Người phụ nữ nuôi con "nhặt được" gạt nước mắt đi hỏi vợ cho chồng

ANTĐ - Lấy chồng đã lâu nhưng chẳng thể sinh con, người đàn bà tội nghiệp bất đắc dĩ phải để cho chồng đi tìm niềm vui mới. Vun đắp hạnh phúc mới cho chồng được một thời gian thì chính bà bị hắt hủi ra khỏi nhà, phải sống cuộc sống nhiều tủi cực đến mãi sau này. Thế nhưng, với tình thương và sự bao dung, người phụ nữ bất hạnh tìm thấy niềm vui đời mình ở đứa con gái tật nguyền “nhặt được”.
Người phụ nữ nuôi con "nhặt được" gạt nước mắt đi hỏi vợ cho chồng ảnh 1

Bà Hòa kể lại chuyện đời mình

Mảnh đời buồn 

Hỏi mãi, người dân địa phương mới chỉ đến ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Hòa (60 tuổi, ở xóm Đông, thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Nơi ấy ngày ngày có bóng dáng một người phụ nữ tảo tần, đem lòng bao dung và tình yêu của mình truyền cho đứa con gái tật nguyền “nhặt được” trong một lần tình cờ. Bà Hòa sinh ra trong gia đình lao động nghèo có 8 anh chị em.

Hồi nhỏ bà Hòa chỉ được học biết chữ rồi nghỉ để bươn chải mưu sinh bằng đủ thứ việc. Năm 20 tuổi, bà Hòa lấy chồng nhưng cuộc sống lại vất vả, khó khăn hơn trước rất nhiều. Thời gian đầu cuộc sống của hai vợ chồng cũng hạnh phúc, thế nhưng sau này gia đình bắt đầu lục đục mà nguyên nhân là hai người chung sống đã lâu mà vẫn chưa có con.

Không sinh được con, bà Hòa bị gia đình dị nghị, chê trách nên khổ tâm rất nhiều. Sự việc càng trở nên căng thẳng hơn khi gia đình chồng bà chỉ có mỗi mình ông là con trai. Sau 10 năm chung sống mà vẫn không sinh được con, bà bàn với chồng đi xin một đứa trẻ bị bỏ rơi ở trong thôn về nuôi. Có con trẻ trong nhà, hai vợ chồng ai cũng vui mừng, ngày ngày quấn quýt bên con. Tuy nhiên, 3 năm sau thì hai người phát hiện ra đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Đứa trẻ bị tật nguyền, lại thường hay đau ốm, cuộc sống chẳng những khổ cực mà càng thêm nặng nề.

Thấy vợ không sinh được con lại nhận nuôi phải đứa bé bệnh tật, người chồng đâm ra chán nản rồi đem lòng thương một người phụ nữ trong thôn. Ngày biết chồng lén lút bên ngoài, bà Hòa buồn khổ vô cùng, nghĩ đời mình sao bất hạnh. Nhưng bà nghĩ lại bản thân mình vì không cho chồng đứa con, không làm tròn trách nhiệm người vợ nên đành nuốt nước mắt vào trong. “Mình cứ nghĩ thôi thì chịu đựng cho chồng tìm niềm vui bên ngoài. Không ngờ ông ấy làm cho người phụ nữ kia có con rồi nằng nặc đòi cưới bà ta. Ban đầu tôi nghĩ có người vợ nào đi cưới vợ cho chồng, nhưng mà sau đó vẫn phải nuốt nước mắt đi hỏi vợ cho ông ấy!”, bà Hòa buồn rầu nhưng không than vãn, chỉ bộc bạch bằng nụ cười gượng gạo chân chất nỗi niềm.

Bà Hòa kể lại, vì chồng bà trước đây vốn là trẻ mồ côi nên sau này gia đình người phụ nữ kia buộc bà phải đi đến nói chuyện cưới hỏi. Nghĩ người ta đang mang máu mủ của chồng nên bà cũng cố gắng chiều ý. Bà gạt nước mắt đi chuẩn bị trà rượu rồi lựa ngày lành tháng tốt để đi nói chuyện cưới hỏi cho chồng. Sau lễ ăn hỏi, bà cũng làm đám cưới nhỏ cho tử tế, để chồng và vợ hai chính thức đi đến với nhau. Sau cùng là việc chấp nhận cảnh một chồng hai vợ sống chung một nhà.

Người vợ bé lúc đó mang thai được bà Hòa đỡ đần, chăm sóc hết mực, cuộc sống thuận hòa yên ấm. Niềm vui đến với gia đình khi sau đó người vợ bé sinh đứa con trai. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau cuộc sống gia đình đã nảy sinh nhiều bất hòa. Trong khi bà Hòa nhường nhịn thì người vợ bé lại thường xuyên kiếm cớ gây sự với mọi người. Cuộc sống vốn nhiều khó khăn, lại thường xuyên mâu thuẫn nên không khí lúc nào cũng nặng nề, bức bối.

“Chồng với vợ bé cứ cãi cọ, chửi mắng nhau như cơm bữa, tôi khuyên thế nào cũng không được. Tôi biết người vợ bé gây chuyện với chồng là vì muốn hắt hủi mình ra khỏi nhà nên ráng chịu đựng. Nghĩ mình như thừa thãi trong nhà, chồng cũng không muốn níu giữ nữa nên tôi quyết định ra đi. Từ đó đến giờ hai mẹ con cứ lủi thủi với nhau, không chồng không cha, khổ cực lắm nhưng biết sao.

Lặng lẽ ôm con tật nguyền bỏ đi 

Thời gian đầu bà Hòa dắt con gái về nhà cha mẹ ruột tá túc qua ngày. Tuy nhiên nhà ngoại chật hẹp lại đông người, mẹ con bà Hòa như trở thành gánh nặng cho gia đình. Biết được hoàn cảnh của hai mẹ con, chính quyền xã cấp cho bà mảnh đất nhỏ để hai mẹ con bà dựng mái lều tranh che mưa, tránh nắng. Hơn 10 năm trước, bà dựng lên căn chòi nhưng mấy mùa mưa thì nó dột nát, hư hại gần hết. Được hỗ trợ số tiền để dựng căn nhà mới, bà chạy vạy vay mượn thêm 15 triệu đồng để dựng căn nhà cấp 4 như bây giờ.

Trước đây bà Hòa có thể đi làm thuê làm mướn nay đây mai đó, tuy khổ cực nhưng cũng sống cũng tạm đủ. Bây giờ bà già cả, lại bị thần kinh tọa, gai cột sống, chỉ có thể ở nhà làm hơn 1 sào ruộng với trông nom nhà cửa. Những ngày nông nhàn, bà đi mua nguyên vật liệu để đan nón kiếm sống qua ngày. Lúc chúng tôi đến nhà, bà Hòa đang ngồi vót nan để đan nón. Khách đến, bà  vội mang ra cốc nước đặt trên bàn rồi lại xếp mình dưới góc nhà, tiếp tục công việc.

Bà phải làm để sớm mai kịp giao nón giao cho người ta, kiếm ít đồng đi chợ mắm muối cho hai mẹ con. “Mỗi ngày tôi chỉ đan được 2 cái nón thôi. Lúc đắt thì bán được 20.000 đồng, lúc rẻ thì chỉ 17.000, 18.000 đồng một cái. Số tiền bán nón ít ỏi vậy, lúc trừ đi chi phí nguyên vật liệu thì chẳng còn được bao nhiêu, chỉ đủ cho hai mẹ con sống qua ngày. Nhưng vì hoàn cảnh mình như vậy, không làm nón thì còn biết làm gì!”, bà Hòa tâm sự.

Cuộc sống với bà càng thêm vất vả hơn khi cách đây 1 tháng, bà nhận nuôi người bố ruột nay đã ngoài 80 tuổi. Trước đây ông sống với vợ chồng người con trai nhưng sau này cuộc sống nảy sinh nhiều bất hòa. Thương bố tuổi già không được quan tâm chu đáo, bà quyết định đưa ông về nhà để phụng dưỡng, chăm sóc. Bà làm lụng bươn chải lo cho con gái đã khó, nay lo cho người bố thì càng khổ hơn.

Tuy nhiên, suốt cuộc trò chuyện chưa bao giờ bà than vãn nửa lời, ngược lại ân cần chăm sóc con gái rồi lại lo lắng cho bố từng chén cơm, cốc nước. Bà Hòa tâm sự, dù nghèo khó và bất hạnh thiệt thòi nhưng bà vẫn có niềm vui, lẽ sống những năm tháng cuối đời. Người mang đến niềm vui đó là chị Phạm Thị Bình, người con gái nuôi nay đã 30 tuổi. Chị bị chất độc màu da cam, dù mỗi năm có lớn lên một chút nhưng người cứ khù khờ như đứa trẻ, một nửa thân người bên trái lại bị liệt. Suốt 30 năm nhận nuôi con, bà Hòa chịu bao vất vả khổ cực bởi chị Bình chẳng thể đỡ đần được gì cho mẹ. Tuy nhiên, chính người con gái tật nguyền này đã cho người mẹ nghị lực, niềm vui trong những lúc khổ đau nhất.

“Bình bị chối bỏ khi còn trong bụng mẹ, sau đó bị vứt bỏ khi mới chưa đầy tháng tuổi, trong khi tôi lại không con. Hai mẹ con mỗi người một bất hạnh, nương tựa nhau, mới đó mà đã 30 năm rồi. Tôi không biết Bình không gặp tôi thì sẽ ra sao, nhưng tôi nghĩ nếu không có con gái thì đời tôi bây giờ sẽ buồn, sẽ cô quạnh lắm. Thế nên dù khó khổ tôi vẫn ráng chăm sóc con”, bà Hòa nở nụ cười hiền từ nhìn con.

Bà Hòa nghèo khó, không thể cho con cuộc sống bằng người nhưng tình thương của bà thì luôn ăm ắp. Bà kể, bà chọn công việc làm nón một phần là muốn có nhiều thời gian ở nhà để chăm con. Hàng ngày Bình chơi với mẹ chán thì lại xem tivi, chiều mát thì đi chơi với mấy đứa trẻ trong thôn. “Bình nó thương mẹ lắm, lúc nào nó cũng quấn quýt, khi thì gãi đầu, khi thì nhổ tóc sâu cho mẹ. Mỗi lần vắng nó thì nhớ không chịu được. Ước nguyện của tôi là sống ngày nào thì còn nuôi nấng, chăm sóc cho con...”, bà Hòa bùi ngùi.

Căn nhà tranh nơi nương náu của hai mảnh đời bất hạnh là nơi mà tình người chan chứa, những yêu thương luôn hiển hiện. Câu chuyện của bà Hòa là câu chuyện buồn về thân phận một con người, nhưng đó cũng là câu chuyện chan chứa những yêu thương, sự cảm thông và lòng bao dung độ lượng. Một câu chuyện có thật đầy nhân hậu về một người phụ nữ.