Người cả đời gắn bó với sâu hại, côn trùng
(ANTĐ) - “Phía sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ”, nhưng đằng sau sự thành đạt của người phụ nữ sẽ là cả một sự hy sinh hay có thể nói, một sự đánh đổi. PGS. TS, nghiên cứu viên cao cấp Phạm Thị Thùy, 1 trong 3 nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Kovalevxkaia vào ngày 12-3, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
PGS Phạm Thị Thùy hướng dẫn sinh viên sản xuất nấm gây độc |
Nghề ràng buộc người!
Giải thưởng Kovalevxkaia là giải thưởng được trao tặng hàng năm dành cho những nhà khoa học nữ xuất sắc trên thế giới. PGS Phạm Thị Thùy nguyên là cán bộ, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Bảo vệ thực vật (BVTV). Trong 25 năm, với 31 nhà khoa học nữ đã được vinh danh tại Giải thưởng Kovalevxkaia, thì bà là một trong số rất ít người cả đời chỉ gắn bó với khoa học thuần túy, không tham gia vào công tác quản lý.
Gắn bó với phòng thí nghiệm vi sinh vật côn trùng tại Viện BVTV từ ngày tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I, đến nay đã tròn 33 năm, nhiều đề tài do bà làm chủ nhiệm đã đưa vào ứng dụng thành công trong thực tiễn. Nhiều địa phương, Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ đã tặng bà bằng khen cho sự nghiệp khoa học của bà. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, thẳng thắn và không ngừng tìm tòi sự sáng tạo trong công việc, PGS Thùy luôn tạo được sự gắn kết với địa phương, đồng nghiệp và điều này đã góp phần mang tới thành công ngày hôm nay.
Vừa có quyết định nghỉ hưu thì cũng là lúc bà Phạm Thị Thùy vinh dự được trao tặng Giải thưởng Kovalevxkaia, theo bà, đây là phần thưởng dành cho sự cống hiến không biết mệt mỏi, cả cuộc đời dành cho khoa học của mình. Đến thời điểm này, khi đã qua 33 năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, gần gũi với người nông dân, bà vẫn không sao lý giải được, cơ duyên nào đưa đẩy, để rồi bà trở thành một PGS của nhà nông. “Nhìn lại chặng đường đã qua mới thấy, với riêng tôi, có lẽ là nghề chọn người thì đúng hơn là tôi chọn nghề này” - bà Thùy tâm sự.
Bà kể lại, tốt nghiệp THPT, với kết quả thi đại học 25 điểm, bà đứng trước 3 sự lựa chọn là ĐH Y Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Cũng thật trớ trêu, ngày đó, bà vừa nhỏ, vừa còi với biệt danh Thùy “quắt”, lại thêm bị ho mãn tính khiến bà chỉ có thể vào ĐH Nông nghiệp I. Vốn không hề có khái niệm gì về nông nghiệp, bởi gia đình bà ở TP Nam Định, bố mẹ lại là Việt kiều nên từ nhỏ, bà cũng như các anh chị em trong gia đình, chỉ biết miệt mài đèn sách. Bởi vậy, bà tâm niệm, học ĐH Nông nghiệp I “tạm” 1 năm, sau đó sẽ thi sang trường khác.
Nhưng cuộc sống nhiều khi ban tặng cho ta những điều kỳ diệu, với lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là nông nghiệp, trồng trọt… đã cho bà cơ hội được khám phá một thế giới hoàn toàn khác lạ. Tốt nghiệp, bà về công tác tại phòng thí nghiệm vi sinh vật côn trùng, Viện BVTV. Năm 1985, bà được sang Bulgaria du học và lấy bằng Tiến sỹ tại đây. Năm 1990, bà trở về nước và tiếp tục công tác tại Viện BVTV cho đến khi nghỉ hưu.
Người có biệt danh “Thùy nấm độc”
Vào năm 1994, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nổi lên nạn châu chấu cắn phá lúa, cây trồng. Bà đã lặn lội về nằm vùng tại đây ròng rã 2 tháng để nghiên cứu về loài côn trùng này, cuối cùng, PGS Thùy đã quyết định sử dụng chế phẩm nấm sinh học để phun, kết quả thành công. Rồi đến nạn bọ cánh cứng trên cây dừa ở Bến Tre khiến hàng chục hécta dừa đứng trước nguy cơ phá bỏ.
PGS Phạm Thị Thùy lại được mời đến cứu dừa Bến Tre. Ban đầu, bà đề nghị nông dân phun chế phẩm sinh học để diệt trừ bọ, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa cho tỷ lệ bọ chết cao. Song, người dân đã không đồng ý cho bà phun chế phẩm sinh học lên cây dừa, khi đó, bà phải cam đoan bồi thường nếu như xảy ra sự cố. Kết quả thành công ngoài dự tính, người dân Bến Tre ùn ùn kéo đến cảm ơn bà.
Cả cuộc đời PGS cặm cụi với phòng thí nghiệm, rồi lăn lộn trên ruộng đồng chỉ để nghiên cứu các loài sâu gây hại, để tìm ra những cách thức tiêu diệt chúng bằng công nghệ sinh học, dùng nấm độc để gây hại cho sâu. Bạn bè thường nói, PGS Thùy mải mê theo đuổi khoa học mà quên hạnh phúc cá nhân, bà chỉ cười với câu đùa hóm hỉnh: “Sự nghiệp khoa học và xây dựng gia đình là 2 việc hoàn toàn độc lập. Tôi chưa xây dựng gia đình là do cái duyên chưa tới, chứ không phải mải mê khoa học mà lãng quên”.
PGS Phạm Thị Thùy là cán bộ khoa học đầu tiên và hiện nay là người duy nhất của Viện BVTV đã đi sâu vào nghiên cứu các biện pháp sinh học trong BVTV. Chủ trì 21 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh, bà đã nghiên cứu sản xuất ra nhiều sản phẩm sinh học như Bacillus thuringiensis (Bt), Virus đa diện nhân.
Đặc biệt, 2 chế phẩm sinh học vi nấm Beauveria và Metarhizium phục vụ cho việc phòng trừ dịch sâu hại cây trồng, cây rừng theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời đã tạo ra các sản phẩm trong nông nghiệp an toàn và bền vững đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 2 bằng Độc quyền sáng chế.
Hiện, 2 loại chế phẩm sinh học này được các địa phương sử dụng rộng rãi trong phòng trừ sâu bọ cánh cứng, sâu róm trên cây thông, cây dừa... Ngoài những cống hiến về khoa học, bà còn giúp nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng nghìn phụ nữ nông dân ở các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn như các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Giang…
Ngân Tuyền