Làng “con nuôi”

(ANTĐ) - Được “khai sinh” tại Hà Nội từ năm 1986, nhưng đến nay Khu dân cư Thăng Long thuộc địa bàn xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh vẫn chưa được công nhận trên bản đồ hành chính cho dù sự tồn tại của nó đã trải qua hơn 20 năm. Một loạt những bức xúc từ đó nảy sinh khiến đôi lúc người dân nơi đây lâm vào tình trạng khó khăn...

Làng “con nuôi”

(ANTĐ) - Được “khai sinh” tại Hà Nội từ năm 1986, nhưng đến nay Khu dân cư Thăng Long thuộc địa bàn xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh vẫn chưa được công nhận trên bản đồ hành chính cho dù sự tồn tại của nó đã trải qua hơn 20 năm. Một loạt những bức xúc từ đó nảy sinh khiến đôi lúc người dân nơi đây lâm vào tình trạng khó khăn...

Bài 1: Đau đáu một câu hỏi

Mang tên một công trình

Năm 1973 Nhà nước đã có chủ trương xây dựng cầu Thăng Long nối liền hai bờ Nam - Bắc sông Hồng, mở rộng cả hai tuyến đường sắt, đường bộ huyết mạch từ Hà Nội lên phía Bắc. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, hàng loạt các đơn vị thi công cơ giới tập hợp về đây đứng chung dưới một cái tên mới: Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long để tham gia xây dựng công trình lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ vốn được mệnh danh là “Công trình thế kỷ”.

Cũng đi theo tiếng gọi của công trình ấy là hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, công nhân đổ về đây đóng góp nhân lực, vật lực cùng tham gia kiến thiết đất nước. Qua hơn một thập kỷ, đến năm 1986 với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước bạn, công trình cầu Thăng Long đã được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng cắt băng khánh thành. Trong suốt hơn một thập kỷ xây dựng ròng rã, những cán bộ công nhân của Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long đã ăn chực nằm chờ trên những lán trại thi công dọc theo hai bên bờ sông.

Có người bỏ cả tuổi thanh xuân trên những nhịp cầu để rồi xác định chọn nơi đây làm nơi đứng chân của đời mình. Sau khi công trình hoàn thành, công nhận những đóng góp to lớn của họ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra quyết định giữ lại Đội cầu Thăng Long cho phép UBND TP Hà Nội cắt một phần đất của xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh giao cho Liên hiệp các xí nghiệp cầu Thăng Long thành lập nên những khu dân cư cho cán bộ nhằm ổn định đời sống để tiếp tục xây dựng những công trình mới. Khu dân cư Thăng Long ra đời trong hoàn cảnh ấy và tính đến nay sự hiện diện của nó đã được 21 năm.

Chúng tôi là ai?

Hầu hết, những cán bộ của Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long đều là những thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng của một thời chống Mỹ. Vì thời gian xây dựng cầu quá dài nên tuyệt đại đa số họ đều có ý định ở lại lập nghiệp trên vùng đất ven Hà Nội này. Ông Ngô Sỹ Thắng - Bí thư chi bộ của Khu dân cư đồng thời cũng là vị Bí thư đầu tiên ở đây nói: Bắt đầu từ năm 1990 khi Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp chuyển sang tự hạch toán thì những cư dân của Khu dân cư Thăng Long bắt đầu lâm vào tình trạng “làm dâu hai họ”.

Ông Đỗ Văn Hoành, người đại diện cho Khu dân cư Thăng Long
Ông Đỗ Văn Hoành, người đại diện cho Khu dân cư Thăng Long

Trước đây tất cả hộ khẩu của chúng tôi đều do các công ty chủ quản nằm trong Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long quản lý. Sau khi xây dựng cầu xong, các đơn vị này lần lượt rút đi thì hộ khẩu của bà con được sáp nhập vào xã Kim Nỗ. Như thế đương nhiên bên cạnh 4 thôn Thọ, Bắc, Đông, Đoài có sẵn từ trước thì xã Kim Nỗ được nhận thêm một khu vực hành chính mới là Khu dân cư Thăng Long. Ngặt một nỗi dù được mang tên như vậy, nhưng kể từ đó đến nay chưa khi nào chúng tôi chính thức được có tên trên bản đồ hành chính của xã.

“Chúng tôi là ai?” - Câu hỏi nghe có vẻ rất “tréo ngoe” này được chính ông Đỗ Văn Hoành, người chúng tôi tạm gọi là Trưởng Khu dân cư Thăng Long đặt ra. Sở dĩ chúng tôi phải dùng từ “tạm” bởi bản thân ông Hoành cũng không dám thừa nhận mình đang giữ cương vị đứng đầu một khu dân cư có dân số gần bằng một... xã. Trong tất cả các văn bản khi phải gửi tới các cơ quan chức năng, ông Hoành đều cẩn thận ghi rõ ở phía dưới: “Thay mặt bà con Khu dân cư” rồi ký tên mình chứ không bao giờ dám dùng chức danh: Trưởng khu.

Lý giải cho điều này, ông Hoành chua chát: Mặc dù tôi được cử tri trong khu bầu ra hẳn hoi, nhưng chưa bao giờ nhận được quyết định công nhận từ xã cả. Khu dân cư chúng tôi có đầy đủ các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể như: Chi bộ, Phụ nữ, Cựu chiến binh, TNXP, Mặt trận Tổ quốc..., riêng chức Trưởng khu “tự phong” này tôi đề đạt mãi lên xã nhưng vẫn cứ rơi vào im lặng. Người ta chỉ công nhận miệng vị trí chức Trưởng khu của tôi trong biên bản cuộc họp bầu cử vừa rồi, chứ ra một văn bản giấy trắng mực đen như các Trưởng thôn bên cạnh thì chẳng ai buồn làm. Và cái sự “tạm” của chức Trưởng khu ấy không chỉ riêng ông Hoành phải chịu mà nó đã kéo dài từ người tiền nhiệm là ông Ngô Sỹ Thắng đã 20 năm nay. Suốt quãng thời gian đằng đẵng ấy chưa khi nào Khu dân cư Thăng Long có một vị đại diện chính thức bằng giấy trắng mực đen cho mình.   

(Còn nữa)

Nguyễn Long