Người lính đầu tiên nã đạn xuống cứ điểm Him Lam

ANTĐ - 95 tuổi, bước đi không vững nhưng cựu binh Nguyễn Huy Mẫn vẫn nhớ như in những ký ức về trận pháo kích mở màn của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt mờ, chân run nhưng khi được hỏi về trận pháo kích vào trung tâm đề kháng Him Lam (Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), ông Nguyễn Huy Mẫn, tổ 13, phường Bắc Sơn, quận Kiến An (Hải Phòng) như khỏe hơn.

Ông Nguyễn Huy Mẫn

Khi đó là lính thuộc Đại đội 806 (tên cũ Đại đội 119), Trung đoàn 45, Đại đoàn 351, đơn vị ông được giao nhiệm vụ khai hỏa, nã những phát pháo đầu tiên vào Him Lam - cánh cửa sắt của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đại đội của ông có 4 khẩu 105 ly, 14 pháo thủ, 2 cán bộ chỉ huy. Ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đơn vị ông còn chịu trách nhiệm đón đoàn văn nghệ sĩ từ Hà Nội lên công tác gồm các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Thép Mới, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà quay phim kiêm chụp ảnh Nguyễn Tiến Lợi. Trong một lần sang đồi E1 tìm hiểu thực tế sáng tác, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh. 

Ông Mẫn được giao chỉ huy khẩu đội pháo "đầu đàn", gồm pháo thủ Vạn (quê Ninh Bình), hai người khác quê Nam Định tên là Chính và Khả.

Trước giờ nổ súng, khẩu đội ông được lệnh điều chỉnh hướng bắn. Khi di chuyển, mọi người phát hiện nòng pháo vướng vào thành công sự, không đủ xạ giới. Đội buộc phải xin thêm thời gian để phá thành công sự. Bộ chỉ huy mặt trận ra hạn 29 phút phải hoàn tất công việc.

Khẩu đội đang loay hoay thì một cán bộ công binh xin được vào “chia lửa” và gần 10 phút sau, công việc đã hoàn tất. Nòng pháo được chỉnh hướng bắn nhưng đường đạn lại bị một cây đại thụ chắn tầm cách đó hơn 1 km. Phương án được đưa ra là dùng thuốc nổ phá cây, nhưng để đảm bảo bí mật, bất ngờ cây sẽ được phá cùng lúc pháo nhả đạn. 

17h10 ngày 13/3/1954, khẩu đội 105 ly của ông Mẫn nhận lệnh khai hỏa. Viên đạn bay khỏi nòng cũng là lúc khối bộc phá phát nổ vang dậy núi rừng, cây đại thụ phía trước bị thổi bay, dọn đường cho pháo nã đạn vào đồn địch tại cứ điểm Him Lam.

Tiếng pháo vừa dứt, không thấy trinh sát báo kết quả về, cả khẩu đội ngơ ngác, ông Mẫn mồ hôi tứa ra ướt đẫm bộ quân phục.

Rút kinh nghiệm từ quả đạn đầu, pháo được chỉnh lại cự ly theo tin trinh sát tiền duyên báo về. Loạt đạn thứ hai được bắn đi, cả khẩu đội hồi hộp và vỡ òa khi nhận tin phát đạn trúng mục tiêu, hạ gục cột cờ trong cứ điểm Him Lam.

19 quả đạn 105 ly bắn vào Him Lam chiều hôm đó đã đánh sập cột cờ, phá hủy 7 lô cốt mẹ trong đó có lô cốt của Bộ chỉ huy Pháp, 5 tổ đài vô tuyến, diệt tại chỗ nhiều sĩ quan và lính Pháp.

Với kết quả này, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh tất cả các đơn vị pháo tiếp tục đồng loạt bắn phá Him Lam. 300 viên đạn 105 cày nát trận địa địch, làm địch tê liệt hoàn toàn, tạo điều kiện cho bộ binh Sư đoàn 312 tấn công tiêu diệt cứ điểm.

Sau trận mở màn, pháo thủ Nguyễn Huy Mẫn được tặng giấy khen, còn đơn vị của ông được tặng cờ "Quyết chiến, quyết thắng". 

Một trong 4 khẩu pháo105 ly của Đại đội 806 - đơn vị ông Mẫn bắn phát mở màn
vào Him Lam được trưng bày tại Bảo tàng pháo binh Việt Nam


Cuối tháng 4/1954, ông Mẫn nhận lệnh hỏa tốc về Tiểu đoàn pháo hỏa tiễn 224 H6 (hỏa tiễn 6 nòng Kachiusa Liên Xô) vừa thành lập, để huấn luyện sử dụng vũ khí mới. 

Chưa kịp định hình vũ khí mới sẽ sử dụng ra sao, hình hài thế nào thì mỗi người được giao một chiếc cuốc hoặc xẻng. Ai nấy đều nghĩ, đời binh nghiệp đến đây là hết, chuyển sang "nghề" làm cầu, dọn bom nổ chậm nên tinh thần rất chán nản.

Hai đêm sau, đang thiu thiu ngủ thì ông Mẫn nghe tiếng động cơ bên kia núi nên rủ đồng đội đi trinh sát. Một mình bò xuống thung lũng, ông Mẫn phát hiện những khối đen phủ bạt kín, ông thấy giống pháo nhưng không có đường khương tuyến; phía cuối nòng không có cơ bẩm (quy lát). Ông Mẫn băn khoăn “pháo gì mà nòng giống như cái ống bương trơn tuột, nhìn vào đâu mà bắn”.

Trước khi trở lại đơn vị, ông Mẫn không quên đo khoảng cách giữa 2 bánh xe và ước chừng bề ngang khoảng 2,1 m.

Sáng hôm sau, ông Mẫn hồ hởi báo cáo lên cấp trên "mình có công ăn việc làm rồi" và kể lại sự việc đêm qua.

Cùng ngày, Cục tác chiến gọi đơn vị ông Mẫn lên nhận lệnh, giao làm đường rộng 1,9 m để kéo pháo. "Làm đường 1,9 m thì một bánh xuống suối à. Tôi nhất định cho đơn vị làm đường 2,2 m", ông Mẫn khăng khăng khi nhận lệnh vì tin vào kết quả "trinh sát" đêm hôm trước của mình. Quả nhiên, chiếc xe kéo dàn hỏa tiễn vừa khít trên con đường mới mở.

Sau hai ngày học sử dụng vũ khí mới, chiều 6/5/1954, tiểu đoàn hỏa tiễn 224 được lệnh bắn phá cứ điểm của địch. Khẩu đội của ông Mẫn bắn 8 loạt đạn, mỗi loạt 12 viên.

Chiều 7/5/1954, sau loạt đạn thứ 7, đơn vị ông nhận lệnh ngừng bắn.  Bộ chỉ huy mặt trận báo tin Tướng De Castries ra hàng.

Đơn vị ông Mẫn kéo pháo sang cứ điểm phía Nam Hồng Cúm tiếp tục chiến đấu. Vừa chuyển pháo xuống đường thì tin thắng trận báo về: Quân Pháp ra hàng, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. 

Kết thúc chiến dịch, ông Mẫn cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản thủ đô, tham gia nhiều hoạt động rồi công tác tại Nhà máy ximăng Hải Phòng. Ngoài giờ làm ở nhà máy, ông Mẫn đánh xe ngựa kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Đến giờ, con cháu ông đều nên người, đứng đầu nhiều doanh nghiệp, công ty của thành phố cảng.

Bốn khẩu pháo 105 ly của Đại đội 806 từng nhả đạn trong trận Him Lam được trưng bày tại 4 bảo tàng ở Điện Biên và Hà Nội. Đồng đội của ông người còn, người mất. Riêng ông, dịp này nhận được lời mời của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh pháo binh lên thăm lại chiến trường xưa, nhưng vì lý do sức khỏe ông đành lỗi hẹn. 

Cùng với Độc Lập (phía bắc), Bản Kéo (tây bắc), Him Lam là một trong ba trung tâm đề kháng được coi là cửa ngõ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Him Lam được quân Pháp xây dựng đầu tiên trên điểm cao gần 500 m, gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm ngay cửa ngõ đông bắc cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5 km. 

Với vị trí đầu sóng ngọn gió, Him Lam được đầu tư kiên cố. Đảm nhận phòng thủ Him Lam là tiểu đoàn 3 thuộc Bán lữ đoàn Lê Dương thứ 13 (III/13è DBLE). Đây là đơn vị có bề dày chiến tích gần 100 năm. Him Lam được trọng pháo ở Mương Thanh và Hồng Cúm yểm hộ theo một kế hoạch hỏa lực dày đặc. Lực lượng bảo vệ được trang bị súng có kính ngắm điện tử phát hiện mục tiêu ban đêm. Lực lượng dự bị với xe tăng, pháo binh, không quân chi viện sẵn sàng phản kích trong trường hợp bị tấn công. 

Him Lam được Bộ chỉ huy mặt trận của ta xác định là trận mở màn, để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng". Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam với sự hỗ trợ hỏa lực trọng pháo của Đại đoàn 351. Trận đánh kéo dài từ hơn 17h đến 22h30, quân ta tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng Him Lam.