Phố xưa nghề cũ:
Kỳ 5: Húng Láng một thời
(ANTĐ) - Không còn vạt rau xanh ngút mắt, khu vực trồng rau thơm húng, thơm hành của người làng Láng bây giờ bị chắn bởi những dãy nhà cao tầng. Xen kẽ những luống rau xanh tốt là bãi đất trống cỏ mọc um tùm. Bà cụ Sói nhặt cỏ cho luống húng chép miệng bảo: “Ruộng rau ngày xưa bây giờ thành nhà cao tầng hết. Ngay cả luống rau này cũng sắp bị phá. Thơm húng sắp không còn rồi”!
>>> Kỳ 2: Người giữ nhịp thời gian
>>> Kỳ 3: Nhà “khảo cổ học”... nghiệp dư
Đặc sản đất kinh kỳ
Cho đến tận bây giờ, những người cao niên ở Hà Nội khi nói đến đặc sản đất kinh kỳ vẫn thường nhắc đến hai câu thơ:
Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây
Đặc sản húng láng nức tiếng Hà thành may mắn còn tồn tại đến hôm nay. Thơm Láng có thân nhỏ, lá mỏng và ít răng cưa. Cụ Sói (78 tuổi) đang nhổ cỏ luống rau hướng dẫn tôi nhận biết: “Cây húng Láng không mập bao giờ, nhìn không mỡ màng bằng rau húng giổi nhưng mùi thơm dịu hơn nhiều.
Húng Láng kén đất, không mọc thành bụi to như húng giổi, thân không có lông”. Chỉ cần cầm một ngọn húng trong tay, buông tay ra là có mùi thơm dịu mát. Húng có hoa nhưng không có hạt. Người trồng húng phải chọn ngắt những thân cây bánh tẻ trồng xuống đất ẩm. Chỉ sau vài ngày, húng đã lên xanh non.
Có người bảo húng dễ trồng, nhưng không hẳn như vậy. Anh Hải, một người trồng rau trên dẻo đất tẻo teo còn lại của phường Láng Thượng cho biết: “Đất trồng húng lúc nào cũng phải ẩm ướt. Những hôm nắng, một ngày chúng tôi phải gánh năm sáu chục gánh nước tưới làm nhiều lần.
Nhổ cỏ cho húng cũng là chuyện thường ngày như tưới nước vậy. Cỏ mà sống chung với húng là húng “tự ái” không lên, thân lá vàng ngay”.
Nhiều người qua phố Chùa Láng thấy luống húng xanh tươi tạt vào hỏi mua giống về nhà trồng. Có người hỏi mua hạt giống, người hỏi mua cả cây đánh rễ. Những lúc ấy, bà cụ Sói lại lắc đầu trả lời: “Bác không biết trồng húng như thế nào thì làm sao mà nó cho rau ăn được”. Bà cụ lại phải giải thích.
Thế nhưng hầu như ngày nào, vạt rau này vẫn có người đến hỏi mua. Có người sẵn sàng trả cả trăm nghìn đồng cho một cụm húng đánh cả rễ chỉ với mong muốn mang được thứ rau thơm quý này về trồng, mặc cho người trồng rau làng Láng khuyên can thế nào cũng không được.
Người trồng rau làng Đăm (Tây Tựu - Từ Liêm) cũng không ít lần lên xin húng Láng về nhân giống nhưng chưa thể lai được thứ rau quý này. Húng Láng mang ra khỏi làng Láng là không còn mùi thơm dễ chịu nữa. Thầy trò trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã từng đến nghiên cứu để lý giải điều này.
Kết quả cho thấy yếu tố vi lượng trong đất làng Láng góp phần tạo nên hương thơm đặc trưng cho húng. Mang giống cây này ra trồng ở vùng đất khác là hương vị thay đổi ngay. Cũng chính vì quý cái đất này nên những người nông dân như cụ Sói, anh Hải vẫn ngày đêm cặm cụi trên luống rau cho đến khi nào đất bị trưng dụng mới thôi.
Cụ Sói - 78 tuổi vẫn cặm cụi bên những luống thơm húng cuối cùng |
Những nông phu hiếm hoi của thành phố
Ánh nắng chiều nghiêng nghiêng trên luống rau húng, rau cải của người nông dân làng Láng. Một dải đất khá rộng chỉ còn vài ba người lúi húi bên luống rau. Sáng ngày, tôi đi tìm gặp những người nông phu cuối cùng của thành phố, không thấy ai.
Tôi hỏi một chị phụ nữ đang hái rau muống bên đường, chị bảo: “Còn vài người thôi em ạ. Họ vừa về rồi. Em vào trong đường này xem, hình như có bác vẫn đang ở ruộng đấy”. Theo tay chị chỉ, tôi vào ngõ 157 Chùa Láng, những ruộng rau đã bị chia ra manh mún, không còn ngút mắt như xưa.
Đi sâu vào trong, ruộng vườn đâu cả rồi? Nhà cao tầng mọc lên san sát, đến cái lối đi cũng nhỏ tẹo thì nói gì đến chuyện có đất trồng rau. Hỏi thăm một bà cụ đang bưng rổ rau muống, quần xắn cao, bà cụ nói ngay: “Xuống làng Đăm, ở đây còn ai trồng nữa mà hỏi”.
Tôi cũng nản, vẫn biết là có thông tin sau tết, rau húng Láng sẽ không còn, nhưng bên đường, tôi vẫn thấy những luống rau thơm húng nhỏ, xen kẽ trong luống rau cải xanh tươi, rau tía tô mơn mởn. Quyết gặp cho bằng được những người còn tiếc nghề, tiếc đất trồng húng, tôi gặp được cụ Sói, anh Hải vào buổi chiều muộn.
Thuyết phục mãi, cụ Sói mới trò chuyện cùng tôi. Cụ thở dài: “Rau húng Láng bị tiếng là rau bẩn. Cô cứ ngồi đây, cô sẽ thấy rau bẩn như thế nào. Nếu tôi phun thuốc sâu ngay bên đường này, ai chả biết. Bây giờ đâu có phân tươi mà lo chúng tôi bón phân ủ”.
Rồi bà cụ kể, năm nay 78 tuổi, cụ đã làm dâu và trồng rau húng, rau thơm trên làng Láng này tính ra cũng được sáu mươi năm có lẻ. Đất này đã giúp cụ nuôi 5 người con trưởng thành. Cụ thủ thỉ: “Tôi bị đau dây thần kinh, liệt hai lần rồi đấy. Nhưng nhờ có số tiền kiếm được từ luống rau này mà tôi chữa khỏi bệnh, không cần nhờ vả con cái. Mọi người bây giờ cứ bảo, cụ già rồi, lao động làm gì nữa”.
Bây giờ, chi phí cho sinh hoạt đắt đỏ, mỗi ngày luống rau mang lại cho cụ xấp xỉ 50.000 đồng, cũng có chỗ trông vào cho chi tiêu. Cụ Sói già rồi, không gánh nổi nước tưới, con gái cụ phải đảm nhiệm công việc này. Chị cũng mang rau của nhà lên chợ ở phố cổ bán. “Người sành ăn bây giờ ít lắm.
Ai cũng vội vàng đi chợ, cơm nước sau khi tan sở nên rau húng nào cũng được. Mình tự trồng rau rồi tự đem bán lẻ trên chợ, lấy công làm lãi thôi” - anh Hải đang nhổ cỏ bên cạnh nói thêm vào. Nói vậy thôi, chứ công của cụ Sói và anh Hải bỏ ra trên mảnh đất này không kể xiết. Từ sáng sớm đến tối mịt, họ cặm cụi chăm nom. Thế mà ban đêm không trông được, kẻ trộm đang tâm nhổ cả luống.
Anh Hải chia sẻ: “Làm ruộng cũng vui chứ. Tôi xin một chân làm công nhân Công ty Vận tải công cộng rồi nhưng hết ca lại ra đây. Vừa thư giãn, vừa kiếm thêm thu nhập”. Nghe anh Hải lạc quan, cụ Sói chặn ngay lại: “Cũng không còn lâu nữa đâu, nghe nói mảnh đất này sắp trở thành sân bóng rồi.
Nhiều nhà cũng đã bỏ đất hoang, đi buôn bán hoặc xây phòng cho thuê. Dẫu biết rằng đây là đất của Nhà nước và xây dựng các công trình dân sinh là cần thiết cho Thủ đô, nhưng tôi vẫn tiếc. Mà tiếc thì “còn nước còn tát” cô ạ”!
Chia tay những người nông phu cuối cùng của làng Láng, tôi tự hỏi, rồi đây, họ sẽ làm gì? Chắc họ sẽ nhớ nghề lắm. Và còn biết bao nhiêu bà nội trợ nhớ đến đặc sản húng Láng? Hay húng Láng cũng chỉ là quá vãng như “Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”?
Thanh Hoàn