Người đi trong thế giới phẳng (kỳ 2)

(ANTĐ) - Ngày 29-4-1969, Trung úy Bobby Muller bị mất hai chân trong một trận kịch chiến với quân giải phóng ở Cam Lộ, Quảng Trị, Việt Nam. Trở về Mỹ, Bobby Muller tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Bởi hơn ai hết, ông thấm thía nỗi đau do chiến tranh gây ra...

Người đi trong thế giới phẳng (kỳ 2)

(ANTĐ) - Ngày 29-4-1969, Trung úy Bobby Muller bị mất hai chân trong một trận kịch chiến với quân giải phóng ở Cam Lộ, Quảng Trị, Việt Nam. Trở về Mỹ, Bobby Muller tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Bởi hơn ai hết, ông thấm thía nỗi đau do chiến tranh gây ra...

>>> Người đi trong thế giới phẳng (Kỳ 1)

Thảo gặp gỡ các nạn nhân bom mìn ở Hà Giang, 2003
Thảo gặp gỡ các nạn nhân bom mìn ở Hà Giang, 2003

Dù sao mình cũng còn may mắn hơn rất nhiều bạn đồng ngũ phải trở về trong những chiếc quan tài, mà sau này, khi rút hết quân về nước, tên họ được ghi trên bức tường Việt Nam với con số 58.209 người chết và mất tích.

Trong số những người trở về, có rất nhiều người mắc hội chứng Việt Nam, rất nhiều người bị nhiễm điôxin, rất nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống. Họ cần được giúp đỡ về nhiều mặt. Mặc cảm tội lỗi, dù đã vô tình gây nên chết chóc đau thương cho con người và mảnh đất Việt Nam, Bobby Muller thấy phải có một hành động cụ thể, tức thời. Quỹ cựu chiến binh Mỹ VVAF ra đời.

Trước khi Chính phủ Mỹ chưa xóa bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, tổ chức phi chính phủ này đã đóng vai trò ngoại giao nhân dân, giúp đỡ các cán bộ sứ quán của ta ở Liên hợp quốc, bởi việc đi lại của họ bị giới hạn trong một bán kính rất hạn chế. Lúc đó, văn phòng VVAF tại Washington DC được gọi một cách thân mật là “đại sứ quán không chính thức của Việt Nam tại Hoa Kỳ”.

Năm 1981, theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, phái đoàn của VVAF lần đầu tiên tới Việt Nam để thảo luận với Chính phủ ta về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, bắt đầu quá trình hòa giải quan hệ và hàn gắn giữa hai dân tộc.

Ngày 3-2-1994, khi Tổng thống Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam, thì ông Bobby Muller được mời đến “đứng” cạnh dự lễ. Năm 2005, khi chính thức thăm Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã có buổi làm việc chính thức với VVAF. Ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận, VVAF đã thiết lập Văn phòng đại diện ở Hà Nội và lập tức triển khai các chương trình hỗ trợ nhân đạo từ đó đến nay.

*

Thảo cùng các doanh nghiệp VN trước cửa Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 6-2008
Thảo cùng các doanh nghiệp VN trước cửa Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 6-2008

Thu Thảo nhậm chức Trưởng đại diện VVAF từ cuối năm 2007, nhưng thật ra chị đã làm việc cho VVAF từ năm 2001, trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán kéo dài giữa VVAF và đại diện của Bộ Quốc phòng về công tác triển khai dự án khắc phục bom mìn vật nổ tại Việt Nam với sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đến cuối năm 2004 Thảo sang Mỹ học, và trong suốt hai năm học cao học Thảo làm nhân viên tập sự tại trụ sở chính của VVAF tại Thủ đô Washington DC. Luận văn thạc sĩ của chị chính là kết quả nghiên cứu thực địa các địa phương ở Việt Nam trong những tháng đầu triển khai dự án “Hỗ trợ người khuyết tật nghèo và người nghi nhiễm đioxin ở Việt Nam (DRIVE)” của VVAF.

Thảo về nước tra cứu tài liệu, đi thực tế tìm hiểu, điều tra ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, nơi có nhiều đứa trẻ sinh ra từ những người cha là bộ đội giải phóng từng sống chiến đấu ở những vùng bị nhiễm điôxin.

Đi Quảng Nam, Đà Nẵng thăm nhiều gia đình nạn nhân ở ngay trên vùng đất nhiễm nặng chất độc da cam/điôxin, nơi trước kia là sân bay cho các máy bay Mỹ chở chất độc đi rải. Kết quả tìm hiểu, điều tra của chị là cơ sở đầu tiên để VVAF triển khai thành chương trình gồm ba nội dung chính: Hỗ trợ trực tiếp những người khuyết tật, trong đó có những nạn nhân chất độc điôxin. Tư vấn hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng. Vận động cộng đồng hỗ trợ họ. VVAF cũng sẽ cố gắng xác định những nơi bị nhiễm chất độc da cam/điôxin để lên kế hoạch khử độc.

Tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, đặc biệt là được ông Bobby Muller ân cần hướng dẫn, chỉ bảo và giới thiệu với bạn bè trong giới chính trị, giới truyền thông Mỹ, Thảo học được nhiều điều bổ ích ở cách làm việc thiết thực, hiệu quả của họ; học cách ứng xử trong các mối quan hệ, nhất là quan hệ cá nhân. Việc vận động hành lang, việc môi giới là một hoạt động được chuyên nghiệp hóa như một nghề cần thiết trong xã hội. Cung cách ấy chị hiểu sâu, nắm chắc và vận dụng có hiệu quả vào công việc.

Câu chuyện của những nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam đã làm nhức nhối lương tri nước Mỹ từ lâu. Hội nạn nhân chất độc da cam điôxin/Việt Nam kiện các công ty Mỹ sản xuất chất này kéo dài mấy năm nay vẫn chưa có kết quả. VVAF có cách làm của mình. Không ai phù hợp hơn Thảo thực hiện cách làm ấy. Những gì cô thu thập được về đồng bào mình bị nạn trên đất nước mình được sử dụng làm thực tế thuyết phục “đối tượng”.

Trong số nhiều người bạn vong niên làm quen ở Mỹ có ông Tim Rierse, người của đảng Dân chủ là bạn thân với chị khi học Chương trình Fullbright, đang là Tổng thư ký Tiểu ban Phân bổ ngân sách của ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện Hoa Kỳ, cũng đã cùng cô trong nhiều giờ liền đi biểu tình ngày 24-9-2005.

Nước Mỹ giàu có, sự giàu có làm nên từ tiền thuế đóng của mỗi công dân, mỗi tổ chức, vì thế không ai ném tiền qua cửa sổ. Ông Tim cùng một đoàn cựu binh Mỹ sang Việt Nam vào tháng 12-2006 kiểm tra tính xác thực những tài liệu Thảo cung cấp. Chính những sự thật mắt thấy tai nghe đã một lần nữa tác động đến tình cảm và trách nhiệm, làm ông thấy phải hành động cụ thể.

Ông Bobby Muller, người thầy yêu kính của chị lại tác động đến bạn bè quyền lực ở Thượng nghị viện. Cuối cùng, tờ trình của Tim đề nghị cấp 3 triệu USD cho hoạt động khắc phục hậu quả về môi trường và sức khỏe ở những vùng bị ô nhiễm điôxin ở Việt Nam được hai Nghị viện Mỹ thông qua, để Chính phủ Bush thực hiện. Số tiền không lớn, nhưng điều quan trọng là nó đặt tiền lệ cho tài khóa những năm sau.                           

(Còn nữa)

Bút ký của Nguyễn Bắc Sơn