Người đàn bà bất hạnh

ANTĐ -Khi hay tin Hạnh lại sa lưới pháp luật, người thân, bạn bè ai cũng thấy chị ta vừa đáng thương vừa đáng trách. Đáng thương, bởi Hạnh là người đàn bà truân chuyên, có cảnh đời hết sức éo le. Còn đáng trách là do chị ta mù quáng lao vào con đường tội lỗi mua bán trái phép chất ma túy...

Số kiếp truân chuyên

Sống ở TP Lạng Sơn nhưng gia đình Hạnh nghèo lắm. Bố là công chức nhà nước, có 3 đứa con nhưng anh cả của Hạnh theo chúng bạn ăn chơi, đua đòi, sớm nghiện ngập ma túy, chị gái của Hạnh lại mắc bệnh kinh niên, bố mẹ Hạnh đưa đi khắp nơi chạy chữa nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.

Trong nhà chỉ có Hạnh là khỏe mạnh, được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng nhưng trong hoàn cảnh gia đình như thế, học hết bậc THPT, Hạnh nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ. Tuổi còn trẻ nên Hạnh chưa đỡ đần gì được nhiều. Loanh quanh ở nhà thêm gánh nặng cho gia đình nên một, hai năm sau khi nghỉ học, có người đến dạm hỏi, bố mẹ đồng ý cho Hạnh đi lấy chồng.

Cứ nghĩ vất vả về mấy đứa con, nay Hạnh sớm yên bề gia thất nên bố mẹ yên tâm phần nào. Thật trớ trêu, Hạnh lấy phải người chồng ham chơi lười làm. Thời gian đầu anh ta có vẻ là người chăm lo, quan tâm đến gia đình và người vợ trẻ. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, bản chất của kẻ ham ăn chơi trong anh ta lộ rõ.

Tối ngày anh ta hết rượu chè lại lao vào các cuộc cờ bạc, đỏ đen, chẳng đoài hoài gì đến vợ. Không chỉ thế, mỗi lần say rượu hay thua bạc về nhà hạch tiền vợ không có là anh ta lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với Hạnh. Không thể chịu đựng mãi cảnh này, được khoảng 3 năm thì Hạnh bỏ về nhà mẹ đẻ. Bố mẹ Hạnh buồn lắm nhưng chẳng biết làm thế nào, chả nhẽ cứ bắt con gái sống trong cảnh địa ngục ấy suốt đời.

Khi quay trở về nhà, do bố mẹ ngày một già nên gánh nặng gia đình trút hết lên vai Hạnh. Xoay xở đủ thứ nghề, từ đi buôn bán vùng biên đến chạy chợ quanh nhà nhưng không mấy hiệu quả, cuối cùng Hạnh chọn nghề bán thịt chó ngoài chợ.

Tay dao, tay thớt, nghề này tuy có vất vả nhưng Hạnh cũng kiếm được tiền. Lúc đầu, Hạnh nhận chó người ta làm thịt sẵn rồi sả ra bán, sau thì tự mình làm từ A đến Z, đi mua chó rồi mang về giết thịt bán nên lời lãi kiếm được nhiều hơn.

Bị cáo Hạnh tại tòa.

Cái “nghề” lang thang vào các xóm, bản săn tìm chó mua về giết từ trước đến nay chỉ có cánh mày râu mới dám làm, thế mà nay Hạnh một mình tay xách sọt, tay cầm cây thòng lọng đi vào các bản, tự tay bắt chó, kể cả các chú chó hung dữ mang về giết bán một cách thiện nghệ.

Không ít người, kể cả mẹ Hạnh, khi biết chuyện còn nghi ngờ, sau đó hỏi thì Hạnh khẳng định: “Tôi bắt chó chứ còn nhờ ai được nữa”. Rồi  bà con ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, nơi gia đình Hạnh sinh sống cũng quen dần với hình ảnh người phụ nữ đơn thân, sáng ra chợ bán hàng, chiều chiều lại vào các bản bắt chó về tự giết thịt để mai bán.

Tuy có vất vả nhưng nghề mua, giết chó bán cũng giúp Hạnh kiếm được tiền, cuộc sống gia đình tương đối ổn định. Thấy Hạnh vất vả, có người tìm đến rủ Hạnh bỏ nghề đi buôn ma túy, công việc nhẹ nhàng mà kiếm được lợi nhuận “khủng”.

Lúc đầu, Hạnh cũng nghi ngại. Sau Hạnh thấy không ít kẻ ở vùng biên này “phất” lên nhờ nghề buôn ma túy nên chị ta cũng tính chuyện chuyển nghề. Dính vào một vài chuyến thì Hạnh bị Công an Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ. Với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, Hạnh phải nhận bản án 7 năm tù giam.

 “Lạc đường”

Mãn hạn tù, Hạnh quay trở về thì gia cảnh càng tiêu điều, khó khăn hơn trước. Ngoài người chị gái bệnh tật, không làm được việc nặng thì người anh trai càng ngập sâu trong ma túy. Bố Hạnh quá chán nản nên lấy rượu giải sầu khiến sức khỏe của ông ngày một suy kiệt, hết viêm loét dạ dày đến thấp khớp, thoái hóa xương cốt…

Mỗi khi say rượu, chán cảnh nhà, ông lại lên cơn giận dữ đánh chửi vợ con. Sống trong cảnh nhà như thế, mẹ Hạnh cũng đâm ra buồn khổ, thương con mà sinh ra bệnh tật, tăng huyết áp, suy nhược thần kinh, suốt ngày đau đầu, chóng mặt chẳng thể làm được việc gì.

Với gia cảnh như thế, đương nhiên Hạnh phải tiếp tục đóng vai trò là trụ cột trong nhà. Vẫn nghề cũ, hàng ngày Hạnh đi mua chó về giết, bán thịt ngoài chợ. Không chỉ làm lụng, lo toan cho cuộc sống gia đình mà khốn khổ thay cho Hạnh, chị ta còn phải cung phụng cho người anh trai nghiện ngập. Biết em gái buôn bán có tiền, mỗi khi lên cơn nghiền, anh ta lại giở mọi thủ đoạn moi tiền của Hạnh. Hết ngọt nhạt, nịnh nọt, anh ta giở trò đập phá khiến Hạnh đành phải chi tiền để giữ yên không khí gia đình.

Dường như thương cảm cho số phận hẩm hiu của Hạnh, một người đàn ông cùng buôn bán trong chợ ngỏ lời yêu thương chị ta. Từng có vợ nhưng người vợ chẳng may mang bệnh mất sớm nên hiện anh sống cùng 2 đứa con và một người mẹ già.

Trước cuộc hôn nhân mới này, có người khuyên can Hạnh, cảnh nhà vốn khốn khó, nay thêm gánh nặng nhà chồng, khác nào hai vai nặng gánh, chồng con chi cho khổ. Tuy nhiên, Hạnh lại nghĩ, đời người đàn bà cần một bờ vai, bến tựa, nay cũng đứng tuổi rồi nên chị ta đồng ý. Lấy chồng rồi Hạnh mới biết người chồng cũng ốm yếu, không thể làm được việc nặng. Anh ấy chỉ được cái sống tình cảm, luôn quan tâm, động viên Hạnh. Thế là trên lưng người đàn bà truân chuyên này có gánh nặng của 2 gia đình với 6, 7 cuộc đời.

Đến giữa năm 2015, bố Hạnh đổ bệnh nặng. Nằm viện ở Lạng Sơn không mấy chuyển biến nên gia đình phải đưa ông chuyển lên Bệnh viện trung ương quân đội 108. Chiều hôm ấy, mẹ gọi Hạnh sang thông báo bệnh tật của bố rồi bà rút ra 8 triệu đồng đưa cho chị ta để hôm sau xuống Hà Nội nộp tiền viện phí. Vốn là đứa con có hiếu, cầm số tiền mẹ đưa mà Hạnh rưng rưng nước mắt.

Hạnh thấy xót xa, có lỗi bởi đáng lý những lúc ốm đau như thế này, bố mẹ phải được nhờ con nhưng chị ta chẳng biết làm thế nào. Hạnh nhớ đến A Lầy, khoảng 45 tuổi, nhà ở Lộc Bình, Lạng Sơn, một người bạn “làm ăn” cũ mà chị ta tình cờ gặp lại cách đây hơn một tháng. Biết Hạnh đang trong hoàn cảnh khó khăn, A Lầy gợi ý chị ta quay trở lại mối manh làm ăn cũ, “đánh” hàng “đá” từ biên giới về nội địa. Từng phải đi tù nên Hạnh ngần ngại, từ chối.

Nhưng lúc này cần tiền, tiện thể xuống thăm bố, đi liều một chuyến kiếm, Hạnh nghĩ thế. Ngay tối ấy, Hạnh điện cho anh ta. Sáng hôm sau, theo hẹn, Hạnh gặp A Lầy ở chợ Đông Kinh, nhận 3 lạng ma túy “đá” và 2 cây heroin chuyển xuống Hà Nội với thù lao là 1,5 triệu đồng. Số “hàng” ấy A Lầy cho vào một chiếc túi xách giấy màu đỏ, là ám hiệu để khách nhận ra Hạnh. Địa chỉ mà Hạnh giao “hàng” là khu vực trước cửa nhà số 88 Yên Phụ, Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội. Khách hàng là một phụ nữ mặc áo đỏ, đeo khẩu trang màu đỏ.

Nhảy xe khách, Hạnh xuôi xuống Hà Nội. Khoảng 16h hôm ấy xuống xe, Hạnh chưa vội vào bệnh viện thăm bố mà thuê xe ôm đi luôn lên Yên Phụ. Đến khu vực trước cửa nhà số 88 Yên Phụ, chị ta xách chiếc túi giấy màu đỏ xuống xe. Đảo mắt nhìn quanh, Hạnh chưa thấy người phụ nữ mặc áo đỏ, đeo khẩu trang màu đỏ xuất hiện nên chị ta định sang bên đường, vào quán uống chén nước ngồi chờ.

Đúng lúc ấy, các trinh sát phòng chống tội phạm ma túy - CAQ Long Biên xuất hiện. Hạnh đứng như trời trồng với chiếc túi xách màu đỏ trên tay. Khi chiếc túi được mở ra, bên trong có chiếc tất chân và trong chiếc tất chân ấy là 2 túi nilon chứa 282,69 gam ma túy “đá” và 75,21 gam heroin.

Tái phạm nguy hiểm nên 6 tháng sau ngày bị bắt, Đặng Đức Hạnh, sinh 1973, ở Lương Văn Chi, Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, đã bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt với mức án chung thân về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.