Giữ nét nguyên sơ lễ hội trọi trâu Hải Lựu

(ANTĐ) -Trong hai ngày 10 và 11-2-2009 (tức 16 và 17 tháng Giêng năm Kỷ Sửu) tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống, thu hút khoảng 7 vạn lượt người. Điều đặc biệt, sau lễ hội tất cả các con trâu dù thắng hay thua đều được làm thịt để liên hoan và bán cho du khách. Giá bán thịt con trâu vô địch lên đến 1 triệu đồng/kg.

Giữ nét nguyên sơ lễ hội trọi trâu Hải Lựu

(ANTĐ) -Trong hai ngày 10 và 11-2-2009 (tức 16 và 17 tháng Giêng năm Kỷ Sửu) tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống, thu hút khoảng 7 vạn lượt người. Điều đặc biệt, sau lễ hội tất cả các con trâu dù thắng hay thua đều được làm thịt để liên hoan và bán cho du khách. Giá bán thịt con trâu vô địch lên đến 1 triệu đồng/kg.

Lịch sử hơn 2.200 năm

Theo ghi chép trong thư tịch cổ, hội Chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Đây là cổ tục gắn liền với sự kiện Thừa tướng Lữ Gia đóng quân ở núi Long Động (huyện Lập Thạch) để chống lại quân Hán xâm lược trong thời gian từ năm 124 đến năm 111 trước Công nguyên. Sau mỗi lần thắng trận, để động viên tinh thần binh sỹ và nhân dân, Thừa tướng Lữ Gia đưa ra trò “Đấu ngưu” để mua vui rồi cho mổ các con trâu đó khao thưởng. Sau khi ông mất được người dân tôn làm Thành hoàng làng.

Lễ hội chọi trâu được nhân dân trong vùng lưu truyền qua nhiều đời, dần dần trở thành một cổ tục truyền thống của địa phương. Theo đó, phần lễ và phần hội thường được đan xen nhau trải dài từ tháng 8 âm lịch năm trước đến tháng Giêng năm sau. Trước tiên là lễ “Trình trâu”, người nuôi trâu phải sắm sửa lễ vật để đưa trâu ra đình Trên làm lễ trình Đức thánh. Từ thời điểm đó trâu được gọi là “ông cầu”, nghĩa là cầu trận, cầu an, cầu mưa. Đến ngày chọi trâu người dân tổ chức rước kiệu, dắt “ông cầu” ra đình Trên làm lễ thánh. Sau đó người nuôi đưa “ông cầu” về cho ăn, uống... rồi mới đưa vào sới chọi. Trước ngày diễn ra lễ hội, xã Hải Lựu cử một đoàn lên tế lễ tại đền Hùng. Đêm trước ngày diễn ra hội chọi trâu là lễ tế Thành hoàng làng, sau lễ tế cả làng sẽ tập trung để uống rượu, ca hát bàn chuyện làm ăn cho năm mới và chuẩn bị cho trâu vào sới chọi ngày hôm sau.

Ông Nguyễn Đức Dục - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lựu cho biết: Lịch sử lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu đã có từ rất lâu đời nhưng đến năm 1947 thì tạm ngừng. Đến năm 2002 lễ hội Chọi trâu Hải Lựu được khôi phục cho đến ngày nay.

Hừng hực hội trọi trâu Hải Lựu
Hừng hực hội trọi trâu Hải Lựu

Nghề nuôi cũng lắm công phu

Khác với lễ hội chọi trâu ở một số địa phương khác, tại Hải Lựu các “ông cầu” là do tập thể nuôi dưỡng, huấn luyện. Thông thường là do các thôn, xóm, họ tộc, các tổ chức cựu chiến binh, người cao tuổi, đoàn thanh niên... đứng ra đảm nhiệm. Hàng năm cứ đến tháng 6, tháng 7 trong nhóm lại cử ra một vài người có kinh nghiệm chọn trâu đi lên các tỉnh miền núi như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên... tuyển những con trâu kỉoe, đẹp về để nuôi dưỡng, huấn luyện. Trâu mua về được cả cộng đồng bình xét rồi giao cho một gia đình nuôi dưỡng. Gia đình được giao nuôi dưỡng phải là gia đình thuận hòa, hiếu thảo..., cộng đồng nhóm người này có nghĩa vụ phải đóng góp nuôi trâu cho đến ngày vào sới chọi.

Việc nuôi dưỡng, chăm sóc cho trâu cũng rất tỉ mỉ, công phu. Ông Nguyễn Tiến Hùng (59 tuổi, trú tại thôn Dân Chủ, xã Hải Lựu) - người nuôi “ông cầu” số 19 cho biết: Nuôi trâu chọi vất vả gấp nhiều lần so với trâu cày. Mỗi con trâu đều có chuồng riêng, được che đậy kín để tránh mưa, gió lạnh... Một ngày phải cho trâu đi tắm 2 lần. Hàng đêm đều phải dậy ít nhất 4 lần để cho trâu ăn, uống, đi vệ sinh. Khi trâu đã quen rồi thì lúc đói hoặc đi vệ sinh trâu sẽ tự gõ sừng vào cửa chuồng để báo hiệu.

Trâu chọi phải cho ăn thật no, ăn làm nhiều lần trong ngày. Thức ăn chủ yếu là cỏ, ngô, sắn... Nếu trâu thích uống rượu thì cho uống, không thì thôi. Để nuôi 1 “ông cầu”, người dân phải dành 5 sào đất ruộng tốt để trồng cỏ. Trung bình mỗi ngày 1 “ông cầu” ăn hết hàng tạ thức ăn... Sau khoảng nửa năm được chăm sóc rèn luyện, trâu nào cũng béo tốt, tràn đầy sinh lực trước khi vào trận. Nét đẹp văn hóa nữa là trâu chọi bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt, dùng sừng và sức khỏe để chọn thế võ tấn công đối phương; dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn, điều này thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

Mặc dù yêu cầu của Ban tổ chức lễ hội về tiêu chuẩn con trâu tham gia chọi chỉ là trâu đực, lông đen tuyền, không trắng lưỡi, sừng hướng tiền, mắt nhô nom tựa ốc loa, móng khép, chân to, đuôi chấm kheo. Tuy nhiên, khi đi tuyển trâu ngoài những tiêu chuẩn trên, những người có kinh nghiệm còn đưa ra những tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn. Anh Hán Văn Long (thôn Trung Kiên, xã Hải Lựu), chủ nuôi trâu số 13 tiết lộ: Nếu con trâu nào có máng nước hẹp thì bụng sẽ ít hơi, khi thi đấu sẽ không bị mất khí, dai sức hơn... Còn theo kinh nghiệm của ông Hùng, những con trâu có mí mắt dày, trán hẹp, sừng dày... sẽ là những con chọi tốt, có miếng đánh hay.

Trâu thắng cũng “khao”

Do đây là lễ hội có nhiều nét văn hóa đặc sắc nên trong hai ngày diễn ra lễ hội đã thu hút khoảng 7 vạn lượt người từ khắp nơi trong vùng và nhiều tỉnh lân cận đến chứng kiến cuộc so tài của các “ông cầu”. Toàn bộ khu vực sân vận động của xã Hải Lựu, nơi diễn ra sới chọi như một rừng người. Tiếng hò reo cùng tiếng trống trận mỗi khi đưa trâu vào sới hay những miếng đánh hay... làm vang động cả một khu vực. 

Các “ông cầu” tham gia sới chọi được bốc thăm để đấu loại trực tiếp. Sau đó những con thắng trận lại được bốc thăm để đấu loại. Qua thi đấu, “ông cầu” số 12 của thôn Gò Dùng, xã Hải Lựu do anh Nguyên Văn Hồng nuôi dưỡng đã đoạt giải nhất với phần thưởng 20 triệu đồng; “ông cầu” số 3 của Đoàn thanh niên xã Hải Lựu do anh Hà Văn Thuần nuôi dưỡng đoạt giải nhì với phần thưởng 15 triệu đồng; “ông cầu” số 7 của thôn Đoàn Kết, xã Hải Lựu do anh Nguyễn Văn Tám nuôi dưỡng đoạt giải ba với phần thưởng 10 triệu đồng.

Dù thắng hay thua, sau lễ hội các con trâu đều được xả thịt liên hoan và bán ngay ngoài sới chọi để phục vụ người tham gia lễ hội. Để tránh tình trạng bán trâu thường bảo là trâu chọi, UBND xã Hải Lựu đã lập ra 1 khu vực bán trâu chọi riêng. Năm nay giá bán mỗi cân thịt của các con trâu bị loại trung bình khoảng 400.000 đồng. Riêng con trâu vô địch giá lên đến 1.000.000 đồng/kg.

“Dù ai đi đâu, ở đâu

Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”.

Đăng Khoa - Việt Anh