“Gieo niềm tin cuộc sống”

ANTĐ - Niềm vui, nước mắt đã hóa thành nỗi niềm, thành sức mạnh niềm tin của hàng ngàn phạm nhân ở Trại giam A2 (thuộc Bộ Công an- huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). Sâu thẳm trong tiềm thức mỗi phạm nhân đều  trỗi dậy một khát vọng hoàn lương, chưa bao giờ khát khao được trở về với cuộc sống cộng đồng để tiếp tục làm người có ích lại cháy bỏng trong lòng họ đến thế. Tất cả hội tụ trong chương trình “Gieo niềm tin cuộc sống” do Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt- First News và Trại giam A2 vừa phối hợp tổ chức.

“Gieo niềm tin cuộc sống” ảnh 1Các phạm nhân chia sẻ và biểu diễn giao lưu văn nghệ

Ý tưởng nhân văn từ một lá thư tay

Suốt cả chương trình dài, phạm nhân Lê Thị Thanh Thủy ngồi sau lưng tôi cứ nấc lên nghẹn ngào vì hạnh phúc. Cô trút ra những lời từ đáy gan ruột của mình rằng: có lúc đã nghĩ đến sự tuyệt vọng, nghĩ đến bước đường cùng, buông xuôi hết nhưng chương trình “Gieo niềm tin cuộc sống” này đã vực dậy trong em những dự định mới. Quyết tâm phải thực hiện bằng được. Thủy đang ở tuổi đôi mươi, lỡ sa chân vào con đường vận chuyển ma túy. Cái án 5 năm với em không quá dài, giờ đây sức mạnh tinh thần của em đã được nhen nhóm thì đường về không còn xa nữa. Không phải riêng Thủy mà hàng nghìn  phạm nhân khác cũng chung một nỗi niềm ấy. 

Chương trình “Gieo niềm tin cuộc sống” tổ chức tại trại giam A2 kết hợp với việc tặng 3.000 cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” của Công ty Trí Việt bắt đầu từ một lá thư tay dài 11 trang A4 của phạm nhân Nguyễn Văn Khôi-nguyên phóng viên một tờ báo. Ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Công ty Trí Việt sau khi đọc lá thư này đã nhiều đêm trăn trở. Ông luôn muốn làm gì đó để cho các phạm nhân không nản chí, không suy giảm niềm tin khi đối chọi với những ngày cải tạo trong nhà giam. Phải làm cho tâm hồn họ luôn lấp lánh ước vọng được trở về, được cống hiến, được làm việc. Bức thư của Khôi với những lời chân thật từ trái tim của anh đã khơi gợi và khiến những ai đọc được cũng phải chiêm nghiệm lại và động lòng trắc ẩn. Bởi một lẽ, không chỉ anh Nguyễn Văn Khôi mà rất nhiều phạm nhân trong trại giam họ đang phải chịu một sự thiếu thốn lớn về tinh thần, giá trị sống. Họ ít được tiếp xúc với những cuốn sách “Hạt giống tâm hồn”. Thế nên ông Nguyễn Văn Phước nghĩ ngay đến việc lập một thư viện sách “Hạt giống tâm hồn” ngay trong trại giam.  

       

Ông bộc bạch có những sức mạnh vô hình nằm chính trong những cuốn sách “Hạt giống tâm hồn”. Đó là những triết lý, những bài học đẹp, những định hướng vươn lên trong cuộc sống đầy những bộn bề, cám dỗ và lo âu này. 

 Trong lá thư đẫm đầy nỗi niềm của mình, Nguyễn Văn Khôi đã viết: “Không thể nào diễn tả tâm trạng của tôi lúc mới vào tù. Tất cả như sụp đổ, tôi như từ trên thiên đàng rơi xuống địa ngục. Sự thất vọng, bế tắc đến cùng cực. Đã thế số phận như muốn trêu ngươi tôi. Tai họa cứ dồn dập xảy ra. Tôi vào tù được 4 tháng thì mẹ tôi mất. Và số phận như muốn đánh gục tôi khi tiếp theo đó vợ tôi đưa đơn li dị và mang các con đi xa vì không chịu nổi áp lực. Tôi như ở dưới vực thẳm. Mọi cánh cửa như đóng sập lại. Trong lúc tuyệt vọng tôi đã nghĩ đến cái chết vì chỉ có cái chết mới giải thoát cho tôi  khỏi kiếp nạn này. Tôi đã quyết tâm tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ tự tử nhưng đã bị phát hiện. Không từ bỏ ý định tự sát, tôi đã âm thầm móc nối với người bạn để chuyển thuốc ngủ vào. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi bằng một biến cố mà tôi không ngờ đến. Rồi một ngày, trong phòng giam có một phạm nhân mang vào mấy cuốn sách. Trong những cuốn sách ấy có cuốn “Tìm về sức mạnh vô biên” của Robin S.Sharma, một ấn phẩm của Công ty Trí Việt. Và điều kỳ diệu đã đến. Cứ mỗi trang sách lật qua như có ai đó cất đi cho tôi một gánh nặng. Mỗi trang sách như có một sức mạnh vô hình nâng đỡ cho tôi đứng dậy. Tôi như kẻ lạc lối giữa biển khơi tìm thấy ánh sáng của ngọn hải đăng. Tôi đã đọc ngấu nghiến và quyết tâm hoàn lương.

Cha ruột của anh Nguyễn Văn Khôi, ông Nguyễn Văn Khai như tàu lá héo vì những đớn đau cũng thừa nhận chính những cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” đã gieo cho tôi nhiều niềm tin lắm. Suốt cả chương trình có hàng trăm phạm nhân truyền tay nhau đọc. Phạm nhân Trần Văn Tĩnh đã thốt lên rằng: Tôi sẽ chọn con đường  đi về phía ánh sáng.

Hạnh phúc và khát khao

Bên cạnh tặng 3.000 cuốn sách cho trại giam, các chương trình nghệ thuật đầy tính nhân văn của các nghệ sỹ lẫn phạm nhân đã khiến cho cả hội trường rộng lớn chìm trong niềm xúc động. Các tiết mục đã lấy đi nhiều nước mắt của hàng nghìn phạm nhân. Họ khóc vì mình được đánh thức những khát khao có lúc tưởng chừng như ngủ quên. Như tiết mục của ông Nguyễn Văn Phước trực tiếp đệm đàn cho nghệ sỹ không tay Dương Quyết Thắng, tiết mục “mẹ già chờ con”, những chia sẻ của Tâm “sida”  đã làm lay động không chỉ phạm nhân mà tất cả người dự khán. Rất nhiều phạm nhân đã khóc. Phạm nhân Phạm Thị Huệ tâm sự: qua chương trình tôi thương con, thương mẹ lắm, yêu cả cuộc sống này, không còn ý định tự vẫn như trước kia nữa. Chương trình rất dài nhưng cuối cùng cũng đã khép lại. Nhưng sức mạnh lan tỏa thì cứ ngân nga mãi như chính lời tâm sự của nhiều phạm nhân. “Chắc hôm nay và nhiều ngày sau nữa chúng tôi sẽ cải tạo tốt lắm. Mùa xuân này cũng tràn đầy ước vọng từ những cuốn sách, những tiết mục nghệ thuật”.