Gieo chữ trên núi đá:
Kỳ III: Gieo chữ nào rơi, nhặt lại chữ ấy
(ANTĐ) - Ở vùng núi non mưa lũ thất thường lắm nên 7 đứa trẻ bản Cam Thàng, bên kia suối Hoa, cách xa lớp học hơn 6 cây số phải ở nội trú.
Nhà nước cho 50.000 đồng/tháng, gia đình đóng thêm gạo ngô, các cô đi chợ, nấu cơm, thầy trò cùng ăn. Lớp học xa chợ 15 cây số, một tuần xuống núi đi chợ một lần; thế là 7 ngày mới có một ngày ăn rau xanh, thịt hoặc cá tươi, còn toàn xơi đồ khô, nhiều khi thèm chất tươi héo cả ruột.
>>> Kỳ 1: Cầu Hai Cô - cái chết thành huyền thoại
Tôi đã gặp thầy giáo Hoàng Trung Nam, năm nay thầy 30 tuổi, người cao gầy. Tám năm dạy học ở vùng cao, thầy giáo Nam đã ba mươi tuổi vẫn chưa vợ, chưa người yêu. Sẽ còn bao nhiêu năm nữa bước chân thầy in dấu trên các bản xa hẻo lánh này?
Thầy Hiệu trưởng Bùi Xuân Hải bảo: “ước mong của giáo viên dạy lâu năm ở vùng cao được chuyển xuống vùng thấp là một nguyện vọng chính đáng, nhưng phải có người lên thay. Trong lúc chờ, chúng tôi vẫn phải dạy tốt, không thể bỏ học trò”.
Trên đường đến trường |
Ở Tả Phời còn có chuyện này: Giáo viên cắm bản ở đâu thì cuối năm phải được trưởng bản, phụ huynh ở đó nhận xét, phê bình và phản ảnh theo đường riêng lên xã. Thầy cô nào mà bị nhận xét là chưa tốt hoặc trung bình thì chưa được chuyển về vùng thấp.
Tôi hỏi ông Sần Văn Hồng - Bí thư Đảng ủy xã: “Kết quả nhận xét ấy gửi ngay lên Ban giám hiệu nhà trường có tốt hơn không, bác?”, ông Bí thư xã người Tày bảo: “Không được đâu! Các thầy cô thương nhau rồi giấu giếm đi thì sao nào? Cuối năm học, họp liên tịch với nhà trường, cán bộ xã mình mở ra đọc công khai nhận xét đó mà”.
Hóa ra, đánh giá chất lượng giáo viên ở đây còn được tham khảo ý kiến nhân dân và chính quyền xã. Tôi hiểu vì sao mấy năm rồi, nhà trường đạt danh hiệu Tiên tiến. Thầy giáo Hoàng Trung Nam còn được UBND tỉnh Lào Cao tặng Bằng khen về thành tích khắc phục khó khăn, dạy tốt, nhà báo à.
Lớp học vùng cao |
Phìn Hồ Thầu là bản người Mông xa nhất, cao nhất Tà Phời. ở đây, rừng già nguyên sinh còn nhiều, độ cao 2.080m. Lúc đầu, Phìn Hồ Thầu không có người, sau người Mông ở Bảo Thắng đến, ở Sa Pa sang trồng thảo quả sống lang thang đốt rừng. Chính quyền phải đến lập bản mới, đăng ký hộ khẩu, bầu trưởng bản, cho dân định cư lâu dài. Thảo quả thì nhiều, tiền cũng lắm nhưng trẻ con thất học.
Vậy là lại phải có giáo viên dưới xuôi lên. Thầy giáo Hoàng Trung Nam sau này mới lên, nhưng cũng ở đấy trọn hai năm dạy học. Khí hậu Phìn Hồ Thầu mát như Sa Pa, người Mông lành hiền, chỉ phải cái ít học và không muốn đi học. Bọn trẻ bận theo bố mẹ đi làm thảo quả, đi bẫy dúi, đốt mật ong, có khi học xong lại quên luôn. Chúng học được mười chữ vào tai thì rơi ra ngoài suối, xuống nương đến bảy, tám chữ.
Thầy Nam bảo: “Chúng em như người đi gieo chữ. Rơi chữ nào phải nhặt lại chữ ấy cho bọn trẻ, anh ạ”.
Bây giờ, bọn trẻ ở bản Pèng, ở Phìn Hồ, Phìn Hồ Thầu đã đi học đều hơn. Điểm trường bản Pèng vừa xây hai phòng học. Nhưng đường lên Phìn Hồ Thầu chưa mở, đi bộ từ bản Pèng lên phải trọn buổi sáng. Vẫn nhà lợp phibơrôximăng, tường thưng ván gỗ và nền đất.
Ông Cao Đức Hải - Bí thư Thị ủy thị xã Lào Cai bảo: “Những tấm lợp mái trường vùng cao ấy là do chiến dịch Tình nguyện xanh của thanh niên thị xã. Ôtô chở tấm lợp đi, đến chỗ nào không đi được nữa thì dỡ xuống để nam thanh, nữ tú cõng trên lưng mang đến tận nơi lớp học”.
Hẹn bạn đến trường |
Những tấm lợp trên lưng con trai con gái ì ạch lên non chỉ vì không để mưa rơi xuống đầu học trò. Dọc đường lên bản Pèng, tôi còn thấy điểm trường bản Lé đang xây dựng ở gần suối Hoa. Một cái ôtô ậm ạch ngoi lên đỉnh dốc thì dừng lại, công nhân dỡ cát, gạch xuống, đóng bao nhỏ gùi theo đường mòn xuống, hoặc buộc dây thả cho lăn theo sườn dốc. Một viên gạch từ vùng thấp lên vùng cao đội giá, cõng thêm tiền cũng không phải chuyện lạ. Thế mới biết sự nghiệp trăm năm trồng người gian nan vất vả bao nhiêu?
Cũng đến lúc tôi phải rời xa bản Pèng, Tả Phời về xuôi. Các thầy cô và học trò nội trú đưa chân tôi xuống tận cuối con dốc. Trời ngả sang chiều mà suối Hoa đã có sương bay, tôi quay lại nhìn lên cũng thấy mây mù vấn vít trên lớp học ở sườn đồi. Nhẩn nha bước, lòng tôi trĩu nặng một nỗi niềm: Đến bao giờ những người gieo chữ ở vùng cao hết nhọc nhằn.
Sương Nguyệt Minh