Ấm lòng Tiếng Hà Nội:
KỲ 3: Giữ vẻ thuần khiết, trong sáng
>>> Kỳ 1: Ấm lòng tiếng Hà Nội
(ANTĐ) - Tôi đã có dịp trao đổi với Lưu ữu Phước xung quanh chuyện tiếng chuẩn của Hà Nội. Lần này, tôi đi vào một mặt của vận động ngôn ngữ, nói cụ thể của tiếng nói và rõ hơn, của tiếng nói, giọng nói Hà Nội.
Những sinh sôi, biến đổi và lụi tàn của tiếng nói đều dễ dàng thấy quanh mình. Nhưng trước nhất, nên phân biệt “tiếng lóng” khác những tiếng được ra đời do kết quả hoạt động của tiếng nói trong đời sống. Tiếng lóng chỉ sinh sống trong những trường hợp eo hẹp. Bọn trộm cắp, buôn lậu trò chuyện với nhau bằng cả tràng tiếng lóng, người ngoài cuộc khó nghe, hiểu.
Thời trước, bọn đầu trộm đuôi cướp, cờ bạc bịp, du côn đầu bến, cả lái trâu, lái lợn cũng nói toàn tiếng lóng chỉ trong cánh, trong bọn hiểu. Bây giờ bọn phe nói “một chim” (một trăm) cũng như năm xưa lái lợn nói “kẹo chọi” (năm đồng). Tiếng lóng chỉ xuất hiện nội bộ, những “đánh quả, trúng quả, chíp hôi” sẽ lụi dần khi thiếu cơ hội và hoàn cảnh lan rộng.
Chữ “đểu” bây giờ đứng một mình, bên cạnh nghĩa xấu như cũ là đểu cáng, đôi khi lại nghĩa khác, tuy hỗn nhưng lại nghịch nghịch, yêu yêu. Rồi một từ “cực” được dung chỉ cái tuyệt đối, từ “ấy” gần chữ “ai” lạnh nhạt thành tiếng gọi chí thân: ấy ơi, ai ơi…
Và còn nhiều nữa. Tôi cốt kể ra những tiếng gần tiếng lóng nhưng khác tiếng lóng để giới thiệu mặt phong phú của tiếng nói hàng ngày và từng việc cứ biến chuyển và đổi mới.
Cũng trong những hoạt động trên, tiếng nói còn diễn ra ở giọng nói. Giọng nói có liên quan ruột thịt với cuộc sống ngôn ngữ.
Thiếu nữ Hà Nội kiêu sa, duyên dáng bên đền Ngọc Sơn (Ảnh: PHÚ KHÁNH) |
Ở Hà Nội, nói chung trước đây có 3 giọng nói:
Một giọng, thường gọi là “giọng Kẻ Chợ”. Cũng không hiểu tại sao người ta thường chú ý giọng của đàn bà. Giọng Kẻ Chợ mượt mà, đài các, kiểu cách, vừa ngọt xớt lại vừa chua ngoa của mấy người nhà giàu, mấy cô vợ thầy thông, thầy phán và những người tập tễnh làm sang học đòi “giọng Kẻ Chợ”. Thông thường ai cũng khó chịu khi nghe người nói sửa giọng. Giọng này bây giờ không còn. Ai muốn “hoài cổ” có thể nghe đài Mỹ hoặc Anh, ở đấy còn sót cái đài các xưa nay ở đôi bà phát thanh viên.
Giọng của người bình thường, đông đúc, hầu như tuyệt đối, những người ngụ trong nội thành vùng 36 phố phường cũ. Tiếng nói người nơi đô hội này không pha vùng nào, tiếng rành rõ, chững chạc, khoan thai, sáng sủa. Tiếng và giọng ấy cũng là giọng chính của tiếng Hà Nội bây giờ.
Giọng Hà Nội chỉ nghe được ở trung tâm, quanh hồ Gươm và 36 phố phường cũ. Các phía mấp mé ngoại ô đã nói giọng khác rồi, như từ chợ Mơ trở xuống hay nói nhịu, vùng phía Tây Bắc ngoại thành đã nói tiếng Bưởi, tiếng Kẻ Noi (Cổ Nhuế)…
Giọng nói nhịu. Khoảng 1954, khi hòa bình lập lại, sự hấp dẫn của sân khấu kịch nói đối với công chúng Thủ đô thật là mới mẻ. Người ta thích bắt chước giọng nói sân khấu. Nhiều diễn viên công phu vào đời sống, tập động tác nhân vật và học giọng để sắm vai. Nghệ sĩ Song Kim đã hàng tháng về ở Cổ Nhuế và Canh Diễn học cách nói của nông dân các vùng ấy. Song Kim đã sáng tạo lại, đưa lên sân khấu một giọng không hẳn Đan Phượng, không hẳn Kẻ Noi.
Nhiều cô gái Hà Nội cũng nói theo giọng ấy, rồi giọng ấy đã lan dần thành một giọng nữ hơi ỏn ẻn, ẻo lả, tồn tại đến tận bây giờ. Đó là những hiện tượng có thể tô vẽ đặc điểm giọng Hà Nội từng thời kỳ. Tôi cho rằng cả những giọng nặng của tiếng Thạch Thất cũng có thể pha loãng và hòa chung vào giọng Hà Nội, một khi ta biết chủ động cải tạo tiếng và giọng nói. Ai hằng lưu tâm vấn đề tiếng Hà Nội hẳn đã thấy một thực tế là cả đến tiếng của vùng khu Năm, tiếng Nghệ Tĩnh đến đây cũng đều bị nuốt vào tiếng Hà Nội và ngày nay càng Hà Nội hóa đi nhanh hơn bao giờ!
Nhiều người quê gốc ở các miền phía Nam thành phố có tật “nói nhịu” (nói nhầm chữ). Ở đây tôi không kể có một số hết sức ít người có tật nói một chữ rất tử tế ra một chữ rất nhảm, nói xong rồi ngượng đỏ mặt ra, nhưng rồi sau lại nhịu nguyên như thế. Đó là bệnh chứ không phải nhịu. Tôi không gọi “nói nhịu” là “nói ngọng” bởi nói ngọng chỉ xảy ra ở lứa tuổi thơ hoặc người tàn tật. Ví dụ: hay làm nói nhầm là “hay nàm”, “nói năng” là “lói lăng”…
Nhà thơ Giang Quân cho biết các phát thanh viên loa đài các xã vùng nói nhịu có cách chữa rất thần tình là cứ đánh máy nhầm ngược lại các chữ trong bản tin thì các cô các cậu ấy sẽ đọc đúng, lâu dần, quen miệng, sẽ đọc được chuẩn, như “lao lực” bản tin viết là “nao nực” thế nào cũng được đọc đúng là “lao lực”. Đến hẹn lại “nên” sẽ được đọc đúng: Đến hẹn lại “lên” v.v.
Thiết tưởng, những cách chữa dễ dàng cần chịu khó một chút. Người Hà Nội không được nói nhịu. Rất ngượng, tôi dự một hội thảo thơ mà có đến ba nhà thơ nói nhịu: “lước” Việt “Lam”. Và một vị phó giám đốc cơ quan văn hóa phát biểu, lúc đầu cũng cố gắng, đến lúc nói lâu, hăng lên, lại quên mất cố gắng, lại: nàm việc, lỗ nực, niên hoan…
Nêu những điều trên, tôi muốn đề cập đến mặt chủ động chăm chút cho tiếng nói, giọng nói được chính xác, tốt tươi và đẹp. Tiếng Hà Nội, một tiếng được chung đúc hầu hết các tiếng, các giọng cả nước tụ hội về từ bao thế hệ, đã lọc ra được cốt lõi và tinh túy tiếng chuẩn, cũng như giọng Huế, giọng Sài Gòn, được dùng trong các đài phát thanh và vô tuyến Trung ương hiện nay. Vẻ thanh lịch Hà Nội trong nói năng, trò chuyện, trao đổi, trong tiếng cười, câu hát đã thành tập tục, phong cách lâu đời.
Đáng chú ý là ngôn ngữ Hà Nội không có tiếng tục (không kể những vè kể lể chửi rủa mất gà, đây là lời ăn tiếng nói thốt ra lúc không bình thường - chửi nhau, đánh nhau).
Câu than câu chửi với những so sánh trào lộng, dâm tục cũng không có trong tiếng Hà Nội. Như câu: “Sự đời như cái lá đa. Đen như mõm chó, chém cha sự đời” nằm trong kho chữ dân gian cả nước chứ không phải ở ngăn riêng của ngôn ngữ Hà Nội.
Hà Nội vốn xa lạ những tiếng tục tĩu như ở cửa miệng một số người thường ăn nói bừa bãi, càn rỡ bây giờ. Hiện tượng này mọc ra trong hoàn cảnh và môi trường xã hội nhất thời (cụ thể như tình hình các mặt tiêu cực đương lây lan đến cả phong tục, tập quán hiện nay) nhưng chắc chắn sẽ lụi đi, xưa nay đều đã có những chứng minh như thế.
Hiểu biết quá trình vận động của tiếng và giọng, vun đắp cho tiếng Hà Nội được thuần khiết, chính xác, thanh lịch, góp phần làm giàu, làm trong sáng tiếng Việt, đưa tiếng Việt lúc nào cũng sóng đôi với đời sống văn hóa và tư tưởng của thời đại mới, đó là quan tâm thiết yếu của mỗi người cầm bút.
Tô Hoài