Kỳ 2: Lời sám hối của những con người trẻ

(ANTĐ) - Khi nhìn những phạm nhân cần mẫn làm việc trong các xưởng sản xuất và nhất là lúc tôi hỏi họ về những con số định mệnh của đời mình, họ có thể nhớ rõ tất cả như thể nó đã hằn sâu trong tâm trí: ngày bị bắt, ngày xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, ngày nhập trại, thời gian đã sống trong tù, ngày tháng còn thụ án, thời gian được giảm án... tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của hai chữ “Tự do”. Rất nhiều phạm nhân ở Trại giam Ninh Khánh tôi đã gặp và trò chuyện để rồi thấy tiếc cho họ, bởi vì hầu hết họ còn rất trẻ.

Nhọc nhằn về đời

Kỳ 2: Lời sám hối của những con người trẻ

(ANTĐ) - Khi nhìn những phạm nhân cần mẫn làm việc trong các xưởng sản xuất và nhất là lúc tôi hỏi họ về những con số định mệnh của đời mình, họ có thể nhớ rõ tất cả như thể nó đã hằn sâu trong tâm trí: ngày bị bắt, ngày xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, ngày nhập trại, thời gian đã sống trong tù, ngày tháng còn thụ án, thời gian được giảm án... tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của hai chữ “Tự do”. Rất nhiều phạm nhân ở Trại giam Ninh Khánh tôi đã gặp và trò chuyện để rồi thấy tiếc cho họ, bởi vì hầu hết họ còn rất trẻ.

>>> Kỳ 1: Những người thầy đặc biệt

Lao động cải tạo giúp các phạm nhân chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ
Lao động cải tạo giúp các phạm nhân chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ

Tuổi trẻ với bao ước mơ, dự định và có nhiều khả năng để chắp cánh những ước mơ đó, vậy mà chỉ vì một phút nông nổi, không kiềm chế được bản thân, họ đã vuột mất tất cả. Để đến bây giờ, niềm vui lớn nhất với họ là những buổi chiều kết thúc một ngày lao động, mặt trời khuất dần sau dãy núi và màn đêm buông xuống, họ biết rằng, một ngày tù qua đi và một ngày mới sắp bắt đầu.

Là trại giam do Bộ Công an quản lý, Ninh Khánh có quy mô khá lớn nên số phạm nhân vào đây cũng đủ loại: Giết người 198, cố ý gây thương tích 118, cướp 359, cướp giật 30, trộm cắp 112, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 12, lừa đảo 37, các tội về ma túy 2.110, tham ô 16, nhận hối lộ 4...

Về mức hình phạt: Chung thân 1, từ trên 20-30 năm tù 3, 20 năm tù 16, từ 5 năm đến dưới 20 năm tù 63, từ 5 năm tù trở xuống 24... Xét về độ tuổi, số người trong độ tuổi thanh thiếu niên khá lớn: từ 14 đến dưới 16 có 17 người, từ 16 đến dưới 18 tuổi có 105 người, từ 18 tuổi trở xuống có 19 người, từ đủ 18 đến dưới 30 có 1.121 người, từ 30 đến dưới 60 có 2.145... Nói qua một vài con số như vậy để thấy rằng, công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở đây quả là phức tạp.

Mỗi người có một cá tính riêng, thói quen riêng nên buộc cán bộ quản giáo phải hiểu, nắm bắt được những diễn biến trong họ cùng những tâm tư, nguyện vọng thì việc quản lý, giáo dục mới mang lại hiệu quả. Đấy là về nguyên tắc, còn thực tiễn, nhiều phạm nhân vào đây lúc đầu cũng lỳ lợm, bất cần, sẵn sàng ẩu đả, không chấp hành những quy định của trại khiến cho các quản giáo phải mất nhiều thời gian hơn cho việc giáo dục cá biệt.

Phạm nhân Lê Kim Anh và Phạm Thị QuếPhạm nhân Lê Kim Anh và Phạm Thị Quế
Phạm nhân Lê Kim Anh và Phạm Thị Quế

Khi nghiên cứu về các con số của Trại giam Ninh Khánh, tôi thật sự ngạc nhiên về số phạm nhân phạm tội hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em. Cụ thể, 27 phạm nhân quy án về tội hiếp dâm và 91 phạm nhân về tội hiếp dâm trẻ em, cao hơn hẳn so với một số tội phạm khác. Có thể gọi đây là loại tội phạm của thời thị trường. Kẻ phạm tội bị ảnh hưởng quá nhiều của sách, báo, phim ảnh cùng các trang web đen cộng với sự trợ giúp của bia rượu đã biến chúng trở thành những con thú.

Đối tượng để chúng thỏa mãn dục vọng chính là những bé gái vô tội. Các em trong hoàn cảnh đó không biết cách bảo vệ, không thể tự bảo vệ và trở thành nạn nhân của trò chơi đồi bại đó. Chứng kiến không ít những phiên tòa xét xử những bị cáo phạm tội trên, hơn một lần tôi bị ám ảnh khi nhìn những bé gái phải ra tòa với tư cách người bị hại, phía sau có cha mẹ giám hộ.

Các em quá non nớt, chưa thể thấu hiểu những nỗi đau đã trải qua. Chỉ có những người cha, người mẹ luôn che chở cho các em, nhưng họ đã ân hận vì không bảo vệ được con mình ở những thời điểm nguy hiểm nhất...

Phạm nhân nhận án tù chung thân duy nhất ở trại khiến tôi thật sự bất ngờ vì đó là phạm nhân nữ, thậm chí khi bị kết án mới bước sang tuổi 18. Đó là Phạm Thị Quế (SN 1989), trú tại Lạc Thiện, Đại Thắng, Vụ Bản, Nam Định, bị bắt về tội giết người và cướp tài sản khi đang học trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may Nam Định. Mặc dù đã xem qua kết quả tra cứu thông tin phạm nhân nhưng khi gặp Quế, tôi vẫn không thể tin nổi một cô gái trẻ trung, xinh đẹp lại sa ngã sớm như thế.

Lúc đó vào quãng cuối giờ chiều, Quế đang cặm cụi bên khung thêu của mình để hoàn thành nốt công việc trong ngày. Được sự đồng ý của quản giáo, tôi gặp Quế ngay tại xưởng thêu và cô gái này không ngại ngùng khi kể tôi nghe về quá khứ tội lỗi của mình.

... Đoàn Văn Duy và Phạm Thị Quế cùng tuổi, cùng quê và cùng học tại trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may Nam Định. Một thời gian ngắn nhập trường, quan hệ của hai người đã chuyển sang tình yêu.

Thế nhưng, không giống những cô gái quê khác khi về thành phố, Quế tiếp cận khá nhanh với lối sống vật chất nơi phồn hoa trong khi chưa làm ra tiền và số tiền gia đình cho hàng tháng cũng có hạn dẫn đến việc Quế và Duy nợ nần nhiều người. Cùng thời điểm đó, anh Triệu Quốc Việt (SN 1984) nhà ở Đồng Phù, Nam Mỹ, Nam Trực, Nam Định cũng tỏ tình với Quế.

Dù Quế đã nói thẳng với anh về việc mình đã có bạn trai nhưng Việt vẫn thường  xuyên đến chơi, tặng quà với mong muốn quan hệ của hai người sẽ được cải thiện. Biết anh Việt là người làm ăn, có nhiều tài sản có giá trị, Duy bàn với Quế thực hiện một kế hoạch nhằm chiếm đoạt tài sản của anh.

Khoảng 16h ngày 25-11-2007, Quế rủ anh Việt đến nhà trọ của mình nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Năng Tĩnh, TP Nam Định chơi và mời uống rượu (rượu đã được Duy và Quế pha sẵn thuốc ngủ). Đến 20h cùng ngày, Duy đến nhà trọ của Quế. Để người yêu dễ hành động, Quế và anh Việt bỏ ra ngõ cách chỗ trọ của Quế 50m tâm sự tiếp.

Đúng lúc đó, Duy lấy một đoạn tuýp sắt chuẩn bị sẵn vụt liên tiếp vào đầu anh Việt và bóp cổ cho đến chết. Sau đó, Duy và Quế vứt xác anh Việt xuống sông Đào thuộc địa phận xã Tân Thành, huyện Vụ Bản rồi lấy xe máy, nhẫn vàng, dây chuyền, lắc vàng và điện thoại di động Nokia của anh (điện thoại di động, dây chuyền, nhẫn vàng Quế và Duy đã bán ngay tại TP Nam Định) lấy tiền trả nợ và ăn tiêu.

Còn chiếc lắc vàng và xe máy bọn chúng mang lên chợ Trời Hà Nội bán thì bị CATP Hà Nội phát hiện bắt giữ. Với tội giết người và cướp tài sản, TAND tỉnh Nam Định phạt Đoàn Văn Duy tử hình và Phạm Thị Quế tù chung thân. Bản án phúc thẩm của TANDTC tại Hà Nội đã y án sơ thẩm.

Tôi hỏi Quế:

- Gia đình cháu có mấy anh chị em?

- Cháu là con út trong gia đình có 3 anh em.

- Cháu vào trại ngày nào?

- Dạ, ngày 18-7-2008.

- Những ngày đầu vào trại, cháu nghĩ gì?

- Vì là phạm nhân có án dài nhất trong trại nên cháu rất buồn, không biết đến bao giờ mới được xét giảm án.

- Cháu vẫn còn may mắn, đó là được sống. Còn Duy - bạn trai cháu, cháu có nghe tin gì không?

- Cháu không biết tin gì, chắc đã thi hành án rồi.

- Những ngày ở đây, cháu nghĩ về điều gì nhiều nhất?

- Cháu nghĩ nhiều về những người thân của mình. Cháu biết họ hy vọng vào cháu rất nhiều, thế nhưng chỉ vì cháu ham vui, đua đòi mà để họ khổ, lại phải chịu tiếng nhục với họ hàng, người thân.

- Dù sao cũng có ngày cháu được đoàn tụ với gia đình. Cháu đã có dự định gì cho ngày trở về?

- Cháu chưa dám nghĩ tới điều đó. Vì nó xa quá. Còn trước mắt, cháu chỉ mong thời gian trôi nhanh và cải tạo cho tốt. Đó là điều duy nhất để cháu chuộc lại những tội lỗi trước đây.

Trong số 34 phạm nhân người Hà Nội đang thụ án tại Phân trại 1, tôi để ý tới một cái tên nghe hiền như con gái: Lê Kim Anh (SN 1976), trú tại Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội. Kim Anh là con cả trong gia đình có 4 anh em. Quê Kim Anh không khó khăn như một số làng quê khác bởi có nghề mộc truyền thống.

Từ đứa trẻ trong làng cũng biết cầm dùi, đục, cưa, bào. Kim Anh cũng vậy. Đến lúc trưởng thành cũng là lúc người thanh niên này biết làm ra mọi sản phẩm để gia đình mang ra Đê La Thành bán. Mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng xấu khi Kim Anh a dua theo đám bạn bè, không chịu xuống xưởng mộc mà dối bố mẹ đi chơi tối ngày. Rất nhanh, cậu bị đám bạn lôi kéo vào ma túy.

Trộm nhà mãi rồi đến lúc trộm của người ngoài, thậm chí Kim Anh còn cùng đồng bọn lừa đảo xe máy và cướp tài sản của người qua đường. Tổng hợp hình phạt cho 3 tội ấy (trộm, cướp và lừa đảo), Kim Anh phải chấp hành hình phạt 9 năm 6 tháng tù. Kim Anh tâm sự với tôi bằng những lời rất thật:

... Chỉ vì không chịu nghe lời bố mẹ mà em phải trả giá quá đắt. Đến khi hối hận thì đã muộn. Nghĩ lại em thấy tiếc quá. Nếu còn ở nhà và không bập vào ma túy, em đã làm được nhiều việc đỡ đần gia đình. Còn bây giờ...

Những ngày ở trại, em nghĩ về mẹ nhiều nhất. Mẹ bao giờ cũng thương và lo lắng cho em. Vậy mà em không làm được gì cho mẹ vui mà chỉ làm mẹ đau khổ. Từ khi vào trại, mẹ hai lần lên thăm em. Mẹ cứ nhìn em rồi khóc. Em cũng không kìm được nước mắt khi thấy mẹ già nhanh quá. Có một điều em sợ nhất, không bao giờ dám nghĩ tới, nhưng chính mẹ em lại nói thẳng trong lần thăm em gần đây:

Con cố cải tạo tốt để được giảm án. Mẹ già yếu lắm rồi, như đèn treo trước gió. Mẹ chỉ sợ khi con trở về, mẹ đã ra đi theo ông bà. Vâng, mẹ yên tâm, con hứa với mẹ và cả nhà, nhất định con sẽ được về trước thời hạn. Ôi, sao lúc ở ngoài em không nghĩ có một ngày nào đó, mình lại bị tù đày thế này để mẹ phải khổ sở, gia đình điêu đứng?

Kim Anh nói với tôi như nói với chính mình vậy. Tôi tin những điều day dứt trong lòng người thanh niên ấy. Và tôi cũng thầm mong ngày trở về, cậu sẽ được ngã vào vòng tay thương yêu của mẹ để khóc, để cười cho quên đi những năm tháng tủi nhục, đau buồn.

Nguyễn Tuấn

Kỳ cuối: Chuyện của người quản giáo

(Mời các bạn đón đọc trên ANTĐ Cuối tuần số 209, ra ngày 30-11-2008)