Những mảnh đời "khát" hai tiếng Mẹ ơi

ANTĐ - Đã từng có nhiều chuyến công tác đến những trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhưng lần nào chúng tôi cũng ám ảnh bởi những đứa trẻ bị chính cha mẹ chúng ruồng bỏ. Những câu hỏi thường lặp lại trong đầu chúng tôi, không biết những người mẹ, người cha khi bỏ rơi con mình, có biết rằng ở những nơi như thế này, chúng vẫn luôn khát khao tình mẫu tử ruột thịt, luôn khao khát hai tiếng “Mẹ ơi”.
Những mảnh đời "khát" hai tiếng Mẹ ơi ảnh 1

7 năm chờ mẹ…

Chúng tôi đến Trung tâm bảo trợ người già và trẻ em tàn tật đóng trên địa bàn xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội vào một ngày tháng 10. Trước mắt chúng tôi là những đứa trẻ không lành lặn nhưng vẫn vô tư vui đùa, chạy nhảy. Một em nhỏ với đôi chân bị tật đang cầm nắm cơm, khi thấy chúng tôi, em bỏ cả nắm cơm, tấp tểnh chạy đến, miệng mếu máo gọi “Mẹ, mẹ”. Khi phát hiện không phải mẹ mình, em vội cụp đôi mắt buồn, cúi đầu quay lại…

Các nhân viên ở đây cho biết, em bé này lên Trung tâm đã được gần 7 năm. Em bị mắc căn bệnh về thần kinh, gần như không nhận thức được hành động của mình, nhưng có một điều đặc biệt là em luôn nhớ về mẹ và chiều nào cũng ra cổng Trung tâm đứng ngóng mẹ đến đón về. Nhưng 7 năm trời đằng đẵng trôi đi, em vẫn ở đây, vẫn lủi thủi mỗi chiều ngóng ở cổng mà chẳng có người mẹ nào ghé thăm…

Mới vào Trung tâm được 4 ngày, nhưng đây là lần thứ hai bé Nguyễn Mạnh Hùng bị bỏ rơi. Bé Hùng vẫn chưa kịp quen với các mẹ ở nơi đây nên chẳng chịu cho ai bế, luôn đứng nép ở một góc phòng mếu máo gọi mẹ. Khi chúng tôi hỏi, các cán bộ ở đây cho biết bé Hùng bị chính người mẹ ruột bỏ rơi khi tròn 8 tháng tuổi. Tưởng chừng may mắn đã mỉm cười với em khi em được một đôi vợ chồng đưa về nuôi dưỡng. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, chính cha mẹ nuôi của em không hiểu vì lý do gì lại từ chối nuôi dưỡng, trả lại cho chính quyền. Lần này, không còn như lần trước, 18 tháng tuổi, em đã phân biệt được người quen, người lạ. Nhìn khuôn mặt đẹp tựa thiên thần với đôi mắt mở to ngấn lệ dáo dác tìm mẹ khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Ở Trung tâm bảo trợ người già và trẻ em, có tất cả 30 trẻ bị bỏ rơi. 30 cuộc đời bất hạnh ấy tựa vào nhau mà lớn lên dưới sự yêu thương, đùm bọc của các mẹ ở Trung tâm. Chị Kiều Oanh, một cán bộ chăm sóc trẻ chia sẻ: “Các con ở đây bị bỏ rơi từ mới sinh đến vài tháng ở khắp mọi nơi trên khắp thành phố, nhưng nhiều nhất là từ các bệnh viện sản chuyển về. Có lẽ những đứa trẻ này đều được sinh ra từ lỗi lầm của người lớn, chính vì vậy họ không muốn chịu trách nhiệm về sự lầm lỗi đó mà bỏ lại cho xã hội”. 

Những đứa trẻ bất hạnh 2 lần

Ngoài 30 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi may mắn có một cơ thể lành lặn, tại Trung tâm hiện nay còn có tới 160 trẻ em tàn tật, trong đó có 80 em bị bại não. Những đứa trẻ này vừa mang khuyết tật cơ thể lại vừa bị thiếu tình thương ruột thịt, cơ hội được các gia đình nhận nuôi gần như bằng 0. Chị Kiều Oanh ngậm ngùi nói với chúng tôi: “Những đưa trẻ ấy bị bất hạnh đến 2 lần mà có lẽ tình yêu thương từ các cán bộ Trung tâm dù có lớn bao nhiêu cũng không thể đủ để khỏa lấp”.

Chúng tôi đến thăm nhà trẻ đúng lúc các em đang được ra ngoài vui chơi, tắm nắng. Gần 20 em tuổi từ 5-12 đang ngồi quanh đống đồ chơi, sắp xếp hình cầu với những đôi tay dị dạng, những khuôn mặt ngơ ngác.  Thông thường mỗi phòng gồm có 15-20 cháu và có 3-4 mẹ phụ trách. Các cán bộ ở đây tâm sự, chăm sóc trẻ em bình thường đã khó, chăm sóc trẻ em bị khuyết tật càng vất vả trăm bề. Từ việc ăn uống, chơi, ngủ đến nhu cầu vệ sinh cũng đều dựa vào các mẹ ở đây.

“Ngày nắng thì các em thần kinh không ổn định, bị tác động, lên cơn đập phá đồ đạc, cấu xé bản thân, nhưng thương nhất là vào mùa đông, khi những cơn gió lạnh tràn về, nhìn các con nằm ngủ cô đơn trên giường mà thương xót lắm. Dù các mẹ ở đây đã mang hết tình thương cố gắng chăm sóc, bù đắp nhưng dường như không thể khỏa đầy cái lạnh trong tâm hồn của các con” - một cán bộ Trung tâm chia sẻ. 

Hầu hết các nhân viên mà chúng tôi gặp tuy làm việc ở đây rất nhiều năm nhưng chẳng ai có ý định chuyển công tác hay bỏ việc bởi “người già neo đơn ở đây đã thấy tội thì những đứa trẻ này lại càng tội nghiệp hơn”. Chị Nguyễn Thị Mùi, đã công tác tại nhà trẻ sơ sinh được hơn 20 năm tâm sự: “Các con ở đây đã bị bố mẹ bỏ rơi khi hình hài không toàn vẹn nên chỉ còn có mỗi chúng tôi là chỗ dựa cuối cùng, thương lắm nên chẳng ai nỡ đánh mắng dù nhiều lúc áp lực cuộc sống và công việc cũng khiến chúng tôi mệt mỏi”. 

Đang trò chuyện với chúng tôi, khi nghe thấy tiếng khóc chị Mùi vội chạy đến bế bé tên là Đào Thị Trà Giang lên cưng nựng. Chị cho biết: “Bé này bị bỏ rơi khi 4 tháng tuổi, từ Bệnh viện Nhi Trung ương được đưa về đây. Bây giờ con đã được 8 tháng nhưng vì mắc căn bệnh bại não nên không nhận thức được xung quanh. Việc chăm sóc Trà Giang hết sức khó khăn, con khóc cả ngày lẫn đêm nên chúng tôi phải đặc biệt chú ý từ cách cho bé ăn, uống nước đến cách ngủ”. 

Ở những cũi bên cạnh, các em nhỏ khác chăm chú nhìn chúng tôi rồi đưa những đôi tay bé xíu về phía trước, miệng lắp bắp “bế, bế”, “mẹ, mẹ” khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng. Dù không nhận thức được đầy đủ cuộc sống nhưng từ sâu thẳm tâm hồn, các em vẫn thèm lắm vòng tay âu yếm của cha mẹ. Những điều rất đỗi bình thường với bao đứa trẻ khác lại đang là nỗi ước vọng, khát khao đến cháy bỏng của những đứa trẻ nơi đây. Các cán bộ ở đây tâm sự, dù thiếu thốn tình cảm nhưng dường như các em cũng hiểu được hoàn cảnh của mình nên rất ngoan, ít quấy khóc và cũng ít bệnh vặt hơn. 

Những hi sinh thầm lặng

Ông Phùng Công Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ người già và trẻ em tàn tật cho biết, Trung tâm hiện có 91 cán bộ, công nhân viên đang chăm sóc, nuôi dưỡng 360 đối tượng bảo trợ xã hội; gồm 170 người già và người tàn tật (trong đó có 30 người tàn tật nặng); 160 trẻ em tàn tật (trong đó có 80 trẻ bị bại não, bị đao) và 30 trẻ sơ sinh trên địa bàn thành phố. “Chúng tôi phải chia nhau quán xuyến chăm sóc mọi nhu cầu đi lại, vệ sinh, ăn uống 24/24h. Dù vẫn còn gặp nhiều những khó khăn, vất vả  nhưng ai cũng tâm niệm mình đang làm phúc, xoa dịu bớt nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh”.

Công việc vất vả lại cần sự sát sao nên nhiều cán bộ ở Trung tâm phải nhờ đến chồng hay bố mẹ hai bên chăm sóc chính con của mình để dành nhiều thời gian hơn cho những đứa trẻ tội nghiệp ở đây. Với họ, đơn giản chỉ là để hoàn thành trách nhiệm của lương tâm. Chị Kiều Oanh, người từng có 20 năm gắn bó nhà trẻ sơ sinh tâm sự: “Con mình ngoài bố mẹ còn có ông bà, anh chị. Những khi đau ốm thì được nâng niu, chăm sóc. Còn các cháu ở đây thì ngoài các mẹ ra chẳng biết bấu víu vào ai nên mình cứ phải cố gắng bù đắp cho các cháu. Nhiều lúc các cháu đau đớn hất tung đĩa bột, cào cấu, các mẹ chỉ biết ôm con rồi cùng khóc theo…”. 

Đối với các mẹ ở đây, ngày 20-10 hay 8-3 cũng có ý nghĩa rất đặc biệt. Dù vất vả với công việc thường nhật nhưng vào ngày này, các mẹ sẽ được các con tặng những món quà đặc biệt như hình bông hoa được vẽ từ đôi tay cong, khèo nguệch ngoạc, hay những vần thơ chẳng tròn câu… chỉ những điều giản dị đó thôi cũng như tiếp thêm sức mạnh để các mẹ có nghị lực vượt qua, tiếp tục công việc đầy gian truân mà cao cả của mình. 

Tiêu chuẩn của mỗi người già sống trong Trung tâm là từ 700.000-1.050.000 đồng/người/tháng; trẻ em là từ 700.00-1.750.000 đồng/cháu, trong khi vật giá leo thang nên việc đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho những thành viên ở Trung tâm không hề dễ. May mắn là Trung tâm thường xuyên được đón nhận những tấm lòng hảo tâm từ các nhà từ thiện.

Ông Phùng Công Lợi chia sẻ: “Có những người đang tâm từ bỏ đứa con mình đẻ ra, nhưng cũng có không ít nhà hảo tâm, không ít bạn trẻ đã tình nguyện tìm đến đây để chăm sóc, giúp đỡ các cháu mồ côi. Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của mọi người”.

Có một điều mà vị Giám đốc Trung tâm luôn mong muốn, đó là những bạn trẻ, những người đang trong độ tuổi nông nổi hãy một lần đến đây, trực tiếp nhìn thấy những mảnh đời này để họ sống tốt, có trách nhiệm hơn với chính cuộc sống của mình, hãy suy nghĩ chín chắn hơn trước mỗi việc làm của mình để không còn những đứa trẻ mang phận mồ côi phải đến những nơi này.