Kỳ 5: Ai là người dễ bị thôi miên?

(ANTĐ) – Theo các tài liệu nghiên cứu trên thế giới, để có thể làm cho một người bị thôi miên, trước tiên người đó phải đồng ý. Nhưng không phải ai cũng có thể bị thôi miên.
>>>Kỳ 1: Nghi án dùng thôi miên để lừa đảo/ Kỳ 2: Những vụ án thôi miên ly kỳ trên thế giới/ Kỳ 3: Giải mã bí ấn thôi miên của tội phạm/ Kỳ 4: Những câu chuyện kỳ lạ về thôi miên

Những bí ẩn quanh thuật thôi miên để phạm tội:

Kỳ 5: Ai là người dễ bị thôi miên?

(ANTĐ) – Theo các tài liệu nghiên cứu trên thế giới, để có thể làm cho một người bị thôi miên, trước tiên người đó phải đồng ý. Nhưng không phải ai cũng có thể bị thôi miên.
>>>Kỳ 1: Nghi án dùng thôi miên để lừa đảo/ Kỳ 2: Những vụ án thôi miên ly kỳ trên thế giới/ Kỳ 3: Giải mã bí ấn thôi miên của tội phạm/ Kỳ 4: Những câu chuyện kỳ lạ về thôi miên

Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ David Spiegel - nhà tâm lý học tại Đại học Stanford, 10-15% người lớn rất dễ bị thôi miên, so với tỉ lệ 80-85% ở những trẻ dưới 12 tuổi.

Theo như Th.S BS chuyên khoa II Đào Trần Thái (Đại học Y TP Hồ Chí Minh) thì người dễ bị thôi miên là những người dễ bị ám thị. Ám thị là sự tiếp nhận thụ động tác động tâm lý từ bên ngoài, gây biến đổi nhất định về thể chất, tâm thần và là hiện tượng tâm lý bình thường.

Tính ám thị khi bị thôi miên dao động tùy lứa tuổi, tăng cao ở những người trẻ tuổi (lúc nhân cách chưa ổn định và chưa hoàn chỉnh). Những người trẻ chưa có gia đình, tuổi thanh thiếu niên dễ bị ám thị. Những người tính tình thiên về cảm xúc, không sống về lý trí dễ bị thôi miên.

Tính dễ bị ám thị còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống, tình trạng sức khỏe và nhân cách. Những người nhận thức kém, ít trải nghiệm trong cuộc sống, sức khỏe kém, đang ở trong tình trạng mệt mỏi... cũng rất dễ bị thôi miên. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy một ám thị thôi miên gây ra các phản ứng neuron. Ví dụ, nghiên cứu do giáo sư Stephen Kosslyn, khoa thần kinh Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston tiến hành năm 1997: giáo sư đề nghị một nhóm 16 người quan sát một bảng màu đặt theo nhiều cấp độ và một bảng màu xám nhạt dần.

Các phản ứng của não được ghi nhận bằng kỹ thuật X-quang lớp phát hạt positron. Khi người tham gia trong tình trạng thôi miên, giáo sư yêu cầu từng người một "nhìn" bảng màu xám thành các màu sắc, thì vùng chẩm - xương đỉnh - một trong các khu vực nhận thức màu sắc - được kích hoạt, tức là não đã phản ứng như nó nhìn thấy các màu ở vị trí màu xám, điều mà ám thị thôi miên yêu cầu.

Theo thang độ của "tính dễ được thôi miên" do Đại học Stanford phát triển, 5% trong số chúng ta trơ ì với kỹ thuật thôi miên và chỉ 10% là bước vào trạng thái thôi miên sâu một cách nhanh chóng. Nhưng người ta còn chưa biết tại sao cho đến nay, vẫn không hề có sự tương quan nào giữa cấu trúc cá nhân và tính dễ ám thị được chứng minh.

Theo tài liệu nghiên cứu trên thế giới, mỗi người đều có thể tự bảo vệ mình trước thuật thôi miên. Ví dụ, nếu có cảm giác nghi ngờ hoặc không thoải mái khi có người lạ đến bắt chuyện thì nên chấm dứt ngay cuộc trò chuyện và bỏ đi. Bên cạnh đó, để làm sao lãng và thoát ra khỏi sự kiểm soát của người thôi miên, đôi khi chỉ cần quay đi phía khác, xem đồng hồ hoặc chỉnh lại quần áo.

Những câu chuyện về thôi miên được lưu truyền từ xưa đến nay, từ khắp nơi trên thế giới. Có vô vàn bài báo và nghiên cứu về thôi miên. Có những người tin cũng có những người nghi ngờ, coi thuật thôi miên là những sản phẩm tưởng tượng. Nhiều kẻ xấu thì dựa vào đó để làm những việc mờ ám. Chúng tôi mong muốn những thông tin trong loạt bài này mang đến cho độc giả cách nhìn nhận khoa học hơn về thôi miên. Từ đó độc giả có thể cảnh giác hơn để tự bảo vệ mình./.

Thu Hà - Bùi Tuyết