Kỳ 1: Lòng tham che mờ nhân cách

(ANTĐ) - Họ đều là những cử nhân xuất sắc từ các trường đại học danh tiếng. Thậm chí, có người đã từng tu nghiệp ở tận nước ngoài. Thế nhưng tài chưa phát tiết thì tật đã phát lộ. Chỉ vì lòng tham mà chính những con người ấy đã đánh mất tự do, chôn vùi tuổi trẻ sau song sắt nhà giam…

Khi trí thức trở thành tội phạm

Kỳ 1: Lòng tham che mờ nhân cách

(ANTĐ) - Họ đều là những cử nhân xuất sắc từ các trường đại học danh tiếng. Thậm chí, có người đã từng tu nghiệp ở tận nước ngoài. Thế nhưng tài chưa phát tiết thì tật đã phát lộ. Chỉ vì lòng tham mà chính những con người ấy đã đánh mất tự do, chôn vùi tuổi trẻ sau song sắt nhà giam…

Nguyễn Văn Chung chăm sóc cây trong khuôn viên của trại giam

Nguyễn Văn Chung chăm sóc cây trong khuôn viên của trại giam

Chung “Giáo sư” trong trại giam

Hơn 13 năm “mặc áo số, ăn cơm phần” ở nhiều trại tạm giam và trại giam khác nhau, thế nên điều mà Nguyễn Văn Chung ngộ ra khi tâm sự với chúng tôi đó là: “Không thể tham lam, không thể lấy đi những đồng tiền là mồ hôi, xương máu của người khác làm của riêng cho mình. Chỉ có làm ăn lương thiện mới thực sự giúp cho mình trở thành một công dân tốt, được sống thanh thản bên người thân…”.

Với cái đầu hói và học thức đáng nể nên Nguyễn Văn Chung hay được bạn bè gọi là Chung “Giáo sư”. Phạm Chung, SN 1952, nhà ở ngay tại phố Bát Đàn (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm 2002, Chung bị TAND Tối cao tuyên phạt 20 năm tù về tội lừa đảo tài sản chiếm đoạt tài sản của công dân (trước đó, năm 1996 Chung bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan nhà nước) và hiện đang thụ án ở Trại giam số 3 - Bộ Công an.

Biết tôi ở Hà Nội vào, như có sự đồng cảm với những người cùng quê nên cuộc trò chuyện giữa tôi và Chung khá cởi mở: “Tôi ở đây đã ăn trọn 13 cái tết. Quãng thời gian đằng đẵng ấy quá đủ để tôi thấm thía những giá trị của tự do”. Ký ức tuổi thơ như chợt ùa về, Chung hồi tưởng: “Nhà có 6 anh em, tôi là con cả. Bố vốn là một cán bộ Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, mẹ công tác trong ngành Hải quan nên kinh tế gia đình cũng khá giả, anh em chúng tôi đều có điều kiện học hành.

Năm 1972, như nhiều thanh niên của Hà Nội, tôi lên đường nhập ngũ, làm tân binh ở Bộ Tư lệnh Thủ đô. Sau thời gian huấn luyện, mắt của tôi bị kém thị lực nên được xuất ngũ về địa phương tiếp tục học tập và thi đỗ vào trường Quản lý Y tế (nay là trường Đại học Y Hà Nội). Tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào làm việc ở bệnh viện Bạch Mai. Làm việc ở bệnh viện một thời gian tôi bỏ nghề vào TP.HCM lấy vợ, sinh con”. 

Mùa hè năm 1990, Chung và vợ cùng nhau đi du lịch sang Singapore và tham dự khoá học 6 tháng về thị trường chứng khoán của Ngân hàng Standaro Chatrebank (Anh). Về nước, Chung được mời làm Trưởng đại diện Tập đoàn Kotobuki (Nhật Bản) ở Việt Nam với mức lương 2.500USD/tháng. Thế nhưng chưa bằng lòng với công việc, gần 2 năm sau, Chung sang làm Trưởng đại diện Tập đoàn IPP (Mỹ) ở Việt Nam với mức lương hơn 3.000USD/tháng. Thời điểm này, thị trường bất động sản tại TP.HCM chưa mấy sôi động, vốn có đầu óc của một nhà kinh tế, Nguyễn Văn Chung đã lặng lẽ bỏ ra hàng trăm cây vàng mua hơn chục căn biệt thự, nhà, đất ở trong nội thành.

Vết trượt của đại gia

Sau một thời gian ngắn làm việc cho các tập đoàn kinh tế nước ngoài và kinh doanh bất động sản, Nguyễn Văn Chung trở thành một đại gia có tiếng của TP.HCM. Sở hữu tiền tỷ với vô số nhà lầu, đất đai, trong mắt nhiều người Chung là một doanh nhân thành đạt. Những chiếc xe hơi đời mới Chung lướt đi trên phố khiến những người qua lại trầm trồ ngưỡng mộ. Kiếm được tiền khá dễ dàng nên cách tiêu tiền của Chung cũng theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ”. Cách sống ấy khiến Chung nhanh chóng trở thành nhân vật trung tâm của mọi lời đàm tiếu.

Có tiền, Chung đi tìm các công trình, dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản theo khắp chiều dài của đất nước. Chân trong chân ngoài, Chung kiêm luôn cả chức Trưởng đại diện Công ty Balongga (Malaysia) tại Việt Nam. Sẵn có học thức, tiền và quan hệ nên những phi vụ làm ăn diễn ra khá chóng vánh biến Chung trở thành kẻ hoang tưởng. Chung không biết mình đã biến thành kẻ tham lam tự lúc nào và lao vào vòng xoáy chỉ biết có tiền là trên hết.

Trong khoảng thời gian 1995-1997, UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) có chủ trương nâng cấp, xây dựng Dự án Khách sạn Thái Nguyên. Biết được thông tin này, Chung đã đứng ra móc nối, tự “quảng cáo” mình có khả năng làm dự thầu cho dự án và “diễn” trò lừa đảo khiến nhiều nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài mắc bẫy.

Chung đã nhận của ông Liao Chun Chin (tức Liêu - quốc tịch Trung Quốc) 40.000USD và của ông Trần Tiến Đạt (đại diện cho Công ty Xây dựng Thành Nam) 500 triệu đồng với lý do là tiền đặt cọc để được dự thầu Dự án nâng cấp khách sạn Thái Nguyên. Tuy nhiên, dự án này mới chỉ là chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên, đang ở giai đoạn chuẩn bị, chưa ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị nào, cũng chưa có giấy phép đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ấy vậy mà Chung đã lợi dụng việc này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của các bị hại.

Xét hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Chung là đặc biệt nghiêm trọng, cho dù đến cấp xét xử phúc thẩm nhưng Chung vẫn bị tuyên phạt mức án 20 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” theo khoản 3, Điều 157 - BLHS năm 1985 nay BLHS này đã được sửa đổi bổ sung.

Sự khát khao bên kia song sắt

Từ một đại gia tiêu tiền như nước, nhưng khi bước chân vào trại giam Chung mới thấm thía về cái giá của tự do: “Mỗi khi tết đến, tôi nhớ cái giá lạnh se se ngày tết của Hà Nội, nhớ vợ con, bố mẹ ghê lắm! Lúc đó, tôi thèm được nghe giọng nói người Bắc. Cảm giác nao nao không thể tả nổi”. Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, Chung nhiều lần nhắc đến lòng nhân ái, bao dung của cán bộ trại giam trong quản lý giáo dục phạm nhân ở đây.

“Kỷ niệm để đời của tôi là vào năm 2004, tôi bị sốt thương hàn tới 39- 40 độ C, huyết áp cao 110/180, lạnh toát trong người nhưng mồ hôi vã ra như tắm. Lúc đó tôi tưởng mình “đứt” rồi, khi dứt cơn sốt tôi phải dậy đi bộ, sợ nằm nhiều bệt luôn. Biết tôi ốm, cán bộ Quê (Trung tá Phạm Mạnh Quê - Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ) đã đi mua 3 thang thuốc của một thầy lang cho tôi uống. Gặp thầy, hợp thuốc, uống xong 3 thang thuốc này, tôi khỏi ốm luôn” - Chung nhớ lại.

Với học thức nổi trội so với những phạm nhân đang thụ án trong trại, Chung được giao công việc giúp cán bộ quản giáo quản lý sổ sách, bưu kiện… của phạm nhân. Những lúc rảnh rỗi, Chung lại lấy sách kinh dịch, sách chuyên ngành y tế, kinh tế ra nghiên cứu. Do cải tạo tốt, Nguyễn Văn Chung nhiều lần được  xét giảm án. Mong mỏi ngày trở về với gia đình và xã hội đang đến gần, Nguyễn Văn Chung hồ hởi: “Ra tù, tôi sẽ mở một công ty cho thuê, mua tài chính và mở Trung tâm bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi và đi làm từ thiện…”.                                      

 (Còn nữa)

Thanh Quang