Hầu quyền - Tinh hoa võ thuật quái chiêu

ANTĐ - Đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của thủ pháp, cước pháp và thân pháp linh động nhẹ nhàng, cũng như sự linh hoạt, nhạy cảm của đôi mắt, hầu quyền được coi là môn võ đỉnh cao. Khỉ là loài động vật gần gũi nhất với con người. Vì thế những thần thái, sự thông minh, khả năng xử lý thông tin… của loài khỉ là thứ con người khó có thể nắm bắt được hết… 

Hầu quyền - Tinh hoa võ thuật quái chiêu ảnh 1

Võ sư Trần Cửu (trái) trong một màn biểu diễn hầu quyền (Ảnh tư liệu)

Bí ẩn lai lịch, xuất xứ hầu quyền

Theo võ sư Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội, thực tế hầu quyền không phải là môn võ độc lập như nhiều người vẫn nghĩ. Môn phái nào cũng có những bài, thế, đòn đánh học theo động vật, nằm trong hệ thống các kỹ thuật được gọi là tượng hình quyền hay “hình ý quyền linh thú”. Theo đó, hầu quyền là thứ võ dựa theo thần thái, động tác, kỹ thuật chiến đấu của loài khỉ. 

Trong “thập đại hình tượng” của Thiếu Lâm phái bao gồm Long (rồng), Xà (rắn), Hổ (hổ), Báo (báo), Hạc (chim hạc), Sư (sư tử), Tượng (voi), Mã (ngựa), Hầu (khỉ), Điêu (chim điêu) hoặc Kê (gà), thì hầu quyền đứng thứ chín. Có người cho rằng sự sắp xếp này chỉ là theo vần cho dễ thuộc, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó thể hiện một thứ bậc nhất định. Trên thực tế, không phải ai cũng được học và học được loại võ quái chiêu này. Ngày xưa, các quyền sư thường chọn đệ tử có vóc người mảnh khảnh, nhỏ nhắn phù hợp với các động tác nhảy đá, nhào lộn… để truyền thụ hầu quyền.

Trong giới võ thuật lưu truyền nhiều truyền thuyết về hầu quyền, nhưng lai lịch, xuất xứ của môn võ này lại như bị bao phủ bởi lớp mù sương bí ẩn. “Ngô Thừa Ân đã cảm tác nhân vật Tôn Ngộ Không từ hầu quyền và người xưa lại dùng tích Tôn Ngộ Không để đặt tên cho một số chiêu thức của hầu quyền”. Có nhà nghiên cứu nhận định như thế. Và nếu theo lập luận này, có nghĩa hầu quyền có trước Ngô Thừa Ân, hay cụ thể là trước cuốn sách nổi tiếng “Tây Du Ký”. 

Không biết giả thiết trên đúng hay sai, nhưng ở Trung Quốc có hẳn một võ phái mang tên “Đại Thánh bát quái môn”, với các chiêu thức nền tảng là hầu quyền rất độc đáo. “Đại Thánh bát quái môn” có tổng đàn tại Hồng Kông và phát triển ra nhiều nơi khác trên thế giới. Tại Việt Nam, trước năm 1975, ở vùng Chợ Lớn có một cao thủ hầu quyền, là đệ tử của “Đại Thánh bát quái môn”, tên là Trần Lâm. Cao thủ Trần Lâm đã qua đời, để lại duy nhất một truyền nhân mang tên Trần Cửu, một người đàn ông dị tật câm điếc. Trước đây, những dịp thưởng ngoạn nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của Nhơn Nghĩa Đường, người hâm mộ thường được xem Trần Cửu múa hầu quyền rất lạ và hấp dẫn.

Ngoài ra, tại thành phố Huế, còn tồn tại một môn phái có tên là Hồng phái - Hầu quyền đạo Việt Nam, được thành lập từ năm 1975, với đặc trưng lấy nhu thắng cương. Tuy vậy, Hồng phái - Hầu quyền đạo Việt Nam bị đánh giá là khá dị biệt so với các loại hầu quyền trên toàn thế giới như Hầu quyền Thiếu Lâm Trung Quốc, hay hầu quyền của một số môn phái võ cổ truyền Việt Nam.

Hầu quyền - Tinh hoa võ thuật quái chiêu ảnh 2

Hầu quyền - nhu nhưng hiểm hóc

Võ sư Đặng Tam Thuận, Trưởng ban Truyền thông, sự kiện, Phó trưởng ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội, Giám đốc Trung tâm đào tạo võ thuật tài năng trẻ Hà Nội, phân tích: “Là hệ thống quyền thuật mô phỏng các vận động trong sinh hoạt, các động tác chiến đấu cũng như chiến thuật của loài khỉ đối phó với đồng loại hay các loài thú khác, hầu quyền rất chú trọng các kỹ thuật nhảy, nhào lộn, chụp bắt làm sở trường. Hầu quyền đòi hỏi ở người sử dụng phối hợp nhịp nhàng của thủ pháp, cước pháp và thân pháp linh động, nhẹ nhàng. Ở cả 3 yếu tố này, không loài vật nào hơn được loài khỉ”. 

Vừa thị phạm một số động tác ra đòn cho 2 học trò trẻ, võ sư Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Võ đường Võ cổ truyền Tây Sơn võ đạo Hà Nội, cho biết: “Lấy nhu thắng cương, hầu quyền thường kết hợp né tránh linh hoạt và tấn công hiểm hóc. Để thực hiện được các chiêu thức này, đòi hỏi người tập hầu quyền phải có sự linh hoạt, nhạy cảm của đôi mắt, cùng khả năng xử lý thông tin cực nhanh, chính xác và tinh quái. Nói tóm lại, quyền pháp hầu quyền yêu cầu: Tĩnh tại nhãn (mắt), khí tại khứu (mũi), thần tại tâm. Cả 3 yêu cầu này đều đòi hỏi sự khổ luyện trong thời gian dài mới có thể đạt được”.

Cùng có mặt tại buổi đối luyện, võ sư Nguyễn Sỹ Lai, Phó trưởng ban chuyên môn, Hội Võ thuật Hà Nội, nhấn mạnh đến cái thần của hầu quyền, qua động tác gãi đặc trưng, đôi mắt biểu cảm và linh hoạt. “Người luyện hầu quyền phải hút môi lại khi thi triển công phu, thở bằng mũi, yết hầu phát ra tiếng như khỉ kêu, nhằm uy hiếp đối thủ. Để linh hoạt, uyển chuyển khi bay nhảy, người học hầu quyền thường phải học cả khinh công và khí công. Chiêu thức trong hầu quyền thường nhắm vào các yếu huyệt của đối phương. Vì thế, nếu người tập có nội, khí công mạnh, có thể biến hầu quyền thành một trong những bộ môn quyền thuật ác hiểm nhất”, võ sư Nguyễn Sỹ Lai nói.

Giới hầu quyền đều biết, nếu trúng phải một chiêu “Hầu tử thu đào” (khỉ hái đào) vào hạ bộ, thì nhẹ nhất là bất tỉnh và khả năng mất mạng chỉ là gang tấc. Nếu dùng chiêu “khỉ hái đào”, nhưng đích đến là lộ hầu hoặc mắt, thì có thể dẫn đến á khẩu, mù mắt, hậu quả khó lường.            

Đặc biệt, hầu quyền còn có một chiêu được coi là “sát thủ” có tên “Đại Thánh đổ đơn lò”. Ai xem phim Tây Du Ký hẳn cũng nhớ cảnh một Tôn Ngộ Không bé nhỏ, khi đại náo Thiên Cung nhảy lên lật đổ lò luyện linh đan khổng lồ của Thái Thượng Lão Quân. Mô phỏng theo tích này, cao thủ hầu quyền trong nháy mắt phải sử dụng khinh công nhảy lên vai, ôm cổ đối thủ bẻ mạnh rồi lộn ngược ra sau…

Hầu quyền - Tinh hoa võ thuật quái chiêu ảnh 3

Năm khỉ luận về hầu quyền

Nhâm nhi ly cà phê nóng, võ sư Lê Ngọc Quang triết lý: “Cội nguồn võ thuật rất đơn giản. Nó được gom góp vốn chất của ngàn đời, qua kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn, qua sự bắt chước không mệt mỏi, các loại hình giành giật sự sống của những loài mãnh thú trong tự nhiên và qua sự sáng tạo, trau chuốt, hoàn thiện theo vóc dáng địa lý của từng dân tộc, được áp dụng, cải tiến liên tục bằng hành động cơ bắp và chuyên chở bằng chữ viết cho thế hệ tiếp nối, theo cách truyền giảng mang tính cá nhân của dân tộc ấy”.

Theo võ sư Lê Ngọc Quang, võ học là sự khổ luyện. Một võ sĩ thượng thặng là người trải qua tất cả mọi đau đớn, nhọc nhằn, bền bỉ nhất và giấc mơ của họ chính là những buổi tập khổ hạnh. Vì vậy, võ thuật chân chính không phải là thứ trang sức cho những kẻ hời hợt, sĩ diện và lười biếng. Dù học võ đương nhiên phải biết… đánh nhau, nhưng tinh thần tối thượng của võ đạo lại chính là để tu dưỡng thân tâm, để hành đạo nghĩa. Nói cách khác, tuyệt kỹ võ công, hay điều tối thượng của võ đạo chính là tình yêu thương, chứ không phải đòn thế hiểm độc nào…

Triết lý võ học này đúng với mọi hoàn cảnh trong đời sống, xã hội, là bài học với mọi người. Có vẻ như một bộ phận các bạn trẻ đang ngày một sống hời hợt, thiếu tỉnh giác, lười biếng, hiếu thắng, tham lam và ảo tưởng. Chính vì thế, những kẻ xấu vẫn đã và đang thành công với những chiêu lừa rất đơn giản, từ nhắn tin trúng thưởng, nộp tiền để nhận dự báo số đề, hay kiểu đa cấp “bỏ ra 100 triệu đồng, sau 1 năm mang về 2 tỷ đồng”, thậm chí “cách làm giàu duy nhất là không phải làm gì cả”…

Hầu quyền - Tinh hoa võ thuật quái chiêu ảnh 4

Tình người, rồi tính mạng con người trở nên mong manh hơn, khi xuất hiện nhiều vụ đánh giết nhau đầy man rợ, vì những lý do cỏn con, độc ác không thể hiểu nổi… Rồi có những việc dường như đã bị làm nóng lên một cách cứng nhắc, thay vì hóa giải, thu phục nhân tâm bằng sự chân tình, đúng pháp luật.

Một vị đại cao thủ võ lâm trước khi qua đời đã nói với các học trò thân tín: “Các đòn thế độc ta đã truyền dạy cho các con cũng như lưỡi dao, nó có thể làm hại người. Ta muốn các con học để biết lợi hại của võ thuật mà phòng tránh nó, chứ không phải sử dụng nó. Hãy rũ bỏ nó đi”.

Từ lời giáo huấn này, có thể thấy, nếu nhân lên được những điểm mạnh của loài khỉ như thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, nhu hòa, khéo léo…, rũ bỏ được sự cẩu thả, thiếu bài bản, nhất quán, khôn lỏi, xấu chơi… thì năm con khỉ này, ta sẽ thành công, thắng lợi.

Theo võ sư Lê Ngọc Quang, xưa kia, khi tập và sử dụng võ khỉ, có 5 điều cốt yếu cần phải làm cho được: Hình giống, ý thật, bước nhẹ, phép đánh kín và thân linh hoạt. Khi đi quyền, quan trọng là tay mắt theo nhau, chiêu liền thế liền, lên xuống nhẹ khéo, chân thân hợp nhất. Khi hầu quyền được phổ biến hơn, trong bài múa biểu diễn có thể có thêm phần rời động, nhòm ngó, xem đào, leo vịn, đu dây, hái đào, giấu đào, ngồi xổm, ăn đào, mừng rỡ, vào động…

Những phần này đều mô phỏng theo các động tác của khỉ mà thành. 
Hình thái, động tác của hầu quyền có thể khái quát là cương, nhu, linh hoạt, mềm mại, khéo, nấp, né, vươn, co. Thủ pháp thì có tóm, duỗi, chọn, cắt, bắt, khép, đẩy… Cước pháp có quấn, dậm, tạt, bật. Về khí giới thì có các bài múa hầu côn, hầu kiếm (đao)...