Lão nông bị ung thư sáng chế máy cào rơm từ phế liệu

ANTĐ - Xuất thân từ nông dân, chưa qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí lại mang trong mình căn bệnh ung thư hiểm nghèo thế nhưng lão nông Trần Đức Mạnh (thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đã sáng chế ra một chiếc máy cào rơm, với công suất làm việc bằng 30 lao công làm việc trong 8 giờ. Sáng chế của ông đã góp phần giúp nông dân tiết kiệm được công sức, việc đồng áng thuận lợi, bớt vất vả và hiệu quả hơn…

Lão nông bị ung thư sáng chế máy cào rơm từ phế liệu ảnh 1

Không đụng hàng

Tôi gặp ông Trần Đức Mạnh ở đồng lúa Tam Bảo (thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) khi ông đang loay hoay điều khiển chiếc máy vừa mới được sáng chế xong. Lão nông với nước da ngăm đen, tính tình chất phác, thật thà thấy tôi đến liền xởi lởi: “Chú ngồi đó chơi, ngồi ngắm đồng ruộng nhé, chờ tôi chút, xong việc tôi trò chuyện”...

Sinh ra trong gia đình bần nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông Trần Đức Mạnh từng bôn ba qua nhiều công việc. Có thời gian ông đi cày thuê cho chủ, máy bị hỏng, không có kinh phí đưa ra cửa hàng, ông tự mày mò sửa chữa. Hai năm trước, khi đang cày đất thuê, ông bỗng ngất lịm giữa đồng. Kết quả xét nghiệm phát hiện bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối khiến ông chết lặng.

Từ đó, người đàn ông trụ cột chỉ biết nằm ở góc nhà, chịu đựng những cơn đau thể xác do căn bệnh quái ác hành hạ. Chứng kiến cha ngày càng tiều tụy, 2 người con trai đang là sinh viên muốn bỏ học đi làm để san sẻ gánh nặng chi tiêu với mẹ. Gia sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi, nợ nần chồng chất. Buồn phiền với lời tâm sự của con, hình ảnh người vợ tảo tần đã thôi thúc ông không tuyệt vọng, gắng gượng qua bệnh tật. 

Thôn Cư Thạnh có nghề truyền thống làm nấm rơm, sau mùa vụ, ông Mạnh lại cố gắng theo hàng xóm ra đồng lấy rơm nhưng làm không nổi. Cơn đau hành hạ khiến ông nghĩ phải làm gì đó để quên đi bệnh tật. “Lúc đó, trong đầu tôi nung nấu ý tưởng thiết kế và sản xuất máy cào rơm với tiêu chí là giá rẻ, phí vận hành thấp để giải phóng sức người”, ông nhớ lại.

Từ ý nghĩ đến hành động là cả một quá trình, khi ông Mạnh nói ý tưởng làm một chiếc máy cào rơm người đồng tình nhiều mà kẻ phản đối cũng không ít. Thậm chí có người bảo là ý tưởng của một lão khùng. Người ta phản đối là có lý do, bởi đơn giản, xuất thân từ một lão nông chân đất, quanh năm bám với ruộng đồng, không qua một trường lớp đào tạo nào thì cái ý nghĩ đó quá là điên khùng.

Nhưng mặc cho mọi người phản đối, ông vẫn lao vào nghiên cứu, mày mò, mua các phế liệu sắt, thép người ta bỏ đi, tận dụng các ống thủy lực giá rẻ để chế tạo lại. “Rong chơi” mãi với chiếc máy, cuối cùng thì cũng xong, ông Mạnh nhớ lại về ý tưởng chế tạo ra chiếc máy: “Ở đây người dân đa số đều gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp, nên sau khi thu hoạch xong thì rơm bị bỏ đi hoặc đốt. Tôi thấy như vậy là uổng phí và ô nhiễm môi trường nên đã nảy ra ý tưởng làm chiếc máy để thu dọn rơm sau khi thu hoạch. Ở đây người dân cũng có nghề làm nấm rơm nên rơm rất quý, mà muốn đem rơm về để làm nấm thì vất vả lắm. Sức người nếu cào rơm và chở về thì rất mất công sức nhưng hiệu quả đem lại thì thấp. Chiếc máy tôi làm trong vòng 2 tháng, do là lần đầu nghiên cứu nên cũng gặp không ít khó khăn”.

Mặc dù không qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí, thế nhưng sau 2 tháng loay hoay với những máy móc cũ, thu mua giá rẻ từ các cửa hàng phế liệu, ông Mạnh đã cho ra đời sản phẩm của mình. Chiếc máy cào rơm của ông được lắp ráp từ nhiều phế liệu khác nhau, không một bộ phận nào của chiếc máy là đồ mới. Khung máy là đồ bỏ đi từ một chiếc xe chở khách của một công viên, các ống thủy lực được ông mua lại từ các xưởng cơ khí trên địa bàn.

Hỏi ông, trong chiếc máy cào rơm đó, bộ phận nào là đồ mới, không tận dụng từ phế liệu? Lão xua tay lên trời, cười ha hả rồi bảo: “Toàn đồ cũ cả, chẳng có cái nào mới, từ bình xăng đến chiếc ghế ngồi toàn đồ mua với xin cả. Đồ cũ nhưng chiếc máy lại mới chú à! Cả nước này chiếc máy cào rơm của tôi là chiếc đầu tiên, không đụng hàng của ai hết”.

Lão nông bị ung thư sáng chế máy cào rơm từ phế liệu ảnh 2

Đam mê trong bệnh tật

Ngày ông Mạnh đưa máy xuống đồng, ai cũng ngỡ ngàng, bán tín bán nghi. Chỉ đến khi chứng kiến trong ít phút, từng cọng rơm nằm ngổn ngang trên đồng được gom lại, người dân mới thán phục. Nhiều người có mặt trên đồng ruộng để xem ông Mạnh chạy thử đều tỏ ra trầm trồ, thán phục. “So với sức lao động bằng tay chân của người dân, thì chiếc máy có năng suất bằng 30 người làm trong một giờ. Một sào ruộng nếu người dân cào bằng thủ công thì phải mất cả một buổi sáng và phải tới 5 người, thế nhưng khi có máy thay thế thì chỉ mất 10 phút và chỉ cần hai người là xong”, ông Mạnh cho biết.

Theo ông Trần Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Suối Hiệp (Diên Khánh), địa phương hiện có hơn 2.500 hộ, ngoài nuôi trồng nông nghiệp, người dân còn mưu sinh nhờ vào phát triển làm nấm rơm. Máy cào rơm của ông Mạnh là sáng chế đầu tiên ở địa phương giúp người dân giảm được công sức, tạo hiệu quả cao sản xuất nấm.

Mặc dù đang mang trong mình căn bệnh ung thư, đã qua 12 lần hóa trị, nhà cũng không khá giả gì, thế nhưng lúc nào bệnh tình thuyên giảm là ông Mạnh lại cặm cụi sáng chế. Trò chuyện với ông tôi được biết ông có nhiều ý định làm ra những chiếc máy khác nhằm giúp đỡ bà con. Ngoài chiếc máy cào rơm đã hoàn thiện, hiện lão nông dân đam mê sáng chế này cũng đã làm ra một chiếc máy ép lon đa năng. Cỗ máy nén ép phế liệu đa năng của ông biến các vỏ lon, đồ nhựa và giấy thành những khối nhỏ rắn chắc, không cần cột dây để dễ vận chuyển đường dài.

Cũng giống như chiếc cào rơm, cỗ máy do ông Mạnh chế tạo cũng hoạt động nhờ vào các ống thủy lực. Cỗ máy gồm 2 ống thủy lực đứng, 1 ống thủy lực ngang, 1 dàn khung sắt cùng một mô tơ điện, chỉ cần hai công nhân, một người đổ phế liệu vào khung và một người vận hành. Từng bao phế liệu to lớn cồng kềnh khi đổ hết vào máy, sẽ biến thành những khối nhỏ gọn, có độ kết dính rất rắn chắc, không cần cột dây như những chiếc máy của nước ngoài.

Mỗi lần thao tác chỉ khoảng 30 giây sẽ cho ra những khối thành phẩm nặng khoảng 20 cân tùy theo loại nhôm, sắt hay giấy, nhựa. Nếu một máy nén ép của nước ngoài có giá khoảng 300 triệu đồng thì máy nén ép của ông Mạnh có giá thành rẻ hơn rất nhiều với những tính năng hữu ích, tiện dụng hơn.

 “Tôi có nhiều ý tưởng làm những máy khác nữa, nhưng đó là ý định thôi chứ bệnh tình của tôi thì không biết thế nào mà nói. Không có gì thú vị bằng việc làm những gì mình đam mê. Xưa nhà nghèo không được học hành tử tế, giờ về già sống không được bao lâu nữa, đam mê thì làm thôi, phục vụ bà con là trên hết chứ tiền nong chẳng là gì”, lão nông thật thà bộc bạch với tôi như vậy và nói về những ước mơ của mình với những sáng chế.