Lính đặc nhiệm và cuộc chiến sinh tử

ANTĐ - Hà Nội một sáng chớm thu. Từng cơn gió heo may ùa về làm không khí trở nên dịu mát. Từng dòng người tấp nập ùa vào nhịp sống như những dòng chảy bất tận của cuộc đời. Trong dòng chảy hối hả ấy, chúng ta luôn cảm nhận được sự yên bình của cuộc sống. Nhưng, đôi lúc chợt quên những đóng góp của những chiến sỹ Công an Thủ đô đêm ngày làm nhiệm vụ để giữ cho sự bình yên được nối dài. Nghĩ vậy, tôi vòng xe qua thăm lại anh, Đại úy Trần Văn Hải - Đội phó Đội CSHS Đặc nhiệm, Phòng PC45, CATP Hà Nội.  

Đại úy Trần Văn Hải


Những chuyên án…

 Gặp anh, đón tôi bằng nụ cười hiền, bắt tay anh thật chặt chúc mừng anh vừa được tuyên dương là 1 trong những gương mặt thanh niên Công an tiêu biểu”… Mừng. Thán phục. Bởi tôi biết, xã hội ngày càng phát triển, tội phạm ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, và rất manh động khiến cho những người chiến sỹ Công an, đặc biệt là lính đặc nhiệm phải trực tiếp đối mặt với hiểm nguy, với những cuộc chiến sinh tử.

Thế nhưng trong cuộc trò chuyện với tôi, ít thấy anh nhắc về những khó khăn đó, chỉ có những con số, những vụ án  và những lời khen ngợi của nhân dân đã nói lên tất cả: Từ đầu năm 2010 đến nay, anh đã cùng tập thể khám phá 9 chuyên án các loại, bắt giữ 56 đối tượng, triệt phá nhiều ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp có tổ chức, gây án nghiêm trọng. Bắt giữ 18 đối tượng có lệnh truy nã trong đó có 4 đối tượng truy nã đặc biệt và 1 truy nã nguy hiểm...   Điển hình là vụ tạt dung dịch phun gỗ cố ý gây thương tích vì… ghen  trong chuyên án mang bí số 056G; Điều tra khám phá ổ nhóm bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản tại Thanh Trì, Hà Nội; Điều tra khám phá chuyên án mang bí số 082P truy xét ổ nhóm giết người, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, gây rối TTCC, hủy hoại tài sản…  

Hẳn cho đến thời điểm này người dân Thủ đô vẫn chưa thể quên vụ án xả súng thanh toán lẫn nhau trên đường Láng-Hòa Lạc xảy ra đầu năm 2010. Các đối tượng trong vụ án đều rất manh động, để triệt hạ đối phương, chúng đã dùng những pha hành động tưởng chừng chỉ tồn tại trên phim ảnh vào thực tế. Dùng ôtô để trực tiếp truy sát, sử dụng súng để thanh toán đối phương.

Hiện trường vụ án được phát hiện vào khoảng 6h ngày 2-3-2010, tại Km24+200 đường cao tốc Láng-Hòa Lạc thuộc thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội có một chiếc xe ôtô Honda hiệu Civic màu đen mang BKS: 30L-9049 bị lao xuống vệ đường bên phải. Chiếc xe đã bị đập phá hư hỏng nặng, phát hiện trên xe có nhiều vết máu nhưng không có người trên xe. Nhận được tin báo của CAH Quốc Oai, anh Hải đã cùng các cán bộ được phân công xuống phối hợp với Phòng PC21, CAH Quốc Oai khẩn trương tiến hành khám nghiệm hiện trường, rà soát nhân chứng và tổ chức điều tra. Khi khám nghiệm hiện trường đã phát hiện 1 khẩu súng bắn đạn ghém, 1 khẩu súng ngắn, 3 chiếc kiếm, 7 dao nhọn, 1 dao díp, thành xe bên trái có 6 lỗ thủng là những vết đạn bắn, trong xe có nhiều vết máu…

Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trong công tác xác minh, điều tra, anh Hải cùng đồng đội đã dần khám phá ra những điểm mấu chốt trong diễn biến của vụ án và nhanh chóng truy bắt các đối tượng gây án. Vụ án xả súng thanh trừng lẫn nhau ngay trên đường phố đã gây nên sự lo lắng, bất an trong nhân dân. Vụ án nhanh chóng được khám phá đã được người dân khen ngợi.

Là một chiến sỹ của Đội CSHS Đặc nhiệm, cũng như bao đồng đội của mình, anh đã đối mặt với rất nhiều vụ án, nhiều đối tượng khác nhau, mỗi vụ là một khó khăn, mỗi vụ là một thách thức đối với người chiến sỹ để mau chóng tìm ra đối tượng. Trong công việc của mình, Đại úy Trần Văn Hải luôn tâm niệm dù khó khăn đến mấy, dù thách thức cỡ nào mình đều phải vượt qua để làm sao truy bắt đối tượng càng sớm càng tốt, để đối tượng nguy hiểm lọt lưới 1 ngày ngoài xã hội nghĩa là có thêm 1 ngày, người dân phải lo lắng; để đối tượng lọt lưới 1 giờ nghĩa là có thêm 1 giờ người dân bất an.

Cũng chính từ đó mà tên tuổi Đội CSHS Đặc nhiệm cùng các chiến sỹ của Đội đã gắn với những vụ án hiểm nguy nhất trên địa bàn Thủ đô… Đại úy Trần Văn Hải kể: “Tháng 4-2009, Đỗ Mạnh Cường (SN 1988) là đối tượng nghiện ma túy, có 1 tiền án tội cướp giật mới được đặc xá ra tù về địa phương. Theo thông tin mật báo, chúng tôi xác định đối tượng hiện tàng trữ 1 khẩu súng Colt xoay bằng kim loại màu vàng, có đạn và Cường thi thoảng mang súng lên gác thượng bắn chỉ thiên. Sau khi ra tù, Cường thường mang súng theo người và tụ tập một số đối tượng nghiện hút, thuê nhà nghỉ trên đường Hoàng Quốc Việt để sử dụng trái phép chất ma túy; và bảo kê các quán karaoke trên đường Bưởi. Quá trình xác minh nguồn tin là có căn cứ, tôi đã báo cáo Ban chỉ huy Phòng PC45 cho áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để bắt quả tang Cường sử dụng trái phép chất ma túy và thu giữ khẩu súng được đảm bảo an toàn.

Ngày 15-4-2010, tổ công tác Đội 4 do tôi trực tiếp chỉ đạo đã bất ngờ kiểm tra khách sạn Phố Vắng 3 trên đường Hoàng Quốc Việt. Đối tượng hết sức ngông cuồng, lại có vũ khí, nếu chỉ một chút sơ sảy là có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả đồng đội của mình. Trong cuộc chiến sinh tử như thế này, không được phép sai sót. Mọi chi tiết dù là nhỏ nhất đều được lên phương án kỹ càng, chính xác. Và khi cánh cửa phòng khách sạn bật mở, bằng khả năng ứng biến nhanh chúng tôi đã khống chế đối tượng Cường, thu giữ 1 khẩu súng dạng Colt bằng kim loại màu vàng bên trong ổ đạn có chứa 6 viên đạn và 1 gói hạt tinh thể máu trắng được xác định là ma túy đá”…


Khi trinh sát “nhập vai”

“Lính CSHS Đặc nhiệm chúng tôi phải hóa thân vào nhiều “vai diễn” ngoài đời thực, nơi không có ánh đèn sân khấu mà toàn màu đen của tội ác bủa vây, nhiều khi phải đánh cược với sinh mạng của chính mình và đồng đội” - Giọng anh Hải trầm xuống khi nói về công việc của mình, rồi hồi tưởng lại những “vai diễn” đáng nhớ mà mình có cơ hội “nhập vai” - “Tôi không thể nào quên chuyên án mang bí số VA145P bởi nó gắn liền với trận rét “lịch sử” bao trùm cả miền Bắc. Hơn nữa nó lại diễn ra đúng vào những ngày giáp Tết Kỷ Sửu. Trong không khí mọi nhà nô nức chuẩn bị đón năm mới thì chúng tôi lên đường. Bắt nguồn từ việc mấy năm nay vào mùa khô nước sông Hồng xuống thấp, lòng sông để lộ cồn bãi và nhiều chướng ngại vật đe dọa sự an toàn đường thủy nội địa; nhiều tàu bè lớn dễ bị mắc cạn. Cũng chính từ đấy nhiều công ty dịch vụ cứu hộ đua nhau “mọc” lên như nấm dọc theo dòng chảy của sông Hồng, trong số đó là không ít cơ sở “ma”.

Địa bàn sông nước ngay lập tức được phân chia, các chủ tàu bè bị ép ký hợp đồng cứu hộ dài hạn với giá cắt cổ. Trong số đó nổi lên những đối tượng Đỗ Mạnh Báu (tức Báu “Cửu”), Nguyễn Văn Thụ, Lê Văn Thảo (tức Thảo “Đặng”) và Nguyễn Văn Tuấn. Chúng sử dụng hàng chục tên côn đồ chuyên dùng vũ lực để ép người khác giao nộp “lệ phí” cứu hộ tàu bè. Nếu trái ý, các đối tượng sẽ dùng mọi thủ đoạn gây nhiễu, dằn mặt các chủ tàu bè đi qua đây. Trong cái rét cắt da cắt thịt, tôi cùng các anh em trong đội đóng giả làm dân chài lưới, thợ máy để tiếp cận từng tàu bè, thu thập những chứng cứ về hành vi của các nhóm thủy tặc khét tiếng trên sông Hồng.

Và chúng tôi đã lênh đênh trên sông nước ngược dòng từ Hà Nội lên Phú Thọ rồi lại xuôi dòng trở lại rất nhiều ngày như thể những dân chài thực thụ. Và không để đối tượng nghi ngờ, anh em chúng tôi đã làm tất tần tật những công việc bất đắc dĩ này. Có những đêm sương xuống, trời thêm rét, nước lạnh cóng mà chúng tôi vẫn phải nhảy xuống dòng nước sông chảy xiết. Có anh em sau bị nhiễm lạnh, rồi người khác lại “nhập vai đóng thế”. Một lòng quyết chí, sự tự tôn nghề nghiệp đã làm anh em chúng tôi quên đi giá lạnh. Sau nhiều ngày dầm mình trong rét buốt, cuối cùng chúng tôi đã có trong tay đầy đủ các chứng cứ phạm pháp của các nhóm đối tượng. Và vụ án đã thành công. Nghĩ đến những người dân chài mỗi khi qua lại trên dòng sông này đã không còn phải nơm nớp lo sợ thế là chúng tôi lại vui cứ như thế vừa trút được một gánh nặng trên vai. Thế đấy, niềm vui của những chiến sỹ đặc nhiệm chúng tôi chỉ nho nhỏ như vậy thôi”.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là “xử lý” các loại tội phạm gây án nghiêm trọng, chống khủng bố và giải cứu con tin. Trong chuyên án 174X triệt phá ổ nhóm bắt người trái pháp luật là một lần nữa chúng tôi bỗng dưng trở thành… diễn viên. (Cười) Lúc đó tầm 8h tối ngày 2-10-2010, chúng tôi tiếp nhận đơn trình báo của ông Lưu Huy Lĩnh (SN 1948) về việc con trai ông là anh Lưu Văn Vương (SN 1984), kỹ sư xây dựng đang làm việc tại công trường Keang Nam bị 4 đối tượng khống chế ép lên xe ôtô, sau đó gọi điện yêu cầu gia đình ông Lĩnh phải nộp số tiền gần 3 tỷ đồng, nếu không chúng không chịu trách nhiệm về tính mạng của anh Vương. Chuyên án giải cứu kỹ sư Lưu Văn Vương bị bắt cóc tại tòa nhà cao nhất Việt Nam nhanh chóng được thiết lập. Tôi đã cùng một nữ nhà báo đóng giả cặp tình nhân tiếp cận nơi giam giữ con tin. Trước khi nhập vai, tôi cùng các đồng nghiệp đã phải tính toán kỹ lưỡng các phương án để hạn chế rủi ro cho bản thân và người khác. Sau khi kết thúc chuyên án, nữ nhà báo chia sẻ với chúng tôi rằng lúc đầu rất hào hứng nhập vai diễn khi tham gia giải cứu con tin với tôi, nhưng khi vào cuộc rồi thì sợ thót tim vì không thể biết được nhóm đối tượng manh động đến mức nào, có súng hay không”.

Ước mong lính đặc nhiệm

Đại úy Trần Văn Hải tốt nghiệp khoa Điều tra Hình sự trường Trung học CSND I. Ra trường, anh được điều động về công tác tại Đội Phòng chống tội phạm cướp, cướp giật, rồi đến Đội CSHS Đặc nhiệm, CATP Hà Nội. Cuộc đời chọn nghề, cái nghiệp gắn thân, “bến đỗ” công việc của một chiến sỹ Công an đã khiến anh đã phải đối mặt với nhiều loại tội phạm với nhiều mức độ nguy hiểm khác nhau... “Lính đặc nhiệm chúng tôi có những vất vả riêng. Có nhiều vụ án được hóa giải thành công chỉ trong thời gian ngắn, nhưng có những chuyên án lớn đã “lấy” đi của chúng tôi thật nhiều thời gian và công sức. Các ngày nghỉ, lễ, Tết, chúng tôi luôn được tăng cường để bảo vệ trật tự, nếu có trọng án thì anh em sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ”.

Ngồi trước mặt tôi, có ai ngờ được người đàn ông cao tầm thước tám, ánh mắt cương nghị ẩn sâu trên khuôn mặt hiền ấy lại ngượng ngùng khi được hỏi về… gia đình - “Với các chiến sỹ CSHS Đặc nhiệm, thời gian dành cho gia đình là rất ít vì phải hết mình với công việc, hy sinh vì nhiệm vụ. Nhưng dù bận rộn thế nào chúng tôi vẫn không quên nhiệm vụ của một người con, người chồng, người cha. Điều quan trọng nhất là phải biết cân bằng mọi thứ trong cuộc sống” - Anh Hải chia sẻ và hỏi ngược lại tôi - “Em biết anh mong nhất điều gì không? (Cười) Anh mong CSHS Đặc nhiệm càng ít việc càng tốt, có như vậy người dân Thủ đô mới bình yên”.

Tôi lặng thinh về ước mong của anh, nó giản dị đến vậy, mà sao khó… Sự hy sinh nào cũng lớn lao và cao quý. Câu chuyện của anh Hải khiến tôi nhớ lại câu chuyện của một cậu bé. “Cậu bé nhìn dòng suối trước nhà và hỏi cha: Suối chảy về đâu, thưa cha? Chảy ra sông con ạ! Con lại hỏi: Ra sông rồi chảy đi đâu nữa? Rồi đổ ra biển con ạ! Thế hết biển rồi tới đâu vậy cha? Hết biển rồi hòa vào đại dương mênh mông”... Hành trang của những người trẻ hôm nay luôn bắt nguồn từ những dòng suối nhỏ, vượt bao ghềnh thác để vươn ra biển lớn. Và đã có biết bao gương mặt các chiến sỹ Công an Thủ đô tất thảy họ đều khát vọng phấn đấu hết mình để vượt qua thách thức chuẩn bị hành trang cho mình để ra biển lớn. Ở họ luôn là hình ảnh đẹp của những người chiến sỹ Công an nhân dân khoác lên mình màu áo xanh với những khao khát cống hiến cho cuộc sống mãi mãi bình yên.