Không bao giờ nói suông

(ANTĐ) - Từ một cậu bé quê mùa, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Lê Quang Thành vươn lên thành một ông chủ trẻ có hàng trăm tỷ đồng bằng hai bàn tay trắng.

Không bao giờ nói suông

(ANTĐ) - Từ một cậu bé quê mùa, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Lê Quang Thành vươn lên thành một ông chủ trẻ có hàng trăm tỷ đồng bằng hai bàn tay trắng.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trong quán cà phê chỉ non một giờ đồng hồ, nhưng cái đam mê, cái khát vọng vươn lên làm giàu của anh khiến tôi bị mê hoặc, quên đi tất cả những ồn ã xung quanh.

Khát vọng đổi đời

“Sinh năm 71, ngấp nghé vượt qua ngưỡng “băm”, liệu có phải là quá già khi đặt ra vấn đề lập nghiệp với một người trong độ tuổi như thế?” - Tôi đã mạnh dạn hỏi khó Thành như vậy trước khi bắt đầu câu chuyện.

“Không có tuổi nào là quá già để bắt đầu làm giàu. Lập nghiệp là cả một quá trình từ lúc bắt đầu đến lúc dừng “cuộc chơi”. Và tôi biết có rất nhiều người đã không bao giờ bỏ “cuộc chơi” ấy cho tới tận khi nhắm mắt” - Thành khẳng định.

“Xuất thân từ vùng quê nghèo Hoằng Hóa - Thanh Hóa, ngay từ nhỏ tôi đã viển vông nghĩ đến một “điều gì đó” có thể làm thay đổi cuộc sống cho những người nông dân như bố mẹ mình trong lúc oằn lưng gánh từng gánh phân ra đồng. Chính vì thế tôi đã quyết tâm theo đuổi con đường học vấn” - Lê Quang Thành bắt đầu câu chuyện bằng chuỗi hồi tưởng về tuổi thơ của mình.

Sau này, luẩn quẩn với cái ước mơ viển vông ấy, chính Thành đã quyết định chọn cho mình con đường vào Đại học Nông nghiệp. Những ngày làm sinh viên của Khoa Chăn nuôi thú y, cậu sinh viên nghèo này đã cố gắng đeo đuổi cái mộng đổi đời bằng cách tự đi làm thêm lấy tiền ăn học.

“Tôi làm đủ thứ nghề, từ bốc gang đến đi thiến gà, hoạn lợn thuê... những việc ấy đủ giúp cho một sinh viên với trợ cấp từ gia đình 10.000 đồng/ tháng tùng tiệm sống”. Tuy thế nhưng Thành học khá giỏi. Năm 1994, là một trong hai sinh tốt nghiệp ra trường với tấm bằng xuất sắc, anh được nhận ngay vào làm tại Viện Chăn nuôi.

"Thế nhưng, chỉ được hai năm, anh đã khiến gia đình và các đồng nghiệp phải sửng sốt vì đã làm một việc động trời: “Dám” xin nghỉ việc ở cơ quan Nhà nước. Thành tâm sự: “Không phải tôi không coi trọng những cơ quan Nhà nước. Nhưng lúc bấy giờ có một xu thế lạ đời: Những kỹ sư mới ra trường đôi khi không được nhìn nhận, tôn trọng bằng một anh công nhân. Tôi muốn bắt tay vào nghiên cứu một cái gì đó thì người ta lại gạt đi và chỉ muốn tôi đi quét chuồng trại”.

Mặc sự phản đối của gia đình, rằng đi làm cho nước ngoài cũng giống như đi buôn, với những khả năng của mình về vi tính và ngoại ngữ tự học khi còn là sinh viên (lúc đó còn là của hiếm) anh xin đầu quân cho công ty chuyên sản xuất thức ăn gia súc AFC của Mỹ.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, công ty này bổ nhiệm Thành làm Giám đốc với mức lương gây “kinh hoàng” với bất kỳ một sinh viên mới ra trường nào: 18 triệu/tháng.

Đến năm 1997, mức lương này tăng lên 28 triệu. Làm cho công ty nước ngoài có nghĩa là lao động cật lực, nhưng Thành nghĩ ngược lại. Đây chính là cơ hội học tập, bổ xung kinh nghiệm, kiến thức cho những quyết định “xin nghỉ việc” tiếp theo của anh sau này.

Mắt nhìn, đầu nghĩ

“Đến tận bây giờ, tôi vẫn coi 7 năm làm Giám đốc cho AFC chỉ là 7 năm đi học” - Anh tiếp tục câu chuyện. Từ một công ty ngấp nghé bờ vực phá sản, sau 7 năm “đương nhiệm”, Thành vực công ty này lên thành một trong những “đại gia” của làng chế biến thức ăn chăn nuôi trên thị trường Việt Nam.

Những ngày đó, tiếng là “sếp”, nhưng chẳng mấy khi anh ở “nhiệm sở”. “Tôi “lăn” xuống từng thôn, bản. Vào từng gia đình nông dân tìm hiểu xem họ chăn nuôi cái gì? Cần những cái gì?” -  Một chiến lược hoạch định cho tương lai được bắt đầu từ đó. Để biến ước mơ viển vông ngày nào thành hiện thực, mắt cần phải biết nhìn nhận mọi việc và đầu hoạch định chiến lược dài hơi.

Năm 2001, Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương do anh thành lập ra đời chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thức ăn gia súc cho nông dân. Đối mặt với những khó khăn là tâm lý sính ngoại của nông dân, tiềm lực kinh tế còn non yếu và thiếu nhân lực giỏi, anh phải tính một bài toán cho riêng mình.

Ông giám đốc Thành lại hành trình trên từng cây số suốt 25 tỉnh trên toàn miền Bắc đến từng hộ nông dân, từng trang trại, bán từng bao thức ăn nhỏ để điều nghiên thị trường và hướng dẫn bà con. Nhờ việc đã “nhẵn mặt” nông dân từ ngày làm cho AFC, uy tín và sự tận tình của anh đã khiến bà con nồng nhiệt đón chào những sản phẩm Made in Việt Nam.

Kinh nghiệm cho thấy, bao giờ những công ty nội địa cũng chiếm thị phần lớn nhất và bền vững nhất. Chính vì vậy anh đã không ngại gia nhập một thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi vốn đã có quá nhiều “đại gia” nước ngoài. Và bây giờ, với 6 công ty thành viên và hơn 500 lao động, việc đáp ứng đơn hàng cho hàng chục tỉnh thành đang là công việc bận rộn của Thành.

Khác mới những giám đốc doanh nghiệp khác, không ai nghĩ Thành là một ông chủ có trong tay hàng trăm tỷ đồng. Ăn mặc tuyềnh toàng, dùng điện thoại cục gạch, hút thuốc lá Vina, áo không cà vạt, anh tâm niệm với quan điểm của Newton: “Nếu tôi thực sự thành công thì dù có ăn mặc rách rưới, người ta vẫn nhận ra tôi là Newton”.

Anh nói: “Doanh nhân đều biết tiết kiệm và tiêu tiền có mục đích. Tất cả chi phí đều phải tính đến giá trị khấu hao. Hơn nữa, tôi là một giám đốc của nông dân, tôi không muốn có sự cách biệt trong hình thức với “thượng đế” của mình”.

Hiện nay Thành đang bắt tay vào thực hiện dự án xây dựng một hệ thống sản xuất, phân phối thực phẩm sạch cho toàn Hà Nội. Sạch được hiểu theo nghĩa từ khâu chọn giống, đến cách chăn nuôi, chế biến rồi đóng gói tới tận tay người tiêu dùng.

Anh bảo: “Cách làm của tôi là làm sao phải thuyết phục được người sử dụng cuối cùng. Người sử dụng họ tinh lắm. Họ không thích nói suông”.

Nguyễn Long