Lớp võ của những học viên đặc biệt

ANTĐ - “Với tôi, dạy võ cũng là cách để truyền “lửa” yêu thương cho các em, là cách để mình thổ lộ tình cảm với các em. Còn với các em, học võ là cách để khẳng định mình cũng làm được những điều mà một người bình thường có khả năng làm, để các em không phải mặc cảm, hụt hẫng vì bản thân thua kém người khác” - đó là chia sẻ của võ sư Hà Trọng Khánh (58 tuổi, ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM), người không quản khó khăn, vất vả để truyền dạy võ học cho các học viên đều là những em khuyết tật.

Lớp võ của những học viên đặc biệt ảnh 1

“Tình yêu! Đó là thứ quan trọng nhất”

Trong một lần tác nghiệp tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP.HCM (trụ sở tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM), những hình ảnh tập luyện tại lớp võ đặc biệt do võ sư Hà Trọng Khánh đảm trách đã thực sự khiến  chúng tôi cảm phục. Lớp học võ này đặc biệt vì tất cả học viên đều là những em khuyết tật đang học nghề tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP.HCM.

Dưới sự hướng dẫn của võ sư Hà Trọng Khánh, các em khuyết tật và cả những trẻ thiểu năng tập luyện hăng say những đòn đánh, những bài quyền. Tuy vất vả, khó khăn trong từng động tác nhưng các em luôn nở nụ cười hồn nhiên. Bởi được học võ như một là một thông điệp để các em gửi tới mọi người rằng các em cũng có thể học và làm được những điều mà một người bình thường có khả năng làm.

“Với một trẻ bình thường, những động tác võ thuật hay những bài quyền  sẽ dễ dàng được tiếp thu, nhưng với những em khuyết tật là cả một sự cố gắng, nỗ lực, bởi từ nhỏ, các em không hề vận động mạnh. Một điều bắt buộc trong võ thuật đó là đòi hỏi người học phải hoạt động nhanh, mạnh, dứt khoát, đây là một khó khăn, thách thức với các em. Vậy nhưng, qua tập luyện, tôi thấy các em rất nỗ lực và có khao khát mãnh liệt xuất phát từ nội lực. Thế nên, nhiều động tác khó các em cũng cố gắng thực hiện. Chính điều đó đã thúc đẩy chúng tôi, những người thầy, những huấn luyện viên dành tâm huyết “nhập vai” mình vào các em là những người khuyết tật để có thể soạn ra giáo án huấn luyện cho riêng mỗi em. Bởi, mỗi em trong lớp học có điều kiện sức khỏe và khiếm khuyết riêng nên không thể áp dụng giáo án chung được”, võ sư Hà Trọng Khánh chia sẻ.

Với gần 40 học sinh, được chia ra thành 3 lớp: lớp khuyết tật các bộ phận cơ thể; lớp bại liệt ngồi xe lăn và lớp thiểu năng. Mỗi lớp do mỗi huấn luyện viên đảm trách.  

“Tình yêu! Đó là thứ quan trọng nhất. Mình phải đặt tình yêu vào công việc mình đang làm và dành tình cảm từ trái tim cho các em thì mình sẽ làm được. Sự khao khát vượt lên nỗi đau và sự khiếm khuyết bản thân của các em chính là động lực để tôi và các đồng sự theo đuổi công việc. Mình là người thầy nhưng trong chừng mực nào đó, chính sự học tập không ngừng nghỉ và tinh thần của các em cũng là động lực phấn đấu cho người thầy trong công việc thiện nguyện này”, võ sư Hà Trọng Khánh tâm sự.

Tự hào chỉ những tấm hình chụp lưu niệm, vị võ sư khoe, mới chưa đầy 6 tháng huấn luyện, vừa rồi các học viên khuyết tật trong lớp võ của ông đã biểu diễn trước sự chứng kiến của đông đảo bà con và đoàn khuyết tật từ Đài Loan -Trung Quốc đến trung tâm giao lưu.

Hình ảnh cậu học trò cụt 2 chân với 1 tay cầm cây búa múa bài quyền một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt, có thần đã khiến những người chứng kiến rất xúc động. 

Lớp võ của những học viên đặc biệt ảnh 2

Chụp ảnh lưu niệm với những học trò “cưng” trong buổi biểu diễn võ thuật cuối năm

Từ câu chuyện của cô bé tật nguyền

Sau những câu chuyện về lớp học đặc biệt và những học trò đặc biệt, ông chia sẻ về cái “duyên” nối mình với những con người đặc biệt này. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật ở Bình Định.

Năm lên 6 tuổi, võ sư Hà Trọng Khánh được cha là ông Hà Trọng Sơn - một nghệ nhân Tuồng cổ Hát bội Bình Định truyền dạy những đòn thế của dòng võ Bình Định. Cha ông là người giỏi võ, nhưng không mở võ đường để dạy mà ông chỉ truyền lại cho con cháu trong gia tộc. 

Với tố chất và năng khiếu võ thuật bẩm sinh lại được sự tận tình dạy dỗ của cha, võ sư Hà Trọng Khánh tiến bộ rất nhanh. Học võ chỉ luyện quyền, biểu diễn không thôi thì chưa phải là võ thuật, mà người học võ còn phải đối luyện, đối kháng với các võ sĩ của phái khác.

Và chính con đường thượng đài, đối kháng đó đã giúp ông trưởng thành hơn và danh tiếng của ông cũng ngày một được giới võ học biết đến.

Với mong muốn phát triển môn phái Võ đạo Tây Sơn - Bình Định, sau khi chia tay võ đài ông đã mở lớp dạy võ ở nhiều nơi. Đó cũng chính là cơ duyên đưa ông đến với người khuyết tật. “Cách đây 4 năm, một buổi tối, đang dạy võ cho các đệ tử ở một võ đường ở quận 12, tôi thấy một em nhỏ đứng nấp sau một thân cây gần đấy theo dõi lớp học.

Quan sát kỹ, tôi thấy em bị cụt một tay. Khi tôi bước đến chỗ cô bé thì em lại bỏ chạy. Tôi gọi lại hỏi thăm thì biết cô bé đang đợi một người bạn học trong lớp võ. Vì cũng muốn được học võ nên những lúc đợi bạn, em thường chăm chú theo dõi từ gốc cây”, vị võ sư thổ lộ.

Hỏi thăm hoàn cảnh của cô bé, vị võ sư được biết, em cùng mẹ  đang ở trọ gần giảng đường của ông. Em bị cụt tay trong một lần bị tai nạn xe máy khi bố đón em ở trường mẫu giáo về. Cũng chính vụ tai nạn đã cướp mất đi người bố của em. Sau đó, có bé và mẹ lang bạt khắp Sài Gòn nhặt ve chai kiếm sống qua ngày.

Câu chuyện cuộc đời của cô bé 12 tuổi và ước mơ được học võ như những người bạn cùng trang lứa làm cho vị võ sư xúc động mạnh. Ông bảo cô bé, nếu muốn học võ hãy về xin phép mẹ rồi đến học với thầy, “thầy sẽ dạy miễn phí cho con”. Những lời đó của ông còn hơn một món quà với cô bé 12 tuổi tàn tật. Một tuần sau, em được mẹ dẫn đến xin thầy cho được tham gia lớp học.

“Bé rất có năng khiếu. Chỉ với một tay trái nhưng em học rất nhanh và múa quyền rất đẹp. Mới học chỉ chưa đầy 1 năm nhưng em đã khiến tôi ngạc nhiên về khả năng võ thuật. Tôi vui mừng vì nhận được một em bé có năng khiếu, nhiệt huyết và ham mê võ thuật như bé, điều mà tôi ít thấy ở những học viên cùng tuổi mà cơ thể lành lặn bình thường. Thế nhưng, đến một ngày, tôi không thấy em đến lớp học. Hỏi thăm các bạn cũng không biết bé đi đâu. Tôi điện thoại cho mẹ bé thì mới hay vì cuộc sống ở Sài Gòn khó khăn nên người mẹ đã đưa bé về quê. Vì sợ thầy buồn, bản thân em cũng buồn nên em không dám chào tạm biệt thầy…”, lời nói của ông như nghẹn lại khi nhớ về người học trò khuyết tật đầu tiên của mình.

Những người cùng tâm huyết

Đó cũng là cơ duyên khiến ông quyết tâm mở trung tâm dạy võ từ thiện cho những em khuyết tật. Nghĩ là làm, ông bắt tay ngay vào việc định hướng mở trung tâm và bàn bạc với những võ sư có cùng tâm huyết. May mắn, ông được những người “cùng chung chí hướng, cùng chung tâm thiện nguyện” chia sẻ công việc.

Từ khi thành lập đến nay, dù mới chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng những công sức và tâm thiện của ông đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

“Khi có ý hướng thành lập trung tâm, tôi hoàn toàn nghĩ đến các em khuyết tật, không vì một mục đích nào khác. Có nhiều người đặt câu hỏi, sao phải dạy võ cho các em mà không dạy một cái nghề gì đó để các em tự kiếm tiền? Có ai đánh những người khuyết tật đâu mà dạy võ? Với tôi, dạy võ cũng là cách để mình truyền “lửa” yêu thương cho các em, là cách để mình thổ lộ tình cảm với các em. Còn với các em, học võ là cách để khẳng định mình cũng làm được nhiều việc và có thể làm hơn người bình thường, để các em không phải mặc cảm, hụt hẫng vì bản thân thua kém người khác”, võ sư Hà Trọng Khánh tâm sự.

“Về tương lai, nếu có điều kiện, tôi hy vọng mình có thể mở một võ đường riêng để dạy võ cho các em khuyết tật. Ngoài việc học võ nâng cao thể lực, rèn luyện sức khỏe để hòa nhập cộng đồng, tôi cũng luôn trăn trở làm sao mở được một phòng tranh để tạo công ăn việc làm lâu dài cho các em. Dự tính thì nhiều, nhưng muốn làm từ thiện vấn đề cốt lõi phải có kinh tế, phải có nhà tài trợ. Trung tâm mới đi vào hoạt động nên bước đầu đang gặp phải những khó khăn nhất định về nhân sự và kinh tế. Thế nhưng, vì nhiệt huyết thiện nguyện, vì trẻ em khuyết tật chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình”, vị võ sư nói rõ quyết tâm của mình.