Người đàn bà đẹp 10 năm sống cùng Thần chết

ANTĐ - Chị Đào Phương Thanh là một trong số ít người đầu tiên công khai mình có HIV. Đã từng nghĩ “chết còn sướng hơn”, nhưng rồi chị tự đứng dậy, không chỉ tự cứu mình mà còn lập ra nhóm Hoa Sữa, giúp đỡ hàng trăm người “có H”.

Người đàn bà đẹp 10 năm sống cùng Thần chết ảnh 1Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, chị Thanh vẫn khát khao sống, khát khao làm đẹp cho đời

Cuộc đời bất hạnh

Gặp chị trong chương trình kỷ niệm lần thứ 27 Ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS của Đại sứ quán Mỹ cách đây không lâu, tôi bị hấp dẫn bởi giọng hát trong trẻo, đằm thắm của chị Thanh. Khó ai nghĩ người phụ nữ Hà thành xinh đẹp duyên dáng ấy đã qua tuổi tứ tuần và đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên khuôn mặt chị.

“Cuộc đời chị nhiều chuyện buồn, gian truân lắm”, chị bảo. Sinh năm 1968 tại phố Quốc Tử Giám (Hà Nội), lấy chồng chưa được bao lâu, khi chị đang mang trong bụng cô con gái đầu lòng thì chồng chị mất trong một vụ tai nạn tàu biển. Mới 20 tuổi đã phải một mình nuôi con, khó khăn trăm bề. Rồi những tháng ngày đen tối tiếp tục đeo bám chị khi cậu em trai nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Bỏ công việc ở Hải Phòng, chị về Hà Nội chăm sóc em trai. Trong một lần chăm sóc, chị không may bị kim tiêm dính máu đâm vào tay. Chưa có kiến thức về thuốc điều trị phơi nhiễm nên mũi kim oan nghiệt đó đã đẩy cuộc đời chị sang một hướng khác. Chị bàng hoàng rụng rời khi nhận kết quả dương tính với HIV sau 3 lần xét nghiệm máu.

Năm đó là năm 2004, gia đình chị mất đi 3 người. Mẹ chị mất, rồi đến bố. Đám tang bố chị có 5 xe tang kín người đưa nhưng khi cậu em trai nhiễm HIV mất sau đó 10 ngày, chỉ có một xe tang duy nhất với vài người thân. Những người hàng xóm chỉ dám đứng xa xa nhìn lại. Mất mát quá lớn, còn chị thì đau đớn khi mang trong mình căn bệnh bị mọi người kỳ thị. 

Đó là quãng thời gian Đào Phương Thanh suy sụp, tưởng chừng không thể gượng dậy. Chị không ăn, không uống, không dám bật đèn vì sợ ánh sáng. Chị gầy tọp đi, xanh xao và chỉ nghĩ đến cái chết. Thế rồi một hôm, trông thấy cô con gái lúc ấy đang học lớp 10 và hai đứa cháu nhỏ mồ côi cầm 2.000 đồng mua dưa về nấu bát canh chan với cơm ăn qua bữa, chị không cầm được lòng. “Lúc ấy chỉ nghĩ mình chết đi là sướng nhất. Nhưng chết đi thì con gái và hai đứa cháu nhỏ ai nuôi ăn học. Thế nên tôi phải tự mình vực mình dậy”.

Đến bây giờ nghĩ lại, chị cho rằng, nếu lúc đó chị chết thì giờ tiếc lắm. Sống mới thấy mình còn may mắn vì nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều người. Trước lúc quyết định công khai việc mình “có H”, chị cũng lo mình sẽ bị kỳ thị, con gái chị sẽ không có bạn, có thể là còn không được đi học… Nhưng rồi được động viên, tiếp sức, chị đã dám sống đúng với bản thân. Với suy nghĩ nếu mình cũng sợ thì chẳng ai dám làm cả và mọi người sẽ hiểu sai về người “có H”, chị bắt đầu đi nhiều nơi tuyên truyền, thuyết trình về vấn đề phòng chống HIV/AIDS.

Sau khi câu chuyện của chị được phát sóng trên truyền hình, nhiều người trong phố biết thì hiểu, cảm thông nhưng cũng không ít người xa lánh, lảng tránh. “Dọc con phố tôi sống, các cửa hàng làm tóc đều từ chối khi tôi bước vào gội đầu. Họ nói nếu họ gội đầu cho tôi thì không khách nào dám vào nữa. Lúc ấy tôi buồn chứ vì người ta vẫn chưa hiểu. Nhưng thật may mắn khi con gái tôi không bị kỳ thị, ngược lại phụ huynh và các bạn của cháu giúp đỡ hai mẹ con tôi rất nhiều”, chị Thanh tâm sự.

Gắn bó với người nhiễm HIV

Với mong muốn có thêm nhiều người giúp đỡ đối tượng nhiễm HIV/AIDS chị Thanh lập nhóm tự lực Hoa Sữa với 6 thành viên ban đầu đều là người “có H”. Hiện nay nhóm có 54 thành viên với nhiều công việc thiện nguyện: nấu cháo miễn phí cho người nhiễm HIV đang điều trị trong bệnh viện Đống Đa; tuyên truyền cho người nhà, cộng đồng về kiến thức phòng chống HIV/AIDS và dọn bơm kim tiêm ở các địa điểm công cộng trong phường…

Không chỉ là trưởng nhóm Hoa Sữa, chị Thanh còn làm việc tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Hàng ngày tiếp xúc với người “có H”, theo dõi tình trạng, tiến triển sức khỏe của họ, chị còn dành thời gian cùng nhóm đến từng nhà động viên, chăm sóc người nhiễm HIV không có điều kiện đến bệnh viện.

Sau hơn 10 năm gắn bó với người “có H”, chị Thanh chỉ mong ước giúp đỡ được nhiều người mang căn bệnh này hơn nữa. Bởi hiện nay sự hiểu biết của cộng đồng thay đổi nhiều, xã hội giảm bớt sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nên giờ chị đang thực hiện kế hoạch tuyên truyền kiến thức phòng ngừa HIV về các vùng quê xa xôi để không có người nhiễm mới và xóa bỏ dần sự kỳ thị. Ở tuổi gần 50, chị vẫn tự lái xe đi các tỉnh quanh Hà Nội trong bán kính 100km đến với người đang nhiễm HIV.

“Nếu có tình yêu thương thì sẽ làm được, sẽ vượt qua tất cả khó khăn. Trong khả năng sức khỏe của mình cho phép, tôi sẽ làm tất cả để giúp đỡ không chỉ người nhiễm HIV, người thân của họ mà bất kỳ ai cần sự giúp đỡ”, chị Thanh tâm sự, “Lúc tôi khó khăn, đau khổ nhất, tôi nhận được 500 nghìn đồng của một sinh viên ở Đà Nẵng, 200 nghìn đồng của một bác đã nghỉ hưu... Tôi biết ơn họ, và tôi biết giờ đây mình phải làm gì”.