Những chuyện chưa từng biết về hành trình đi tìm bộ Atlas chứng minh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

ANTĐ - Từ năm 1993, đến nay cũng hơn 20 năm kể từ cái ngày Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội được giao chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ông khẳng định rằng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa là một trong những trang đẹp nhất, bi hùng nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam ta. Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, ông đã không mệt mọi đi khắp mọi miền Tổ quốc, rồi ra cả thế giới để tìm tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa. Một ngày cuối tháng 4-2014 ông trở lại châu Âu trong một hành trình đầy hấp dẫn và ly kỳ đi tìm bộ Atlas thế giới nguyên gốc có giá trị pháp lý quốc tế cao, bổ sung vào kho bằng chứng khổng lồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Ảnh chụp từ bộ Atlas thế giới - Brussels - 1827, quyển 2

Sự tình cờ ở paris 

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết hành trình trở lại châu Âu của ông là một sự tình cờ, là cơ duyên và chuyến đi được quyết định rất nhanh. Tất cả được chắp nối từ một người học trò của ông đang làm nghiên cứu sinh tại Paris, Thủ đô nước Pháp. 

…Như thường lệ, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải, đang làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại ĐH Paris 7 - học trò của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc vẫn thường xuyên lui tới Thư viện Quốc gia Pháp. Ngày hôm đó, đã trở nên vô cùng đặc biệt với chị Hải, mà sau này là với người thầy của mình khi chị tình cờ thấy 1 tờ rời vẽ vùng biển Việt Nam và Paracels (quần đảo Hoàng Sa) xuất hiện trong một cửa hàng sách cũ có bán rất nhiều bản đồ và Atlas cổ trước cửa Thư viện Quốc gia Pháp. Chị Hải đã chụp lại tờ rơi đó và gửi về cho thầy của mình - người mà chị biết  ông cả đời đi tìm tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. “Có nhiều năm nghiên cứu về bản đồ tôi nhận thấy ngay tờ rời trong nội dung bức ảnh Hải chụp lại là tấm bản đồ rất quý, tôi chưa từng thấy tấm bản đồ phương Tây nào thể hiện chủ quyền của Việt Nam ta rõ như vậy. Tôi lập tức gọi điện sang nhờ Hải mua lại tờ rời đó…” - GS Nguyễn Quang Ngọc kể lại - “Đó cũng đúng vào thời điểm tôi làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định các tư liệu về bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa cho cuộc triển lãm quốc gia tại Phú Yên do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức, tiện đấy tôi đã giới thiệu tờ rời này có tính chất nội bộ với Hội đồng thẩm định để cho ý kiến đánh giá một cách khách quan về giá trị của bản đồ này như thế nào. Tất cả các chuyên gia trong giới đều đánh giá đây là bằng chứng rất quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và cần phải nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của tấm bản đồ.

Quyết định được đưa ra rất nhanh, chỉ ngày hôm trước là hôm sau tôi lên đường. Ngày 29-4-2014, tôi lên máy bay và có mặt ở Paris (Pháp) và sau này là Brussels (Vương quốc Bỉ) - “chiến trường” quen thuộc của tôi vì năm nào tôi cũng có mặt ở đây, nhưng lần trở lại này mang một ý nghĩa và “sứ mệnh” vô cùng khác - đó là hành trình đi tìm bộ Atlas thế giới quý giá. Thời gian ngắn, công việc nhiều, trước khi đi tôi đã liên lạc với những chuyên gia có mối thân tình từ trước để đề nghị giúp đỡ như GS Philippe Papin, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, GS Emmanuel Poisson, ĐH Paris 7… Người đồng hành với tôi trong hành trình đi tìm bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen không ai khác chính là cô học trò Nguyễn Thị Hải. 

Bộ Atlas vĩ đại nằm ở trường Đại học Y Paris

Sau khi tìm ra tờ rơi mà Hải tình cờ phát hiện nằm trong bộ Atlas thế giới vĩ đại được xuất bản đầu thế kỷ XIX, tôi đã trao đổi với Hải về việc đi sâu tìm nguồn gốc cũng như nghiên cứu đánh giá giá trị của tài liệu này - đó là tư liệu có tính quốc tế cao mà Việt Nam đang rất cần, việc có được bản gốc là hết sức giá trị. Khó khăn chúng tôi vấp phải đầu tiên đó chính là thời điểm tôi có mặt ở Pháp đúng vào dịp nghỉ lễ nên họ đi nghỉ hết. Nhiều lúc họ nói rằng chỉ rảnh khoảng 15, 20 phút cuối giờ chúng tôi cũng phải “xông tới” để  tiếp cận, tranh thủ từng chút thời gian quý báu một. Điểm tiếp cận đầu tiên chính là thư viện trường Đại học Y Paris khi chúng tôi nắm được thông tin ở đây có 1 bộ Atlas gốc. Lúc đầu tôi thấy hơi lạ và đặt câu hỏi tại sao nó lại nằm ở trườngY? Nhưng khi đến mới biết Y học là ngành học truyền thống lâu đời, đỉnh cao của Pháp; cũng chính nơi đây đang lưu giữ rất nhiều những thành tựu lớn của khoa học Pháp và thế giới. Ở đây, chúng tôi đã làm thủ tục để vào nghiên cứu trực tiếp bộ Atlas gồm trọn bộ 6 tập hoàn chỉnh được lưu giữ từ thế kỷ XIX đến tận bây giờ có đầy đủ dấu của thư viện… 

Rời trường ĐH Y Paris, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Thư viện Quốc gia Pháp. Tại đây đang lưu trữ 2 bộ, 1 bộ hoàn chỉnh trọn 6 tập của Hoàng tử Bỉ là cháu ruột Hoàng đế Napoleon Bonaparte còn nguyên dấu từng tờ bản đồ từ xưa. 1 bộ rời chỉ còn khoảng ¼ (99 tờ), nhưng quý ở chỗ là những tờ chúng ta cần để nghiên cứu lại có đủ. Quyết tâm phải đi đến tận gốc của tư liệu, qua tìm hiểu, tiếp xúc nhiều nơi chúng tôi biết chắc chắn bộ Atlas được in tại Vương quốc Bỉ năm 1827. Và cuộc hành trình tiếp tục… 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải trao đổi với ông chủ hiệu sách cổ Sandures, TP Gent, Vương quốc Bỉ

Sở hữu một bộ gốc đầy đủ

Rời Paris chúng tôi có mặt tại Thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ - quê hương của nhà địa lý kiệt xuất Phillippe Vandermaelen - tác giả của bộ Atlas thế giới. Đúng thật, ở Thư viện Hoàng gia Bỉ hiện còn đang lưu giữ 2 bộ, 1 bộ rời còn nguyên vẹn 381 tờ và 1 bộ được đóng thành quyển 6 tập hoàn chỉnh. Trong hành trình sang Bỉ, chúng tôi còn có cơ hội và dành nhiều thời gian trực tiếp nghiên cứu 1 bộ nữa ở Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ. Tại đây, tôi nhận thấy bộ gốc Atlas thế giới ở Bỉ và Pháp hoàn toàn giống nhau và được xuất bản từ năm 1825-1827. Tại Thư viện Hoàng gia Vương quốc Bỉ, chúng tôi có dịp làm việc với chuyên gia nghiên cứu Marguerite Sylvestre, bà là người đã dành cả đời nghiên cứu về bộ Atlas của Phillippe Vandermaelen thì được biết năm 1825, Philippe Vandermaelen bắt đầu thực hiện kế hoạch vẽ và xuất bản bộ Atlas thế giới; cũng là bộ Atlas đầu tiên trên thế giới được vẽ chung cùng một tỉ lệ, với kích thước lớn, in bằng công nghệ li-tô… Bộ Atlas của Philippe Vandermaelen bao gồm 381 tờ với 6 tập trong đó Việt Nam có 4 tờ và một chú thích về Vương quốc An Nam vẽ năm 1826.

Đã thấy một tài liệu vô cùng quý giá nhưng để mua được ở đâu một bản gốc đầy đủ trọn bộ 6 tập để đưa về Việt Nam là câu hỏi trăn trở tôi nhiều nhất trong cuộc hành trình tính đến dấu mốc này. Lúc đó chúng tôi biết hiện nay ở bên Mỹ đang rao bán 1 bộ có giá 63.000 Euro; ở bên Đức và Pháp cũng rao bán 1 bộ đặt giá tương đương nhau khoảng 48.000 Euro; và ở thành phố Lyon nước Pháp có 1 bộ thiếu tập 6 Châu Đại Dương bao gồm các vùng Đông Nam Á, hải đảo như Malaysia, Indonesia, Philippines… có liên quan đến Biển Đông của chúng ta giao bán với giá 28.000 Euro, chúng tôi đã mặc cả nhưng họ nhất quyết không bớt. Việt Nam ta nằm ở tập 2, cơ bản là đầy đủ, nhưng để nghiên cứu 1 cách tổng thể thì bộ thiếu này khiến chúng tôi không thỏa mãn. Trong lúc đang suy nghĩ, tính toán thì cơ duyên một lần nữa lại đến với chúng tôi khi ở tại một hiệu sách cổ với tuổi đời hàng trăm năm có tên Sandures ở địa chỉ số 32 Nederkouter ở thành phố Gent, Vương quốc Bỉ “phát đi 1 tín hiệu quảng cáo” có bán trọn 1 bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen. Không suy nghĩ nhiều, để tranh thủ thời gian chúng tôi lập tức lên đường. Cùng với đó, tôi đã mời các chuyên gia quốc tế về địa lý học, bản đồ học, sử học, luật học, thư viện học, văn bản học… cho ý kiến và thảo luận, thống nhất đánh giá để có cơ sở xác định bộ Atlas thế giới của hiệu sách cổ Sanderus là bộ gốc, xuất bản tại Brussels năm 1827. Khi đã được đánh giá một cách khách quan nhất đây chính là bộ Atlas nguyên gốc, chưa hề bị sửa đổi, hay bị thay đổi cũng là kết quả cuối cùng quan trọng nhất của chúng tôi trong cuộc hành trình lần này: Đó là chúng ta đã sở hữu được 1 bộ gốc đầy đủ”. 

GS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, trong bộ Atlas thế giới, nhà địa lý học Philippe Vandermaelen cũng thể hiện rõ ràng đường biên giới của Trung Quốc. Cụ thể, tấm số 98 vẽ đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc và điểm cực Nam của Trung Quốc kết thúc ở vĩ độ 22. Còn đường biên giới biển của Trung Quốc chỉ đến phía trên vĩ tuyến 18. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc và các bản đồ phương Tây đều cho thấy cực Nam của Trung Quốc là ở đảo Hải Nam, trên vĩ tuyến thứ 18. Và cách thể hiện biên giới của Trung Quốc tại Atlas của Philippe Vandermaelen cũng trùng với tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (1904), hai bản đồ này đều thể hiện cực Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Còn khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là của Việt Nam. Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen được coi là một tài liệu có giá trị khoa học chuẩn mực, khách quan, là bằng chứng hùng hồn, khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974. Hơn cả, đây còn là tài liệu vô giá, có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc  đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Bằng chứng khách quan, chính xác, có giá trị pháp lý quốc tế 

Những chuyện chưa từng biết về hành trình đi tìm bộ Atlas chứng minh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ảnh 3
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc bên bộ Atlas thế giới của nhà địa lý học kiệt xuất người Bỉ Philippe Vandermaelen

Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Brussels là một bằng chứng hùng hồn về giá trị pháp lý quốc tế cao, bổ sung vào kho bằng chứng khổng lồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đã về tới Việt Nam theo một hành trình như thế. Là một trong những người có công sưu tầm, nghiên cứu và đưa bộ Atlas thế giới về Việt Nam, GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết: Theo tập bản đồ này, Việt Nam được giới thiệu trong các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 đều có ghi chú rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) thuộc chủ quyền của Đế chế An Nam (Empire d’An-nam). Tờ bản đồ “Partie de la Cochinchine” (tờ số 106 - châu Á) là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa đã được quốc tế ghi nhận. 

Tờ bản đồ “Partie de la Cochichine” vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tương đương với tỉnh Khánh Hòa hiện nay, mà trên bản đồ có địa danh BINK-KANG (Bình Khang) và NHIATRANG (Nha Trang) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tương đương với tỉnh Quảng Nam hiện nay, mà trên bản đồ ở phía ngoài bờ biển có địa danh CHAMPELLA (Cù Lao Chàm). Phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Quần đảo Paracels trong bản đồ có các đảo I. Pattles, I. Duncan ở phía Tây; Tree. I và I. Lincoln, Bocher au dessas de l’eau ở phía Đông và Triton ở phía Tây Nam, ngay dưới vĩ tuyến 16; Investigateur ở sâu xuống phía Nam khoảng vĩ tuyến 14,5 và đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10m còn kéo dài đến vĩ độ 14, ngang với QUIN HONE (Quy Nhơn) nằm ở phía trong đường bờ biển. Bên cạnh khu vực được xác định là Hoàng Sa (Paracels), bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’An-nam), bao gồm các nội dung Phisique (tự nhiên), Politique (chính trị), Statistique (thống kê) và Minéralogie (khoáng sản)…