Ký ức tháng tư
Bài 1: Tiến vào Sài Gòn
(ANTĐ) - Trước khi nổ ra chiến dịch, mấy anh em chúng tôi: Hảo Vũ, Trùng Khánh, Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng… đang tập trung viết tại khu B của Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng (một khu rừng ở Lộc Ninh). Những ngày đó tin thắng trận của quân ta khắp các chiến trường dồn dập vọng về.
Các nhà văn Thanh Giang, Nam Hà, Triệu Bôn… người đang ở chiến trường, người chuẩn bị đi. Chúng tôi không còn lòng dạ nào ngồi hoàn thành tác phẩm. Ai nấy nhanh chóng thu xếp trở về vùng đất quen thuộc của mình. Hào Vũ về Long An, Trùng Khánh về Mỹ Tho rồi hy sinh trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh. Tôi và Nguyễn Ngọc Mộc được nhà văn Nguyễn Trọng Oánh cho đi theo cánh quân phía Đông, mỗi người một đơn vị.
Tôi không thể nào quên được những ngày quân ta vây ép, tiến công Xuân Lộc. Trong kế hoạch phòng thủ Sài Gòn của chính quyền cũ, Xuân Lộc được coi là vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất phía Đông.
Chúng ném vào đây Sư đoàn 18, về sau được tăng cường thêm một lực lượng lính dù của Sư đoàn 5 và một bộ phận thiết giáp của Sư đoàn 25 từ Tây Ninh điều về. Nhưng rồi Xuân Lộc vẫn bị thất thủ.
Khi chúng tôi bước vào ngôi nhà Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18, quạt trần vẫn quay, đài bán dẫn không kịp tắt, công văn giấy tờ vứt trắng sàn nhà. Cái gạt tàn đầy ụ mẩu thuốc lá hút dở.
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội Giải Phóng |
Mấy tấm bản đồ trên tường ghi rõ các mũi tiến công của quân ta. Quyển lịch trên bàn viên Tư lệnh giở đến ngày 18, ghi vắn tắt: áp lực Cộng quân rất mạnh phía Đông.
Chúng tôi tới ngã ba Dầu Dây khi trận chiến đấu ở đây vừa kết thúc. Bọn địch đã phá hủy nhiều căn nhà dân trước khi chúng rút đi. Một đơn vị bộ đội đang giúp dân thu dọn đồ đạc. Họ vào từng nhà, gom nhặt những áo quần, chăn chiếu vương vãi.
Họ dập tắt những đám cháy do lính Sài Gòn tưới xăng đốt. Dân tản cư các nơi ùn về bắc bếp ở thềm nhà bên lề đường. Họ nắm tay các chiến sĩ hỏi thăm tình hình chiến sự Hố Nai, Trảng Bom… Chưa có cuộc tản cư nào lại vui như thế.
Trên đường tiến của quân ta bây giờ không chỉ có những chiếc xe nhà binh chở quân, những xe khách Sài Gòn - Vũng Tàu, Long Khánh - Sài Gòn, rồi Honda, Vespa, xe lambro và cả những chiếc xe vừa thu được của địch cũng được dùng vào việc di chuyển quân.
Nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho Quân Giải phóng |
Càng tới gần Sài Gòn, thời gian càng được rút ngắn. Không đủ chỗ ngồi trong xe, chiến sĩ ta đứng bám bên ngoài, một tay cầm súng, một tay bám thành xe. Không ai muốn mình sẽ là người đến chậm. Không ai muốn giờ phút lịch sử thiêng liêng của trận cuối cùng vào sào huyệt giặc lại vắng mặt mình.
Mấy “bác tài” già được trưng dụng lái xe như cũng hiểu lòng các chiến sĩ, họ cho xe chạy nhanh hơn, nhưng dù xe chạy nhanh đến đâu các chiến sĩ cũng thấy là quá chậm. Tôi chợt nhớ tới một người chiến sĩ tôi gặp ở Lộc Ninh hôm trước.
Đơn vị xe tăng của anh hành quân tới rừng cao su Lộc Tấn thì không may một chiếc hỏng máy nặng. Bốn pháo thủ được chuyển sang chiếc xe khác để tiếp tục bước tiến, còn anh phải ở lại trông chiếc xe đó. Anh đã khóc nức nở khi nhận lệnh.
Người chiến sĩ ấy có lẽ đã hiểu được tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của trận đánh quyết định này, và anh cũng dự cảm được nỗi vui sướng, tự hào của thời khắc lịch sử mà mình không có may mắn được chứng kiến. Đó là lúc Sài Gòn giải phóng.
Chúng tôi vừa hành quân vừa chiến đấu. Về sự vang động và sức mạnh tiềm tàng, cuộc hành tiến này có thể sánh với cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung từ đất Tây Sơn ra đại phá quân Thanh ở Thăng Long xưa. Trưa 30-4 chúng tôi đã gặp nhau ở Sài Gòn trong niềm vui tột độ.
Thấy bộ đội ta tiến vào, bà con cô bác tràn xuống lòng đường tung hoa, vẫy cờ chào đón tưng bừng. Ngồi trên những chiếc xe tăng T54, xe Zin 130… bộ đội ta đáp lại sự hồ hởi nồng nhiệt đó bằng nụ cười tươi trên gương mặt rám nắng hay lớp lớp bàn tay vẫy còn lấm láp bụi đường. Đông đảo và sôi nổi nhất là các em học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên người ta vẫn nhận ra ở đâu đó trong ánh nhìn của khá nhiều người dân Sài Gòn sự lo lắng về “một cuộc tắm máu”. Nhưng chỉ ngày hôm sau mọi người đã nhận ra đó chỉ là sự tuyên truyền lừa gạt mà thôi: Các anh bộ đội “đẹp trai, hiền khô” có kỷ luật và rất lịch sự.
Trong khi một số “lính quốc gia”, trước lúc rút, xông vào cướp phá các cửa hiệu, lấy đi những đồ đắt tiền, thì “các anh, các chú Việt Cộng” đồng bào cho gì cũng không nhận.
Từ chỗ dè dặt, ngại ngùng, các cô gái Sài Gòn trở nên chủ động trêu đùa các chàng lính trẻ, làm cho mặt mũi các anh cứ đỏ lựng như quả bồ quân chín. Buổi tối, tôi và Trần Mạnh Hảo “tháp tùng” nhà thơ Thu Bồn đi đọc thơ ở các trường Đại học. Sinh viên đến nghe chật cứng sân trường.
Thu Bồn có lối đọc thơ rất cuốn hút. Giọng anh trầm ấm, phong thái đĩnh đạc và tự tin. Anh đọc Trường ca Chim Chơ Rao và một số bài thơ mới viết. Mỗi lần anh kết thúc, tiếng vỗ tay như muốn vỡ cả không gian. Mọi người xúm lại xin anh chữ ký.
Chúng tôi nghe trong đám đông có tiếng một cô gái: “Vậy mà mấy ông quốc gia bảo Việt Cộng ăn lông ở lỗ, họ làm thơ hay quá trời”… một người khác: “Trông người nào cũng đẹp, dễ thương ha…”. Rồi tiếng cười khúc khích.
Một số gia đình có người tham gia chế độ Sài Gòn lúc đầu “cửa khóa then cài” thật chặt. Họ không dám tiếp xúc vì sợ bị “trả thù”. Con cái - nhất là con gái không được đi đâu. Những ánh mắt lấm lét nhìn quang cảnh bên ngoài qua tấm rèm cửa sổ.
Nhưng khi nhận rõ thành phố vẫn thanh bình, chỗ nào người ta cũng hồ hởi, những người lính “Việt Cộng” không có gì tỏ ra hung tợn mà ngược lại rất lễ độ với người già, lịch sự với phụ nữ thì mở toang cửa bước ra đường hòa vào biển người đón mừng chiến thắng.
(Còn nữa)
Lê Văn Vọng