Những người chuyển giao ánh sáng

ANTĐ - Đó là những người đi vận động, lấy và bảo quản giác mạc từ người đã qua đời hiến tặng.  Theo anh Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt thì công việc này “nếu tính chi phí chỉ có lỗ không có hòa”.

Những người chuyển giao ánh sáng ảnh 1Tới tận nhà, trực tiếp thu nhận giác mạc từ một người vừa qua đời

“Lên đường bất cứ lúc nào”

Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 300.000 người bị mù do các bệnh giác mạc. Theo báo cáo của Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, cả nước có 30.000 người có chỉ định ghép giác mạc, tuy nhiên số lượng người hiến tặng giác mạc còn khan hiếm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt cho biết: “Nếu tính chi phí thì công việc của chúng tôi chỉ có lỗ. Nhờ tuyên truyền rộng rãi, hiện nay, Ngân hàng Mắt thu nhận giác mạc từ 235 người của 14 tỉnh thành phố, trong đó Ninh Bình là tỉnh có nhiều người hiến nhất”.

Dự án cung cấp giác mạc phục vụ điều trị các bệnh lý giác mạc ra đời từ năm 2005, được sự hỗ trợ của tổ chức ORBIS quốc tế. Ngày 28-5-2009, Ngân hàng Mắt chính thức thành lập với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền để người dân hiến tặng giác mạc; thu nhận, đánh giá, bảo quản và phân phối để ghép giác mạc cho những người mắc bệnh lý về mắt.

Việc hiến giác mạc sau khi qua đời có ý nghĩa nhân văn cao cả, giúp những người có bệnh lý về mắt có được ánh sáng để trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, chương trình vận động gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoàng giải thích: “Người Việt Nam quan niệm “chết toàn thây”, vì vậy, hiến một bộ phận cơ thể sau khi chết là điều hết sức khó khăn. Trên thế giới, Luật Hiến tặng mô tạng có từ mấy chục năm trước nên việc hiến tặng đơn giản hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, năm 2007, luật này mới có hiệu lực. Hơn nữa, người Việt có định kiến về hiến tặng nên số lượng giác mạc thu được từ cộng đồng rất ít so với những gì chúng tôi mong muốn”.

Không giống như việc hiến mô tạng khác, việc hiến giác mạc chỉ lấy được từ người đã mất và phải có sự đồng ý của người thân. Không ít lần người của Ngân hàng Mắt đến lấy giác mạc sau khi nhận được cuộc gọi từ gia đình, nhưng khi đến nơi thì lại bị từ chối…

“Người đã mất đồng ý hiến tặng nhưng chỉ cần một người trong gia đình phản đối, thậm chí nói “muốn lấy thì bước qua xác tôi” là hỏng việc. Chúng tôi gọi đó là “tai nạn nghề nghiệp”. Những trường hợp ấy chúng tôi rất buồn vì không thực hiện được nguyện vọng của người đã mất, các bác sỹ phải về “tay không” trong khi đó nhiều người đang chờ hiến”, ông Hoàng tâm sự.

Chia sẻ đặc thù và khó khăn trong công việc “chuyển giao ánh sáng”, Giám đốc Ngân hàng Mắt cho biết, họ lên đường bất kể lúc nào khi có người gọi vào đường dây nóng. Nhân viên Ngân hàng Mắt luôn tâm niệm làm sao đến nhanh nhất có thể dù chỉ có 3 người.

“Thu nhận giác mạc không thay đổi khuôn mặt của người hiến bởi chúng tôi chỉ bóc tách màng rất mỏng phía trước lòng đen của mắt người hiến và kỹ thuật lấy chỉ diễn ra 15-30 phút”, ông Hoàng khẳng định.

Kỷ niệm đầu tiên lấy giác mạc của cụ bà 83 tuổi

Trường hợp đầu tiên ở Việt Nam hiến giác mạc (vào ngày 5-4-2007) là cụ bà Nguyễn Thị Hoa, 83 tuổi ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tính đến nay, Ninh Bình là tỉnh, thành có số lượng người hiến giác mạc nhiều nhất, đặc biệt là huyện Kim Sơn.

Nhớ lại trường hợp này, ông Hoàng - lúc đó là cán bộ trẻ vừa đi học ở Ấn Độ trở về rất bất ngờ vì trường hợp đầu tiên lại ở Ninh Bình chứ không phải ở thành phố lớn. 

Ông tâm sự: “Mấy anh em lập tức lên đường sau khi nhận được điện thoại lúc hơn 6h sáng từ người thân bà cụ. Trên đường đi, mỗi người một tâm trạng, đồng nghiệp động viên tôi: “Hoàng ơi, cậu có căng thẳng không? Thoải mái đi”. Thực tình, trong thời gian học ở Ấn Độ, tôi đã thực hiện hơn 200 ca lấy giác mạc nhưng ở Việt Nam là lần đầu tiên. Tôi tự tin vào bản thân nên đáp lại: “Không sao, anh cứ yên tâm”.

Khoảng 40 phút thực hiện lấy giác mạc xong, mấy anh em thở phào nhẹ nhõm. Bước ra ngoài, áo chúng tôi ướt sũng như tắm vì trời mùa hè oi bức, hơn nữa rất căng thẳng. Việc lấy giác mạc đòi hỏi người kỹ thuật viên phải có tâm lý vững vàng, chịu đựng áp lực tâm lý tốt”.

Số lượng người dân hiến giác mạc còn hạn chế, để vận động cộng đồng hiểu và tình nguyện hiến giác mạc không phải “một sớm một chiều”. Với vai trò là người đứng đầu của Ngân hàng Mắt, ông Nguyễn Hữu Hoàng hy vọng có thể xây dựng được trạm vệ tinh để lấy giác mạc tại các tỉnh, thành phố. 

Việc lấy giác mạc tốt nhất trong khoảng thời gian từ 6-8 giờ sau khi người hiến tặng qua đời. Sau đó, giác mạc được bảo quản trong dung dịch đặc biệt với nhiệt độ từ 2-4 độ C và thời gian bảo quản tối đa 14 ngày. Bệnh nhân được nhận giác mạc không phải trả tiền giác mạc mà chỉ chi trả các chi phí vật tư tiêu hao, dung dịch bảo quản.