Những nghi án kỳ lạ từ chiếc bút bi bay mực

ANTĐ - Thế giới đang xuất hiện một loại bút bi bay mực được giới trẻ ưa chuộng bởi nó đáp ứng sở thích lạ - độc - công nghệ. Tuy nhiên, loại bút này không chỉ tiềm ẩn những nguy hại về sức khỏe mà còn bị các đối tượng phạm tội lợi dụng vào mục đích “lừa đảo”, chiếm đoạt tài sản hay lợi ích cá nhân.

Những bút bi bay mực này được giới thiệu là bút viết tự xóa sạch trơn mọi dấu vết sau 6 - 24 giờ

Chữ ký bỗng “bốc hơi”

Mới đây, trang Guangzhou Daily của Trung Quốc có đưa tin về một vụ lừa đảo tiền cho vay như một trò ảo thuật mới, mà nút thắt ở đây được xác định là chiếc bút bay mực đang được bán tràn lan trên thị trường. Chuyện là hai vợ chồng giấu danh tính đã kết hôn được 6 năm, hiện có con gái 3 tuổi. Cả nhà sống mãi cảnh thuê nhà, tích cóp bao nhiêu năm để cố mua một cái chung cư thu nhập thấp trả theo tiến độ. 5 tháng nữa mới phải đến hạn nộp tiền nhà. Nghĩ rằng số tiền đó để “nhàn dỗi” trong 5 tháng cũng phí, anh chị bàn nhau cho vay lấy lãi suất. Họ đã cho một người hàng xóm họ Wang 250.000 nhân dân tệ (39.600 USD). 

Lúc cho vay, anh chị có cẩn thận làm cả giấy tờ. Giấy vay nợ này được làm theo mẫu quy định và được in ra thành 2 bản. Những phần còn trống như: họ tên người cho vay - người vay, số tiền, lãi suất, hẹn ngày trả, chữ ký… được người chồng (chủ nợ) ghi rõ ràng, đầy đủ bằng chiếc bút bi; riêng phần chữ ký của người đàn ông họ Wang kia (người vay) lại bằng một chiếc bút khác. Theo lời chủ nợ tại cơ quan điều tra, khi đã viết xong phần của mình, anh có đưa bút cho người vay ký, nhưng người này từ chối, vì muốn ký bằng chính chiếc bút của mình. Xong xuôi, mỗi bên giữ một bản.

Hết tháng, người vợ có qua nhà người đàn ông họ Wang kia lấy tiền lãi suất. Chị chết đứng khi ông ta cãi bay cãi biến là… chưa từng vay tiền của vợ chồng anh chị. Chị định lôi chứng cứ “giấy trắng, mực đen” ra cho ra nhẽ. Nhưng thật không ngờ, người vay tiền cãi trắng: “Ơ hay tờ vay nợ này do vợ chồng anh chị tự viết, tự ký à? Bảo cho tôi vay, thế thì chữ ký của tôi đâu?”. Nhìn vào phần dành cho chữ ký của người vay nợ. Đó chỉ là một khoảng trống trắng, chữ ký của người vay tự dưng “bốc hơi”, không để lại bất kỳ dấu vết tẩy xóa nào. Và cuộc tranh cãi đã xảy ra. Thậm chí, người vay nợ cương quyết đưa vụ lừa đảo trắng trợn này ra tòa. Nhờ vào các phương pháp nghiệp vụ, cuối cùng cơ quan điều tra cũng làm sáng tỏ vụ vay nợ hy hữu có chữ ký người vay bỗng dưng “bay màu”.

Cơ quan cảnh sát cho biết, trên thực tế bút tàng hình đã bị lợi dụng trong một số vụ lừa đảo kinh tế, khi dùng để ký kết nhiều hợp đồng, séc và thỏa thuận cho vay giữa các cá nhân.

Nghi án sử dụng “bút bay mực” trong bầu cử

Tại Ai Cập, đang xuất hiện tin đồn về việc các cử tri tham gia cuộc bầu cử Tổng thống ngày 16-6-2012 vừa qua đã bị lừa dối khi được đưa cho những chiếc bút sử dụng mực có khả năng bay màu, khiến vết mực trên lá phiếu của họ dần biến mất trước khi phiếu được kiểm. Hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho những tin đồn nói trên. 

Lời cáo buộc về trò gian lận này bắt đầu xuất hiện chỉ 2 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng 2. Tawfiq Okasha, một người dẫn chương trình truyền hình theo cánh tả và luôn ủng hộ giới quân sự cầm quyền, đã cáo buộc Tổ chức Anh em Hồi giáo nhập khẩu 180.000 chiếc bút sử dụng mực có khả năng bay màu từ Ấn Độ. Ông tuyên bố rằng họ có ý định phân phát những chiếc bút này bên ngoài các điểm bỏ phiếu cho các cử tri mà họ cho là có khả năng sẽ bỏ phiếu cho ông Ahmed Shafiq - cựu Thủ tướng dưới thời ông Mubarak, trong cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống với ông Mohammed Mursi - ứng cử viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Tuy nhiên, Mahmoud Ghozlan, phát ngôn viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo, đã bác bỏ những cáo buộc trên. Farouq Sultan, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Tổng thống, nói rằng khi những tin đồn này lan truyền, Ủy ban đã yêu cầu Bộ Nội vụ cung cấp 50.000 chiếc bút để sử dụng tại các điểm bỏ phiếu. Ông Sultan và ông Ibrahim đều cho rằng những người phụ trách tại các điểm bỏ phiếu đã được chỉ dẫn không để cử tri sử dụng loại bút nào khác ngoài những chiếc bút được chính quyền cung cấp. 

Thẩm phán Mohammed el-Minshawi, chịu trách nhiệm giám sát một trung tâm bỏ phiếu ở quận Shubra el-Kheima tại thành phố Cairo, cho biết một người phụ nữ đã mang bút từ nhà đến vì bà thậm chí không tin tưởng những chiếc bút mà chính quyền cung cấp. Một người phụ nữ khác thì muốn đem lá phiếu của bà ra ngoài và đợi để chắc chắn rằng vết mực đánh dấu trên lá phiếu của bà không biến mất.

Còn ở Việt Nam?

Còn ở Việt Nam, hiện loại bút bi bay mực trong 24 giờ này đang rất “hút” giới trẻ, nhất là học sinh sinh viên. Không chỉ với mục đích giải trí “vui là chính”, nhiều bạn trẻ còn sử dụng các món đồ công nghệ này để... quay bài trong giờ kiểm tra, thi cử.

Khảo sát tại khu vực một số Trường Đại học, Cao đẳng Kinh tế, Sư phạm, Mỹ thuật… trên địa bàn Hà Nội được biết, loại bút này đã được các chủ cửa hàng bày bán trong thời gian gần 1 tháng qua. Tuy không công khai chào hàng nhưng chủ các cửa hàng vẫn chẳng có thái độ dè chừng, lén lút khi được hỏi mua. Một người bán hàng cho biết: “Bút đó mùa này bán chạy, chỉ sau “bút tàng hình” thôi. Tuần rồi mới lấy hơn 100 cây, nay đã bán hết veo. Bút này chép tài liệu mang vào phòng thi thì có trời mới biết”.

Theo quan sát, chiếc bút bi bay mực có kích thước và hình dáng giống như chiếc bút màu bình thường. Theo chủ cửa hàng ở đường Lê Thanh Nghị - Hà Nội cho biết: “Cái hay của loại bút này là rất dễ sử dụng, vì nó có thể “ngụy trang” như những chiếc bút khác nên học sinh có thể qua mắt giáo viên khi dùng loại bút này viết tài liệu những sự kiện lịch sử, công thức toán, lý, chuỗi phản ứng hóa học... Để chứng minh cho những lời mình nói, chủ cửa hàng đã đích thân “thực hành”, rồi bảo tôi mang về nhà sau 6 - 8 giờ nữa là biết kết quả, khi ấy quay lại mua không còn áy náy. Và đúng là những lời giới thiệu của chị chủ cửa hàng không sai.

Lướt qua một số trang web mua bán online như: vatgia, eway, 5giay, raovat247, 123mua… cũng thấy rao bán nhiều về chiếc bút bi bay mực, với những lời mời chào hấp dẫn. Kiểu như: Là loại bút có thể xóa sạch những gì đã viết ra mà không để lại một dấu vết nào. Sau khi bạn viết bằng loại bút này trên giấy hoặc bất cứ chất liệu gì thì sau 6 - 24 giờ, mực trên chất liệu đó sẽ tự động bay hết màu, trở lại ban đầu như khi bạn chưa viết, không để lại một dấu vết gì. Và có kèm theo chú thích: Mục đích sử dụng tùy thuộc từng người, chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ thiệt hại, hay lợi ích của sản phẩm…

Sự xuất hiện của loại bút bi bay mực trên khiến cho các em học sinh ỷ lại vào việc quay cóp, gian dối để được điểm cao. Đồ công nghệ này đều là sản phẩm trôi nổi có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Viện Hóa học, Viện Khoa học Công nghệ, loại “bút bay mực” này sử dụng mực vốn chủ yếu được dùng trong ngành dệt may và thủ công, tiềm ẩn những nguy hại liên quan đến sức khỏe người sử dụng. Không những vậy, hiện không ít người có ý đồ xấu lùng mua “bút bi bay màu” với mục đích “lừa đảo”.

Giữa tháng 6/2012, Ngân hàng Tiền Phong (TIENPHONG BANK) có gửi khách hàng thư ngỏ với nội dung chính là cảnh báo về việc sử dụng Bút bay mực. Trong đó có đoạn viết: Hiện tại loại bút bay mực trên thị trường Việt Nam phổ biến nhất với màu mực xanh… Việc sử dụng loại bút này dẫn tới rủi ro mất chữ ký trên các chứng từ gốc của khách hàng lưu tại Ngân hàng. Vì vậy, để đảm bảo phòng ngừa rủi ro, Ngân hàng Tiền Phong khuyến cáo tất cả các đơn vị có giao dịch trực tiếp với khách hàng lưu ý thực hiện.

Tính đến thời điểm này, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hại tổng thể của loại bút này trong cuộc sống (tính chất độc hại ở mực viết), môi trường học đường (chất lượng thi cử, dạy và học...) cũng như ẩn họa “lừa đảo”, chiếm đoạt tài sản hay vì mục đích cá nhân nào đó. Trước sự có mặt của loại “siêu bút” này trên thị trường cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.