“Người đương thời” phố tôi
(ANTĐ) - Ở phố tôi, nếu muốn hỏi thăm nhà một ông quan chức nào đó, có khi dân không biết, nhưng nếu muốn hỏi đến nhà bà Lịch thì ai cũng biết. Các cụ già nhìn bà với ánh mắt biết ơn trìu mến, còn mấy đứa nhỏ hễ cứ trông thấy bà Lịch từ xa đã đồng thanh: “Cháu chào bà Lịch”. Đã nhiều năm nay, người dân phố tôi trở nên quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ khỏe mạnh, tay đeo băng đỏ, sớm tối vác loa đi tới từng ngõ, từng nhà nhắc nhở mọi người giữ gìn an ninh trật tự. Mấy anh công an phường vẫn gọi bà là “Người đương thời”, còn dân trong phố thì gọi bà bằng cái tên thật gần gũi: “Bà Lịch Alô”...
Tiếng Alô của bà Lịch đã trở nên quen thuộc. |
- “Alô... Alô... Bà con chú ý, bà con chú ý. Hiện nay ở trong khu ta đang xuất hiện một đối tượng lạ mặt. Đối tượng mặc quần soóc ngắn, áo phông trắng, lảng vảng, nhòm ngó ở dãy nhà M. Bà con hãy nêu cao cảnh giác, chú ý giữ gìn tài sản...”.
- “Alô... Alô... bây giờ là tháng củ mật, kẻ gian thường lợi dụng trộm cắp xe đạp, xe máy. Đề nghị bà con cẩn thận cửa rả, không ai để xe máy ngoài đường. Số nhà 74 phố Lê Lai hiện nay có 3 xe máy vẫn để ngoài đường, trời tối rồi, đề nghị cất xe vào nhà ngay... Alô”...
- “Alô... Alô... hôm nay là thứ bảy, mỗi nhà hãy cử một người ra quét dọn vệ sinh chung, làm sạch đẹp, ngõ xóm. Hiện ở dãy H, có một túi rác rất to, đề nghị dãy H dọn đi ngay cho, bà con cần có ý thức đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định, nghiêm cấm vứt rác ra đường” ...
Tiếng còi thân thương
Những người dân ở Khối 8 - khu tập thể Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Đông đã quá quen thuộc với những lời kêu gọi của bà Lịch. Bất kể lúc nào dù mưa, dù nắng, dù sớm hay tối, hễ phường phố có việc, hoặc hễ phát hiện đối tượng lạ mặt lảng vảng vào khu tập thể, nghi vấn có biểu hiện trộm cắp là bà lại lẽo đẽo đi theo. Khi thì bà bí mật bám sát đối tượng xem hành tung thế nào, khi đi bà “vác” loa theo sát từng bước, vừa đi bà vừa “Alô” kêu gọi mọi người cảnh giác giữ gìn tài sản. Có bữa, kẻ xấu bực quá, quay lại quát vào mặt bà: “Ai đã làm gì mà bà cứ loa tướng lên! Bà cứ cẩn thận đấy”.
Bà chả ngại, bà lại giơ loa lên nói thẳng luôn vào loa: “Tôi chả biết người xấu tốt thế nào, không quen, không biết, anh nhòm vào nhà người ta làm gì. Người lạ vào khu tôi thì tôi cứ loa lên để bà con chúng tôi cảnh giác”. Thế mà đối tượng xấu đành thua bà, lảng vảng vài bữa không “làm ăn” được gì đành kiềng cái khu phố của chúng tôi ra. Hay như mấy đám nghiện hút cũng vậy, cứ thấy đám nào xuất hiện là y rằng có bà Lịch dẹp ngay. Chả thế mà những đối tượng xấu gọi bà là “Cảnh sát trưởng”.
Không chuyện gì xảy ra ở khu phố qua mắt được bà Lịch, không có việc gì của khu phố bà không tham gia. Tất tật từ bảo vệ an ninh trật tự, từ công tác phụ nữ, cựu chiến binh, tổ hòa giải, đến việc gọi các cháu dậy tập thể dục, gọi mọi người đi viếng đám ma. Nhà ai mà có họ hàng đến chơi lâu ngày, không đăng ký tạm trú, bà Lịch đến nhắc nhở ngay. Mấy nhà xây dựng, để vật liệu bừa bãi, không đăng ký tạm trú cho thợ xây, bà cũng bắt đến trình diện khai báo bằng được.
Nhiều người hiểu việc thì không sao, có người lại cho rằng bà “rách chuyện”, bà bảo: “Bây giờ kẻ gian người ngay lẫn lộn. Có cả đối tượng truy nã đến khu này để thuê nhà đấy! Các bác là người ngay thì sợ gì, cứ đến khai báo cho nó đúng thủ tục. Tôi đã nhận làm bảo vệ ở đây thì tôi phải làm hết trách nhiệm”. Nghe bà phân tích phải trái, mọi người cũng thành quen nếp, cứ có người lạ đến là “báo cáo” bà Lịch. Cũng có người bị bà Lịch nhắc nhở, bắt dắt xe máy vào nhà, không chịu dắt. Thì bà Lịch cứ đứng nguyên ở cửa, oang oang gọi loa, đến khi nào chủ nhà ra dắt xe vào nhà thì bà mới chịu đi sang nhà khác.
Bà Lịch rất yêu những đứa trẻ. |
Tôi cũng mấy phen có vẻ khó chịu. Đi làm cả tuần, mãi thứ bảy mới được ngủ muộn một chút, thì 6 giờ sáng đã nghe tiếng loa bà Lịch “mời mọi người dậy quét đường, giữ gìn vệ sinh chung”, lúc đầu cũng bực, sau rồi thành quen, dậy quét đường với bà con lối xóm, mỗi người góp dăm ba câu chuyện lại thấy vui, sau đi bộ một vòng tập thể dục, người sảng khoái hẳn lên”. Chắc mọi người cũng thấy thế, nên cái nếp quét đường vào sáng thứ bảy ở phố tôi bây giờ cứ đều tăm tắp. Mà nếu sáng thứ bảy không nghe tiếng loa của bà Lịch lại đâm ra nhớ nhớ, thấy như thiếu thiếu thứ gì...
Với những đứa trẻ vào dịp nghỉ hè thì hẳn là không thể thiếu tiếng còi của bà Lịch. Cứ năm giờ sáng, đều đặn và chính xác như một chiếc đồng hồ, bà Lịch đã dậy đi khắp 43 dãy nhà trong khu phố, không bỏ sót dãy nào, bà đến thổi còi báo thức gọi các cháu dậy tập thể dục. Tiếng còi của bà đã trở thành thân thương với những đứa trẻ trong khu phố tôi, nó như một tình cảm vô hình gắn bó chúng. Nếu hôm nào vắng tiếng còi thì biết ngay là bà bị mệt. Vì chỉ có ốm không dậy được thì bà mới không đi thổi còi. Kể chuyện với tôi bà bảo: “Bữa trước mua phải cái đồng hồ rởm, đặt báo thức 5 giờ, nhưng mới 3, 4 giờ nó đã gọi dậy, không ngủ được nữa, nên cứ đành ngồi chờ để đến 5 giờ mới đi gọi các cháu dậy, bây giờ thì tôi đã mua được cái đồng hồ tốt rồi”. Là một người sống độc thân, không có con nên bà Lịch rất yêu những đứa trẻ.
Dịp Tết Trung thu, bà Lịch đã gần bảy mươi tuổi mà vẫn đeo mặt nạ của Chú Tễu, tay phe phẩy quạt, chân nhún nhảy theo nhịp trống thùng thình múa sư tử đi khắp phố mua vui cho các cháu. Ông Trương Văn Tịch - nguyên Bí thư chi bộ khu phố đã nhiều năm làm công tác xã hội với bà Lịch cho biết khó mà tìm được người nào nhiệt tình và yêu trẻ như bà Lịch. Từ ngày có bà Lịch làm tổ trưởng tổ bảo vệ, tình hình an ninh trật tự của khối 8 đã tốt hơn hẳn, hầu như không có vụ việc lớn xảy ra. Đặc biệt bà Lịch còn rất tích cực tham gia các hoạt động khác của khối 8, vào dịp hè bà Lịch không chỉ gọi các cháu dậy vào mỗi sáng, mà ngay đến các việc đưa đón các cháu đi tham quan, múa hát văn nghệ bà đều hăng hái.
Tiếng còi của bà Lịch đã trở nên thân thương không chỉ với các cháu mà nó đã trở thành âm thanh quen thuộc đối với bất kỳ ai ở khu phố này. Và cũng chính từ cảm kích trước tiếng còi của bà Lịch mà ông Tịch đã làm một bài thơ đề tặng bà Nguyễn Thị Lịch - người thổi còi mùa hè. Nếu ai ở cùng khu phố của tôi, nếu ai đã từng được nghe tiếng còi bà Lịch vào mỗi buổi sáng sớm mai khi bình minh thức dậy, thì sẽ thấy những câu thơ ấy thật là cảm động:
“Tuýt! Tuýt! Tuýt! Tuýt! Tuýt!
Còi lay phượng lập lòe
Lay bé thơ thức dậy
Đón hè về ngất ngây.
....
Hè đi qua nhè nhẹ
Chỉ mình bé mới hay
Còi đâu quản khó nhọc
Vẫn gọi bé ngày ngày.
.....
Xa sắc hồng phượng nở
Vắng tiếng đàn ve ngân
Trong lòng bé chỉ nhớ
Tiếng còi hè rất thân...”
“Người đương thời”
Nghe nói bà Nguyễn Thị Lịch đã nhiều lần được thành phố, công an phường khen thưởng vì có thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Tôi tìm đến CAP Nguyễn Trãi. Trung tá Nguyễn Minh Đức - Phó Công an phường vừa thấy tôi hỏi về bà Lịch anh đã nói ngay rằng trong suốt mấy chục năm công tác mà anh chưa thấy ai nhiệt tình như bà Lịch. Anh em công an vẫn gọi bà là “Người đương thời”, là “đồng nghiệp”. Anh bảo bây giờ tìm được một người cứ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như bà Lịch thì hiếm lắm. Suốt bảy tám năm nay, năm nào bà Lịch cũng là cá nhân tiêu biểu của phường, bằng khen, giấy khen thì rất nhiều, năm nào cũng có. Ngoài việc liên tục được tặng giấy khen đã có thành tích đấu tranh trấn áp tội phạm góp phần đảm bảo ANTT, có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ ANTQ..., bà Lịch còn được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương Vì an ninh Tổ quốc.
Kể chuyện với tôi, Trung tá Nguyễn Minh Đức cho biết, bà Lịch là tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố ở khối 8, nhưng bất cứ việc gì bà Lịch cũng tham gia, nhiều lúc bà còn đến phường để “xin” thêm việc mà làm. Phường có hoạt động gì cần phổ biến đến nhân dân như việc giữ trật tự vỉa hè, phòng chống pháo nổ, hay giữ gìn vệ sinh môi trường là bà Lịch lại xắn tay vào, miệng nói tay làm, kể cả móc cống bà ấy cũng chả ngại. Chỉ cần sáng phường họp, chiều bà Lịch đã “cụ thể hóa” chỉ thị, nghị quyết qua tiếng loa của mình đến tận từng người dân.
Bà Lịch còn có sáng kiến photo nội dung phong trào 3 nhớ rồi đem dán tại từng dãy nhà để bà con biết, thực hiện. Khối 8 có 43 dãy nhà, hơn 400 hộ dân, bà Lịch lập sổ, dành ra mấy tháng trời đến từng nhà yêu cầu trưởng dãy và từng hộ ký cam kết giữ gìn ANTT, đoàn kết khối phố... Gần 70 tuổi đầu, nhưng đêm hôm, một hai giờ sáng, dù mưa, dù rét bà Lịch vẫn đội áo mưa lọ mọ đi tuần, có khi thì đi cùng anh em công an, nhưng cũng có khi bà tự đi, sau đó lại lên báo cáo lại CAP, xin ý kiến hướng dẫn... Việc gì bà cũng muốn làm ngay, làm bằng được, nếu chưa làm xong là bà đứng ngồi không yên, thành ra anh em công an nhiều khi bận nhưng cũng phải “quay” theo guồng quay của bà.
Chính từ việc tích cực tuần tra đêm mà bà Lịch đã phát hiện ra 4 đối tượng trộm cắp môtơ, xe đạp của Công ty Môi trường đô thị, sau đó giao đối tượng cho CAP. Qua đấu tranh khai thác, 4 đối tượng này đã khai nhận nhiều vụ trộm cắp khác. Không những thế, bà Lịch còn có tinh thần tấn công tội phạm đến cùng, mặc dù tuổi cao, nhưng một mình bà đã dám truy đuổi đối tượng trộm cắp ra tận cánh đồng phố Lê Lai, khiến đối tượng hoảng sợ bỏ chạy, vứt lại chiếc xe vừa trộm cắp... Có vụ đối tượng mang cả thang nhôm, định trèo vào tầng hai trộm cắp tài sản nhưng đã bị bà Lịch đi tuần đêm phát hiện hô hoán, đối tượng vứt cả thang bỏ chạy.
Làm cấp dưỡng Công an tỉnh Lai Châu, rồi chuyển sang làm tạp vụ ở VKSND tỉnh Hà Tây, về nghỉ mất sức từ năm 1982 thì cũng bắt đầu từ đó bà Lịch tham gia các công tác xã hội phong trào của khu phố. Mặc dù đồng lương hưu ít ỏi nhưng các phong trào ủng hộ đồng bào thiên tai nghèo khó, bà Lịch cũng luôn gương mẫu đi đầu. Là thành viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, bà Lịch còn kêu gọi chị em xây dựng quỹ tiết kiệm, các chị em mỗi tháng đóng góp 200.000 đồng, ai có hoàn cảnh khó khăn thì tạo điều kiện cho lấy trước, giúp chị em có lưng vốn vượt qua khó khăn. Mấy năm gần đây, bà Lịch làm tổ trưởng tổ bảo vệ, bà đã giúp đỡ rất nhiều cho CAP trong việc giữ gìn ANTT. Theo Thiếu úy Nguyễn Duy Trọng - CSKV khối 8 thì ở cấp cơ sở, công tác phòng ngừa là rất quan trọng, sự giúp đỡ tích cực của bà Lịch đã góp phần kiềm chế không để phát sinh vụ việc ở khu dân cư. Và một điều đáng quý là động cơ làm việc của bà Lịch không phải xuất phát từ lợi ích vật chất mà sự nhiệt tình xuất phát từ bản chất trong con người bà.
Nhiều người nói với bà rằng: “Bây giờ có cho tôi 2 triệu/tháng để tôi đi làm như bà tôi cũng không làm”. Cũng có nhiều người hỏi bà sao không có lương, không có tiền mà vẫn hăng hái thế thì bà bảo: “Tôi chỉ sợ Đảng không tin tôi, dân không giao việc cho tôi chứ nếu Đảng tin tôi, dân vẫn giao việc cho tôi vẫn làm. Tôi nghèo thật, ít lương thật nhưng tiền tôi cho đằng sau, còn nhiệm vụ tôi cho đằng trước. Tôi làm vì tập thể, vì nhân dân. Tình hình ANTT ngày càng phức tạp, đối tượng nghiện hút thì nhiều như thế, nếu ai cũng sợ động chạm, nếu ai cũng ngại đêm hôm mưa rét, nếu cũng chỉ nghĩ cho mình thì ai sẽ làm?”.
Gần 30 năm tham gia công tác xã hội, làm việc không lương nhưng bà Lịch chưa một lần kêu ca điều gì. Khi tôi hỏi bà đã bao giờ đề nghị được hưởng chế độ chưa thì bà trả lời: “Tôi không đề nghị gì cả. Tôi chỉ muốn được lên chương trình “Người đương thời” trên tivi, nếu được vậy đến khi chết tôi cũng yên lòng”. Hỏi bà sao lại thế, bà lại bảo: “Tôi lên truyền hình không phải là để người ta biết đến tôi đâu, mà vì tình hình an ninh trật tự bây giờ khó khăn lắm, tôi muốn nhiều người ở khắp nơi cùng làm giống như tôi để giúp đỡ cho lực lượng công an giữ gìn trật tự”.
“Bà Lịch Alô” ở phố tôi là như thế đấy, chưa thấy người mà đã thấy tiếng, một người phụ nữ bình thường nhưng lại làm những việc mà nhiều người khác không làm được và không bao giờ làm được. Tôi nghĩ rằng phẩm chất anh hùng lấp lánh đâu đó ở những nơi đời thường nhất và đó chính là điều để ta thêm tin yêu cuộc sống.
Đinh Hương Bình