Kiên cường bám đảo, bám ngư trường Hoàng Sa

ANTĐ - 32 năm trước, một ngư dân nung nấu suy nghĩ tìm cách vượt hơn 200km để tìm đến “bãi cát vàng” đánh bắt cá chỉ bằng các phương tiện thô sơ. Ông là Dương Minh Thạnh, người đầu tiên khai phá ngư trường Hoàng Sa cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Ngư dân Dương Minh Thạnh thuật lại chuyến ra khơi khai phá ngư trường Hoàng Sa
32 năm về trước

Chuyến ra khơi không tưởng

Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng ông Dương Minh Thạnh vẫn nhớ như in chuyến ra khơi tìm đến đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Thời đó, ngư dân đảo Lý Sơn đa phần chỉ đánh bắt bằng thuyền thúng hoặc tàu gỗ loại nhỏ. Sau bao năm đi biển gần bờ, ông Thạnh nung nấu quyết tâm phải đóng thuyền to để ra Hoàng Sa đánh cá. “Lần đầu vượt biển hơn 200km đánh bắt, lại ở một ngư trường chưa bao giờ đặt chân tới, mọi người cũng có đôi chút lo lắng nhưng rồi tất cả đã lên đường đầy háo hức”, ông Thạnh kể lại. 

Vài giờ sau khi làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ngày 16-2-1982 (Âm lịch), ông Thạnh dẫn đầu 48 thuyền viên ra khơi, tìm đến “bãi cát vàng” (tên thường gọi của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa). Chỉ với tấm bản đồ đánh cá, một thước kẻ ê-ke, một la bàn thô sơ và một cây đèn dầu, ông Thạnh đã xác định chính xác lộ trình. “Tôi dùng ê-ke đo tọa độ, trừ hao sức gió, dòng chảy của nước và tính toán được từ đảo Lý Sơn tới “bãi cát vàng” Tri Tôn là 218km. Tàu chạy một mạch 25 tiếng đồng hồ. Đảo Tri Tôn hiện ra trước mắt. Cả đoàn hò reo rồi neo thuyền, quăng lưới. Chỉ sau 5 mẻ lưới, ghe đã đầy ắp cá, nhiều đến mức chúng tôi phải bán ở Lý Sơn rồi xuôi tàu xuống Đà Nẵng đổ buôn mới hết”, ông Thạnh hào hứng kể. Thấy ông Thạnh thành công, người dân Lý Sơn rủ nhau theo chân ông đi đánh bắt và ông nhiệt tình hướng dẫn mọi người kinh nghiệm. Cứ thế, ngư dân Lý Sơn tìm đến Hoàng Sa ngày một đông và biến nơi đây trở thành ngư trường truyền thống.

Tìm đến đảo Tri Tôn cách hơn 200km chỉ bằng những tính toán thô sơ

“Người chết” trở về

Lênh đênh trên biển đánh bắt cá suốt hơn 30 năm qua, ông Thạnh trải qua nhiều phen tính mạng nguy hiểm. “Mỗi chuyến đi là một lần đối mặt hiểm nguy, một kỷ niệm khó quên. Dọc mỗi hải trình tôi đều ghi chép nhật ký. Có kể ngày này qua ngày khác chắc cũng chưa hết chuyện”, ông Thạnh tâm sự. Đáng nhớ nhất trong vô vàn kỷ niệm khó quên của người ngư dân 60 tuổi này là ngày 27-5-1991 (Âm lịch). “Chuyến đó, khi chúng tôi đang đánh cá cách đảo Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 300m thì gặp cơn bão lớn. Gió cấp 15 giật mạnh làm nát chiếc tàu. Tôi và 12 thuyền viên bám được vào ngọn hải đăng. 21 ngày không một hạt cơm, phải ăn cá cơm sống và uống nước biển. Sau đó may mắn được người bạn Nguyễn Lợi (ông Lợi là người có mặt trong chuyến đầu tiên ra Hoàng Sa đánh bắt và sau này hai người trở thành thông gia) cứu. Theo lời kể của vợ ông Thạnh, lần đó, bà và cả đảo Lý Sơn đều nghĩ ông Thạnh đã chết. “Khi tàu ông Lợi đưa chồng tôi và các thuyền viên trở về, tất cả người dân ở chợ Lý Sơn bỏ buổi chợ, đổ ra cảng vui mừng đón “người chết”. Khi đi, ông ấy to khỏe là thế, nặng những hơn 70kg mà khi về vào bệnh viện cân còn có 34kg. Cũng sau lần bị nạn đó, ông ấy bị bệnh hô hấp, chữa trị suốt hơn 20 năm mới khỏi”, vợ ngư dân Dương Minh Thạnh kể lại.

Bản ghi chép nhật ký hải trình

Bám đảo tới cùng

Hơn 30 năm đi biển, ông Thạnh gặp nạn cũng nhiều mà giúp người bị nạn cũng không ít. Nhiều lần ông chấp nhận hy sinh số cá đánh bắt được nhưng bị hỏng vì không kịp đưa vào bờ tiêu thụ, thậm chí cho gạo, cho nước và lai dắt các thuyền bị nạn tới nơi an toàn. Ngư dân Lý Sơn đầu tiên đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa kể: “Trong chuyến ra khơi năm 1997, tôi gặp một tàu của Trung Quốc loại 14 tấn bị nạn ở khu vực biển Hoàng Sa. Họ hết lương thực, giơ xoong nồi ra gõ để báo hiệu trong tuyệt vọng. Chúng tôi cho họ 15kg gạo, cho cả nước uống và kéo tàu của họ bị chết máy vào đảo Xà Cừ trú ẩn an toàn. Hai năm sau đó, mỗi khi bão đổ bộ vào Biển Đông, các tàu cá của ngư dân Trung Quốc đánh bắt gần đó đều táp vào đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh bão. Có một chiếc tàu của ngư dân Trung Quốc đã bị gió giật đứt dây neo, trôi vô định. Khi bão vừa tan, tàu của tôi ra cứu, dìu vào bờ an toàn”. Ông Thạnh quan niệm gặp thuyền bị nạn thì dù ngư dân nước nào cũng cứu, giúp người cũng là giúp mình. Suy nghĩ và hành động của ông Thạnh càng đáng khâm phục hơn khi biết rất nhiều lần, ông và các ngư dân Lý Sơn đã bị tàu Trung Quốc đâm va, thậm chí dùng vũ khí đe dọa để cướp trắng số hải sản phải rất vất vả mới đánh bắt được.

Ở đảo Lý Sơn, ông Thạnh là tấm gương can trường bám đảo Hoàng Sa, truyền dạy nhiều kinh nghiệm đi biển cho người dân. Cả 2 con trai ông và 2 con rể giờ cũng nối nghiệp bố, vươn khơi bám biển. Với ông Thạnh cũng như mọi người dân trên đảo Lý Sơn, biển Hoàng Sa từ lâu đã như mảnh ruộng, khu vườn thân thuộc, nuôi sống họ và gia đình. “Nếu nói bám biển thì ngư dân cả nước mình đều bám biển, còn riêng với người dân Lý Sơn chúng tôi, việc ra khơi đánh bắt cá còn là để bám đảo. Đảo của mình, mình phải giữ cho xứng danh quê hương Hải đội Hoàng Sa anh hùng, xứng với xương máu cha ông đã đổ để khai phá, khẳng định chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa chứ!”, người duy nhất trên đảo Lý Sơn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2012, tâm sự.