Mùa thu năm ấy trong ký ức người lính

ANTĐ - Những nhân chứng từng dự Lễ Tuyên bố độc lập được tổ chức ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình đều đã cao tuổi.  Mặc cho chiều dài năm tháng của 70 năm đã đi qua nhưng trong ký ức của những con người thuộc về lịch sử, thì ngày Tết Độc lập đầu tiên vẫn còn in đậm trong tâm trí họ… Và ký ức về “mùa thu vàng” năm xưa sẽ được “phục dựng” qua câu chuyện của người lính già - Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên cao cấp trong Ban Tổng kết chiến tranh của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Trợ lý giúp việc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Mùa thu năm ấy trong ký ức người lính  ảnh 1

Người lính già chúng tôi nhắc đến ở trên năm nay đã 90 tuổi, hiện ông đang sống trong căn nhà nhỏ trên tầng 2 số nhà 16 phố Điện Biên Phủ, Hà Nội. Không gian của ông nằm nép mình bên cạnh trụ sở Công an phường Điện Biên. Những tưởng tuổi ấy rồi, ông cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi thì lại không, thôi thì trời cho ông sức khỏe, thời gian này khách tới lui tấp nập trên căn gác ấy nhưng ông vẫn cố gắng để chuyện trò với tất cả mọi người, không nề hà hay cảm thấy phiền phức bởi chỉ cần thấy giọng nói khỏe, sang sảng như chưa hề bị ảnh hưởng bởi tuổi tác là hiểu.

Và cũng bởi ông biết, những người ghé tìm gặp ông phần đông đều là những người trẻ, độ tuổi thuộc thứ bậc con cháu đến để nghe ông kể câu chuyện lịch sử, xưa nhưng không bao giờ cũ. Nói đến đây xin tản mản nhắc lại một hàm ý trong bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc tôi đã từng được đọc rằng: Chúng ta thường hay nhắc đến câu ngạn ngữ “Khi mỗi người già chết đi tựa như một cái thư viện đã bị cháy” ý để nói đến những ký ức của những con người một khi chết đi không thể nào khôi phục lại.

Cuộc cách mạng giành độc lập và những cuộc chiến tranh vệ quốc sau này đã để lại trong ký ức nhiều thế hệ nối tiếp nhau những chất liệu vô cùng phong phú và sâu sắc để trở thành nguồn sử liệu cho các thế hệ sau. Ký ức sẽ góp phần phục dựng lại lịch sử ngày một tiệm cận với sự thật hơn… Đúng. Còn gì quý giá hơn khi một người trong cuộc, một người chứng kiến giây phút lịch sử của đất nước trong những ngày mùa thu lịch sử cách đây 70 năm ấy vẫn còn sống! Và câu chuyện của người lính già - Đại tá Nguyễn Bội Giong bắt đầu. Nguyễn Bội Giong, tên ông, mà theo ông lý giải chữ đệm là “Bội” được thân phụ lấy từ tên đệm của cụ Phan Bội Châu - một nhà yêu nước lớn, một chí sĩ cách mạng Việt Nam có ý chí - với mong ước lớn lên ông cũng sẽ là một người chiến sĩ cách mạng yêu nước.

Mùa thu năm ấy trong ký ức người lính  ảnh 2

Người lính già nhớ lại: “…Năm 1944, tôi tốt nghiệp Tú tài toàn phần ở trường Bưởi nhưng không hề quan tâm đến giấy gọi liên tiếp của nhà cầm quyền Pháp. Lý do về sự kiên quyết không đến nhận quyết định của tôi là để phản đối những chính sách bất công của chính quyền thực dân. Sau đó tôi về quê ở làng Giáp Tứ, nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ở quê không khí sục sôi lắm, đông đảo thanh niên đã nhiệt tình, hăng hái tham gia hoạt động chống phá chính quyền bằng nhiều phương cách từ biểu tình, bãi công, rải truyền đơn… Sau này cán bộ Việt Minh được tổ chức cử về tuyên truyền, vận động đã dần định hướng hoạt động của chúng tôi có tổ chức và bài bản hơn. Mà cán bộ được tổ chức cử về lại là đồng chí Vũ Oanh chứ chẳng phải ai xa lạ, cũng là học sinh trường Bưởi học dưới tôi một khóa nên biết nhau cả, từ biết sang hiểu nên việc định hướng phong trào hoạt động cũng vì thế mà gặp nhiều thuận lợi. Làng Giáp Tứ quê tôi lúc đó bắt đầu mở ra những buổi nói chuyện nhỏ, sau mở rộng thành những cuộc họp lớn để Việt Minh hoạt động tuyên truyền. Ý nghĩa của những cuộc họp lớn nhỏ ấy lớn lao vô cùng, đầu tiên là để cổ vũ phong trào, tiếp sau là để kiểm tra trình độ, thử lòng nhiệt tình của anh em với cách mạng. Cho đến khi Nhật đảo chính Pháp những hoạt động diễn ra sôi nổi, mỗi lúc một mạnh với quy mô lớn hơn trước. Thời điểm này tôi đã giác ngộ và được phân công làm Tổ trưởng Tổ thanh niên cứu quốc của địa phương do đồng chí Minh Đăng phụ trách - một cán bộ trẻ do thành Bộ Việt minh Hoàng Diệu cử về tổ chức và lãnh đạo phong trào ở các làng thuộc khu vực Sét. Và cũng thật kỳ duyên khi đồng chí Minh Đăng lại chính là người em cùng cha khác mẹ với tôi. Hai anh em cùng tham gia cách mạng còn gì tự hào, sung sướng hơn. Hòa chung vào khí thế ấy, chúng tôi làm tất cả mọi thứ để chuẩn bị cho một ngày lịch sử”… 

Cách mạng Tháng Tám - gợi lại ký ức về cuộc cách mạng lịch sử năm xưa ấy đôi mắt của người lính già lại ánh lên niềm xúc động không kể siết.

“Tôi vô cùng tự hào khi được chỉ định là chính trị viên của Đội tự vệ chiến đấu tại làng Giáp Tứ khu vực Sét; sát cánh chiến đấu với đồng chí Nguyễn Phúc Ánh, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời làng Giáp Tứ; đồng chí Nguyễn Quang Huệ, Đội trưởng; đồng chí Trương Đình Chuyên, Đội phó Đội tự vệ chiến đấu... Trong quãng thời gian này tôi cùng một đồng chí nữa đã 3 lần vào tận khu vực Vạn Phúc, Hà Đông để vận chuyển súng về cho Đội tự vệ chiến đấu tập luyện hàng ngày. 3 lần cũng là ngần ấy lần xử trí trót lọt, lần vận chuyển đầu tiên tôi nhét phụ tùng súng vào túi đựng đàn violon, còn đồng đội của tôi “nhập vai” đóng giả thành một công tử giàu sang. Mọi chuyện tưởng diễn ra thuận lợi thì đi đến khu vực Ngã Tư Sở thì chúng tôi bị hiến binh Nhật gọi lại kiểm tra. Rất nhanh trí đồng đội “công tử” của tôi rút điếu thuốc ra hút và mời lính Nhật, còn tôi làm nhiệm vụ đi cùng, hỗ trợ và quan sát để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Lần vận chuyển thứ hai chúng tôi lại bị hiến binh Nhật kiểm tra, nhưng rút kinh nghiệm lần trước tôi đã nhét nòng súng vào đòn ống, còn đồng đội tôi đóng vai người nông dân gánh dưa đi bán. Khi bị kiểm tra đồng đội tôi để đòn ống xuống đất ngay cạnh gánh dưa nên an toàn. Lần vận chuyển thứ ba chúng tôi cũng thoát trong gang tấc khi chúng tôi cho báng súng lẫn vào rơm rạ để trên xe ba gác thì bị hiến binh Nhật và cảnh sát chính phủ Trần Trọng Kim gọi lại kiểm tra. Nhanh trí đối đáp rằng chúng tôi chở rơm đi lợp mái chuồng lợn, cộng thêm cả sự may mắn nên cả ba lần vận chuyển súng của chúng tôi đều trót lọt”, Đại tá Nguyễn Bội Giong kể lại.  

…“Còn nhớ khoảng thời gian dài tôi được tổ chức giao nhiệm vụ vào nội thành rải truyền đơn; tận dụng những lần ra vào đó tôi đã làm quen với một tên lính Pháp và “gạ” mua được một khẩu súng Saintétienne. Một số đồng chí khác cũng bằng nhiều cách “kiếm” được tổng cộng 10 khẩu súng, thế rồi tập hợp xong lực lượng, ngày 17-8, phân đội tự vệ chiến đấu làng Giáp Tứ chúng tôi bừng bừng khí thế tiến về trụ sở xã. Ai có gì dùng nấy, ai có súng được hùng dũng đi đầu tiến về phía trước. Người nối người khiến mỗi lúc đoàn người ngày càng đông, tôi nhẩm tính cũng phải đến hàng nghìn người. Bọn Tây thấy khí thế đó không tên nào dám kháng cự, tự buông súng đầu hàng…”

Đại tá Nguyễn Bội Giong nhớ lại: “Trước ngày 19-8, khi ấy tôi là chính trị viên khu vực Sét lên tham gia chiếm giữ trại bảo an. Đứng trước nhiều lính bảo an nhưng tôi vẫn bình tĩnh thuyết phục bảo an binh không bắn vào nhân dân và ủng hộ mặt trận Việt minh giành lấy chính quyền. Họ thấy tôi nói thấu tình đạt lý nên đã mở cửa cho phân đội vào trong và thu được hàng trăm khẩu súng. Số súng ấy được đại diện của Tổng Bộ Cách mạng đến tiếp nhận để kịp thời trang bị cho một số đơn vị Tây tiến. Ngay sau khi tiếp quản các khu vực hành chính, đội vũ trang của thôn do tôi làm Đội trưởng được thành lập. Sau ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội thành công, tôi đề nghị tổ chức cho về nội thành Hà Nội hoạt động trong Tự vệ thành Hoàng Diệu mới được thành lập và được giao là người phụ trách khu vực chợ Đồng Xuân sau này gọi là Trung đội Tự vệ chiến đấu Đồng Xuân”. 

Rồi thời khắc lịch sử ngày trọng đại của dân tộc cũng đến gần, người lính già trầm ngâm bảo rằng đúng đêm 1-9-1945 ông không sao có thể ngủ được, đôi mắt cứ thao thức, con tim thì hồi hộp. Thời khắc đó ông bảo cũng tự vấn lý do nhưng nhiều lắm, nhưng trong đó không thể thiếu niềm vui, nỗi tự hào khi được bảo vệ kỳ đài cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam mà trước đó ông chỉ được biết qua những tài liệu bí mật cấp trên cho đọc.

Từ sáng sớm ngày 2-9-1945 Hà Nội tưng bừng cờ hoa, đồng bào Hà Nội từ già-trẻ-trai-gái đều xuống đường, những dòng người từ khắp các ngả đường kéo về Quảng trường Ba Đình. “Chúng tôi, niềm vui nhân lên gấp bội khi suốt chặng đường đi có nhiều người đứng ven đường nói: Bà con dẹp đường cho đội giải phóng ở chiến khu về. Tại Quảng trường Ba Đình, tôi được xếp trong đội ngũ vũ trang bảo vệ vòng hai cách kỳ đài Bác đứng hơn 100m. Lúc đó trong tôi dấy lên một niềm vui sướng và tự hào vô hạn. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi và giản dị vô cùng. Một câu nói không có trong bản Tuyên ngôn Độc lập nhưng đã làm xúc động toàn thể đồng bào khi Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Câu hỏi mộc mạc, giản dị ấy vừa thể hiện sự gần gũi của Bác đối với nhân dân, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả của một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhân cách lớn của lãnh tụ hết lòng vì nước, vì nhân dân. Cùng hòa chung vào trùng điệp biển người phía dưới tại Quảng trường Ba Đình tôi cũng hô to: “Có, có”… 

Mùa thu năm ấy chính là “mùa thu vàng” được in hằn trong ký ức của những nhân chứng lịch sử. Tháng Tám của 70 năm về trước là mùa thu đẹp nhất, mùa thu của cách mạng, của ý chí kiên cường đứng lên đánh giặc cứu nước của toàn quân và dân Việt Nam. Mùa thu ấy đã có những con người vĩ đại ghi tên mình vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, rất nhiều người đã anh dũng hy sinh và cùng có người may mắn hơn được trở về với gia đình, được sống trong hòa bình… Và người lính già, Đại tá Nguyễn Bội Giong cũng vậy, ông bảo cuộc đời ông bước đến với cách mạng rồi trở thành người lính Bộ đội Cụ Hồ cho đến ngày hôm nay được bắt đầu như thế, chứng kiến và bước qua những thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.

Từ khi còn là chàng thanh niên tham gia Mặt trận Việt Minh cùng toàn quốc kháng chiến; tháng 5-1947 đi học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn; tháng 2-1948 được điều động về làm công tác tại phòng Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tháng 2-1948 đến tháng 6-1951 là cán bộ quân sự trong văn phòng Tổng Chính ủy với công việc hàng ngày là giúp Đại tướng theo dõi tình hình chiến tranh và những hoạt động tác chiến của các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân trên toàn quốc cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau đó, ông chuyển sang làm phái viên tác chiến, Bộ Tổng tham mưu... Một mùa thu nữa lại đến, trên căn gác nhỏ, tinh thần cách mạng của mùa thu năm ấy lại thêm một lần rực cháy trong ký ức người lính già. Với ông - người lính già kể chuyện mùa Thu, nó đã là mùa thu của lịch sử, nhưng hôm nay và mãi mai sau, kỷ niệm về “mùa thu vàng” sẽ còn nguyên vẹn trong tâm trí, trong ký ức và sự hồi tưởng.