Kỳ 2: Chế tài xử lý chưa đủ mạnh

(ANTĐ) - Thực trạng mua bán biển xe máy, ôtô giả đã có từ lâu. Những khách hàng tìm mua  cũng rất đa dạng từ những người bị mất biển hay cả những đối tượng tìm mua biển giả để lắp vào xe hòng đối phó tránh sự phát hiện của cơ quan công an khi gây án. Điều đó phần nào phản ánh cơ chế giám sát cũng như các chế tài xử lý của các cơ quan chức năng dường như chưa đủ sức răn đe.

Hệ lụy từ biển kiểm soát xe máy giả:

Kỳ 2: Chế tài xử lý chưa đủ mạnh

(ANTĐ) - Thực trạng mua bán biển xe máy, ôtô giả đã có từ lâu. Những khách hàng tìm mua  cũng rất đa dạng từ những người bị mất biển hay cả những đối tượng tìm mua biển giả để lắp vào xe hòng đối phó tránh sự phát hiện của cơ quan công an khi gây án. Điều đó phần nào phản ánh cơ chế giám sát cũng như các chế tài xử lý của các cơ quan chức năng dường như chưa đủ sức răn đe.

>>> Kỳ 1: Trăm nẻo biển kiểm soát giả

Nhiều đối tượng đã lợi dụng biển kiểm soát giả lắp vào xe để đi gây án
Nhiều đối tượng đã lợi dụng biển kiểm soát giả lắp vào xe để đi gây án

Dùng biển giả để gây án

Việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong việc mua bán biển xe máy, ôtô giả  đã gây không ít khó khăn không chỉ cho đơn vị quản lý phương tiện mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ gây mất ANTT. Để chống lại những đợt truy quét của lực lượng chức năng, một trong những phương thức gây án của các đối tượng trên đó chính là lắp biển giả vào phương tiện rồi đi gây án. Vụ việc được dẫn chứng đó là vào cuối tháng 3 vừa qua, CAP Quảng An, quận Tây Hồ đã triệt phá một ổ nhóm chuyên dùng xe máy gắn biển kiểm soát giả đi cướp giật, trấn lột tiền.

Các đối tượng trong vụ án là Hoàng Hoài Nam (SN 1987) và Lương Triều Vỹ (SN 1895) cùng Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1992). Điều đáng nói là, có nhiều vụ án người bị hại mặc dù có nhớ được biển kiểm soát xe máy nhưng khi trình báo cơ quan công an thì các cơ quan chức năng dò tìm, tra cứu mãi cũng không phát hiện được tung tích các đối tượng gây án bởi lý do đơn giản là bọn chúng đã dùng biển kiểm soát giả lắp vào xe khi gây án.

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, một chỉ huy của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH-CATP cho biết,  thủ đoạn sử dụng biển kiểm soát giả để gây án không phải là mới. Tuy nhiên, nó cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng công an trong quá trình xác minh, truy tìm đối tượng gây án thực sự ẩn mặt đằng sau những biểm kiểm soát giả đó. Không chỉ có những đối tượng cướp giật  sử dụng thủ đoạn này mà cả những đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa cấm cũng  rất “hay dùng”. Có nhiều đối tượng còn thủ sẵn trên ôtô nhiều biển kiểm soát giả và khi qua mỗi tỉnh bọn chúng lại lắp một biển giả vào để tránh sự theo dõi, phát hiện của lực lượng chức năng.

Cuối tháng 5 vừa qua, hai ôtô dùng biển kiểm soát giả vận chuyển hơn 8 tấn gà nhập lậu bị Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT &CV-CATP phát hiện tại khu vực gần cầu Thanh Trì và đường cao tốc Thăng Long-Nội Bài. Đáng chú ý, một đối tượng đã lợi dụng lúc cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa để thay đổi biển số xe 30H-1191 nhưng đã bị phát hiện. Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã làm rõ trên chiếc xe này còn có nhiều biển số giả khác dùng để thay đổi khi đi qua các tỉnh khác nhau.

Đừng để tiền mất tật mang

Bên cạnh những ý đồ đen tối của các đối tượng phạm tội muốn lợi dụng việc lắp biển kiểm soát giả để hoạt động thì hiện vẫn còn không ít người dân vẫn tìm mua những chiếc biển kiểm soát giả để lưu hành phương tiện. Vậy phải chăng thủ tục cấp biển mới quá rườm rà hay phí quá cao khiến nhiều người dân “ngại” làm lại? Đi tìm câu trả lời cho những mắc thắc trên, chúng tôi đã làm việc với Trung tá Đào Xuân Lâm-Đội trưởng Đội Quản lý đăng ký phương tiện-Phòng CSGT. Trung tá Đào Xuân Lâm cho biết: “Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, đã có tới 2.040 môtô, xe máy cùng 1.730 trường hợp ôtô bị mất biển kiểm soát. Đối với những người dân có phương tiện bị mất biển kiểm soát thì có thể đến các địa điểm đăng ký xe máy xin cấp lại biển. Thủ tục xin cấp lại biển này vô cùng đơn giản và nhanh gọn.

Nếu như trước kia người dân phải mất tới 60 ngày kể từ ngày khai báo, có xác nhận của công an phường sở tại chứng nhận bị mất cắp, phương tiện không bị giữ, không vi phạm luật pháp mới có thể được cấp lại thì nay theo quy định mới việc cấp lại biển cho người dân chỉ mất có 3 ngày (không tính ngày thứ bảy và chủ nhật). Người dân chỉ cần khai báo lý do, ngày tháng bị mất và nguyện vọng được cấp lại biển mới cũng như cam đoan phương tiện của mình không bị giữ, không vi phạm các quy định của pháp luật. Đơn xin cấp lại không cần có dấu xác nhận của chính quyền địa phương. Chi phí để làm lại một biển mới cũng rẻ hơn nhiều so với cái giá mà người dân mua biển giả. Cụ thể, đối với biển môtô, xe máy người dân chỉ phải đóng 50.000 đồng; xe ôtô là 150.000 đồng”.

Quy định mới đã tạo thuận lợi rất nhiều cho nhân dân đến đăng ký biển mới khi chẳng may biển xe bị mất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tìm mua bán biển giả để lưu hành phương tiện. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho bọn tội phạm lợi dụng để hoạt động mà còn góp phần gây mất ANTT, gây khó khăn cho cơ quan điều tra khám phá các vụ án. Không những vậy, bản thân những người dân này khi lắp biển kiểm soát này vào còn phải chịu quy định xử phạt của pháp luật khi lưu hành biển giả. Trao đổi với PV, đại diện Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết: “Hiện nay, theo Nghị định 146 của Chính phủ, những người có hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sản xuất, hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Đối với những người có hành vi sản xuất biển số trái phép sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng. Những người sử dụng biển số ôtô giả sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng và 200.000 - 500.000 đồng đối với xe máy”.

Mức xử phạt trên theo Cục CSGT là chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Để xử lý kiên quyết những vi phạm này, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt cũng như chế tài bổ xung. Ngoài việc căn cứ vào Nghị định 146 để tiến hành xử phạt, cơ quan chức năng còn phải xem xét hành vi làm giả biển số này có vi phạm vào điều 267 Bộ luật Hình sự về hành vi “lừa dối làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan Nhà nước” (dấu Quốc huy) hay không? Nếu xác định được vi phạm vào điều trên thì có thể phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Có như vậy mới tạo ra được sự răn đe cần thiết đối với những đối tượng buôn bán và sử dụng biển giả.

 Minh Anh