Lớp học guitar cho trẻ em khiếm thị của một Thượng úy trẻ

ANTĐ - Hát hay, đàn giỏi, sáng tác được, lại có khuôn mặt điển trai, ở anh hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành một "nhân tố bí ẩn" nếu bước chân vào showbiz. Thế nhưng, anh lại chọn con đường trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân để đem lời ca tiếng hát phục vụ cho ngành và cho những trẻ em, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. 

Sống và cháy hết mình vì âm nhạc, dùng âm nhạc và những hoạt động từ thiện, đời thường để làm đẹp hơn hình ảnh người chiến sĩ Công an trong mắt người dân đã trở thành lý tưởng, tâm huyết của anh.

Người chiến sĩ đa tài

Gọi anh là nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ đều đúng cả, nhưng anh bảo, anh vẫn thích nhất khi được gọi là một người chiến sĩ, một người thầy giáo Công an nhân dân. Chỉ vì trót đam mê màu áo Cảnh sát, mà anh quyết tâm vào ngành, đem hết tài năng, tâm huyết phục vụ cho ngành.

Lớp học guitar cho trẻ em khiếm thị của một Thượng úy trẻ ảnh 1

Thượng úy Trần Anh Tuấn

Thượng uý Trần Anh Tuấn, cán bộ Phòng Xây dựng lực lượng, trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội vốn là cái tên đã khá quen thuộc trong giới nghệ sĩ guitar Hà Nội và trong các hoạt động phong trào của sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội.

Anh nổi tiếng không chỉ vì hát hay, đàn giỏi, sáng tác những ca khúc giản dị, sâu lắng dành cho giới trẻ, mà còn nổi tiếng bởi đã gây dựng được những hoạt động guitar phong trào và hoạt động tình nguyện nổi bật.

Năm 2002, Thượng uý Trần Anh Tuấn cùng một số nghệ sĩ trẻ vận động, tạo dựng phong trào học và chơi guitar trong giới học sinh, sinh viên Thủ đô. Cho đến nay, dù đã hơn chục năm trôi qua, nhưng phong trào guitar Thủ đô vẫn có sức hút rất lớn đối với giới trẻ và là một sân chơi lành mạnh cho giới học sinh, sinh viên.

Năm 2007, câu lạc bộ guitar trường Đại học PCCC lần đầu tiên được thành lập, trong đó Thượng uý Trần Anh Tuấn đóng vai trò là người khởi xướng, Chủ nhiệm câu lạc bộ. Từ trường Đại học PCCC, phong trào chơi guitar lan rộng khắp các trường Công an và anh trở thành người đỡ đầu cho các câu lạc bộ guitar trong lực lượng Công an. 

Hình ảnh người chiến sĩ mặc sắc phục Cảnh sát, tay lướt trên những phím đàn, thả hồn du dương vào những nốt nhạc trầm bổng vừa mạnh mẽ, vừa đầy chất nghệ sĩ khiến người xem ngỡ ngàng và thán phục.

Lớp học guitar cho trẻ em khiếm thị của một Thượng úy trẻ ảnh 2Các thành viên Câu lạc bộ guitar Trường Đại học PCCC

Không ngỡ ngàng và thán phục sao được khi người Cảnh sát vốn được coi là khô khan, chỉ biết đến thi hành pháp luật, nay bỗng trở nên lãng tử hơn, đẹp hơn, mà vẫn không kém phần oai nghiêm trên sân khấu ca nhạc. Nếu ai đã từng nghe "Nụ cười trong mắt em", "Khi em xa anh", "Ước mơ tình đầu", "Những khoảnh khắc đợi chờ"… mà Thượng uý Trần Anh Tuấn sáng tác và biểu diễn chắc hẳn sẽ không thể nào quên.

Công tác trong lực lượng Công an, Thượng uý Trần Anh Tuấn luôn phấn đấu và nỗ lực hết mình để trở thành một chiến sĩ Công an toàn diện, đa năng trên mọi lĩnh vực. Đã và đang là cán bộ Đoàn, giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm, cán bộ điều lệnh quân sự võ thuật, cán bộ chuyên trách văn hoá, văn nghệ của nhà trường và hiện giờ là cán bộ Phòng Xây dựng lực lượng, một trợ lý chính trị "cứng" của trường Đại học PCCC, ở vị trí nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được lãnh đạo, học viên yêu mến.

Nhìn dáng anh thư sinh, lại hát hay, đàn giỏi, nhưng ít ai biết rằng, anh là một thầy giáo giỏi võ có tiếng của trường. Anh tâm sự, vì ước mơ làm Công an mà ngay từ nhỏ, anh đã xin bố mẹ cho đi học võ thuật bên cạnh việc học đàn. Hội thi võ thuật nào trong lực lượng Công an, anh cũng tình nguyện làm trợ giảng, đồng thời làm tốt công tác quản lý, hậu cần, cùng các giáo viên trong bộ môn quân sự, võ thuật và thể dục thể thao đưa học viên của trường đi thi đấu đạt thành tích cao...

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Lớp học guitar cho trẻ em khiếm thị của một Thượng úy trẻ ảnh 3

Dạy hát cho trẻ em ở làng trẻ Birla (Ảnh Nguyễn Xuân Chính)

Không chỉ là một người nghệ sĩ đa tài, Thượng uý Trần Anh Tuấn còn được biết đến như một người Cảnh sát giao thông (CSGT) cần mẫn.

Cách đây hơn 1 năm, cư dân mạng dậy sóng khi hình ảnh một người chiến sĩ Công an đang đi làm về gặp cảnh tắc đường tại đoạn đường Thanh Bình (trên đường Lê Văn Lương rẽ vào), đã dựng xe trên vỉa hè, xuống đường phân làn giúp các phương tiện di chuyển, tránh ùn tắc. Người chiến sĩ Công an ấy không ai khác chính là Thượng uý Trần Anh Tuấn.

Và từ đó, anh luôn có mặt vào những giờ cao điểm, trở thành người CSGT quen thuộc của khu phố. Trên con đường đi làm về, gặp cảnh tắc đường, anh lại xuống xe chỉ đường, phân làn như đó là một công việc, là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.

Việc làm của anh càng làm tôn thêm vẻ đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân, khiến cộng đồng mạng hết lời khen ngợi với những lời bình luận đầy phấn khích.

Clip VTV nói về Thượng úy trẻ Trần Anh Tuấn

Có những hôm trời mưa to, nhiều người dân mang áo mưa hoặc cầm ô ra tận nơi che cho anh, dù rất cảm động nhưng anh đều không dám nhận vì sợ che khuất mất bộ quân phục, người đi đường không nhìn ra sẽ không tuân theo chỉ dẫn khiến tình trạng tắc đường càng trầm trọng hơn.

Anh nói: "Quan trọng là mình phải nhẹ nhàng, dùng lý lẽ thuyết phục thì nhiều người sẽ nghe theo. Dù họ vi phạm Luật Giao thông nhưng nếu mình quát mắng thì không những không đạt được hiệu quả, còn khiến người dân ác cảm hơn với lực lượng Công an".

Có lẽ vì thế mà hơn 1 năm tình nguyện làm CSGT phân làn ở đường Thanh Bình, Thượng uý Trần Anh Tuấn luôn nhận được những nụ cười, những lời cám ơn, động viên và yêu mến của những người dân quanh khu vực.

Vì là cán bộ phong trào của nhà trường, chuyên trách mảng văn hoá, văn nghệ nên công việc của Thượng uý Trần Anh Tuấn rất bận, nhất là hôm nào có sự kiện thì phải đến đêm khuya anh mới trở về nhà, còn công việc chuẩn bị thì tất bật, kéo dài từ vài tuần trước.

Lớp học guitar cho trẻ em khiếm thị của một Thượng úy trẻ ảnh 4

Thượng uý Trần Anh Tuấn dạy đàn cho các học sinh Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu  (Ảnh Nguyễn Xuân Chính)

Bận là thế, nhưng cứ chiều thứ 6 hằng tuần, xong việc ở trường, anh lại vội vàng đến trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để dạy đàn miễn phí cho các em. Dạy đàn cho người bình thường đã khó, dạy đàn cho các em học sinh khiếm thị khó gấp vạn lần. Những lúc ấy, thầy giáo Trần Anh Tuấn phải cầm tay từng học trò, nhắm mắt lại, cảm nhận bằng thính giác giống như các em để giúp các em học đàn.

Không chỉ dạy đàn cho các trẻ em khiếm thị, anh còn cùng một số nghệ sĩ guitar mang âm nhạc đến bệnh viện cho những người nghèo, những bệnh nhân đang thời kỳ hồi phục nhưng không thể về quê ăn Tết để giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà và nỗi đau bệnh tật trong những ngày giáp Tết.

Anh chia sẻ, đây là việc làm rất có ý nghĩa, dù mới chỉ bắt đầu được một thời gian ngắn, nhưng anh sẽ duy trì đến hết cuộc đời mình và hi vọng rằng, cũng sẽ có nhiều tình nguyện viên cùng anh đến dạy đàn cho các em khiếm thị, cũng như mang âm nhạc đến cho các bệnh nhân ở các bệnh viện, mà trước tiên là 2 bệnh viện lớn của Bộ Công an để chia sẻ phần nào những khó khăn, thiệt thòi mà họ phải chịu đựng.

Thượng úy Trần Anh Tuấn từng tâm sự rằng, anh muốn dùng âm nhạc, các hoạt động từ thiện, đời thường để làm đẹp hơn hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân, để người dân có cái nhìn thiện cảm hơn với lực lượng Công an. Làm thế nào phát huy được sự nhiệt tình và tâm huyết của học viên Công an luôn là điều anh trăn trở và muốn giáo dục cho học viên của mình.

Có những lần đi làm về, gặp tai nạn giao thông, nạn nhân máu chảy đầm đìa, không có ai hỗ trợ, một mình anh bế nạn nhân đưa đi cấp cứu, cả bộ quân phục ướt đẫm máu. Hay những lần gặp kẻ cướp, không ngại hiểm nguy, anh chạy bộ đuổi theo, dù kẻ cướp ngồi sau xe máy vừa tẩu thoát, vừa khua dao trước mặt. Hoặc có lần đi làm về, thấy dây cáp, dây điện rơi giữa đường, anh lại dừng xe, đứng lên yên để buộc dây lại cẩn thận, đề phòng tai nạn cho người đi đường.

Sinh năm 1981, giờ đã ngoài 30 tuổi, nhưng Thượng uý Trần Anh Tuấn vẫn đi về lẻ bóng. Có lẽ bởi vì anh quá đam mê với công việc. Anh bảo, anh không muốn rời khỏi ngôi trường Đại học PCCC, không muốn rời xa các sinh viên và công việc mà anh yêu quý. Anh sẽ sống hết mình với lý tưởng vì nước quên thân, vì dân phục vụ, để hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân mãi mãi đẹp và gần gũi trong mắt nhân dân.