Khi những đứa trẻ tìm đến cái chết

(ANTĐ) - Chưa bao giờ tình trạng tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên lại có chiều hướng gia tăng như hiện nay. Trong khi điều kiện kinh tế ngày một phát triển, mức sống ngày được nâng cao, trẻ em được quan tâm và đầu tư nhiều hơn thì một bộ phận những  người trẻ tuổi lại dễ dàng tìm đến cái chết để giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Khi những đứa trẻ tìm đến cái chết

Kỳ 1: Hậu quả của sự dồn nén

(ANTĐ) - Chưa bao giờ tình trạng tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên lại có chiều hướng gia tăng như hiện nay. Trong khi điều kiện kinh tế ngày một phát triển, mức sống ngày được nâng cao, trẻ em được quan tâm và đầu tư nhiều hơn thì một bộ phận những  người trẻ tuổi lại dễ dàng tìm đến cái chết để giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Mặc cảm bản thân

Ngay từ khi sinh ra, N.V.M đã mang khuôn mặt ngờ nghệch và trở thành tâm điểm chú ý của những người bạn cùng trang lứa. Khi đến trường, em luôn phải chịu ánh mắt giễu cợt, trêu ghẹo của bạn bè. Thậm chí, em còn bị những đứa trẻ khác đối xử thô bạo. Không có bạn bè, người thân chia sẻ, M trở nên mặc cảm và hoàn toàn cô độc.

Mặc dù được sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, bố mẹ là những người có vị trí trong xã hội nhưng do quá bận rộn với công việc nên họ ít có thời gian quan tâm, chăm sóc đến em. Mọi việc học hành và sinh hoạt của M đều được bố mẹ em phó mặc cho cô giáo.

Chơi game nhiều cũng không tốt cho phát triển tâm lý của trẻ (ảnh mang tính minh họa)

Chơi game nhiều cũng không tốt cho phát triển tâm lý của trẻ
(ảnh mang tính minh họa)

Chính vì vậy, ngay từ năm lớp 6, M đã thường xuyên bỏ bữa trưa ở nhà cô giáo đi lang thang, hay ngồi ở các quán “nét” lên mạng, chơi game. Cho đến năm lớp 9, nhu cầu được chia sẻ về tình cảm của tuổi mới lớn khiến M có cảm tình đặc biệt với cô bạn gái cùng lớp.

Khi thấy M có những biểu hiện thích mình, cô bạn này đã cắt đứt quan hệ với M. Lúc đó, M đã rơi vào tình trạng khủng hoảng không biết chia sẻ cùng ai và chỉ muốn tìm đến cái chết. M đã bỏ học và tìm cách tự tử  bằng hành động đập đầu vào tường...

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), tự tử đang trở thành vấn đề đáng báo động trên toàn cầu. Riêng ở châu á, mỗi ngày trung bình có 1.100 người chết vì tự tử. Đáng sợ hơn, số người tự tử không thành nhiều gấp 20 lần con số trên. Tỉ lệ người tự tử trên toàn cầu là 14 người/100.000 người.

Trong khi đó ở châu á tỉ lệ này là 19,3/100.000 người, Nhật Bản 27/100.000, Trung Quốc 22/100.000, Thái  Lan 6,9/100.000 người. ở Việt Nam, theo niên giám thống kê (2001), tỉ lệ tự sát là 0,62/100.000 người.

Đến lúc này, bố mẹ M mới chợt nhận ra bấy lâu nay họ đã “bỏ rơi” đứa con đứt ruột đẻ ra và hốt hoảng đưa M đến phòng khám chuyên tư vấn về vấn đề rối nhiễu tâm trí ở trẻ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (gọi tắt là TUNA) trong tình trạng sa sút về nhận thức và cảm xúc.

TS.BS Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám TUNA, kể lại: “ấn tượng đầu tiên về M là một cậu bé 16 tuổi, cao lớn, khuôn mặt luôn cúi gằm, rũ xuống như một tàu lá và trả lời một cách chậm chạp, miễn cưỡng trước những câu hỏi của người đối diện”.

TS.BS Bưởi kết luận M mắc chứng bệnh trầm cảm ở thể nặng và quyết định cho M dùng thuốc kết hợp với trị liệu về tâm lý và tập luyện thể thao. Sau 2 tháng điều trị tại TUNA, M đã cảm thấy yêu đời hơn và ý nghĩ tự tử tạm thời không còn đến với em nữa...”.

Hệ quả từ sự tích lũy

Theo PGS.TS Đặng Bá Lãm - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục, đa số người dân hiện nay đều sống trong những căn nhà bê tông sắt thép, bầu không khí ô nhiễm vì các chất thải đã tác động trực tiếp đến thể chất và tinh thần của con người.

Hứng thú trong học tập là cách để các em tìm thấy bản thân (ảnh mang tính minh họa)

Hứng thú trong học tập là cách để các em tìm thấy bản thân
(ảnh mang tính minh họa)

Qua những cuộc khảo sát, nghiên cứu đã cho thấy những con số đáng lo ngại về trạng thái SKTT trẻ em. Khảo sát gần đây  tiến hành ở Hà Nội và các vùng  lân cận của Bệnh Viện nhi Trung ương hay ở thành phố Biên Hòa của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho thấy số lượng trẻ em có biểu hiện tổn thương SKTT tăng theo mỗi năm  mà dấu hiệu của nó thì ít ai nhận thấy như: trẻ luôn chân luôn tay, ngọ nguậy, không tập trung trong lớp, có hành vi phản ứng gay gắt, chống đối người lớn, thích đánh nhau,…

Trong khi đó, giáo dục ở trường lại mang tính  một chiều, ít khuyến khích học sinh tham gia trao đổi, thảo luận, bộc lộ cảm xúc, chia sẻ, cảm thông với những bạn kém may mắn, rèn luyện kỹ năng sống để đối phó và vượt qua những thách thức. Học sinh từ chỗ ấm ức không nói lên được. Tích lũy những điều không vừa ý trong lòng lâu ngày sẽ có lúc bộc phát, bùng nổ.

Một nhà khoa học đã chua xót nhận xét, các bậc cha mẹ ngày càng mắc căn bệnh trầm kha là chỉ biết giục con cái làm điều tốt nhất nhưng lại không dạy chúng vượt qua lỗi lầm thế nào và giải quyết những bế tắc của cuộc sống ra sao. Sự việc đáng tiếc xảy ra gần đây nhất là em Đoàn Sĩ Phú (sinh năm 1994) ở Quảng Ngãi đã treo cổ tự tử và chết chỉ vì ăn trộm dưa hấu.

Theo các bác sĩ ở Viện tâm thần Trung ương, sự việc có thể sẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc như vậy nếu môi trường giáo dục trang bị cho các em kỹ năng sống dám đương đầu với những sai lầm đã mắc phải và tập thể là nơi bao dung cho các sai lầm của mỗi cá nhân.

Ngọc Hân

(Còn tiếp)