Gặp ông thợ suốt 50 năm sửa phéc-mơ-tuya

(ANTĐ)- Ông Khang bắt đầu sửa phéc-mơ-tuya từ năm 1960, đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn cặm cụi với những chiếc răng nhựa nhỏ xíu.

Gặp ông thợ suốt 50 năm sửa phéc-mơ-tuya

(ANTĐ)- Ông Khang bắt đầu sửa phéc-mơ-tuya từ năm 1960, đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn cặm cụi với những chiếc răng nhựa nhỏ xíu.

Ông Nguyễn Hữu Khang
Ông Nguyễn Hữu Khang

Đệ nhất danh xưng

Ông tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Khang, nhưng do ông chữa khóa lâu năm quá nên nhiều người Hà Nội quen gọi tắt là ông “phéc-mơ-tuya” hoặc cầu kỳ hơn thì khoác cho ông cái danh xưng “đệ nhất Hà thành” về chữa phéc-mơ-tuya.

Cuối giờ chiều một ngày hè đầu tháng 6/2011, tôi đến… bức tường kẹp giữa số nhà 61 và 63 phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm ông Khang. Cũng bởi ông chỉ làm từ 9-11h sáng và 3-6h chiều, nên tôi mới đến giờ này. Từ xa đã thấy cái dáng ngồi hơi tựa ra phía sau của ông thợ già trên vỉa hè, chiếc kính lão đeo trễ nải trên mũi còn đôi tay đang tỉ mẩn với những kìm, kéo… chữa lại răng khóa của một cái cặp da màu đen.

Ông chỉ cái ghế nhựa nhỏ, mời tôi ngồi, bảo “uống cà phê không? Tôi gọi người ta mang đến tận nơi ý mà”. Đấy là quí nhà báo lắm, mới tiếp đón thế ở cái vỉa hè đắt hơn vàng này của Hà Nội; chứ ngay cả đối với khách hàng ruột lâu năm thì cũng xin mời tự nhiên mà dựng xe máy dưới lòng đường, đứng đợi ông sửa phéc-mơ-tuya. Ông Khang sửa nhanh lắm, chỉ 15-20 phút là hô biến chiếc phéc-mơ-tuya có “bệnh” thành lành lặn, nên người ta cũng quen đứng đợi.

Đôi bàn tay cặm cụi sửa phéc-mơ-tuya suốt nửa thế kỷ
Đôi bàn tay cặm cụi sửa phéc-mơ-tuya suốt nửa thế kỷ
Ông Khang ngồi kẹp giữa số nhà 61 và 63 phố Hàng Đường
Ông Khang ngồi kẹp giữa số nhà 61 và 63 phố Hàng Đường
Cái tủ gỗ và bộ đồ nghề chữa phéc-mơ-tuya của ông thợ già gần như không thay đổi suốt nhiều thập kỷ.
Cái tủ gỗ và bộ đồ nghề chữa phéc-mơ-tuya của ông thợ già gần như không thay đổi suốt nhiều thập kỷ.
Cái quạt con cóc ông Khang mua về từ hồi chỉ có 35 đồng, chạy vè vè suốt ngày
Cái quạt con cóc ông Khang mua về từ hồi chỉ có 35 đồng, chạy vè vè suốt ngày

Quay ngược thời gian lại năm 1960, về những ngày đầu ông bắt đầu vào nghề. Thủa đó, cùng với nghề chữa phéc-mơ-tuya còn có những nghề mà nay đã mai một cả như: khắc bút hồ Gươm, hàn dép… ông Khang tự đi học nghề, rồi về mua một cái tủ gỗ nhỏ chứa lỉnh kỉnh những kìm mũi nhọn, kéo, dao… mở cửa hàng ở số 61 Hàng Đường.

Gọi là cửa hàng cho oai thế thôi, chứ thực chất là một mẩu vỉa hè rộng chưa đầy 1m2. Ông Khang mở ở địa chỉ này vì nhà ông ở trên tầng 2 số nhà 61 Hàng Đường- căn phòng rộng chừng 20m2 mà ông và vợ được thuê lại của nhà nước từ năm 1954. Thế rồi, ông Khang chữa khóa một lèo cho đến tận bây giờ. Mọi thứ dường như không có gì thay đổi so với nửa thế kỷ trước, vẫn cái tủ gỗ bằng ý ngăn lỉnh kỉnh đồ nghề. Sự thay đổi “mới nhất” là chiếc quạt con cóc màu xanh được ông Khang mua về với giá 35 đồng, suốt ngày chạy vè vè trên nóc tủ gỗ.

Người muôn năm cũ

Kể ra cũng lạ. Ở cái thời mà hàng Trung Quốc ê hề, phéc-mơ-tuya người ta bày bán ở chợ Đồng Xuân theo… bó, mà ông Khang vẫn tồn tại được với nghề. Mà cũng không phải chỉ còn mình ông ở cái đất Hà Nội này có “chuyên ngành” về phéc-mơ-tuya. Nếu cần kể ra thì có cả… một phố Hà Trung với dày đặc các cửa hàng sẵn sàng đón khách. Nhưng ở đó người ta “sửa” theo cách, vứt luôn cái phéc-mơ-tuya cũ đi rồi may xoẹt cái dây mới vào; không như ông Khang đi chữa từng chiếc răng nhựa bé xíu của khóa.

Hay thậm chí ở ngay đối diện chỗ ông Khang ngồi, bên số chẵn của phố Hàng Đường cũng có một cửa hàng trưng biển sửa phéc-mơ-tuya mà chủ nhân của nó theo lời ông Khang là còn trẻ: “tôi mở cửa hàng từ khi bố mẹ nó còn chưa lấy nhau”.

Bất chấp tất cả những điều ấy, nhiều người vẫn tìm đến với “đệ nhất chữa phéc-mơ-tuya đất Hà thành”. Đó là những ông già mang đến một cái áo măng-tô hay chiếc quần âu chứa đầy kỷ niệm thời trai trẻ; đó là các bà già với chiếc túi thủa thiếu nữ còn tóc xõa ngang vai…

Và không chỉ có thế, trai thanh gái lịch thời nay cũng tìm đến ông Khang: Một cậu trai đeo kính mát, tóc vuốt gôm dựng đứng, dừng chiếc Shi Sport màu đen đỏ nhờ ông sửa lại phéc-mơ-tuya của chiếc quần Jean hiệu Armani  bị chờn răng; một cô gái xinh như mẫu gạt chân chống “con” Liberty trắng sành điệu, ngồi khoe chân dài miên man trong chiếc quần soóc ngắn, đợi ông thợ già chữa khóa cho chiếc túi hiệu Louis Vuitton… Tất cả họ đều giống nhau ở điểm, muốn giữ lại chất “zin” cho đồ vật của mình.

Ngay đối diện bên đường chỗ ông Khang ngồi cũng có cửa hàng trưng biển chứa phéc-mơ-tuya; tuy nhiên người Hà Nội vẫn tìm đến ông Khang nhiều hơn
Ngay đối diện bên đường chỗ ông Khang ngồi cũng có cửa hàng trưng biển chứa phéc-mơ-tuya; tuy nhiên người Hà Nội vẫn tìm đến ông Khang nhiều hơn
Từ chị phụ nữ chữa áo, cho đến...
Từ chị phụ nữ chữa áo, cho đến...
...người đàn ông chữa túi. Tất cả đều phải đứng chờ ông Khang chữa phéc-mơ-tuya
...người đàn ông chữa túi. Tất cả đều phải đứng chờ ông Khang chữa phéc-mơ-tuya
Hộp phụ kiện lỉnh kỉnh của "đệ nhất chữa phéc-mơ-tuya đất Hà thành"
Hộp phụ kiện lỉnh kỉnh của "đệ nhất chữa phéc-mơ-tuya đất Hà thành"

Người ta còn mê ông Khang ở điểm, không vì một chiếc quần bò dăm bảy trăm USD Mỹ hay chiếc túi hàng hiệu trị giá cả nghìn bảng Anh mà ông lấy giá đắt. Đồ nào cũng như nhau, ông căn cứ vào cái độ hư hỏng nặng nhẹ của phéc-mơ-tuya để tính tiền. Thời “bão giá” mà trung bình ông già chỉ lấy công có 30.000-50.000 đồng, hỏng nặng lắm thì lấy giá trăm bạc. Tôi thắc mắc hỏi, ông Khang cười khà khà: “Với tôi chừng này tuổi thì tiền bạc có nghĩa lý gì đâu, con cái có 3 đứa thì phương trưởng cả rồi, còn hai vợ chồng làm đến đâu tiêu đến đấy…”

Thậm chí ông dễ tính đến mức: nếu con cái mang đồ của bố mẹ đi chữa; về mà các cụ không hài lòng thì quay lại, ông sẵn sàng trả lại tiền. Tương tự như thế, chữa xong vừa mang về phéc-mơ-tuya lại hỏng, quay lại sẵn sàng nhận được tiền từ ông. Sở dĩ ông có cách “bảo hành” độc đáo này vì “đệ nhất Hà thành” rất tự tin vào tay nghề của mình. Chỉ cần liếc mắt là ông biết ngay chiếc túi đã từng qua tay mình hay chưa; hay dù hàng phố có mất điện thì ông vẫn có thể lần tay, thay răng phéc-mơ-tuya như thường; thay xong đến chủ cũng không biết là “đâu cũ, đâu mới” vì ông luôn cố sử dụng loại chỉ giống màu chỉ cũ, cố khâu sao cho mũi kim đi vào đúng cái lỗ cũ vừa tháo ra.

Trước khi nhận tiền khách trả, bao giờ ông Khang cũng bôi thêm chút nến vào phéc-mơ-tuya cho trơn tru, rồi dặn dò kỹ càng cách sử dụng như thế nào để cho cái khóa được bền nhất. Trước khi chia tay tôi, ông Khang dặn phải đưa số điện thoại của ông lên báo: 0904372106- không phải để p.r cho ông (đơn giản vì ông đã quá nổi tiếng rồi)- mà để đề phòng khách đến không gặp ông, lại mất công mất việc. Ngoài giờ làm như trên, ông già cũng hay đi lắm, vì có “chân” trong đội giữ gìn trật tự của phường.

Cao Minh