Làng thuốc nam trên Tản viên sơn

(ANTĐ) - Con dốc Sổ với độ dài hơn 3km. Mặc dù đã được trải nhựa phẳng lì nhưng với hàng chục đoạn cua gấp khúc dẫn đến bản Yên Sơn trên núi Ba Vì như nói lên sự heo hút của vùng cao núi Tản. Những bản của người Dao nằm chênh vênh trên sườn núi quanh năm mây mù bao phủ. Từ xa xưa người Dao ở đây đã có một nghề truyền thống làm thuốc nam.

Làng thuốc nam trên Tản viên sơn

(ANTĐ) - Con dốc Sổ với độ dài hơn 3km. Mặc dù đã được trải nhựa phẳng lì nhưng với hàng chục đoạn cua gấp khúc dẫn đến bản Yên Sơn trên núi Ba Vì như nói lên sự heo hút của vùng cao núi Tản. Những bản của người Dao nằm chênh vênh trên sườn núi quanh năm mây mù bao phủ. Từ xa xưa người Dao ở đây đã có một nghề truyền thống làm thuốc nam.

Những hiệu thuốc không treo biển...

Nhiều loại thuốc quý đang được bà con người Dao mang về để bảo tồn và phát triển
Nhiều loại thuốc quý đang được bà con người Dao mang về để bảo tồn và phát triển

 Nằm ẩn hiện ở lưng chừng núi Ba Vì xanh thẫm là những ngôi nhà nhỏ nép mình dưới những tán cây cổ thụ, như nói lên sự khó khăn cách trở của đồng bào dân tộc Dao ở đây. Rót chén trà xanh mời chúng tôi, ông Dương Trung Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì nói: “Nhà báo vào bất cứ gia đình nào ở đây, họ đều biết làm thuốc nam. Kể bất cứ bệnh gì người dân có thể bốc thuốc chữa được!”.

Đúng như lời ông Phó Chủ tịch giới thiệu, chúng tôi tìm đến bản Yên Sơn - một bản nằm ở lưng chừng núi, từ đây đến UBND xã phải mất gần 20km. Đang loay hoay để hỏi đường vào HTX thì một phụ nữ đeo chiếc gùi với đầy các loại lá, rễ vừa lấy ở trên núi về nói bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Đi chữa bệnh à, thế bị bệnh gì, tôi bốc thuốc cho”. Khi thấy chúng tôi có vẻ lưỡng lự, người phụ nữ nói tiếp:

“Cả bản Yên Sơn này gia đình nào cũng làm thuốc nam”. Theo chân người phụ nữ về nhà, chúng tôi được biết bà là Quách Thị Lý - một thành viên của HTX thuốc nam Ba Vì. Chỉ cần hỏi về biểu hiện và triệu chứng bệnh lý là bà Lý có thể bốc thuốc cho. Khi chúng tôi hỏi bệnh sỏi thận có chữa được bằng lá nam không? Bà Lý cười: “Bệnh đó tôi đã chữa cho nhiều người rồi”.

Sau một hồi, bà Lý vào nhà lấy ra những bọc lá thuốc nam được bảo quản cẩn thận, bà nói: “Những thứ này phải bảo quản cẩn thận, nếu bị ẩm là sẽ mất tác dụng”. Rồi bà chia ra thành từng gói nhỏ, gói vào túi nilon và dặn dò cách sử dụng. Khi được hỏi về lịch sử của nghề thuốc nam, ngay cả đến những già làng của bản cũng không biết có từ bao giờ. Từ những năm 1960, người Dao trên núi Ba Vì, sống biệt lập với xã hội bên ngoài nên họ phải tự cung tự cấp về mọi mặt, những khi gặp bệnh hiểm nghèo họ phải tự tìm các cây thuốc trên núi để cứu chữa.

Từ những kinh nghiệm có được trong cuộc sống, người Dao đã biết tận dụng các phương thuốc có sẵn trong thiên nhiên để chữa các bệnh. Vừa mời chúng tôi chén trà nóng, ông Lều Văn Trọng - Chủ nhiệm HTX thuốc nam Ba Vì, vừa kể về sự khó khăn của đồng bào Dao: Cả xã Ba Vì người dân sống trung bình ở độ cao 400m, diện tích canh tác vỏn vẹn mỗi hộ chỉ được hơn chục thước ruộng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

 Diện tích canh tác ít ỏi, nghề phụ không có, người dân bản Yên Sơn đành tận dụng nghề thuốc được lưu truyền từ cha ông cùng những cây thuốc quý trên núi Tản để bốc thuốc cứu người và cũng là cái nghiệp mưu sinh. Cả bản Yên Sơn có 180 hộ người dân tộc Dao thì có hơn 80% hành nghề bốc thuốc nam. Mặc dù nổi tiếng là vậy nhưng đi khắp cả bản chẳng có gia đình nào treo biển hiệu bốc thuốc.

... và nguy cơ cạn kiệt thuốc quý

 Hàng trăm năm nay người Dao ở Ba Vì đã nghiên cứu và sử dụng thảo dược phong phú trong thiên nhiên để chữa bệnh cho chính mình và cứu người. Cuộc sống đổi thay từng ngày, dưới tác động mạnh mẽ của “cơn lốc” cơ chế thị trường, việc sản xuất thuốc nam của người Dao ở Ba Vì cũng bị cuốn theo.

Khi mà các bệnh viện lớn ở Thủ đô đang trong tình trạng quá tải thì việc chữa bệnh bằng các loại thảo dược đang được nhiều người tin tưởng. Cái tên bản Yên Sơn ở Ba Vì được nhiều người biết đến. Khi số người đến lấy thuốc ngày càng tăng thì đồng nghĩa với việc những loài thuốc quý trên núi Ba Vì cũng cạn kiệt theo. 

Ông Dương Trung Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì thừa nhận: “Việc khai thác quá mức và không có tổ chức dẫn đến 280 loài thảo dược tại vùng núi Ba Vì đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, trong đó 120 loài có nguy cơ tuyệt chủng, làm mất đi tính đa dạng của môi trường sinh thái và nguồn gen thực vật trên núi Ba Vì”.

Việc khai thác ồ ạt không có kế hoạch và tổ chức, khiến lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã cũng không thể kiểm soát nổi. Ông Liên giải thích: Mặc dù UBND xã đã phối hợp với các thôn tuyên truyền cho bà con về việc khai thác và bảo tồn những cây thuốc quý, nhưng với trình độ dân trí thấp, bà con vì lợi ích trước mắt nên đâu vẫn vào đấy.

 Việc thiếu diện tích canh tác cộng thêm những khó khăn về điều kiện kinh tế nên đồng bào người Dao ở xã Ba Vì chỉ biết dựa vào việc khai thác, chế biến, buôn bán các loài thảo dược để mưu sinh. Không những vậy kể từ khi vườn quốc gia Ba Vì nghiêm cấm không cho phép khai thác các loài thảo dược từ năm 1991 đến nay thì cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao ở đây càng khó khăn hơn.

Cần bảo tồn những loài thuốc quý

Ngày 14-11-2008, thực hiện chủ trương của lãnh đạo UBND huyện Ba Vì, UBND xã Ba Vì đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì nhằm khai thác và bảo tồn có hiệu quả nhiều loài thuốc quý. Việc thành lập HTX là một hướng đi đúng nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát huy tối đa nghề truyền thống. HTX đã thông qua phương hướng sản xuất kinh doanh từ năm 2008 đến năm 2013.

 Theo đó, hàng năm HTX phấn đấu đạt 1 tỷ 50 triệu đồng trong việc sản xuất chế biến và kinh doanh cây thuốc nam. Để thực hiện mục tiêu giảm được hộ nghèo, xây dựng làng nghề truyền thống cây thuốc nam và thêu thổ cẩm của người Dao, tạo công ăn việc làm cho con em đồng bào dân tộc Dao. Bên cạnh những thuận lợi mà thiên nhiên đem lại, cùng với những nghề truyền thống, cuộc sống của người Dao ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn như Chủ nhiệm HTX Lều Văn Trọng tâm sự:

 “HTX đã thành lập nhưng còn thiếu đất để trồng và bảo tồn các loại thảo dược quý. Nhiều loại đã bị tuyệt chủng, chúng tôi phải nhờ đến các nhà khoa học để cấy gen, còn lại phải lặn lội đi tận vùng núi cao ở Tam Đảo và Sa Pa để lấy”.

Lê Quân