Mua bán đàn ông làm "nô lệ"

Trên thực tế, loại tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đã bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, qua đó góp phần ngăn chặn được tình trạng gia tăng loại tội phạm này. Nhưng có một giả thiết mà hoàn toàn có khả năng xảy ra trên thực tế, nếu những người đàn ông cũng là nạn nhân của những trò buôn bán và trở thành “nô lệ” tại  những hầm mỏ, nông, công trường, thậm chí là “nô lệ” tình dục, vậy  cơ quan chức năng lấy gì mà xử lý khi luật chưa quy định?

Mua bán đàn ông làm "nô lệ"

Trên thực tế, loại tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đã bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, qua đó góp phần ngăn chặn được tình trạng gia tăng loại tội phạm này. Nhưng có một giả thiết mà hoàn toàn có khả năng xảy ra trên thực tế, nếu những người đàn ông cũng là nạn nhân của những trò buôn bán và trở thành “nô lệ” tại  những hầm mỏ, nông, công trường, thậm chí là “nô lệ” tình dục, vậy  cơ quan chức năng lấy gì mà xử lý khi luật chưa quy định?

Thiếu luật...!

Các đối tượng trong đường dây tổ chức mại dâm bị bắt giữ tại một nhà hàng ở TPHCM. Ảnh: Thanh Niên

Các đối tượng trong đường dây tổ chức mại dâm bị bắt giữ tại một nhà hàng ở TPHCM. Ảnh: Thanh Niên 

Công tác lập pháp của Việt Nam vẫn còn không ít bất cập, thiếu hụt các quy phạm điều chỉnh trong các Bộ luật, Luật. Một ví dụ điển hình cho sự thiếu hụt này chính là vụ việc triệt phá đường dây mại dâm tại TP Hồ Chí Minh mới đây. Sự việc đã gây xôn xao dư luận khi tâm điểm của những luồng ý kiến trái ngược không phải là các cô gái “chân dài 100USD” như thường lệ, mà chính là một “nam chân dài” – vốn là một nam giới 100%, nhưng đã qua Thái Lan “mông má” thành một “chân dài chính hiệu”. Trớ trêu ở chỗ, theo quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét hành vi mại dâm được thực hiện giữa nam và nữ. Bản thân “người đẹp” này vốn vẫn được pháp luật công nhận là nam “xịn” cho dù hình hài đã là một cô nàng thực thụ. Chính vì thế, xem ra, quá khó xử khi “người đẹp” trên quan hệ tình dục với những người đàn ông!

Bên cạnh đó, theo quy định của BLHS năm 1999, có 2 tội danh liên quan đến việc mua bán người, đó là điều 119 và 120 (Tội mua bán phụ nữ và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em). Tuy vậy 2 điều luật này chỉ điều chỉnh những hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em, còn nếu đối tượng đó là đàn ông thì chưa hề đả động tới. Theo phân tích của Tiến sỹ Luật học – Luật sư Ngô Ngọc Thủy (nguyên Trưởng khoa Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội), việc buôn bán đàn ông có thể coi là vấn đề mới nảy sinh mà pháp luật ta còn thiếu, chưa dự liệu được và đáng ra, vấn đề này cần được các nhà lập pháp cũng như Quốc hội xem xét từ lâu. Ông Thủy cho rằng, trên thực tế, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các nạn nhân của tình trạng buôn bán người là đàn ông. Họ có thể bị đưa vào các hầm mỏ, công, nông trường  và bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ. Những người này hoàn toàn không được chăm sóc, không được quan tâm đến sức khỏe, tính mạng cũng như các vấn đề bảo hiểm và nhân thân khác, được trao đi, đổi lại như một món hàng giữa các “tay” buôn người cũng như những tổ chức bất hợp pháp. Chính vì thế, nếu pháp luật chỉ quy định hành vi buôn bán với phụ nữ và trẻ em thì coi như đã để lại một lỗ hổng lớn về vấn đề pháp lý.

Để tránh tình trạng pháp luật không điều chỉnh, theo kịp thực tiễn cũng như hạn chế được tình trạng lúng túng không biết áp dụng pháp luật, không ít các chuyên gia luật pháp cho rằng, nên thống nhất hoặc chuyển đổi tội danh buôn bán phụ nữ thành Tội buôn bán người. Việc điều chỉnh này sẽ giải quyết được bài toán về lỗ hổng pháp luật khi xảy ra những hành vi phạm tội trên.

“Bệnh viện tội ác”: Tiềm ẩn một nguy cơ!

Cũng theo Tiến sỹ Ngô Ngọc Thủy, trên thực tế, hoàn toàn có thể xảy ra một “Bệnh viện tội ác” – là nơi các nạn nhân bị chiếm đoạt nội tạng bất hợp pháp, sau đó những nội tạng này được rao bán trên thị trường “chợ đen”. Loại “bệnh viện” dã man này được coi là một nguy cơ tiềm ẩn hình thành từ những lần buôn bán người hoặc thậm chí có thể là hậu quả từ hoạt động trá hình qua hình thức nhận nuôi con nuôi đang không ít bất cập hiện nay. Không ít các chuyên gia đã từng hoài nghi về vấn đề này. “Người ta có thể bỏ ra vài ba chục triệu đồng để mua một người khỏe mạnh qua đường dây buôn bán người trái phép. Khi mua xong, các cá nhân, tổ chức đó sẽ tiến hành bán lại hoặc trực tiếp (thông qua “bệnh viện tội ác”) chiếm đoạt bộ phận cơ thể của con người này để đem bán trên thị trường - ông Thủy phân tích. Như vậy, chỉ cần một ví dụ nhỏ trên đã cho thấy được một nguy cơ hiện hữu của sự gia tăng tình trạng buôn bán nội tạng đang có phần “sôi nổi” hiện nay. Xét trên nhu cầu thực tế, hàng năm trên thế giới có hàng chục nghìn người mong muốn được cho, ghép nội tạng và hàng triệu người mong muốn được cấy ghép giác mạc, tuy nhiên, khả năng đáp ứng và cho hiến một cách hợp pháp chỉ là 5%. Điều này đã dẫn đến một hệ lụy, sự xuất hiện thị trường “chợ đen” mua bán nội tạng, cơ thể người là khó tránh khỏi và thực tế đã xảy ra nhiều ở các quốc gia ở châu Á, và nhiều hơn là các quốc gia nghèo ở châu Phi... Không quá khó để tìm kiếm trên mạng những địa chỉ sẵn sàng cung ứng loại “hàng hóa” đặc biệt này, như gan, mật, mắt, thận, chân, tay, xương với số lượng không nhỏ... thậm chí cả tim người cũng được giao bán nhưng với giá khá cao, ít nhất cũng từ vài chục nghìn “đô” đến hàng trăm nghìn USD.

Ngoài những “nguồn” có từ việc mua bán người, còn có một nguy cơ mới cũng đang gây nhiều phiền muộn cho các nhà quản lý, đó là việc cho, nhận con nuôi. Tiến sỹ Thủy phân tích, không lấy gì chắc chắn khi các trẻ em được người nước ngoài, hoặc các trung tâm, trại trẻ nhận làm con nuôi sẽ sinh sống và trưởng thành tại các gia đình, trung tâm đó. Bởi phải nhìn nhận một thực tế là, việc quản lý cũng như phản hồi, nắm bắt thông tin là rất khó khăn, các cơ chế, chính sách cũng như sự điều chỉnh của hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này còn chưa đầy đủ, như độ tuổi của người nhận nuôi con nuôi, điều kiện kinh tế, chỗ ở ổn định, sự đảm bảo về nhân thân của người nhận nuôi con nuôi v.v... Chính vì lẽ đó, nguy cơ những trẻ em này biến thành nạn nhân của tình trạng buôn bán người, thậm chí là nơi nguồn cung cấp nội tạng cũng có thể xảy ra.

Như vậy, hàng loạt các câu hỏi được đặt cho công tác lập pháp của Việt Nam, nhất là việc xây dựng các quy phạm mang tính dự báo, tiên lượng cũng cần nhanh chóng xây dựng và phát triển thành các văn bản có giá trị pháp lý cao. Việc làm này cần sự phối hợp không chỉ của một quốc gia cũng như không chỉ thuộc về các nhà lập pháp.

Bảo Thắng