Cần một cuộc “phẫu thuật”:
Kỳ II: Có những nơi không bao giờ nên... “đến”!
(ANTĐ) - Nếu là một người bệnh hoàn toàn không quen biết bất cứ ai trong bệnh viện, phải cấp cứu, chắc chắn phải mất không dưới ba ngày mới có thể... “nhập viện”.
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, mà người viết bài chứng kiến 100% từ khi “nhập viện” đến khi “người bệnh” ra viện.
>>> Kỳ I: Muôn nẻo đường đến bệnh viện
Chuyện thứ nhất
Phải thú thực rằng, “bệnh nhân” của tôi sau khi chữa bệnh ở một số bệnh viện cũng đã không “khỏi bệnh”. Rồi qua mối quan hệ, quen biết của một chánh phó giám đốc một sở lớn của Hà Nội, rồi cũng được “chuyển” đến một bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Bệnh viện B vốn là đầu ngành về chuyên khoa tiêu hóa. Phải nói đúng nghĩa là “chuyên khoa đầu ngành”, vì sau 3 lần nằm viện, bệnh nhân không được chữa trị dứt bệnh (chưa muốn nói là “bắt bệnh” và “phác đồ điều trị chưa chuẩn). Vậy mà chỉ sau chưa đầy 5 phút siêu âm, bà Phó trưởng Khoa Tiêu hóa đã chẩn đoán ngay ra bệnh với giọng dứt khoát – “Viêm tụy cấp. Làm thủ tục nhập viện ngay”. Với căn bệnh viêm tụy, nếu không được chữa trị gấp, bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Chen lấn để có được một chỗ nằm trong bệnh viện |
Đang bị cơn đau hành hạ, được bác sỹ chẩn đoán và cho nhập viện ngay, hẳn là “tin vui”. Vậy mà mất đúng hơn nửa ngày trời, bệnh nhân “lê lết” đến các phòng lấy phiếu, xét nghiệm, trả kết quả, đóng tiền, lấy quần áo, làm thủ tục... “bệnh nhân” mới được vào viện.
Xin nói rõ thêm rằng, trường hợp này hoàn toàn là có sự nhờ vả, giúp đỡ của chính bác sỹ trong viện, thì mọi chuyện làm thủ tục, xét nghiệm, nhận kết quả... mới chóng vánh như vậy.
Chuyện thứ hai
Ngay khi nhập viện, cũng nhờ sự “quen biết, quan hệ” ấy, bệnh nhân mới được thu xếp ở một phòng dịch vụ. Nhưng cũng phải chấp nhận nằm chung giường 1 ngày với một bệnh nhân ung thư gan chuẩn bị ra viện.
Căn phòng có 8 giường chia làm hai dãy, nhưng ngay sau khi vào, các bệnh nhân đã “kháo nhau” ngay - “Dãy bên kia là của bác sỹ H. Dãy bên này là của bác sỹ T. Mà toàn là bác sỹ “chữa bệnh có bảo hành” cả đấy!”. Điều này được chúng tôi kiểm chứng ngay sau khi bác sỹ xuống bắt bệnh. Bởi bà bác sỹ T. bảo: “Viêm tụy cấp hả! OK. Chị chữa có bảo hành đàng hoàng. Mỗi tội, gia đình phải có tiền. Mà không ít đâu nhé!”.
Một anh bệnh nhân thanh niên (tuổi trạc ba mươi) cũng bệnh viêm tụy nằm giường dãy bên nói với tôi - “Bác sỹ còn bảo em. Bệnh này, có tiền thì ở lại viện chữa. Không có tiền thì chỉ về nhà chờ chết”. Anh bệnh nhân này nằm đã hai chục ngày, mỗi ngày tính tròm trèm cũng không dưới 5 triệu đồng tiền thuốc tiêm, truyền. Chưa kể đến các dịch vụ khác (!).
Cũng ở dãy bên kia, một bạn trẻ khoảng hai mươi tuổi bị áp xe gan. Nằm viện đã hàng tháng nay. Mỗi ngày tiêm truyền cả chục chai thuốc. Mỗi lần chỉ nghe thấy phòng dịch vụ đọc loa - “Người nhà bệnh nhân X lên phòng hành chính khoa đóng tiền”.
Vậy mà chỉ chậm nửa ngày không lên đóng tiền là đến buổi đi tiêm, truyền của y tá, dứt khoát không được cho thuốc. Người nhà, bố mẹ bệnh nhân có “nài” thêm chút thời gian để đi vay mượn đóng tiền, thì nhận được câu trả lời ráo hoảnh của y tá - “Các chị không đóng tiền là cắt thuốc. Chúng tôi cứ tiêm, truyền, rồi lấy tiền đâu mà trả”. Kể ra, trả lời như thế cũng chẳng sai. Nhưng mà thấy nó cứ thế nào ấy!
Một người nhập viện, cả nhà phục vụ |
Một chuyện khác mà trong phòng bệnh này cũng đã phải truyền tai nhau -“Trong mấy cô y tá đấy, nhìn cô y tá trông đen đen, người thô thô ấy, nhưng được cái tiêm cho bệnh nhân nhẹ nhàng lắm. Còn cái cô kia, trông to béo phốp pháp tưởng phúc hậu, nhưng tiêm cho bệnh nhân như tiêm cho “lợn”.
Nhìn cầm cái mũi tiêm chọc một cái mà phát khiếp...”. ấy thế mà những bệnh nhân nằm trước bảo - “Này, bảo người nhà cứ chuẩn bị mười, hai mươi nghìn đồng trước, đút vào túi áo blue. Có mà tiêm êm như ru!”. Chuyện đấy cũng được “bệnh nhân” kiểm chứng.
Chuyện thứ ba
Câu đầu tiên các bác sỹ nhắc nhở bệnh nhân khi nhập viện là – “Toàn bộ tài sản, điện thoại di động, sạc pin... bệnh nhân và người nhà phải tự bảo vệ. ở đây đã có nhiều trường hợp bị mất lắm rồi đấy”.
Trong khi đó, bệnh viện “tầm cỡ” của thành phố này được đảm bảo an ninh rất chặt chẽ, chuyên nghiệp từ cửa lên. Mỗi người nhà bệnh nhân chỉ được đóng 200.000 đồng để mua một chiếc áo vàng để vào chăm bệnh nhân. Còn lại không ai được phép vào thăm nom. Nếu ai vi phạm bị phát hiện, một chiếc áo sẽ bị phạt tới 300.000 đồng. Lực lượng bảo vệ bệnh viện được trang bị, nai nịt, quần áo trông rất oách, đảm bảo những kẻ yếu bóng vía sẽ sợ ngay khi vào cửa.
ấy vậy nhưng, những người nhà bệnh nhân cũng lắm chiêu. Mượn áo vàng của người nhà bệnh nhân khác rồi “tập hợp” lại cho mấy người nhà cùng lên thăm. Rồi kể cũng lạ, an ninh trật tự được kiểm soát “gắt” như thế. Mà vẫn có người vào đến tận giường bệnh mời “khoai luộc, nước ngô, nước vối”, thậm chí cả nhân viên mời mua máy mát-xa... Thế thì có bảo vệ, an ninh “giời” cũng chẳng kiểm soát được. Và mất an ninh trật tự cũng từ đó mà nảy sinh.
Cũng đã có người bảo tôi - “Có những nơi không bao giờ nên đến”. Tôi thì bảo với nghề nhà báo - “Có nơi nào mà không đến”. Nhưng thực sự cái lý luận của tôi chả đúng một tẹo nào. Có những nơi không bao giờ nên đến. Đó chỉ là những nơi bắt buộc chúng ta phải đến. Và khi đến, sẽ bắt buộc chúng ta không thể không suy nghĩ!
(Còn nữa)
Tường Lâm