Kỳ 4: Thuyền nào cũng có bến neo

(ANTĐ) - Trong suốt hành trình, Hải vừa lái, vừa trò chuyện với tôi. Tôi hỏi gì, thắc mắc gì anh cũng giảng giải cặn kẽ...

Cảnh sát đường thủy Hà Nội đạp bằng những cơn sóng dữ

Kỳ 4: Thuyền nào cũng có bến neo

(ANTĐ) - Trong suốt hành trình, Hải vừa lái, vừa trò chuyện với tôi. Tôi hỏi gì, thắc mắc gì anh cũng giảng giải cặn kẽ...

>>> Kỳ 1: Miên man bên lở bên bồi

>>> Kỳ 2: Sự đổi thay bất tận

>>> Kỳ 3: Những cánh buồm ngược gió

Các chiến sỹ CSGT đường thủy ngoài kiểm tra những vi phạm TTATGT còn phải nắm rõ tình hình nhân khẩu hai bên bờ sông

Các chiến sỹ CSGT đường thủy ngoài kiểm tra những vi phạm TTATGT còn phải nắm rõ tình hình nhân khẩu hai bên bờ sông

Mà với tôi, cái gì cũng lạ. Ví như biển báo kia, sao bên đỏ, bên xanh. Tại trên bộ chỉ có biển cấm là đỏ, biển cho phép thì xanh và chỉ phải quan sát biển bên tay phải thôi. Dưới sông thì khác. Bên phải dòng sông, tính từ thượng nguồn xuống thì đỏ, bên trái thì xanh. Cũng đi bên phải theo luật tay phải, nhưng phải ưu tiên cho phương tiện xuôi dòng. Và vì dòng chảy, đoạn này thì lệch sang phải, khúc kia lại lệch sang trái nên anh phải quan sát biển báo cả hai bên chứ không chỉ bên phải như trên đường bộ. Nắng như đổ lửa. Nắng rang không khí, tãi trên mặt sông, không cho hơi mát bốc lên. Xuồng chạy hết ga, gió ràn rạt mang tai. Chốc chốc tôi lại với chai nước làm một ngụm, trong khi Hải cứ như không.

Cầu Đuống kia rồi. Vẫn còn đây, bên phải một trụ cây cầu cáp, dấu ấn của một thời chống Mỹ. Hai khối bê tông cốt sắt hai bên bờ, chiều cao bằng với mặt đường. Những sợi dây cáp được neo ghìm hai đầu xuống hai khối bê tông cốt sắt ở hai đầu cầu, tì xuống hai trụ rồi chôn xuống đất, phía trong. Lát ván lên những sợi cáp, thế là thành đường ô tô!

Chúng tôi chui qua cầu Đuống, chạy một quãng nữa là gặp cầu phao, do công binh bắc để cho xe một chiều từ Hà Nội sang đi tạm trong thời gian sửa cầu. Sửa từng làn đường một. Lại thêm việc cho tổ sông Đuống của Đội 2 này. Các anh phải phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý Đường sông số 6 và lực lượng công binh để điều khiển tàu thuyền qua lại. Ban ngày cầu phao đóng cho ô tô qua lại. Từ 23h hôm trước đến 4h hôm sau mới mở cho tàu thuyền xuôi ngược. Hết xuôi mới đến ngược. Phải chờ nhau. Phải có quân của anh Quang, anh Hải, anh Tuấn điều khiển. Trên bộ, lái xe ô tô chờ nhau. Dưới sông thuyền trưởng chờ nhau mất thời gian gấp nhiều lần trên bộ.

Địa bàn Hà Nội có tất cả 5.000 phương tiện thủy, trong đó mới có 1.000 chiếc đã đăng kiểm, 4.000 phương tiện thô sơ do quận, huyện quản lý. Chủ phương tiện chỉ được tập huấn ngắn ngày rồi nhận chứng chỉ hoạt động. Chỉ có 70% đủ bằng lái, những người được cấp chứng chỉ cũng chỉ chiếm 80% số người đang hành nghề.

Những số liệu ấy chứng tỏ một điều, bà con làm ăn trên mặt nước học vấn còn hạn chế. Cuộc sống nơi sông nước vất vả khó nhọc hơn trên cạn nhiều. Nó phụ thuộc vào thời tiết khí hậu, điều kiện thủy văn và môi trường nước. Nước sông không còn sạch như trước, nước thải không được xử lý từ các đô thị, khu công nghiệp cứ thế thải ra sông. Đầm hồ trên ngọn nguồn, nơi đến mùa mưa các loại cá sông ngược lên tìm nơi vật đẻ không còn được như xưa. Các công trình thủy điện phá vỡ điều kiện tự nhiên của dòng chảy, cũng phá vỡ điều kiện sinh sống của các loài thủy sản.

Của khôn, người khó. Kiếm được con cá, con tôm bây giờ chẳng dễ chút nào. Nhiều bà con lại giăng lưới đánh cá ngay trên luồng tàu thuyền qua lại nữa chứ. Bà con làm nghề chài lưới trên sông thì thế. Bà con làm nghề vận tải trên sông, nhờ sức đẩy của các loại động cơ lớn bé nên đỡ vất vả hơn, nhưng ông trời bây giờ chẳng mấy khi chiều người. Đã nắng thì nắng trơ đáy hồ, cạn nước sông. Mắc cạn là chuyện cơm bữa. Tàu thuyền bà con mắc cạn, các anh lo tổ chức kéo cạn… Mà đã mưa thì mưa sầm sập hàng giờ liền.

Trên thượng nguồn là lũ quét, sạt lở… Dưới hạ lưu thì mênh mông biển nước, các anh phải hướng dẫn tàu thuyền đi đúng luồng lạch. Tai nạn thì phải cấp cứu, lo tổ chức trục vớt. Bà con vì mưu sinh, muốn tiện việc cho mình, chẳng kể luật định, cứ tự tiện mở bến đò ngang. Mà đã mở bến thì phải xén, bạt đê lấy đường xuống bến. Có tới một nửa số bến mở không phép tắc gì. Đò ngang chẳng mấy khi có phao cứu sinh. Chủ thuyền thì tham chở đầy. Người đi lại chỉ muốn đi nhanh cho được việc, chẳng nhớ đến lời các cụ: Con ơi nhớ lấy câu này/Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ sang.

Chuyện gì các anh cũng phải để mắt tới, phải tuyên truyền vận động, giải thích và xử lý. Người ta không thể quanh năm suốt tháng chỉ ở trên tàu thuyền. Tàu thuyền nào cũng có bến neo đậu. Người sông nước nào cũng phải có một mối quan hệ thế nào đó với người trên bờ. Để giúp đỡ, hỗ trợ nhau sống, và… nhiều người, nhiều khi còn là để làm việc xấu.

*

*  *

Khi Hà Tây nhập vào Hà Nội thì ngày 1-8-2008, Công an Hà Tây cũng sáp nhập với Công an Hà Nội. Bây giờ toàn phòng CSGT đường thủy có 71 cán bộ chiến sĩ (6 nữ nhưng chỉ ở trên phòng), 48 đảng viên, 24 đoàn viên. Thượng tá Khuất Duy Kiều, sinh năm 1958, người Cẩm Yên, Thạch Thất được bổ nhiệm trưởng phòng. Anh từng đỗ thủ khoa Đại học An ninh. 9 năm làm Trưởng Công an huyện Phúc Thọ, có thời gian dài làm trợ lý Giám đốc Công an Hà Tây Trần Sĩ Mỵ. Trong thời gian ấy, anh đã là trợ thủ đắc lực cho giám đốc trong đề án Vận động tội phạm ra đầu thú. Giải pháp này, được tuyên truyền phổ biến rộng rãi đã có tác dụng nhiều trên địa bàn. Không phải là sáng tạo mới. Xưa nay kim cổ đông tây vẫn làm. Nhưng khi nó được phổ biến sâu rộng đến từng ngõ xóm, từng nhà với những lời khuyên chí tình, chí lý thì hiệu quả rõ rệt hẳn lên. Bởi nó đánh thức được phần lương thiện, cái tính người đã bị cái tính con trong họ lấn át. Nó huy động được yếu tố tình cảm của gia đình, vợ con tác động tới họ. Đỡ tốn thời gian, công sức của ta, lại nêu cao được tính nhân đạo, khoan hồng của chính quyền. Anh được VTV1 mời làm khách chương trình Người đương thời chính là vì việc ấy.

Trung tá Nguyễn Văn Bảo - Đội trưởng, vào ngành từ 1976, tốt nghiệp Trung học Cảnh sát nhân dân I, đã từng học dở dang Đại học Pháp lý, công tác trên Bộ mãi rồi năm 1980 mới về Đội 3, năm 1996, lập Đội    1 mới lên đây. Trung tá Hoàng Ngọc Phương và Trung tá Bảo đưa tôi đi thực địa. Kia là nơi đồn trú của Lữ đoàn Công binh 249 (Bộ Tư lệnh công binh, đơn vị ứng trực của Bộ Quốc phòng, khu vực thuộc Quân khu Thủ đô đã nói ở trên).

Hóa ra Hát Môn là đây. Cửa Hát, nơi sông Đáy đón nước sông Hồng tải về tưới tắm cho một vùng đồng bằng trù phú đồng bằng Bắc Bộ. Địa danh này đã chìm trong ký ức tuổi thơ tôi từ bài thơ xa xưa, giờ mới gặp. Bà Trưng quê ở Châu Phong/Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/Chị em nặng một lời nguyền… Người tham bạo là Thái thú Tô Định. Tô Định nhà Nam Hán đã áp dụng một chế độ cai trị hà khắc trên đất Việt. Chế độ ấy đã giết chết Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc (chị) và bao người dân đen, con đỏ khác. Bà Trưng Trắc, rủ em là Trưng Nhị, phất cờ khởi nghĩa (năm 40 trước Công nguyên). Quân khởi nghĩa chiếm cứ cả một vùng, lập quốc gia riêng. Bà Trưng xưng là Trưng nữ vương, đóng đô ở Mê Linh, Hà Nội bây giờ. Tướng Mã Viện đem quân đàn áp. Bị thất thế, để không bị sa vào tay giặc đang đuổi theo, tương truyền, chạy đến Hát Môn, Phúc Thọ bây giờ, hai bà nhảy xuống sông tuẫn tiết. Thế nên, bên kia sông, Châu Phong (Mê Linh ngày nay) quê hương Bà, nhân dân ta lập ngôi đền thờ Bà. Bên này sông (Phúc Thọ) bà con ta cũng lập một ngôi đền thờ Bà. Còn ở quận Hai Bà Trưng, nội thành, dân ta cũng lập một ngôi đền lớn thờ Hai Bà. Sau 2.500 năm, đến nay và mãi mãi về sau, người Việt vẫn đau nỗi đau của Hai Bà, vẫn hận nỗi hận của hai nữ anh hùng dân tộc ấy. Bởi, có lẽ không mấy người biết khúc nhạc buồn tưởng niệm những người chiến sĩ hy sinh cho Tổ quốc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước với tên gọi là Hồn tử sĩ trước kia, bây giờ được dùng tưởng niệm chung cho những người đã khuất, vốn có tên là Trường hận Sông Hát, để khóc nỗi đau Hai Bà.

(Còn nữa)

N.B.S