Giúp người lầm lỡ để trả nợ đời

ANTĐ - Người đàn ông trước mặt tôi, anh Phạm Thiết Tưởng chủ xưởng sửa chữa ô tô có khuôn mặt hiền khô, lấm lem trong công việc. Nhìn cách anh làm việc, nói năng với khách, không ai nghĩ anh từng phải vào tù vì tội đánh người. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, chính anh lại là người đã giúp đỡ không ít những người từng lầm lỡ khác làm lại cuộc đời.

Giúp người lầm lỡ để trả nợ đời ảnh 1Anh Tưởng hứa sẽ luôn giúp đỡ người đồng cảnh

Những “thước phim” quá khứ

Có mặt tại Công ty TNHH Tuyên Tân ở xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vào một ngày xuân, khi anh em công nhân vừa đi làm trở lại. Anh Tưởng – Giám đốc công ty trực tiếp làm việc, hàn những mối hàn cho chiếc xe tải hỏng nặng phần đầu của một vị khách trong xã. Ngơi tay, anh ngồi hồi tưởng lại những “thước phim” trong quá khứ. Đời anh ba chìm bảy nổi. Đúng thôi, cha mẹ anh sinh ra đến 8 người con cơ mà. Anh là cả nên từ nhỏ đã phải vất vả cùng cha mẹ làm lụng nuôi các em. Học hết lớp 8, ý thức về cuộc sống khó khăn nên Tưởng đã được gia đình gửi đi học nghề sửa chữa ô tô. Học xong thì theo người lớn vào Bình Dương làm việc. Có thời gian bị đám thanh niên bắt nạt, đánh đập, Tưởng cắn răng chịu đựng không dám đánh lại. Được một thời gian anh chuyển ra thành phố Vinh (Nghệ An) làm thuê. Được chủ tin tưởng, anh đã quyết định lập nghiệp tại đây. Năm 1996, chủ xưởng sửa chữa nơi anh làm việc vỡ nợ do cờ bạc, vay mượn nhiều nên phá sản. Tưởng nhờ mối quan hệ, nên trôi dạt về thị trấn Quỳ Hợp để làm thuê. “Khi đó thị trấn Quỳ Hợp của huyện Quỳ Hợp còn nghèo lắm, chưa phát triển như bây giờ. Do cần phải làm nhiều đường giao thông nên cũng rất cần thợ sửa chữa xe ô tô tải. Tôi có đất sống ở đây là vì thế”, Tưởng chia sẻ.

Với sự chịu thương chịu khó của một người có ý chí, Tưởng được chủ xưởng rất quý mến. Họ đã giới thiệu Tưởng với chị Đặng Thị Vân, người ở khố 11 – thị trấn Quỳ Hợp. Họ đã cưới nhau, Tưởng quyết định ở quê vợ lập nghiệp. Một thời gian sau được gia đình vợ tạo điều kiện, Tưởng thuê đất mở xưởng sửa chữa ô tô của riêng mình.

Nhưng nếu chỉ có thế thì cuộc đời anh đã không bị lỡ dở. Chính giây phút nóng nảy đã khiến anh phải chịu án tù. Tưởng kể rằng, một số người cho rằng anh ở Huế, lập nghiệp trên đất người nên yếu thế, dễ bắt nạt. Vậy là một lần, vào năm 2006, có vị khách sửa ô tô không chịu trả tiền. Đôi bên cãi vã nhau, Tưởng không làm chủ được mình, đã cầm chiếc gậy sắt đánh vào khách hàng khiến đối phương gãy 2 tay và chấn thương sọ não. Với hành vi phạm tội, Phạm Thiết Tưởng bị khởi tố và bị tòa tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, thụ án tại Trại giam số 6 (Bộ Công an), đóng trên địa bàn huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Ngày về

“Đến lúc vào trại, tôi mới cảm nhận hết nỗi thiệt thòi của người phạm nhân mất tự do, và thấy mình đã dại dột hết chỗ nói. Tại sao lúc đó tôi lại nóng thế chứ!”, Tưởng giãi bày. Anh kể thêm rằng, hằng đêm, anh luôn nghĩ về mình và tương lai. Anh thương vợ và cậu con trai nhỏ. Ngày anh đi, nó mới được ba tuổi, bi bô gọi bố. Anh nóng lòng chỉ muốn mau chóng được trở lại đời thường để chăm sóc vợ con, làm việc thật tốt.

Ở Trại giam số 6, Tưởng được phân vào đội sửa chữa xe, bản thân anh đã cố gắng học hỏi, chấp hành các nội quy của trại. Mãn hạn tù, đầu năm 2009 anh được trở về quê vợ. Bao nhiêu hồi hộp, đợi chờ, đến khi gặp vợ và người thân, láng giềng, anh lại thấy sợ hãi, mặc cảm. “Thấy cảnh nhà tàn tạ, vợ con nheo nhóc, tôi không dám tiếp xúc với bất cứ ai. Tôi biết là thời gian ở nhà, vợ tôi đã phải chịu rất nhiều điều tiếng. Rồi chính người vợ đã cho tôi động lực để đứng lên, làm lại từ đầu ở nơi tôi vấp ngã”, Tưởng giãi bày.

Sẵn có tay nghề, lại được tôi luyện trong trại giam, anh Tưởng đã bắt tay lại với công việc của mình là tiếp tục nghề sửa chữa ô tô. Được vợ động viên, Tưởng dùng sổ đỏ ngôi nhà để vay tiền ngân hàng, lại được anh em, bạn bè giúp đỡ thêm, anh đã có trong tay vốn liếng đủ để mở một cơ sở với quy mô nhỏ. Nhờ tay nghề khá mà anh được nhiều chủ xe tìm đến. Khi có tiền tích cóp, anh đã mở rộng xưởng sửa chữa. Năm 2010 anh thành lập Công ty TNHH Tuyên Tân. Điều đặc biệt là từ ngày mở xưởng, anh thường xuyên liên hệ với các bạn tù, cũng “cải tà quy chính” và giúp đỡ, cho họ vào học nghề, làm việc. Tính đến nay anh đã tạo điều kiện dạy nghề cho 16 người, một người vừa mới đến học nghề được vài tháng là anh Vũ Văn Hải. 

Công nhân làm việc tại công ty của anh Tưởng, người làm thuê được trả từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, họ còn biết sống hòa đồng, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn. Tưởng cho biết, từ ngày mở xưởng đến nay, anh đã đào tạo nghề cho hơn 100 người, đem lại thu nhập cho gia đình mỗi tháng từ 25 - 30 triệu đồng. 

Phạm Thiết Tưởng tự hào: “Anh em quý và tin tưởng nên mới đến học nghề. Họ nói với tôi nếu trở lại đời thường mà không có công ăn việc làm ổn định thì dễ tái phạm lắm. Vậy là họ đã cùng tôi xây dựng xưởng, cùng làm, cùng ăn. Trong số những người từng lầm lỡ làm việc cho tôi, thì đến 12 người đã tự đi mở được xưởng riêng. Có người về Nam Định, người ra Hà Nội, người vào Vinh. Mấy người còn mở xưởng to hơn xưởng của tôi nữa cơ đấy”.

Về chuyện giúp đỡ người cùng cảnh ngộ, Tưởng bảo rằng, anh sẽ vẫn tiếp tục làm như vậy để trả ơn đời. Anh cũng cảm ơn quãng thời gian ở trại giam, đã giúp anh cảm nhận hết giá trị của cuộc sống và thấy rằng, có quá nhiều người từng phạm tội chỉ vì nhỡ tay, vì ngộ sát hoặc một phút tham lam. Trong số đó có nhiều người khao khát công việc lương thiện.

Nhưng khi mãn hạn tù, không phải ai cũng được tạo điều kiện giúp đỡ. Tưởng kể rằng, anh rất ấn tượng với anh Nguyễn Văn Nam quê ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), sau khi thụ án 7 năm tù trở về, anh Nam bị mọi người kỳ thị, xa lánh khiến bản thân chán nản, đang trong lúc không biết bấu víu vào đâu thì được một người bạn giới thiệu, Nam tìm đến và được anh Tưởng dang rộng vòng tay. Sau khi được đào tạo, Nam có tay nghề đã về quê mở xưởng riêng. Nam có thu nhập ổn định, lấy được vợ và có mái ấm hạnh phúc, anh còn học anh Tưởng cũng nhận về những người lầm lỡ một thời như mình dạy nghề cho họ.

Một số người lầm lỡ khác được dạy nghề là các anh Trần Văn Thắng, ở huyện Nam Đàn; anh Trần Văn Nhật ở tỉnh Thừa Thiên – Huế; anh Lê Việt Hùng ở huyện Quỳnh Lưu… Mỗi người một số phận khác nhau, sự sa ngã của họ cũng không giống nhau nhưng điểm chung là được anh Tưởng giúp đỡ nên đã trở thành người tốt sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Tin tưởng và ghi nhận sự cải hóa của anh Tưởng, Trưởng Công an thị trấn Quỳ Hợp, ông Lê Hồng Thắng, cho biết: Anh Phạm Thiết Tưởng có khát vọng, kiên trì hoàn lương, phấn đấu trở thành ông chủ nhỏ rồi giúp đỡ người khác. Anh còn cung cấp nhiều nguồn tin về tội phạm cho lực lượng chức năng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tháng 7-2014, anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong tái hòa nhập cộng đồng. Anh ấy là một người đáng nêu gương”.