Hiểm họa từ “dấu ấn đồng quê”
(ANTĐ) - Cần có quyết sách mạnh dạn, cụ thể, dứt khoát để người dân khu nhà gỗ ở phường Chương Dương an cư. Những dãy nhà gỗ ọp ẹp còn lại ở đây khiến cho bà con lân cận luôn sống trong sợ hãi.
>>>Video clip: Cháy lớn khu nhà gỗ 2 tầng Hàm Tử Quan
>>>Cháy khu nhà gỗ phường Chương Dương - hiểm họa đã được báo trước!
“Bà hỏa”... hỏi thăm
Cuối năm 2005, sau khi khu nhà gỗ ở phường Chương Dương bị thiêu rụi, những tưởng đó sẽ là bài học “xương máu” cho những dãy nhà gỗ còn lại. Nhưng, rồi dãy nhà gỗ trong số 10 dãy xập xệ còn sót lại từ những năm 1956 phát hỏa, toàn bộ thành tro trong chốc lát.
Thấp thỏm âu lo |
Đây là lần thứ 4 trong năm 2007, những dãy nhà gỗ “lịch sử” bị cháy. Tuy nhiên 3 lần cháy trước đã được bà con cùng lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, thiệt hại không lớn...
Dãy nhã gỗ 136 phố Vọng Hà như một cụ già run rẩy, phải cõng trên lưng những đứa cháu hiếu động. Mỗi lần bước chân chuyển động, căn nhà “run” lên bần bật. Mùi ẩm mốc của gỗ mục ngai ngái, hôi hám tựa mùi dầu luyn thải ra đường gặp nước mưa.
Trong vòng chưa đầy 2 năm, 2 dãy nhà gỗ đã “phát hỏa”, và tất cả đã thành tro tàn. Vụ cháy làm thiệt hại tiền bạc của Nhà nước và người dân. Nhưng sau mỗi vụ cháy vẫn chỉ là họp và... bàn. |
Bà Đặng Thị Hòa chủ nhân của một căn hộ ở đây cho biết: “Nguyện vọng của chúng tôi là phá những dãy nhà gỗ, và được xây dựng mới. Chúng tôi đề nghị thành phố xây dựng, chúng tôi sẽ bỏ tiền đóng góp xay mới theo quy định bởi mỗi lần cải tạo như vừa qua (2005) tốn kém tiền bạc nhưng cũng chỉ là sự chắp vá không đâu vào đâu” - bà Hòa đề nghị.
Những dãy nhà gỗ ở phường Chương Dương, hay các khu chung cư cũ nát đang trở thành gánh nặng cho thành phố. Việc tiến hành xây dựng lại các khu này không phải dễ, nó liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn con người.
Tuy nhiên, hàng chục dãy “nhà tranh vách đất” có “niên đại” 50 năm là việc cần quan tâm một cách cụ thể. Những vụ cháy vừa qua là bài học nhãn tiền về những ngôi nhà gỗ, vách được trát bằng đất trộn rơm...
Đã nhiều lần họp bàn, và sau mỗi vụ cháy lại họp... bàn. Sau vụ cháy năm 2005, những tưởng những khu nhà gỗ ọp ẹp, nguy hiểm được cải tạo, nhưng không thể bởi vướng Pháp lệnh Đê điều. Người dân rơi vào tình trạng đi cũng dở mà ở không yên tâm.
Bà Trần Thị Kim Oanh ở dãy 11 lo lắng: “Nhiều người có tiền đi thuê chỗ khác ở, còn tôi chưa có điều kiện nên đành chịu. Nhà thế này sao mà yên tâm được, các con tôi, đi làm xa nhà nên lúc nào cũng lo ngay ngáy. Chỉ sơ suất nhỏ, điện đóm chập cháy là cả dãy ra tro”.
Người dân ở những dãy nhà gỗ xuống cấp, họ đều lo lắng, thế nhưng tại sao tâm tư nguyện vọng ai cũng muốn ở lại đây?. Bởi từ lâu, con cháu họ sinh sống, đi học, đi làm tiện lợi, nay chuyển đi xa không thể xoay xở kịp.
Mấy ngày qua, quán nước đầu ngõ khu nhà cháy ở phường Chương Dương chỉ thấy nói chuyện nhà nọ sẽ cháy và nhà kia sẽ lại...cháy. May mà cháy ban ngày, ban đêm thì trẻ em và người già chạy sao kịp với cái hành lang nhỏ xíu, tối đen.
Có người ác khẩu nói rằng “kêu mãi” nhưng không thấu cho nên người dân đã dọn đồ đạc có giá trị đi rồi “chểnh mảng” để cho giặc lửa bốc cháy. Người kia lại nói hôm ấy nhà bà A, ông B thắp hương rồi khóa cửa đi làm... Lời bàn tán vẫn chỉ là lời bàn tán. Tuy nhiên, liệu lời của kẻ ác khẩu kia có phải là cách hối thúc để thành phố quan tâm cụ thể hơn.
Năm 2001, những khu nhà gỗ ở phường Chương Dương bị xuống cấp nghiêm trọng, UBND thành phố đã chỉ đạo phá dỡ xây lại các khu này. Tuy công trình này gặp nhiều vướng mắc nhưng vẫn đang... triển khai - theo lời của một cán bộ phường Chương Dương.
Khi được hỏi nguyên nhân ngôi nhà bị cháy năm 2005 vì sao vẫn chỉ là đống gạch hoang phế, đổ nát, ông Lâm Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Đến nay UBND quận Hoàn Kiếm chưa nhận được bàn giao mặt bằng của những dãy nhà gỗ được tháo dỡ”.
Xóa nhà tranh nứa lá
Cháy. Đây là thực tế làm đau đầu các cấp chính quyền và các cơ quan làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, đối với những dãy nhà gỗ tồn tại từ những năm 1956 đến nay, nó như lửa đốt trong lòng cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ PCCC. Không phải sau khi dãy nhà gỗ ở phường Chương Dương bị cháy, lực lượng CS PCCC - CATP Hà Nội mới đề nghị các hộ dân cam kết phòng chống cháy nổ.
Dãy nhà gỗ ọp ẹp nguy cơ xảy ra cháy nổ |
Tuy nhiên, theo cán bộ PCCC thì đối với những ngôi nhà gỗ lâu năm như ở phường Chương Dương thì việc cháy sẽ khó tránh khỏi. Bởi toàn bộ dãy nhà kèo cột, vách mái đều là chất liệu dễ cháy. Trong khi bà con lại ủ than tổ ong âm ỉ đỏ lửa ngày đêm, lại đặt sát chân cột, bờ tường rồi đi... vắng.
Hiện trên địa bàn Hà Nội, ngoài những dãy nhà gỗ ở phường Chương Dương, còn bao nhiêu nhà “tranh tre nứa lá” chưa ai thống kê được. Nhưng có lẽ con số phải hàng trăm. Những nhà tre lá đang là mối đe dọa tính mạng người dân. Nhiều người đi qua đường Âu Cơ, Nhật Tân và một số con phố có nhà lợp tranh, lá thấy rờn rợn khi nhìn thấy từng cột khói bốc nghi ngút.
Trong ngõ hẻm của Hà Nội, mấy năm gần đây nhiều người thích “dấu ấn đồng quê” đã dựng nhà tranh tre nứa lá. Hiểm họa thật khôn lường bởi đô thị nhà chật, ngõ nhỏ, người đông không phù hợp với loại nhà này. Cách đây chưa lâu, ngôi nhà lá trên đường Âu Cơ bị cháy nhưng ít người biết đến vì trong chốc lát tất cả đã thành tro. Chủ nhân của ngôi nhà ấy than vãn rằng “đen quá, thôi của đi thay người”.
May đó là ngôi nhà nằm độc lập ngoài đê, nếu không thì sự thiệt hại sẽ không còn đơn thuần là vật chất. Qua đó chính quyền cần những quy chế nghiêm ngặt đối với những ai có ý định làm nhà tranh tre, nứa, lá trên địa bàn Thủ đô. Không để tồn tại việc dựng nhà bằng tranh tre, nứa, lá trong nội thành là việc cần làm ngay. Một đô thị phát triển không thể có những mái lá lụp xụp, kệch cỡm xen lẫn những bức tường bê tông.
Đối với những ngôi nhà ở phường Chương Dương cần có quyết sách mạnh dạn, cụ thể, dứt khoát để người dân an cư. Có thể coi những nhà xuống cấp nghiêm trọng đó là những công trình trọng điểm. Trong tâm tư nguyện vọng của bà con, muốn chính quyền có chỉ đạo rõ ràng, hướng dẫn cụ thể, cho xây dựng hoặc di dời.
Nếu di dời thì đi đâu? Và nếu ở lại thì cho phép bà con đang sinh sống ở những dãy nhà gỗ xây dựng lại trong khuôn khổ đã quy định. Tình trạng nhà gỗ ọp ẹp, cũ nát tồn tại như hiện nay, việc xảy ra cháy là điều khó tránh khỏi và người dân vẫn phải sống trong thấp thỏm âu lo.
Nguyễn Đức Tuấn