Người viết thư thuê xuyên thế kỷ

(ANTĐ) - Giữa Sài thành hối hả, vẫn có những người tìm đến một góc tĩnh lặng ở Bưu điện trung tâm để gặp ông-người viết thư thuê lâu năm nhất của Việt Nam-để từ đó, những câu chuyện buồn vui, hạnh phúc và mất mát, viên mãn và khổ đau… lại được truyền đi qua những cánh thư.

Người viết thư thuê xuyên thế kỷ

(ANTĐ) - Giữa Sài thành hối hả, vẫn có những người tìm đến một góc tĩnh lặng ở Bưu điện trung tâm để gặp ông-người viết thư thuê lâu năm nhất của Việt Nam-để từ đó, những câu chuyện buồn vui, hạnh phúc và mất mát, viên mãn và khổ đau… lại được truyền đi qua những cánh thư.

Gặp lại cố nhân

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh và “Người viết thư thuê” Dương Văn Ngộ tại Bưu điện Trung tâm thành phố Sài Gòn
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh và “Người viết thư thuê” Dương Văn Ngộ tại Bưu điện Trung tâm thành phố Sài Gòn

Đại sảnh của Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là một không gian văn hóa rộng lớn, mát mẻ và tĩnh lặng. Trên tường cao là hai tấm bản đồ lịch sử mang tên: Saigon et ses environs, 1892 và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936. Từ xa chúng tôi đã nhận ra ông cụ: mái tóc bạc, cặp kính lão dày cộp, tấm áo sơ mi trắng cộc tay, cổ cồn tươm tất, một tay ông cầm kính lúp đang chậm rãi soi trên cuốn từ điển cũ mèm, tay kia hý hoáy viết. Đã vài chục năm nay ông cụ ở tuổi 81 ấy vẫn miệt mài viết thư “mướn” cho khách như một nếp quen.

Chờ ông tiếp xong 2 người phụ nữ một trẻ, một già với vẻ mặt lo âu, phấp phỏng… chúng tôi mới đến chào. Bắt tay chúng tôi, ông cụ vui như gặp lại người thân. Biết tôi muốn viết một bài báo, ông rất sẵn lòng. Tôi biếu ông chút quà Bắc - gói trà Thái Nguyên chính gốc loại ngon. Ông nhận và cảm ơn bằng một câu hỏi rất lịch lãm: “Vì sao tôi lại được hân hạnh này?” Chúng tôi cùng cười. Đoạn, như để vào chuyện, ông cụ lật nhanh mấy trang từ điển có đánh dấu sẵn, rồi nói như khoe về công việc dịch thuật, những từ địa phương chưa có trong từ điển mà ông sưu tầm được đã cẩn thận “chua” thêm vào lề sách phòng khi dùng tới.

Ông đưa tay sửa lại cặp kính lão rồi lắc đầu phàn nàn về cái sự dân ta chưa có thói quen viết địa chỉ người gửi, người nhận và dán tem đúng vị trí của bì “thơ” mà bưu điện đã mất công in sẵn…. Tôi hỏi ông về ý nghĩa của mẩu giấy nhỏ có dấu tròn in số 700.000 của bưu điện, ông chỉ cười. Tôi đọc kỹ mẩu giấy: “Bưu điện Trung tâm Sài Gòn - Thẻ gửi xe miễn phí”.

Có lẽ những người đến với ông đều được Trung tâm bưu điện Sài Gòn ưu đãi bằng việc miễn phí tiền gửi xe. Chúng tôi bàn về việc đem những bức thư ông viết để in thành sách thì ông giãy nảy lên như bị kiến đốt. Rồi ông cụ nói dứt khoát: “Không, vì đó vi phạm pháp luật về bí mật thư tín, điện tín, điện thoại. Tôi tuyệt đối không lưu bản nháp và cũng không khi nào đem thư của khách về nhà viết, nhất nhất phải viết trước mặt họ, chứ in ra thành sách thì đâu có được!”.

Ông còn một niềm vui và hạnh phúc của nghề nghiệp mà ít người có được, đó là trong khi viết giùm thư, ông được nghe hàng ngàn câu chuyện vui buồn, hạnh phúc và cả những bi kịch khổ đau của cuộc đời mỗi con người mà nhất là đời con gái... Ông cũng từng tìm kiếm con rơi cho các binh sĩ Mỹ và họ hàng của các công dân Việt Nam, lưu lạc sau chiến tranh… Suốt hơn 20 năm làm nghề viết thư thuê, ông đã biết và sẻ chia khổ đau, những bí mật “sống để bụng, chết mang theo” của nhiều khách hàng. Đôi khi cũng có tin vui chợt đến, đó là chính ông lại nhận được những lá thư, những lời cảm ơn rất thú vị từ những quốc gia ít khi được nhắc tới gửi về địa chỉ người nhận rất đỗi tự hào: To: “Người viết thư thuê”, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, số 2, đường Công Xã Paris, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Hơn 31.000 câu chuyện

Đại sảnh Bưu điện trung tâm Sài Gòn với tấm bản đồ miền Nam trên tường
Đại sảnh Bưu điện trung tâm Sài Gòn với tấm bản đồ miền Nam trên tường

Thấm thoát đã 15 năm, ngày ấy tôi làm việc ở Vũng Tàu, đều đặn hàng tuần như đã thành lệ, về Trung tâm Bưu điện Thành phố để gửi thư hoặc quà ra Hà Nội cho gia đình. Bẵng đi một thời gian không gặp ông, vì tôi chuyển hẳn về Hà Nội. Vài năm gần đây, báo chí trong và ngoài nước có nói đến ông như một người viết thư thuê duy nhất ở nước ta hiện hữu như một chứng nhân hiếm hoi còn sót lại ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, hình ảnh về ông, những kỷ niệm xưa cũ bỗng thấp thoáng hiện về trong tôi.

Ông có tên đầy đủ là Dương Văn Ngộ, năm nay bước sang tuổi 81. Sinh ngày 3-3-1930 vào lúc 3h sáng, người ta bảo ông có duyên với con số 3. Năm 17 tuổi ông vừa đi học, vừa làm thêm tại Bưu điện Sài Gòn, nay là Bưu điện Trung tâm TP.HCM. Đến năm 22 tuổi, ông tự tin bước vào nghề với tấm bằng Trung học Pháp văn, được nhận vào làm việc chính thức tại Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, nơi trước đó ông đã có gần 6 năm làm nhân viên tập sự.

Sau 43 năm đắm đuối với nghề, ông chưa bao giờ nghỉ một ngày làm việc, kể cả trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất. Ông Dương Văn Ngộ là người cần cù học tập, siêng năng làm việc và trở thành một nhân viên mẫn cán, mẫu mực của Trung tâm Bưu điện Sài Gòn. Năm 1990, đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vì nhớ nghề, quyến luyến nơi mình đã gắn bó suốt nửa đời người nên ông Ngộ đã viết đơn trình bày “Ý tưởng” về người viết thư giùm lên lãnh đạo Bưu điện Trung tâm Sài Gòn và đã được giám đốc chấp thuận. Trung tâm đã ưu ái dành cho ông một chỗ ngồi nơi công cộng, tiện lợi và mát mẻ để ông thực hành công việc viết thư thuê. Người nước ngoài gọi ông là “public writer”.

Từ đó, ông Dương Văn Ngộ với vốn “tự có” là nói và viết thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ và chiếc cặp da đen chứa gần 20kg “đồ nghề” gồm: những cuốn từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp, bút, sổ tay, chai nước… Và quan trọng nhất là chiếc kính lúp, giúp ông nhìn rõ những con chữ mà khi mắt kém dần.

Hành trang ấy, đã cùng ông đi qua chặng đường dài hơn hai thập niên và xuyên qua 2 thế kỷ.

Hằng ngày, ông bắt đầu công việc từ 8h sáng và kết thúc lúc 16h. Nơi làm việc của ông treo cái biển nhỏ với vỏn vẹn 6 chữ: “Nơi chỉ dẫn và viết giúp”, trên mặt bàn xếp gọn gàng giấy, bút, từ điển Anh-Pháp-Việt cùng nhiều sách địa lý Việt Nam và thế giới. Từ chiếc bàn này, những lá thư viết giùm sẽ bay đi khắp các địa chỉ trên thế giới: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hungary...

Cứ tính con số thấp nhất thì mỗi tháng trung bình ông làm việc 22 ngày, mỗi năm làm việc 264 ngày và mỗi ngày bình quân ông viết 6 bức thư, như vậy trong suốt 20 năm ông đã viết khoảng 31.680 bức thư. Đổ đồng mỗi bức thư tương đương với 1 trang sách theo khổ thông dụng là 14,5 x 20,5cm. Như vậy, “bản thảo” của ông Dương Văn Ngộ đã lên tới 31.680 trang.

Nếu bản thảo “Người chứng kiến Chuyện tình 20 năm” của ông Dương Văn Ngộ được xuất bản thì sẽ phải in thành 32 tập, mỗi tập dày khoảng 1.000 trang; hoặc 64 tập mỗi tập dày 500 trang.

Đinh Quang Tỉnh