Lao động Việt Nam bàng hoàng kể chuyện ở Libya

(ANTĐ) - Anh Nguyễn Đức Hải sang Libya mới được vỏn vẹn một tháng, nhưng đó lại là một tháng “kinh hoàng, đáng nhớ nhất” trong cuộc đời.
>>>830 lao động về nước an toàn/ Vào chân máy bay đón lao động Việt Nam về từ Libya/  Về đến Tổ quốc mới thấy cái giá của hạnh phúc, bình yên

Lao động Việt Nam bàng hoàng kể chuyện ở Libya

(ANTĐ) - Anh Nguyễn Đức Hải sang Libya mới được vỏn vẹn một tháng, nhưng đó lại là một tháng “kinh hoàng, đáng nhớ nhất” trong cuộc đời.
>>>830 lao động về nước an toàn/ Vào chân máy bay đón lao động Việt Nam về từ Libya/  Về đến Tổ quốc mới thấy cái giá của hạnh phúc, bình yên

Những lao động VN trở về từ vùng đất "nóng" Libya
Những lao động VN trở về từ vùng đất "nóng" Libya

Hòa trong đoàn người 440 người bước xuống sân bay quốc tế Nội Bài từ chiếc chuyên cơ của Ý chiều 27-2, anh Nguyễn Đức Hải (quê ở xã Xuân Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cắm cúi sải bước như muốn rời thật xa những ngày tháng hoảng loạn nơi đất khách quê người. Anh mới được Công ty TNHH một thành viên cung ứng Nhân lực và Thương mại quốc tế (Sona) đưa sang Libya làm việc vào… tháng trước, thậm chí anh còn chưa kịp nhận tháng lương đầu tiên thì bạo loạn xảy ra, buộc phải về nước gấp.

“Anh em công nhân Việt Nam sống tập trung trong một cái trại cách sân bay Tripoli khoảng chừng 50km” - anh Hải kể - “Chúng tôi được làm việc ngay tại sân bay Tripoli, sân bay này đang xây dựng mở rộng nên cần nhiều nhân công. Khi mới sang, mỗi người được phát một ít tiền tiêu vặt, học một ngày về an toàn lao động, nhận quần áo, mũ, ủng bảo hộ rồi bắt đầu công việc: người làm sắt, người làm mộc, người làm đường ống….”.

Các lao động Việt Nam bước xuống máy bay, bỏ lại rất xa phía sau những ngày kinh hoàng nơi đất khách
Các lao động Việt Nam bước xuống máy bay, bỏ lại rất xa phía sau những ngày kinh hoàng nơi đất khách

Mới làm được vài ngày, khi mà các lao động Việt Nam thậm chí còn chưa quen với thổ nhưỡng, các món ăn của Libya thì bạo động xảy ra. “Người ta biểu tình rầm rộ, cờ quạt, băng rôn giương khắp nơi. Thanh niên la hét đi lại với gậy gộc, gạch đá trong tay, nhiều ôtô, cửa hiệu bị đập phá…”- anh Hải tiếp tục nhớ lại- “Ngày đầu không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra và cũng không ai dám thò đầu ra đường, vì sợ bất đồng ngôn ngữ gặp chuyện không hay…”.

Câu chuyện bất ổn tại Libya được tiếp tục bởi hai anh em lao động Lê Sĩ Sử và Lê Sĩ Lý (cùng ở xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa): Về sau chúng tôi nhận được khuyến cáo của chủ sử dụng lao động là không được phép ra ngoài một mình vào bất cứ thời điểm nào vì bạo động ở Libya đang lan rộng. Công việc ngưng trệ, cả ngày chỉ còn mỗi việc ngồi đợi đến giờ ăn trong sân bay Tripoli; dần dần do giao thông ở đất nước này ngày càng hỗn loạn lên chúng tôi bị cắt bữa sáng là những chiếc bánh mì, ngày chỉ còn ăn bữa trưa và bữa tối. Điều này khiến chúng tôi nghĩ rằng nếu bị kẹt ở đây lâu thì khả năng cả ngày chỉ còn được ăn một bữa là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hai anh em lao động Lê Sĩ Sử và Lê Sĩ Lý
Hai anh em lao động Lê Sĩ Sử và Lê Sĩ Lý

Anh Nguyễn Tiến Trung (quê ở huyện Thanh Hà, Hải Dương) bi quan hơn: Tôi thậm chí đã nghĩ đến chuyện tồi tệ nhất là bị kẹt hẳn lại Libya không thể về Việt Nam được nữa vì sân bay Tripoli càng lúc càng rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Bên ngoài sân bay có đến cả vạn người đủ mọi quốc tịch, tất cả đều tìm cách vào được bên trong. Gạch đá bay vèo vèo, thi thoảng lại có tiếng súng nổ. Bên trong sân bay cũng có đến hàng nghìn người đứng, ngồi, nằm ngổn ngang mang theo túi xách đồ đạc cá nhân, chăn màn hòm xiểng…

Người ta cãi vã, chửi mắng nhau vì một chỗ đi tiểu; đêm đến thì càng khổ hơn khi không có chỗ nằm, trời thì mưa suốt và rất lạnh, có hôm còn có mưa đá, chúng tôi phải chia nhau từng mảnh chăn mỏng. Đoàn nào cũng chập chờn chờ đợi máy bay thuê đến đón, lúc thì người ta báo may bay đến vào 8h sáng, rồi lại hoãn đến 12h trưa… nhưng thực tế có khi đến tối máy bay mới đón. Tất cả là vì lý do an ninh, vì thế có những đoàn Việt Nam phải đợi ở sân bay đã 3 ngày liên tục.

Có hàng trăm lao động Việt Nam tại Libya đã về nước; tuy nhiên còn rất nhiều lao động khác bị kẹt lại hoặc mới di chuyển sang nước thứ 3.
Có hàng trăm lao động Việt Nam tại Libya đã về nước; tuy nhiên còn rất nhiều lao động khác bị kẹt lại hoặc mới di chuyển sang nước thứ 3.

Hỏi các anh rằng, về nước rồi sau này có muốn quay lại Libya hay không? (nếu nước này sớm ổn định tình hình) thì nhận được cái lắc đầu dứt khoát từ anh Nguyễn Đức Hải: “Chịu thôi, tôi sợ lắm rồi”. Hai anh em Lê Sĩ Sử và Lê Sĩ Lý ngập ngừng: “Giờ muốn đi cũng không có tiền để đi nữa, lúc trước khi đi, gia đình đã phải gom góp cho anh em tôi mỗi người gần 30 triệu đồng để đóng vào công ty, giờ thì trắng tay”.

Khác với những lao động trên, hai anh: Trần Văn Nhưng (28 tuổi, quê ở thôn Trực Phú, xã Trực Ninh, huyện Hải Hậu, Nam Định) và Giáp Văn Quyết (quê Bắc Giang) lại sẵn sàng tiếp tục đi xuất khẩu lao động: “Có ngại gì đâu, chúng tôi còn trẻ, vẫn phải lao động. Nói đúng ra đây là chuyện “thiên tai, địch họa” chẳng may xảy ra thôi; không lẽ mình đi nữa lại gặp nữa?”.

Được biết cả hai lao động này đã sang Libya đã được gần 2 năm, theo hợp đồng với Công ty Sona thì đến ngày 13/4 tới đây họ sẽ hết hạn lao động, được về nước một tháng rồi tiếp tục trở lại Libya; bạo động xảy ra khiến họ lâm vào tình trạng được về nước “trước thời hạn”.

Người đi đã thế, kẻ ở cũng chẳng yên tâm. Tại sân bay Nội Bài chúng tôi gặp chị Tạ Kim Oanh và cháu Trần Minh Gia Bảo (xã Hà Lâm, huyện Hà Trung Thanh Hóa) ra đón chồng là anh Trần Minh Quý.

Anh Trần Minh Quý được chị Oanh và cháu Bảo ra tận sân bay Nội Bài đón
Anh Trần Minh Quý được chị Oanh và cháu Bảo ra tận sân bay Nội Bài đón

“Chồng tôi đi sang Libya làm thợ mộc đã được 2 năm, hồi đi đóng cho công ty 28,5 triệu đồng, mỗi tháng ở nhà thì công ty chuyển vào tài khoản cho tôi được 5 triệu đồng”- chị Oanh cho biết- “Gần đây thấy ti-vi, đài báo đưa tình hình ở bên đó bạo loạn mà tôi sốt hết cả ruột gan. Gọi điện sang cho chồng thì lúc được lúc không, mà càng lúc thì thấy tình hình có vẻ càng căng thẳng. Thấy công ty báo chiều 27/2 đoàn về, tôi từ Thanh Hóa bắt xe ra đây đợi luôn từ sáng sớm, giờ gặp được anh ý, thấy khỏe mạnh lành lặn thế này là phúc nhà tôi to lắm”.

Nhìn cảnh anh Quý đứng phía sau hàng rào (lúc này anh vẫn phải tập trung với đoàn lao động 440 người, chưa được tách ra ngoài - P.V) nắm tay chị Oanh và hôn cháu Gia Bảo mới thấy những lao động Việt Nam đã về nước thực sự may mắn. Anh nhớ lại: Lúc đoàn chúng tôi được lên máy bay thì gặp một đoàn Việt Nam khác khá đông vẫn đang phải chờ đợi ở sân bay Tripoli. Người đi, kẻ ở vẫy tay chào nhau, chúc “thượng lộ bình an”. Giờ thì mình đã về đến Việt Nam, không biết anh em đã được lên máy bay hay chưa nữa…

Cao Minh