Khi người bệnh đã ở cuối con đường

(ANTĐ) - Phải “đi viện” là điều không ai mong muốn. Với những bệnh nhân nghèo mang bệnh nặng, bệnh khó, phải điều trị thời gian dài, sử dụng dịch vụ y tế tốn kém thì chuỗi ngày ở BV thực sự là ác mộng.  Và khi đã ở bước đường cùng, không ít người đã phải tự kết thúc liệu trình điều trị hoặc lặng lẽ trốn viện vì không còn tiền chi trả viện phí.

Bệnh nhân nghèo trốn viện, bài toán nan giải

Khi người bệnh đã ở cuối con đường

(ANTĐ) - Phải “đi viện” là điều không ai mong muốn. Với những bệnh nhân nghèo mang bệnh nặng, bệnh khó, phải điều trị thời gian dài, sử dụng dịch vụ y tế tốn kém thì chuỗi ngày ở BV thực sự là ác mộng.  Và khi đã ở bước đường cùng, không ít người đã phải tự kết thúc liệu trình điều trị hoặc lặng lẽ trốn viện vì không còn tiền chi trả viện phí.

Hết tiền nên… trốn viện

Tại những BV chuyên khoa tim mạch, ung thư, hay những BV thường xuyên phải tiếp nhận các bệnh nhân nằm điều trị dài ngày như BV Bạch Mai, BV Nội tiết Trung ương, BV Nhi Trung ương... vào dịp cuối năm, Phòng Tài vụ của các BV này thường thống kê riêng một danh sách dài những bệnh nhân... trốn viện. Chỉ một số ít trong số các bệnh nhân sau khi trốn viện một thời gian vì “bất đắc dĩ” mới quay trở lại thanh toán nốt cho BV phần chi phí điều trị, còn hầu hết các bệnh nhân đã trốn viện là mất tăm.

Một số BV có cử nhân viên lần theo địa chỉ bệnh nhân (đăng ký khi nhập viện) để đến đòi thanh toán nhưng đa phần đều quay trở lại tay không bởi các bệnh nhân trốn viện đều ở vào hoàn cảnh rất khó khăn... Đó là những lời tâm sự của một bác sĩ Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Trung ương về thực trạng đã xảy ra nhiều năm nay tại BV.

Người bình thường đi nằm viện đã khổ, với người nghèo, nỗi khổ ấy nhân lên gấp nhiều lần. Chúng tôi gặp chị Mai Anh, ở Hòa Bình, có con bị bệnh tan máu bẩm sinh đang điều trị tại BV Nhi Trung ương. Vẻ mặt phờ phạc, dáng người mệt mỏi, chị tâm sự với chúng tôi: Con gái chị 7 tuổi, dù có thẻ BHYT nhưng theo quy định gia đình vẫn phải trả 20% viện phí.

Nhập viện là nỗi lo lớn với các bệnh nhân nghèo
Nhập viện là nỗi lo lớn với các bệnh nhân nghèo

Trung bình một đợt điều trị số tiền phải đóng cũng hơn 20 triệu đồng, đó là chưa kể tiền mua các loại thuốc ngoài danh mục BHYT mà có ống thuốc lên tới 2 triệu đồng. Nhà có cái gì đáng giá cũng đã bán sạch hết rồi. Đành cố gượng cho cháu điều trị thêm được ngày nào hay ngày ấy…”.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn, chồng bà Trần Thị Mơ (54 tuổi, ở Ân Thi, Hưng Yên) chẳng may bị bệnh nặng phải đi nằm viện liên miên gần 4 năm nay. Mọi gánh vác công việc gia đình, với 4 đứa con đang trong độ tuổi đi học và một mẹ già đều đổ lên đầu người vợ. Bà Mơ cho biết, chồng bà bị u trực tràng, nằm điều trị tại BV đa khoa tỉnh 3 năm trời nhưng không đỡ.

Năm 2007 chuyển lên BV K Trung ương nằm điều trị liền 4 tháng, sau phẫu thuật được cho về nhà nhưng từ đó đến nay mỗi tháng phải lên BV 2 lần (khoa Nội 2) để theo dõi, truyền hóa chất. Dù có BHYT cho người nghèo, nhưng mỗi lần đi kéo dài 3-4 ngày như vậy cũng tiêu tốn hàng triệu đồng, trung bình mỗi năm tốn hơn 20 triệu đồng. Ngoài vài sào ruộng, tôi đã làm đêm, làm ngày, vay mượn thêm để trang trải... Bà Mơ rơm rớm: “Cứ thế này có khi người khỏe chết trước người bệnh mất...”.

Số tiền thất thoát lên đến vài trăm triệu đồng

Theo BS Trần Phan Dương - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, mỗi năm tại BV có hàng trăm trường hợp bệnh nhân không thanh toán viện phí. Năm 2007, số tiền viện phí do bệnh nhân trốn viện không thanh toán là gần 500 triệu đồng. Còn năm 2008, tính đến thời điểm này đã có 90 trường hợp trốn viện phí với tổng số tiền là 347 triệu đồng.

Người ít thì vài chục nghìn đồng, người nhiều có khi lên tới vài chục triệu đồng. Số bệnh nhi trốn viện phí thường ở các khoa phải điều trị dài ngày, tiền thuốc men tốn kém như tim mạch, ung bướu… Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ bằng quy định miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi, tuy nhiên BV Nhi Trung ương còn điều trị cho rất nhiều trẻ từ 6 tuổi trở lên. Với nhiều gia đình có con bị bệnh nặng, viện phí là nỗi lo quá lớn.

Những năm trước đây, mỗi năm BV K có tới 10% bệnh nhân trốn viện, gây thất thoát khoảng 200-300 triệu đồng. Những năm gần đây, BV này đã thay đổi cách quản lý tiền viện phí, do đó số tiền thất thoát do bệnh nhân trốn viện đã giảm đáng kể, dù số bệnh nhân trốn viện hàng năm vẫn không giảm.

Thống kê của BV trong năm 2007, cả BV có 118 bệnh nhân trốn viện, nếu BV không áp dụng chính sách yêu cầu bệnh nhân ứng tiền trước thì số tiền bị thất thoát do 118 bệnh nhân trốn viện không thanh toán xấp xỉ 320 triệu đồng.

Còn từ đầu năm 2008 đến hết tháng 11, BV K cũng đã thống kê được có 96 bệnh nhân trốn viện, với tổng số tiền chưa thanh toán (nếu không tính tiền tạm ứng) là 247 triệu đồng. Bác sĩ Lê Thanh Đức - Phó trưởng khoa Nội 2, BV K cho biết, điều trị ung thư thường rất tốn kém, dù sử dụng phương thức điều trị nào. Hiện tại nước ta chưa sản xuất được thuốc điều trị ung thư được thế giới công nhận, nguồn thuốc này phải nhập từ nước ngoài với giá rất cao.

Chẳng hạn, tại khoa Nội 2 (điều trị bệnh nhân ung thư vú, phụ khoa, phổi, tiết niệu), chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân cũng khoảng 15-20 triệu đồng, nếu điều trị bằng thuốc mới có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Đó là gánh nặng mà không phải bệnh nhân nào cũng trang trải được, thực tế là rất nhiều bệnh nhân trốn viện, bỏ dở điều trị.

Tiến Hưng

Kỳ 2: Giải pháp nào hỗ trợ bệnh nhân nghèo?