạm nhân tự nhìn nhận, ăn năn hối cải về hành vi của mình gây ra để biết đứng lên sau vấp ngã, dù cú ngã của quá khứ có đau đến mấy!”.

Tiếp lời anh, Trung tá Lê Phụng Hiểu, cán bộ Quản giáo đội 3 cho biết: “Phạm nhận thụ án tại Trại tạm giam số 2 không thiếu những người có trình độ tri thức và nhận thức cao, sinh viên đại học… Ở một góc độ nào đó, nếu không có sự nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ, của những phút không làm chủ được bản thân thì không ít trong số họ đã có một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng đã vào đây thì ai cũng như ai, đều là hệ quả tất yếu phải trả giá cho những lỗi lầm bản thân gây ra.

Vấn đề cốt lõi là sự sám hối. Chia sẻ với nhau, nhiều lúc làm công việc này rồi nghĩ, anh em cán bộ quản giáo quả thật là những người thầy, những người thầy dạy những bài học tưởng chừng rất đơn giản nhưng đó là con đường hướng thiện, cách sống làm người lương thiện, sống có ích. Những bài học chỉ có ở trường đời”.

Đến nay, Trung tá Lê Phụng Hiểu đã có thâm niên hơn 30 năm làm công tác quản giáo, anh em chiến sỹ trong Trại đều đánh giá anh Hiểu là người có kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp rất tốt. “Đến giờ không thể nhớ và đếm được đã từng quản lý và giáo dục bao nhiêu phạm nhân. Tôi luôn hiểu quản lý con người là việc làm vốn đã khó, nhưng quản lý những đối tượng tội phạm thì cái khó đó còn nhân lên gấp bội phần, phải cố gắng hết sức để luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dù trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng trong suốt những năm qua không có phạm nhân nào vi phạm quy chế của trại và không có trường hợp nào trốn khỏi trại giam. Kết quả đó được đánh đổi bằng nỗ lực và quyết tâm của Ban Giám thị và anh em cán bộ, chiến sỹ quản giáo. Tôi nghĩ, ngoài điều đó, cái được lớn nhất đó là đã có rất nhiều phạm nhân sau khi được cải tạo, giáo dục trở thành người lương thiện. Không ít trong số phạm nhân giờ đã trở thành chủ doanh nghiệp, người có ích thật sự cho cộng đồng. Hàng năm họ quay lại thăm chúng tôi, mừng lắm!” - Anh Hiểu nói, đôi mắt hướng ra phía phạm nhân của đội 3 đang chăm chút rau xanh. Nhìn những học trò của mình, bên những khóm rau, ao cá mà chính anh hướng dẫn họ kỹ thuật nuôi trồng, anh khẽ mỉm cười.

Hiện nay Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội được chia thành 11 đội. Ngoài Ban Giám thị, các Phân trại trưởng, những cán bộ có thâm niên và kinh nghiệm trong giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Trại như Trung tá Lê Phụng Hiểu là đến lớp các cán bộ chiến sỹ quản giáo trẻ. Những người thầy trẻ đang bước tiếp bước những lớp cán bộ đi trước để vươn lên cứng cáp, dần trở thành những người thầy vững về chuyên môn nghiệp vụ, tâm trong, đức sáng, yêu thương học trò.

Mùa đông khiến trời tối nhanh hơn. Các phạm nhân thẳng hàng, trật tự trở về sau một ngày lao động. Khi nhìn các học trò của đội 8B nghiêm chỉnh trở lại sau cánh cửa sắt, Đại úy Nguyễn Thành Công mới thật sự dành thời gian rảnh rỗi còn lại của anh cho chúng tôi.

Trong số 11 đội của Trại tạm giam số 2 thì Đại úy Nguyễn Thành Công là 1 trong những quản giáo có tuổi đời trẻ nhất (SN 1976). Mới về nhận công tác quản giáo tại đội được hơn 1 năm nay, anh Công đang phụ trách 29 phạm nhân với công việc sơ chế vỏ quế cho các công ty rau quả.

Ngày mới về nhận công tác quản giáo, việc đầu tiên mà anh Công làm là xem xét, nghiên cứu lại hồ sơ của từng phạm nhân để tìm hiểu về nguyên nhân, động cơ phạm tội, hoàn cảnh gia đình và bản thân họ. Anh tâm sự: “Những người phạm tội vào cải tạo tại đây, mỗi người đều có những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Tôi phải đọc hồ sơ để tìm hiểu cơ bản về những phạm nhân này. Từ đó mới gặp gỡ trao đổi, trò chuyện với họ để động viên họ yên tâm cải tạo”…

Đối với những người thầy đặc biệt như Thiếu tá Kim Văn Nghĩa, Trung tá Lê Phụng Hiểu, Đại úy Nguyễn Thành Công… thì một trong những công việc khó khăn nhất là phải luôn nắm bắt tâm tư tình cảm, tư tưởng của các phạm nhân. Những phạm nhân khi đã vào đây mỗi người đều mang một tính cách khác nhau. Có người thẳng thắn bộc lộ tâm tư tình cảm, nhưng cũng có người kín đáo, diễn biến tư tưởng thay đổi nhanh.

Điều quan trọng là người quản giáo phải nắm bắt được những thay đổi đó, dù là rất nhỏ. Có trường hợp phạm nhân đang cải tạo thi hành án thì nảy sinh mẫu thuẫn tình cảm, nghi ngờ vợ đang ở nhà không chung thủy. Sau đó xin được gặp riêng cán bộ quản giáo để tâm sự, giãi bày chuyện gia đình.

Đại úy Nguyễn Thành Công chia sẻ: “Tôi đã từng phải động viên, khuyên giải và chia sẻ tâm tư, tình cảm với phạm nhân đó, giúp phạm nhân nhận thức và dần hiểu ra. Sau này khi được đặc xá ra tù, trở về nhà vợ chồng họ vẫn vui vẻ hòa thuận với nhau, thường xuyên giữ liên lạc với cán bộ quản giáo”.  

Với công việc của một quản giáo, điều mà Đại úy Nguyễn Thành Công luôn nhắc nhở chính mình đó là làm sao phải thuyết phục, cảm hóa được những con người đã từng có quá khứ lầm lỗi. Anh Công tâm sự: “Có những phạm nhân lao động yếu kém hơn so với những người khác, dù đã giáo dục nhắc nhở một vài lần nhưng thái độ chuyển biến kém. Khi tâm sự với gia đình thì được biết ở nhà được nuông chiều, bây giờ phải mất thời gian nhiều hơn so với người khác để làm quen với môi trường lao động. Biết được như vậy không nên ép họ mà phải dần dần điều chỉnh lại cho đến lúc họ làm được việc. Ngoài ra để họ chấp hành tốt, một trong những vấn đề quan trọng là đả thông tư tưởng, phải cư xử làm sao để họ cảm thấy thân thiện, công bằng và thấy được sự quan tâm của mình, dù chỉ là lời thăm hỏi, động viên”. “Với phạm nhân, dù thế nào mình vẫn phải luôn giữ được niềm tin và tạo được niềm tin. Mình phải đàng hoàng và đối xử với phạm nhân bằng cái tình sẽ nhận lại được sự trân trọng và tin tưởng” - Điều này đã được Trung tá Lê Phụng Hiểu đúc kết trong hơn 30 năm gắn bó với công việc quản giáo.

...

Gắn bó với công tác quản giáo, hàng ngày tiếp xúc với những con người một thời tội lỗi, điều khiến cho các cán bộ chiến sỹ Trại tạm giam số 2 luôn trăn trở là làm sao sau khi trở về cuộc sống đời thường, phạm nhân có thể tái hòa nhập tốt với cộng đồng và không trở lại con đường phạm tội. Hỏi các anh về công việc làm quản giáo có mang lại niềm vui không? - Có đấy! Thiếu tá Kim Văn Nghĩa tâm sự: “Một người hoàn lương trở về, đó chính là món quà dành cho quản giáo. Có khi đang đi ngoài đường thì một người chạy lại, hỏi thầy khỏe không? Chúng tôi tay bắt mặt mừng, người học trò của mình ngày xưa đây sao? Nói cười và kể chuyện, em đã lập gia đình, em đã đi làm…”. Thời gian cứ trôi, mặc dù các anh - những người cán bộ quản giáo chẳng ai thích có nhiều học trò nhưng như là một quy luật, sự khắc nghiệt của cuộc sống, lớp lớp học trò vào - ra, tồn tại ở đây khiến các anh bị cuốn vào guồng quay của công việc, ngày ngày đối mặt với cái ác, cái xấu; và bằng sự độ lượng, bao dung, các anh đã khơi lên ngọn lửa của niềm tin từ những tâm hồn lầm lạc.

Việt Cường - Quân.Trần