Kỳ 3: “Báu vật” chờ khai thác

(ANTĐ) - Khám phá ra hệ thống hang động “hoành tráng” ở Minh Hóa đã mở ra hy vọng và hướng phát triển du lịch hang động, bền vững nơi đây. Bởi tuyến du lịch tiềm năng di sản thiên nhiên thế giới - Phong Nha - Kẻ Bàng cách chuỗi hang động Tú Làn mới được phát hiện không bao xa, lại tiện lợi về giao thông. Điều này có thể tạo đà thu hút đầu tư cho việc phát triển kinh tế du lịch đang tiềm ẩn ở Minh Hóa.

Khám phá “cung điện” trong rừng thẳm:

Kỳ 3: “Báu vật” chờ khai thác

(ANTĐ) - Khám phá ra hệ thống hang động “hoành tráng” ở Minh Hóa đã mở ra hy vọng và hướng phát triển du lịch hang động, bền vững nơi đây. Bởi tuyến du lịch tiềm năng di sản thiên nhiên thế giới - Phong Nha - Kẻ Bàng cách chuỗi hang động Tú Làn mới được phát hiện không bao xa, lại tiện lợi về giao thông. Điều này có thể tạo đà thu hút đầu tư cho việc phát triển kinh tế du lịch đang tiềm ẩn ở Minh Hóa.

>>>Kỳ 2: “Nàng công chúa ngủ trong rừng”

>>>Kỳ 1: Theo chân “nhà thám hiểm”

Hệ thống hang động mới phát hiện ở Minh Hóa đã đánh thức tiềm năng du lịch tại đây

Hệ thống hang động mới phát hiện ở Minh Hóa đã đánh thức tiềm năng du lịch tại đây

“Vương quốc” hang động kỳ bí

Quảng Bình là vùng đất thiên đường của hang động với những dãy núi đá vôi trải qua quá trình đắp bồi lên đến hàng triệu năm, ngoài Phong Nha, vẫn còn rất nhiều báu vật khác vẫn chưa được phát hiện, mà trong đó, động Tú Làn và Tố Mộ chính là ví dụ điển hình nhất.

Để phát triển kinh tế nhờ tiềm năng du lịch khám phá hang động, ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa đã rất lưu ý đến việc những người phát hiện, đưa thông tin đó cho mọi người biết để nghiên cứu, đánh giá. Ngay sau khi ông Nhâm phát hiện ra động Tú Làn, ông Chất đã cử ngay ban ngành phụ trách lĩnh vực đi khảo sát.

Theo đánh giá của ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng VH-TT huyện Minh Hóa người đã nhiều lần cùng đoàn khám phá, khảo sát động Tú Làn thì hệ thống hang động ở xã Tân Hóa rất hoành tráng, nếu như so sánh di sản thiên nhiên thế giới - động Phong Nha - Kẻ Bàng thì động Tú Làn hội tụ đầy đủ yếu tố sông nước hệ núi đá, hang động thạch nhũ tráng lệ.

Hầu hết những người trong đoàn khám phá Tú Làn đều ít nhất một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của động Phong Nha - Kẻ Bàng, song bằng mắt thường cũng nhận thấy động Tú Làn tráng lệ về tổng thể, thạch nhũ đẹp lấp lánh và vòm hang rộng hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, động Tú Làn nằm sâu trong rừng nguyên sinh nên hệ động thực vật ở đây cũng vô cùng đa dạng, phong phú.

Cách đây 6 năm, khi UNESCO chính thức công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới, người dân Quảng Bình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đã vô cùng tự hào vì được sở hữu một trong những hang động đẹp nhất được cả thế giới công nhận. Phong Nha - Kẻ Bàng còn được xếp ngang hàng với những tuyệt tác thiên nhiên ở châu Âu như động Cuevas del Drac của Tây Ban Nha hay động Padirac ở nước Pháp.

Kể từ thời điểm đó, động Phong Nha đã được phát triển theo hướng du lịch bền vững, luôn duy trì được khả năng thu hút khách tham quan trên toàn thế giới, song song với việc bảo vệ, giữ gìn môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Chính điều đó đã khiến cho kinh tế của huyện Bố Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung phát triển lên một cách rõ rệt.

Thiên nhiên tạo ra trong động vô khối những hình nhũ đá kỳ lạ

Thiên nhiên tạo ra trong động vô khối những hình nhũ đá kỳ lạ

Khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn

Nếu động Phong Nha được ví như một tòa lâu đài lộng lẫy bởi những vết tích của thời gian và của cả dấu ấn người cổ xưa, thì động Tú Làn chẳng khác nào một cung điện tráng lệ, nằm e ấp sâu trong rừng thẳm và mang một vẻ đẹp nguyên sơ. Trong khi trên thế giới, loại hình du lịch khám phá pha chút mạo hiểm đang rất được ưa chuộng, thì việc động Tú Làn được khám phá chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch cho huyện Minh Hóa.

Cách đây 12 năm, chính xác là vào tháng 4-1997, tổ chức BCRA đã công bố trong một cuộc hội thảo về danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng rằng đây là hang động duy nhất ở Việt Nam đạt 7 tiêu chuẩn: Hang có dòng sông ngầm dài nhất (13.969m); có cửa hang cao và rộng nhất; có bãi cát và bãi đá ngầm đẹp nhất; có hang khô rộng và đẹp nhất; có hồ nước ngầm đẹp nhất; có hệ thống thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; hang dài nhất. Thì đến nay, theo người dẫn đường và cả một số người dân địa phương, nếu xét theo tất cả những tiêu chí ấy, Tú Làn còn nổi trội hơn cả Phong Nha.

Vấn đề được đặt ra bây giờ cho các cấp, các ngành của huyện Minh Hóa là kêu gọi được vốn đầu tư sao cho Tú Làn trở thành một địa điểm hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nếu không vẻ tráng lệ của hệ thống hang động ở Minh Hóa vẫn chỉ là vẻ đẹp tiềm ẩn như chưa từng được phát hiện.

Về điều này, ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Quảng Bình là vùng đất khó, nơi hẹp nhất của đòn gánh hai đầu đất nước. Tuy nhiên, được thiên nhiên ưu đãi có di sản thiên nhiên thế giới cùng với chuỗi hang động rất đẹp có tiềm năng về du lịch. Huyện Minh Hóa là vùng đệm của khu Phong Nha - Kẻ Bàng cho nên hệ hang động cũng rất đẹp. Mới đây, động Tú Làn được phát hiện và giới khảo sát cho là động có hệ thạch nhũ tuyệt vời và vòm rộng nhất. Đây là lợi thế cho huyện để phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư”.

Đánh thức tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế là điều cần thiết, song phải có chiến lược phát triển cùng với bảo tồn hệ môi trường sinh thái phong phú vốn có trong khu vực phát triển du lịch. Đối với huyện Minh Hóa, sự phát hiện hệ thống hang động đẹp đã là tiềm năng du lịch, tuy nhiên việc đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng” trở thành nguồn kinh tế chủ lực của huyện Minh Hóa còn phụ thuộc vào sự kêu gọi đầu tư.                     

Phi Điệp - Đức Tuấn