Khúc sáo Mông trên đỉnh Pà Cò:
Kỳ 2: “Hạ sơn” cai nghiện, học chữ
(ANTĐ) - Cậu bé Giàng A Thô, 15 tuổi vội vàng viết đơn tình nguyện xin cán bộ cho đi đoạn tuyệt với thứ khói phù dung chết người mà mình đã vập phải cách đây 4 năm. Lần này, cùng đi với Thô còn có mẹ của cậu. Thô động viên mãi bà Sùng Y Cha - mẹ của Thô mới hiểu ra và khăn gói “hạ sơn” đi cai nghiện cùng con.
>>> Khúc sáo Mông trên đỉnh Pà Cò (Kỳ 1)
Chữa bệnh miễn phí
Nhà Thô ở bản Xà Lĩnh, xã Pà Cò, huyện Mai Châu. Năm nay Thô mới bước sang tuổi 15, vậy mà đã có “thâm niên” dùng ma túy 4 năm. Thô không nhớ cụ thể lần đầu tiên ai cho hút ma túy nhưng em vẫn mang máng có một vài lần bố cậu tiêm thuốc cho hút, còn sau đó chủ yếu là mẹ em đầu độc. Khi hỏi chuyện bà Sùng Y Cha - mẹ của Thô, nói: “Mình thấy cán bộ thường sinh hoạt với bản mình, nói chuyện về tác hại của ma túy nghe thuận cái tai, mình đi cai nghiện ngay”.
Thời gian “cắm bản” cùng với bà con ở miền sơn cước của những chiến sỹ công an, nỗ lực vận động của chính quyền cơ sở như những cơn mưa dầm thấm sâu xuống lòng đất. Lời nói, việc làm của từng chiến sỹ công an đã làm lay động, thay đổi quan niệm, thói quen xấu của đồng bào Mông vốn chắc như gốc rễ cây sa mu ăn sâu vào đá núi.
Trong số hàng chục lá đơn tình nguyện xin đoạn tuyệt với ma túy của đồng bào 2 xã Hang Kia và Pà Cò có cả những lá đơn viết chung của một gia đình mấy người đều nghiện. Vợ chồng Khà A Mua, Vàng Y Phếnh, chỉ viết vài chữ nguệch ngoạc: “Cán bộ cho mình đi bỏ cái ma túy, cho cả vợ mình đi nữa. Khi nào khỏi hẳn nghiện ma túy mình tặng cán bộ con bò”.
Ông Vàng Y Chẻo đang thổi khúc sáo Mông |
Hầu hết, bà con đồng bào Mông được cai nghiện, chữa bệnh tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH tỉnh Hòa Bình đều được miễn phí. Điều bà con vui nhất là được học chữ, được học nghề. Đa phần bà con đều không biết chữ hoặc biết rất ít, chính vì vậy mà theo anh Nguyễn Đức Cường, Giám đốc trung tâm thì các học viên này rất thích học văn hóa, họ luôn đến lớp đông đủ và đúng giờ.
Chị Sùng Y Cha, học viên chữa bệnh tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Bây giờ thì mình biết cái ma túy nó độc hại rồi, lần này về mình sẽ tránh xa nó. Mình được chữa bệnh mình cảm ơn cán bộ lắm”.
Cứ như vậy trong vòng 5-6 tháng điều trị, học viên cắt hẳn được với ma túy thì lại trở về bản. Theo anh Nguyễn Đức Cường - Giám đốc trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH Hòa Bình thì bà con ở Hang Kia, Pà Cò có người nghiện rất lâu năm, có nhiều trường hợp nghiện thuốc phiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước nên việc cắt cơn chữa bệnh cho học viên không phải đơn giản.
Điển hình ông Sùng A Trố, SN 1957, ở bản Pà Háng lớn đã nghiện hơn 30 năm nay. Sau thời gian ông Trố vào chữa trị tại trung tâm sức khỏe tốt lên, không còn tiều tụy như những ngày ở bản. Anh Cường cho biết: “Rất may số bà con ở đây đều tự nguyện xin điều trị cho nên chỉ khó khăn mấy ngày đầu mới vào trung tâm sau đó là đều tốt cả”.
Các học viên háo hức trong giờ học chữ |
Cắm bản nơi rừng xanh núi thẳm
Lúc đi qua chợ Pà Cò, tôi thấy ông già Mông đang thổi khúc sáo của dân tộc mình. Anh Sùng A Chếnh - Đội trưởng Đội An ninh - Công an huyện Mai Châu cười bảo: “Đó là ông Vàng Y Chẻo, ở Hang Kia 1. Bao năm qua ông Chẻo chỉ sống bằng nghề bán sáo, và mỗi khi xuống chợ ông đi khắp nơi thổi sáo véo von với những lời tốt đẹp, như âm thanh khuyên mọi người hãy giữ cái gốc của mình và đừng làm gì mang tiếng xấu cho dân bản”. Anh Chếnh bảo: “Đó cũng là cách dân vận đấy! Công tác dân vận ở đây gian nan chẳng kém công việc đấu tranh với tội phạm ma túy”.
Đến Hang Kia và Pà Cò mới thấy được cái gian nan của những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở miền sơn cước. Một ngày phải đi bộ đến vài chục cây số, vượt núi đá, đường rừng để làm nhiệm vụ. Anh Chếnh là người dân tộc Mông, anh hiểu rõ những phong tục, tính cách của bà con dân bản mình cho nên việc tiếp cận rất thuận lợi. Nói vậy, nhưng công việc vận động bà con tự nguyện đi cai nghiện cũng không hề đơn giản. Có người bị nghiện ma túy, thấy bóng dáng cán bộ là chạy lên rừng trốn.
Học viên học nghề tại trung tâm |
Khà A Giàng ở bản Hang Kia 1, xã Hang Kia là người như vậy. Khi cán bộ đến vận động, Giàng khăng khăng “tao không đi đâu cả, tao vẫn khỏe”. Sau nhiều lần trốn tránh, ngày 12-6-2009, sau khi nghe cán bộ nói về tác hại “con ma ma túy” chỉ làm hại người Giàng đã tự nguyện xin “cán bộ cho tao đi chữa bệnh”.
Giàng sinh năm 1967, vợ anh hơn anh 1 tuổi, chị cũng bị nghiện ma túy như chồng. “Không được, vợ mình cũng nghiện như mình, không để nó ở nhà được, phải cho nó tránh xa ma túy ngay thôi” - Giàng nói với cán bộ. Giờ đây, 2 vợ chồng Giàng cùng bà con ở bản đang cùng nhau đoạn tuyệt với ma túy ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH tỉnh Hòa Bình.
Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an tỉnh cho biết: Đây là chương trình nằm trong đề án “Xây dựng địa bàn hai xã Hang Kia và Pà Cò - huyện Mai Châu không ma túy giai đoạn 2009-2013”. Sau thời gian cán bộ “3 cùng” với dân bản bà con nghiện ma túy ở Hang Kia và Pà Cò đã nhận ra cái hại của ma túy. Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc trung tâm cho hay, cách đây vài ngày 3 con của vợ chồng Giàng xuống thăm bố, chúng rất vui khi thấy bố mẹ khỏe hơn, khác hẳn với khuôn mặt ủ rũ ở nhà.
Rời mảnh đất Mai Châu khi ánh mặt trời hồng đang dần xuống núi, đám trẻ nhỏ đùa vui dưới gốc đào trĩu quả, bên tai tôi chợt văng vẳng tiếng sáo Mông của ông Chẻo, giai điệu nhẹ nhàng hòa quyện vào núi rừng tạo nên những cung bậc thanh bình ở miền sơn cước. Đó là khúc sáo Mông yên bình được hòa nhịp từ những đôi chân không biết mệt mỏi của cán bộ, chiến sỹ công an với người dân ở Hang Kia, Pà Cò.
Đức Tuấn