Nhớ Đô đốc Giáp Văn Cương - người đi hết biển

ANTĐ - Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh trăm trứng! Năm mươi người con lên rừng, năm mươi người con xuống biển không phải một sự ngẫu nhiên mà là hiện thực nối dài truyền thống con dân vua Hùng nước Việt trải từ đời nọ tới đời kia qua bao thế hệ, trùng trùng nhịp bước quân đi… Trong dòng chảy vô cùng ấy, Đô đốc Giáp Văn Cương là một nhân chứng, cái gạch nối của nhiều thế hệ. Ông đã lên rừng và cũng là người con xuống biển. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến vị tướng già tận tụy đến hơi thở cuối cùng, Đô đốc đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Nhớ Đô đốc Giáp Văn Cương - người đi hết biển ảnh 1Từ năm 1984 - 1990, do tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến xấu, Đô đốc Giáp Văn Cương đã được Bộ Quốc phòng điều động làm Tư lệnh Hải quân lần thứ hai (lần đầu từ 1977 - 1980)

Dòng sông nuôi lớn tuổi thơ tôi 

Sông Lục Nam cứ đầy vơi cùng năm tháng, dòng chảy mang nặng phù sa cho ta những tâm hồn dịu ngọt! Quê hương ông – xã Bảo Đài, Lục Nam, Bắc Giang, xứ sở của câu ca quan họ, có câu hát đồi là chuyện của làng trên xóm dưới, lời hát giao duyên liền anh liền chị cho đôi trẻ nên vợ nên chồng. Lặn ngụp tắm mát tuổi thơ trong dòng chảy hiền hòa, thơ mộng, thắm đậm từng khúc ru ca lòng mẹ! Trưởng thành trong lời ca “giã bạn” để lòng người bịn rịn lúc xa quê.

Giáp Văn Cương được sinh ra vào một ngày mùa thu năm 1921, trong một gia tộc thuộc bề trên, dư dả về của cải vật chất và cũng giàu có tấm lòng nhân ái, sẻ chia! Khác với những người thuộc lớp kì hào gian tham độc ác, ông bà thân phụ của Giáp Văn Cương được tiếng trong cả vùng là người sống đức độ, biết thương người. Đặc biệt, vốn liếng đáng quý của hai cụ là giàu lòng yêu nước, nhiệt thành ủng hộ kháng chiến Cách mạng, mang tiền của giúp đỡ phong trào, che giấu cán bộ hoạt động trong lòng địch.

Trong cái nhìn xa trông rộng của cha mẹ, đặt kỳ vọng vào cậu con trai Giáp Văn Cương, ông bà đã gửi cậu về Hà Nội học trong một trường có tiếng ngày ấy. Giáp Văn Cương, học sinh trường Bưởi “xem cây viết quả”, kế thừa gia tài từ “bài ca đạo lý dạy trong luân thường” của các cụ chăm sóc nuôi dạy. Giáp Văn Cương được thành toàn về tâm thức nay được học hành đến nơi đến chốn, đã vững vàng bản lĩnh của người được tu nghiệp học hành. “Tâm thức – tri thức” là hành trang giúp ông có đôi chân vững vàng bước vào đời. Ông tự nhủ: “Có tâm thức mà không tri thức là tâm thức chết, tri thức mà không có tâm thức thì chỉ hủy hoại tâm hồn mà thôi!”. 

Từ mái trường Bưởi danh tiếng, cậu học sinh Giáp Văn Cương đã được tiếp xúc, thân gần với nhiều tầng lớp tri thức yêu nước, giác ngộ Cách mạng với nhiệt huyết tuổi trẻ. Sớm có lòng yêu nước nồng nàn, Giáp Văn Cương chán ghét chế độ thực dân hà khắc. Bước chân đầu đời, ông đã rời bỏ quê hương từ Bắc vào Nam lập nghiệp bằng kiến thức và sự am tường công việc. Ông đã ngồi vào vị trí trưởng ga Diêu Trì, một ga lớn thuộc Nam Trung Bộ ngày ấy, cơ hội thuận tiện cho ông được tham gia vào Ủy ban Khởi nghĩa ở thị xã Quy Nhơn. 


Nhớ Đô đốc Giáp Văn Cương - người đi hết biển ảnh 2Đô đốc Giáp Văn Cương kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo Thuyền Chài năm 1988
(ảnh tư liệu)

Màu cờ tôi yêu

Bước chân của người chiến sĩ lấy binh làm nghiệp lặn lội qua mọi miền Tổ quốc, có mặt ở nhiều chiến trường… ông tập kết ra Bắc rồi lại vào Nam... Từ một anh lính bộ binh, qua nhiều binh chủng, đến người chiến sĩ hải quân giữ biển, Giáp Văn Cương thực sự là một nhân chứng sống động về truyền thuyết bước chân lên rừng - xuống biển. 

Như dòng suối chảy về sông

Muôn sông cũng một biển Đông quê nhà

Trọn quãng đời binh nghiệp còn lại của Giáp Văn Cương là hóa thân vào từng con sóng, ánh mắt như ngọn hải đăng dõi theo từng cọc tiêu, mốc biển “thẩm thấu cho một lối đi, về”. Mang tâm tình biết ơn, vinh danh công trạng của Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, Thượng tướng Đô đốc Hải quân đầu tiên Giáp Văn Cương nói riêng thì “lời lẽ nào nói cho đủ - giấy bút nào chép cho xong”. Xin được mượn trời xanh làm giấy - lấy biển xanh làm mực mà vinh danh, ngợi ca truyền thống dân tộc Việt Nam! Mãi mãi còn đó những tên làng, tên núi, tên sông, đặt tên trên từng biển đảo.

Có tình yêu nào lại gọi nhau bằng máu lửa đạn bom. Tình yêu đích thực là chúng ta cùng chung tâm tình nhìn về một hướng Biển Đông. Khi bình minh ló rạng, soi tỏ quốc kỳ Việt Nam lộng gió tung bay trên cột mốc kiên vững, khẳng định chủ quyền lãnh hải biển đảo quê hương trọn vẹn, bất biến trong từng dấu chấm phẩy. Mặn mà trong nắng gió thương yêu mà đẹp tựa trong sách xưa...

Một tấm lòng trân trọng tôi yêu! Thượng tướng Đô đốc Giáp Văn Cương, những mong tâm bút trong tản văn này như thể thắp ngọn nến lòng! Cùng hoa sóng đại dương kính nhớ về ông, “người đi hết biển”, hóa thân vào biển cả. Xanh mãi khúc hoan ca là tình yêu lính biển…

Hiện hữu hình bóng những cuộc đời, dặm trường bước chân hòa trong cánh sóng qua những thăng trầm khúc nhôi buồn… vui cùng dòng sử. Ông đã góp phần đời tận hiến với biển đảo bằng mọi công sức, nỗ lực… và những giọt mồ hôi của ông đã thêm phần cho “biển mặn” quê hương, đã lên men muối cho đời! Giáp Văn Cương đẹp mãi trong hoa sóng đại dương…