Hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê: Khi con nợ chỉ mong… chết cho hết nợ

ANTĐ - Những vụ vỡ nợ do “tín dụng đen” xảy ra trong thời gian gần đây đã đẩy nhiều gia đình rơi vào thảm cảnh “màn trời, chiếu đất”, kinh tế kiệt quệ, mất hết gia tài, thậm chí nhiều con nợ chỉ mong… chết cho hết nợ. Cùng với đó, qua hoạt động của thị trường “tín dụng đen” hiện nay, có thể thấy đáng lo ngại nhất chính là mảng đòi nợ. Đây chính là nguyên nhân phát sinh tình hình tội phạm gây mất an ninh trật tự. Để hạn chế được tình trạng này, một bài toán khó được đặt ra là làm cách nào quản lý được “tín dụng đen” và dịch vụ đòi nợ. 

 Hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê: Khi con nợ chỉ mong… chết cho hết nợ ảnh 1

Thủ đoạn phạm tội trong huy động vốn và cho vay

 Tất cả các trùm cho vay nặng lãi thường rất ít vốn tự có, chủ yếu là huy động vốn để cho vay. Nguồn vốn của họ thường huy động trong dân cư và một phần vay ngân hàng, vay từ các tổ chức tín dụng. Phần dễ gây ra tội phạm chính là những khoản huy động vốn trong dân cư. Bằng những lời ngon ngọt, bằng sự khoe giàu sang, kín đáo khoe các khoản tài sản bảo đảm để thực hiện các khoản vay tín chấp trong khu dân cư.

Lãi suất hấp dẫn cộng với thủ tục vay tiền nhanh gọn, đơn giản thuận tiện khiến thời gian qua tín dụng đen luôn có “đất” để phát triển. Các nguồn tiền này phần lớn được huy động trong dân và qua nhiều kênh rồi đến các trùm nợ… và vì thế, mức lãi suất qua từng công đoạn cũng tăng lên ngất ngưởng. “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”, một vài tháng đầu, các trùm nợ trả tiền lãi sòng phẳng khiến nhiều chủ nợ lóa mắt vì khoản lợi nhuận; còn các chân rết ở giữa, chẳng phải làm gì cũng có tiền vì thế càng tích cực huy động vốn để được hưởng nhiều tiền chênh lệch.

Khi các vụ việc đổ bể, các con nợ bị bắt giữ thì cũng kéo theo những hệ lụy vô cùng dai dẳng… Hàng trăm, hàng ngàn vụ đổ bể theo kiểu “tín dụng đen” rải khắp từ Nam ra Bắc khiến dư luận rúng động. Tuy nhiên, việc điều tra xét xử rất khó khăn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”, do vậy đối với tín dụng đen khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt khác, để chứng minh được hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra phải chứng minh được ý thức chiếm đoạt của các đối tượng và điều này không phải dễ dàng. Vì thế, phần lớn các vụ vay nợ ở đây đều dừng lại ở các giao dịch dân sự… Nếu Tòa án thông qua bản án và yêu cầu bên vay trả nợ thì phải thông qua Thi hành án mới có thể lấy được tiền. Vấn đề đặt ra là người đi vay đã vỡ nợ thì bao giờ mới có tài sản để Thi hành án? Điều này đồng nghĩa với việc khoản tiền đã cho vay không biết đến lúc nào mới hoàn lại cho người cho vay.

Ngoài huy động tiền trong dân cư, với lãi suất tín dụng đen cao vút, nhiều cán bộ ngân hàng cũng tiếp tay cho các trùm tín dụng đen, bơm hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng ra ngoài, để khi tín dụng đen vỡ nợ, các hành vi cho vay trái pháp luật đã trở thành những vụ án lớn. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phối hợp chặt chẽ, điều tra và truy tố hàng trăm vụ án và bị can với số tiền thiệt hại bị chiếm đoạt do hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm các quy định về cho vay tín dụng” lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Điển hình là vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, gây thiệt hại 4.600 tỷ đồng; vợ chồng Tô Bích Liên và Nguyễn Văn Trung (ở Lạng Sơn), lừa đảo hơn 600 tỷ đồng bằng thủ đoạn huy động vốn với lãi suất cao. Tại Hội thảo Thực trạng tình hình và giải pháp phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” do Tổng Cục Cảnh sát - Bộ Công an tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, nhiều đại biểu đã nhắc đến lãi suất cho vay khủng khiếp của tín dụng đen, bậc thang lãi suất huy động vốn của trùm tín dụng đen cuối cùng đổ lên đầu người đi vay.

Các kiểu cho vay của tín dụng đen phổ biến là cho vay tháng với lãi suất từ 3- %/tháng (khoảng 36 đến 54%/năm), vay ngày với lãi suất từ 0,3-0,5 có khi là 1%/tháng tương đương từ 180-360%/năm. Ngoài ra còn các kiểu cho vay trả góp, cho vay qua lối lấy họ… đều có lãi suất vay rất cao.

Qua vụ án Huyền Như và một số vụ án khác, chúng ta đã thấy luật cho vay nghiệt ngã như thế nào. Huyền Như thà phạm tội lừa đảo chứ không dám sai hẹn với tín dụng đen bởi bất kỳ lúc nào số nợ lãi phát sinh cũng bị đưa vào thành khoản vay, lãi mẹ đẻ lãi con, không bao giờ dứt. Bản thân Huyền Như cũng phải vay tín dụng đen với lãi suất có khi lên đến 144%/năm. Các con nợ đi vay tín dụng đen bởi vì họ rất khó vay được ngân hàng, do tài sản thế chấp, do thủ tục khó khăn và nhiều khi do thời hạn giải ngân quá lâu trong khi có nhu cầu cấp bách. Lợi dụng những khó khăn này, các trùm tín dụng đen đua nhau ép lãi suất. Nhiều khi chỉ có một khoản vay nhỏ, người đi vay đã mất cả gia sản.

Việc điều tra đấu tranh với các hành vi cho vay tín dụng đen, lãi suất cắt cổ thường khó khăn. Trước hết, dưới vỏ bọc quan hệ dân sự, các giấy tờ xác nhận vay luôn có lợi cho chủ cho vay, các con nợ rất khó đưa ra pháp luật, các cơ quan điều tra có biết, nhiều khi cũng không đủ chứng cứ xử lý. Các vụ việc cho vay tín dụng đen lãi suất cắt cổ hầu hết chỉ lộ ra khi có các vụ án đòi nợ dẫn đến trọng án.

 Hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê: Khi con nợ chỉ mong… chết cho hết nợ ảnh 2

Kinh hoàng tội phạm đòi nợ

 Đối tượng cho vay “tín dụng đen” rất đa dạng. Ðó là những băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi được tổ chức chặt chẽ, tập hợp nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật với con nợ và gia đình họ, để thu hồi các khoản tiền lãi “cắt cổ” và nợ gốc. Các vụ cho vay nặng lãi chỉ bị phát hiện khi nó biến thành các tội danh như cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Ðiều đáng nói là thủ tục chúng cho vay thường lỏng lẻo, không phức tạp như ngân hàng, khiến nhiều người tìm đến “tín dụng đen”.

Mặt khác, số đối tượng vay mượn tiền, tài sản thường tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có để tạo niềm tin, nhằm huy động vốn với lý do “kinh doanh”. Thực tế, nhiều vụ đối tượng vay tiền, lại sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, buôn lậu... Một số khác vay tiền với lãi suất cao để kinh doanh, nhưng bị thua lỗ, thâm hụt vốn, không có khả năng trả nợ cho nên đã bỏ trốn.

Dẫn đến tình trạng các đối tượng cho vay lãi đã trực tiếp hoặc thuê côn đồ đến đe dọa, ném chất bẩn vào nhà, tụ tập đông người trước nhà người vay tiền để gây áp lực về tinh thần, gây hoang mang, lo sợ hoặc bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản để ép trả nợ. Không ít trường hợp sử dụng vũ khí nóng để uy hiếp, thậm chí giết người, khi đến yêu cầu người vay tiền trả lại số tiền đã vay.

Có quá nhiều các thủ đoạn phạm tội trong đòi nợ tín dụng đen. Theo điều tra, khi con nợ chưa có tiền trả, chủ nợ thường gây áp lực, đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí truy sát, khiến con nợ hoảng sợ, phải lánh mặt. Chỉ chờ con nợ trốn khỏi nơi cư trú là chủ nợ có cớ “mượn tay” cơ quan tố tụng hình sự để hình sự hóa quan hệ dân sự, truy cứu trách nhiệm con nợ về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Nếu cơ quan tố tụng xử lý thiếu thận trọng, không nắm được bản chất vấn đề thì lúc này con nợ đang ở vị thế là nạn nhân đã bất đắc dĩ trở thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng vô hình trung lại trở thành người tiếp tay cho kẻ cho vay nặng lãi. Không dừng lại ở việc siết nợ bằng tài sản, đe dọa gây sức ép để con nợ phải cầm cố hoặc bán tài sản; bao vây, ăn ở tại nhà con nợ và bắt giữ người trái pháp luật… có nhiều vụ, các chủ nợ còn liều lĩnh dùng mìn, thuê côn đồ sát hại các con nợ, gây ra những vụ thảm án đau lòng mà cả xã hội phải kinh hoàng.

Điều đó, vô hình trung đã tạo ra sự phức tạp về ANTT trên địa bàn, đặc biệt là những vùng ven đô nơi cơn bão tín dụng đen tràn qua. Theo báo cáo tại hội thảo Thực trạng tình hình và giải pháp phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, mặc dù thống kê chưa đầy đủ nhưng từ năm 2010-2014, cả nước liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.

Có thể lấy các vụ việc mới xảy ra để làm ví dụ. Anh Đỗ Dự Minh (34 tuổi, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thì vì cần vốn làm ăn, cách đây không lâu anh đã vay tiền của một số người. Việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió, khiến anh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Ngày 29-6-2015, anh Minh đã bị đối tượng bị Nguyễn Văn Trung cùng đồng bọn ép lên xe taxi, đưa đến một quán cà phê ở ngã tư phố Quang Trung - Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông. Tại đây, anh đã bị các đối tượng hành hạ, đánh đập sau đó bị ngất đi.

Sau khi đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhóm đối tượng trên đã ép nạn nhân viết giấy nợ 800 triệu đồng rồi mới thả ra. Trước đó, ngày 19-4-2015, tại xóm 1 Giang Cao, Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội do mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền, Nguyễn Trung Thành (30 tuổi, ở Thuận Tốn, Đa Tốn, Gia Lâm) cùng một số đối tượng khác tìm đến nhà ông Nguyễn Thành Đặng ở xóm 1, Giang Cao, Bát Tràng gây sức ép đòi nợ. Khi nhìn thấy ông Đặng, Thành lao xe ôtô đâm vào ông Đặng. Chưa dừng lại ở đó, Thành cùng đồng bọn tiếp tục dùng tuýp sắt đánh liên tiếp vào người nạn nhân gây thương tích nghiêm trọng. Con trai của ông Đặng là anh Nguyễn Đức Thanh cũng bị nhóm đối tượng này đánh gây thương tích.

Đặc biệt, liên quan đến “tín dụng đen” trên cả nước đã xảy ra 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người; 318 vụ cố ý gây thương tích; 588 vụ cướp tài sản; 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản; 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 104 vụ hủy hoại tài sản... Ngoài ra, “tín dụng đen” còn mang lại những hệ lụy khác như các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản...

 Hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê: Khi con nợ chỉ mong… chết cho hết nợ ảnh 3

Doanh nghiệp đòi nợ thuê vẫn làm ăn tốt

Cho đến nay, để thực hiện quản lý Nhà nước về đòi nợ thuê, Chính phủ đã ban hành Nghị định Số: 104/2007/NĐ-CP. Về cơ bản NĐ 104/CP đã quy định cả về điều kiện, các hoạt động được làm của các doanh nghiệp có ngành nghề đăng ký là đòi nợ thuê, đồng thời quy định cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp đòi nợ thuê là Bộ Tài chính. Ngay sau đó, để hướng dẫn thực hiện nghị định này, Bộ Tài chính đã có thông tư Số: 110/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bộ Công an cũng có Thông tư 33/2010/TT-BCA quy định về các điều kiện về trật tự an ninh và trách nhiệm của công an cơ sở trong các hoạt động đòi nợ thuê. Về hình thức, các văn bản pháp quy đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước, giám sát kiểm tra các hoạt động đòi nợ thuê, vốn gây nhiều bức xúc về an ninh trật tự, lại là của Bộ Tài Chính, vì vậy, tình hình các hoạt động đòi nợ thuê vượt ra ngoài luật, nhiều khi vi phạm pháp luật vẫn xảy ra hàng ngày, nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương rất khó xử lý.

Theo con số chưa đầy đủ, cho đến tháng 7-2015, trên cả nước đã có trên 120 doanh nghiệp được cấp phép ngành nghề kinh doanh là đòi nợ thuê. Các công ty đặc biệt “nở rộ” trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây khi tình hình nợ xấu của các doanh nghiệp ngày càng nhiều, nợ khó đòi gia tăng. Chủ nợ dễ dàng có thể tìm thấy trên mạng các công ty dịch vụ thu nợ với “slogan” khá kêu như: “Tiền của bạn phải về túi của bạn”, “Nơi tài chính hồi sinh”, “Ở đâu có nợ ở đó có chúng tôi”...

Trên thực tế, số lượng các tổ chức đòi nợ thuê lớn hơn rất nhiều. Ngoài các doanh nghiệp đòi nợ thuê, có tới trên 30% các văn phòng luật sư, công ty luật đã thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê, chưa kể hàng trăm nhóm xã hội đen đòi nợ thuê dưới dạng các thỏa thuận dân sự. Các tổ chức này đều có cơ sở pháp lý ở nhiều mức khi tiến hành các hoạt động đòi nợ thuê, thực hiện bằng nhiều hành vi hợp pháp luật cũng có, nhưng không phù hợp các quy định pháp luật là chủ yếu.

Nhưng ở một mặt khác, tại sao các doanh nghiệp đòi nợ sống được? Đó chính là họ đòi nợ có hiệu quả. Các cơ quan thi hành án dù nhận được yêu cầu thi hành án nhưng qua nhiều năm vẫn chưa thể xác minh được tài sản của con nợ để thu hồi, trả nợ, nhưng với các tổ chức thu hồi nợ xã hội, vì lợi nhuận, họ không như vậy. Theo giám đốc một doanh nghiệp đòi nợ thuê, trước khi ký hợp đồng nhận thực hiện một vụ nợ nào đó, công ty sẽ xem xét có đủ tính pháp lý đòi nợ không.

Kế đến, công ty sẽ đi xác minh về chủ nợ, con nợ xem họ là ai, khoản nợ nần đó có phải do phi pháp mà có như cá độ, cờ bạc chẳng hạn, rồi mới đi đến quyết định có nhận lời ký kết hợp đồng đòi nợ hay không. Tuy nhiên, cũng cần nói cho đúng, phí thi hành án hiện nay theo quy định của thông tư liên tịch số 144/2010/ BTC-BTP phổ biến ở mức 3%, trong khi đó các khổ chủ nợ thường phải thanh toán cho các tổ chức đòi nợ thuê tối thiểu là 10%, phổ biến là 40-50%.

Tỷ lệ này cao hay thấp tùy thuộc vào số nợ nhiều hay ít, số nợ càng cao thì tỷ lệ phần trăm phí sẽ càng thấp chứ không phụ thuộc vào mức độ dễ hay khó trong việc đòi nợ. Chính vì lợi nhuận quá cao nên nhiều tổ chức đòi nợ thuê đã có nhiều hành vi trái pháp luật để gây sức ép lên con nợ để đòi được nợ.

Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định Bộ Tài chính là cơ quan giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh  nghiệp đòi nợ thuê. Để thực hiện nghiêm và có hiệu quả nghị định này, liên Bộ Tài chính - Bộ Công an đang dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thuộc về cơ quan công an và UBND các tỉnh, thành.

Như vậy, điểm khác biệt chính của dự thảo so với quy định hiện hành là Bộ Công an đã thay thế vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý (kiểm tra, giám sát, xử phạt) hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Cụ thể, Bộ Công an giữ quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; kiến nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn mẫu trang phục của nhân viên dịch vụ đòi nợ; xử lý các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ…

Đồng thời, Cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, như: kiểm tra các giấy tờ hợp lệ về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; nội dung kinh doanh ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận... Và, điểm mới của dự thảo (so với quy định hiện hành) là quy định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sau khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện), không cho thuê, mượn, chuyển nhượng hoặc sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự... Theo dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thuộc về cơ quan công an và UBND các tỉnh, thành.

Cần sớm hoàn thiện các căn cứ pháp luật

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen thời gian tới, về phía ngân hàng, cần tập trung đa dạng hóa các hình thức vay vốn, cần nghiên cứu các hình thức thu hút vốn đầu tư trong nhân dân, các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật như Luật hành chính, Bộ luật hình sự, Luật dân sự, nhất là về vấn đề vay và cho vay, đồng thời cần thông báo cho Công an các đơn vị, địa phương ngay khi có dấu hiệu xấu xảy ra để kịp thời có phương hướng giải quyết.

Lực lượng Công an cần phối hợp tốt với các Bộ, ban, ngành, các lực lượng liên quan tiến hành rà soát, chủ động nắm tình hình hoạt động của “tín dụng đen”, nghiên cứu các vụ án nhằm đưa ra thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, cùng phía Ngân hàng tăng cường tuyên truyền tới người dân để phòng ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, để có căn cứ đấu tranh với tệ nạn tín dụng đen, đặc biệt, chống các thủ đoạn đòi nợ trái pháp luật, gây nhiều hệ lụy với an ninh trật tự, cần sớm hoàn thiện các điều luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen và đòi nợ. Pháp luật về ngân hàng nghiêm cấm cá nhân tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, tức là hoạt động huy động vốn và cho vay.

Thế nhưng pháp luật lại không có quy định vay mượn ngoài ngân hàng, không xác định được vay mượn hợp pháp và bất hợp pháp. Hoạt động vay mượn dân sự không thể cấm được, nhưng chưa có các quy định cụ thể của pháp luật chính là tạo điều kiện cho tín dụng đen. Nếu theo đúng quy định pháp luật, lãi suất cho vay dân sự không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hành Nhà nước công bố, 100% các món vay ngoài xã hội đều vi phạm.

Bộ Luật Hình sự có quy định tại điều 163: người nào cho vay với lãi suất gấp 10 lần lãi suất ngân hàng trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì phạm tội cho vay nặng lãi. Lãi suất gấp 10 lần ngân hàng thì phổ biến là hơn, nhưng để có chứng cứ thì khó, nhưng thêm điều kiện chuyên bóc lột mà không có hướng dẫn thế nào là chuyên bóc lột thì có thể nói bất lực trước tín dụng đen.

Các quy định đòi nợ thuê đang mỗi ngày một chặt chẽ hơn, nhưng chỉ mới điều chỉnh được doanh nghiệp có ngành nghề đòi nợ thuê. Chưa có luật để điều chỉnh mọi hành vi đòi nợ, đặc biệt của bọn côn đồ xã hội đen. Cần phải có quy định cấm các cá nhân tổ chức không có giấy phép hành nghề đòi nợ thuê đi đòi nợ. Trước hết, cần có những quy định cụ thể về phí đòi nợ, hiện nay đang bị đẩy lên quá cao, tới 40-50 nhiều khi tới 70%.

Với lợi nhuận cao, các công ty, nhóm tội phạm sẽ đánh đổi bằng mọi cách để đòi được, như dùng sức ép, khủng bố tinh thần con nợ. Thêm nữa, thiếu hướng dẫn, chế tài xử phạt chỉ vài chục triệu đồng không đủ sức răn đe. Theo nhiều chuyên gia, muốn không để dịch vụ thu nợ bị biến tướng, phải có một quy trình đầu vào chuẩn, có quy định các biện pháp thu nợ và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.

Ranh giới giữa dịch vụ đòi nợ hợp pháp và bất hợp pháp vốn rất dễ bị xóa nhòa, nó lại càng mong manh hơn nếu quy định pháp luật thiếu rõ ràng, cụ thể. Chính vì vậy, nếu thực sự muốn ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc từ các kiểu đòi nợ bằng “hàng nóng, hàng lạnh”, các vụ khủng bố tinh thần con nợ... rất cần thiết phải đưa ra những nghiên cứu, đánh giá kinh nghiệm, từ đó đúc rút lại thành các quy định thật chuyên nghiệp, cụ thể, rõ ràng.