Những chuyện kỳ lạ về kho vàng của người Chăm

ANTĐ - Cho đến tận bây giờ, những câu chuyện nửa hư nửa thực về kho báu người Chăm ở khu đền tháp Đồng Dương (làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn truyền tai nhau với bao lời bỏ ngỏ. Ngày ngày, những kẻ săn tìm báu vật vẫn bất chấp hiểm nguy ngày đêm săn lùng, đào bới những ngôi mộ cổ, đền tháp, linh vật, đền thờ người Chăm ở Đồng Dương. Nhưng có ai biết rằng, chuyện kể “kho báu vua Hời” chỉ là truyền thuyết trong miền ký ức xa xăm.

Lời đồn đại và những hậu họa bất ngờ

Ông Trà Tấn Tôn, hậu duệ của người Chăm, đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thêu dệt về kho báu của người Chăm. Đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ Đông Dương đã phát hiện nơi đây 229 tác phẩm Đồng Dương quý hiếm bậc nhất nền văn hóa Chăm Pa cổ đại. Từ đó, tin đồn câu chuyện về kho báu vua Chăm được thêu dệt hết sức ly kỳ.

Những chuyện kỳ lạ về kho vàng của người Chăm ảnh 1

 Người dân địa phương và nhiều nơi khác vẫn tin rằng: nơi đây xưa từng là hầm đúc vàng của vương quốc Chăm Pa. Và họ tin rằng ngay dưới chân ngọn Tháp Sáng và rải rác khắp nơi khác hiện vẫn còn kho báu vàng và nhiều cổ vật quý mà vua Chăm từng chôn giấu cách đây nghìn năm. Huyễn hoặc hơn, khi nhiều người tin rằng vào mỗi đêm rằm, khi trăng tròn vạnh treo ngay đỉnh đầu của Tháp Sáng là lúc kho vàng cổ sẽ tự lộ thiên, vàng nhiều đến nỗi không đếm xuể.

Chuyện kể rằng, ban đêm còn có cảnh tượng từng miếng vàng Hời (vàng của người Chăm) rơi rớt khắp nơi, các cổ vật nghìn năm tuổi bằng vàng hình thù cổ quái tự chui lên khỏi mặt đất, “phơi mình” ngay bên con suối nhỏ. Ông Tôn là người già nhất làng còn nhớ chuyện về khu tháp cổ và những chuyện bí mật mà ông đã được người xưa truyền lại. Đó là những bóng “ma Hời” nơi tháp cổ, được đồn thổi là những người để bảo vệ kho báu của vua Chăm. 

Hay chuyện đào gạch từ tháp cổ về xây nhà thời sau giải phóng được lưu truyền là chỉ có con cháu mang họ Trà mới sử dụng được gạch Chăm lấy nơi tháp cổ và không được mang đi nơi khác. Nếu không phải là con cháu họ Trà, mà lấy gạch Chăm nơi tháp về xây nhà thì bị đau ốm. Chính vì vậy người dân ngoài họ Trà không ai dám đến lấy gạch. Nhưng sau đó chính quyền địa phương lấy gạch về xây dựng trường học, hợp tác xã. Rồi nhiều người không mang họ Trà vẫn vô tư lên tháp cổ đào bới chẳng thấy ai đau ốm. Thế là người dân ùn ùn kéo nhau về tháp cổ đào bới tìm gạch và tìm cổ vật, săn vàng Hời.

Dân làng Đồng Dương vẫn còn nhớ như in cuộc đào bới băm nát tháp cổ diễn ra vào năm 1978, khi một nhóm người đào bới trong khu tháp đã phát hiện một tượng đồng. Chính quyền địa phương lập tức lên tịch thu. Nhưng chuyện đồn thổi lan nhanh rằng họ đã đào được tượng đồng đen giá trị quý hơn vàng. Hai quả lựu trên hai bàn tay của bức tượng được người đào bới thu giữ. May nhờ công an xã đến tịch thu và cất giữ tại xã đến nay như một báu vật. Cuộc kiếm tìm đồ cổ, kho báu vàng Hời cứ thế tiếp diễn hết năm này qua năm khác. Khi cả khu tháp cổ gần như bị xoá sổ, những người tìm kiếm bắt đầu mở rộng công cuộc săn tìm ra khu vực xung quanh tháp trong bán kính khoảng 1 km đường chim bay.

Một người thợ kim hoàn nổi tiếng vùng đất Thăng Bình đã từng có một thời thu mua vàng Hời cho biết tuổi vàng Hời rất thấp, nên giá trị không cao. Bên cạnh đó, quan niệm buôn bán vàng Hời gặp xui xẻo nên rất ít người muốn mua loại vàng này. Nhiều người vẫn kể lại câu chuyện cách đây 20 năm trước, tại khu vực này, những người đào bới đã tìm thấy từng mảnh vàng, đồ trang sức, hạt vàng nhỏ trong đống gạch đất bị vùi sâu trên đỉnh núi Ngang. Từ đó, dòng người từ mọi nơi đổ về Đồng Dương ngày càng đông để nhận những kết cục bi thảm của những kẻ săn tìm vàng mãi đến hôm nay vẫn còn lưu truyền trong người dân địa phương. Nhiều người dân xem đó là những câu chuyện ám ảnh cả đời.

Chuyện phát hiện hũ vàng Hời trong lúc đi nhặt ve chai của anh em ông Thái (người địa phương) đến nay vẫn còn đó những câu chuyện nhuốm màu li kì. Sau đó chiếc ấm được bán cho một tiệm vàng ở Hà Lam. Kể từ đó anh em nhà ông Thái giàu lên, bỏ nghề rà tìm phế liệu. Nên chuyện đào được hũ vàng của anh em ông Thái cứ thế được đồn thổi đã khiến nhiều kẻ khát tìm kho vàng bắt đầu quay trở lại khu vực quanh tháp để tìm kiếm. Họ hy vọng sẽ tìm được những hũ vàng Hời tương tự như gia đình ông Thái. Nhưng không ai ngờ rằng, chỉ sau đó  một thời gian, anh em ông Thái bị chết tức tưởi trong một vụ tai nạn kinh hoàng trên quốc lộ 1A.

 Cũng là một câu chuyện đau lòng khác được thêu dệt sau khi một chủ tiệm vàng ở Hà Lam thường xuyên thu mua vàng ở tháp cổ nên sau đó con cái bị chết do tai nạn và bản thân chủ tiệm gặp rất nhiều tai nạn dẫn đến tán gia bại sản. May nhờ người chủ tiệm vàng biết được nên đã đem số vàng mua được bí mật chôn trở lại nơi tháp cổ. Kể từ đó gia đình mới yên ổn làm ăn và bản thân chủ tiệm vàng cũng đã tai qua nạn khỏi. Nhiều người cho rằng, kho báu người Chăm có một lời nguyền nên hễ ai đụng chạm đến sẽ bị trừng phạt.

Không riêng gì những kẻ săn tìm cổ vật và kho vàng gặp nạn, mà nhiều người mê cổ vật Chăm đã từng tìm đến tháp Đồng Dương để ngắm nhìn cũng bị quở trách. Cách đây vài năm tại Đà Nẵng, chuyện về hai “đại gia” lên tận Đồng Dương mua tượng Chăm cổ, trên đường về ban đêm đã đâm vào trụ điện một chết và một bị trọng thương được đồn thổi khiến những kẻ săn tìm phải run sợ.

Theo một người dân sinh sống ở làng Đồng Dương cho biết, trước đây người ngoài tộc Trà như ông mỗi khi đi qua tháp cổ đều cúi đầu không dám liếc mắt nhìn vì sợ những lời nguyền chết chóc còn truyền tụng. Thậm chí hót rác mục, hay lượm cây củi khô tại khu vực quanh tháp cũng không dám vì sợ gặp chuyện không may. Đúng như những gì ông kể, “chợt nhớ ngày còn nhỏ, mỗi khi trốn nhà lên khu tháp cổ hái sim, tôi vẫn còn nhớ như in lời người lớn dặn rằng không được mang bất cứ thứ gì trong khu vực tháp cổ về nhà”.

Chỉ là truyền thuyết

Theo truyền thuyết và phong tục, người Chăm khi chết được hỏa thiêu, không theo phong tục địa táng nên của cải khi chết cùng chôn theo. Bởi vậy, những ngôi mộ này ngụy trang để làm nơi cất giấu vàng. Câu chuyện những bóng “ma Hời” nơi tháp cổ Đồng Dương vào những đêm đen vẫn còn là nỗi ám ảnh hãi hùng. Những người già trong làng quanh tháp thường kể vào những đêm không trăng, họ thường thấy hàng đoàn người không đầu hiện lên than khóc, khiến khu tháp cổ Đồng Dương đối với chúng tôi càng thêm kỳ bí hoang đường đến khó tin.

Dù những câu chuyện ấy rên rỉ bên tai, nhưng những người săn lùng kho báu vẫn ngày đêm lén lút xâm nhập vào Đồng Dương với cơ may truy tìm được kho báu ngàn năm tuổi. Đến nay hầu hết các ngôi mộ cổ này đã gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Câu chuyện săn tìm mộ tìm vàng chấm dứt từ đây và để lại nhiều câu chuyện đau đáu nhói lòng.

Chính vì đức tin, lòng thành tuyệt đối của người dân nơi đây đến chủ nhân vùng đất này nên hễ ai lên nắm quyền cũng đều gìn giữ những di sản tổ tiên để lại. Việc lưu truyền và cất giữ cổ vật này tính đến nay đã được nhiều đời chủ tịch xã xem như là tôn chỉ hành động của mình.

Theo lời ông Trương Văn Việt, Bí Thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc chia sẻ: “Hễ vị nào đảm nhiệm chức Chủ tịch xã Bình Định Bắc, ngoài trách nhiệm của nhà nước giao phó, thì còn phải nhận một nhiệm vụ rất đặc biệt do dân làng giao phó là: Tiếp nhận và bảo vệ “vật báu” của làng Đồng Dương”. Và ông Việt cũng nhấn mạnh rằng: không hề có chuyện chôn giấu kho vàng nào ở đây, có chăng đó là “báu vật tinh thần” thiêng liêng nhất của cả làng là về vấn đề tôn giáo, họ tin rằng nếu ai đụng chạm đến sẽ bị trừng phạt thích đáng.

Tuy Trung tâm Phật viện Đông Nam Á đến nay không còn độ “siêu hoàng tráng” và “siêu quy mô” như trước đây; nhưng những gì mà lịch sử đã ghi nhận vẫn mãi trường tồn. Những câu chuyện nhuốm màu huyền bí vẫn còn đó trong niềm khắc khoải của biết bao thế hệ con cháu tộc Trà người Chăm trên vùng đất Thiêng Đồng Dương. Vẫn biết là câu chuyện “kho báu vua Hời” chỉ là truyền thuyết, cổ sử; nhưng ngày qua ngày, trên vùng đất này, những kẻ săn lùng cổ vật, kho báu vẫn ngày đêm nhòm ngó, lâm le để cố mong sao tìm được kho báu bí ẩn chôn giấu ngàn năm tuổi kia nơi Đồng Dương.