Đường về nẻo thiện của kẻ dùng lựu đạn giết 2 mạng người

ANTĐ - Từ nhỏ đã thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha đưa mẹ ghẻ về nhà mắng chửi, đánh đập mẹ ruột, bản thân gã cũng không biết bao lần phải chịu cảnh đòn roi. Cận tuổi trưởng thành, gã bắt đầu ngẫm nghĩ về nguyên nhân khiến gia đình mình bất hạnh như vậy. Rồi trong cơn tức giận, gã mang một trái lựu đạn rón rén đến nhà mẹ ghẻ. Sau tiếng nổ inh tai nhức óc, hai mạng người đã bị tước đoạt một cách đầy oan trái.
Đường về nẻo thiện của kẻ dùng lựu đạn giết 2 mạng người ảnh 1

Tuổi thơ cơ cực

Xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên nhiều năm gần đây được nhắc đến như một nơi đất lành chim đậu. Sở dĩ như vậy vì không ít phạm phạm nhân sau quá trình thi hành án ở Trại giam A20 đóng trên địa bàn xã Xuân Phước đã ở lại sinh cơ lập nghiệp, sống cuộc đời mới trên đất này. Họ đều lập gia đình riêng, tìm những công việc lao động chân chính để chăm lo cho tổ ấm của mình. Về những người từng phạm trọng án rồi hoàn lương ở đây, đáng chú ý có anh Võ Văn Tạo (SN 1963), quê ở xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đời anh Võ Văn Tạo là một câu chuyện dài với nhiều biến cố thăng trầm. Sinh ra trong một gia đình đông con, Tạo là con thứ năm nhưng cả 4 anh chị đều đã qua đời trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc nên Tạo trở thành anh cả của 5 người em. Gia đình đã nheo nhóc  cha Tạo còn có vợ hai ở bên ngoài khiến mẹ con Tạo càng thêm khổ cực. Năm 1975 đất nước vừa giải phóng, Tạo mới 12 tuổi đã phải theo cha đi khẩn đất ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Từ lúc này, bi kịch mẹ ghẻ con chồng bắt đầu xảy ra.

Khi Tạo cùng hai đứa em gái được đưa đến nhà mẹ ghẻ thì bà ta đã có hai con riêng với cha của Tạo. Ở đây, Tạo không được chăm nom, nuôi nấng gì. Cứ vài bữa, Tạo lại phải về nhà mẹ đẻ để mang gạo lên thổi cơm ăn. Việc nhà, việc khẩn đất, cái gì cũng đến tay Tạo, vậy mà cậu bé còi cọc này còn thường xuyên bị mẹ ghẻ kiếm cớ mắng chửi. Không những vậy, thi thoảng cha Tạo còn dẫn mẹ ghẻ về nhà cũ kiếm chuyện đánh đập mẹ đẻ của Tạo. Thấy mẹ đã khổ cực còn bị ức hiếp thái quá, không ít lần Tạo lên tiếng bênh vực khiến cả hai mẹ con cùng phải chịu đòn.

Năm 17 tuổi, Tạo đề nghị cha cất chòi cho mình ra ở riêng với lý do: “Phải để con ở riêng chứ ở với dì, dì mắng chửi, con không chịu được”. Tạo dựng một căn chòi cách nhà mẹ ghẻ hơn 100 mét, một người em gái của Tạo lúc đó mới 10 tuổi cũng chán ghét cảnh bị đánh mắng nên theo anh ra chòi ở. Thế nhưng, ở riêng cũng chẳng khá khẩm hơn, bởi lẽ cái gì cũng thiếu thốn đủ đường. 

Vụ nổ oan nghiệt

Sống trong chòi riêng được chừng hơn 1 tháng, đêm nào Tạo cũng trằn trọc suy nghĩ về cuộc đời khổ cực của mẹ và các em mình. Tràn ngập trong tâm tưởng của chàng trai mới lớn đều là những ký ức đau buồn, những lời đay nghiến, mắng chửi, những trận đòn roi của cha. Ngọn lửa hận thù bùng cháy, Tạo nghĩ nguyên nhân sâu xa đều là do bà mẹ ghẻ mà ra cả. Lửa giận lấn át lý trí, Tạo chỉ mong sao cho bà ta phải chết đi.

Chập tối hôm đó, Tạo đang nằm thì nhổm dậy nói với em: “Em ở nhà đây. Chừng nào nghe thấy tiếng nổ cũng đừng có đi đâu”. Nói xong, Tạo ra khỏi chòi trước ánh mắt ngơ ngác của đứa em gái, trên tay cầm một trái lựu đạn. Trước đó, khi đi khẩn hoang cùng cha, Tạo đã nhặt được trái lựu đạn này. Chẳng biết có nổ được không nhưng Tạo cứ giữ lại để phòng thân. Ra khỏi chòi, Tạo mon men đến ngôi nhà của mẹ ghẻ, đứng bên cửa sổ ngóng vào bên trong. Hôm ấy cha của Tạo đi vắng, trong nhà còn có 5 người bao gồm mẹ ghẻ của Tạo, 3 đứa con riêng và mẹ của bà mới qua chơi. Tạo đứng ngoài nghe mẹ ghẻ đang kể xấu mình với mẹ của bà ta. Mẹ ghẻ nói Tạo thường xuyên lên nhà ăn cắp gạo, rồi bảo cho anh em Tạo đủ các tật xấu khác. Cơn giận lại sôi sục, Tạo rút chốt trái lựu đạn, quăng vào trong nhà mẹ ghẻ rồi chạy về phía căn chòi. Một tiếng nổ đinh tai vang lên. Một lúc sau, trong nhà vang lên tiếng khóc của trẻ con và tiếng kêu cứu yếu ớt.

Biết mình đã gây ra chuyện lớn, Tạo về chòi kéo đứa em gái chạy vào nhà ông bác ở trong làng báo tin. Sau đó, Tạo lại theo ông bác chạy về nhà mẹ ghẻ. Lúc này người dân đã kéo đến khá đông, lòng căm hận bỗng tan biến hết, Tạo kinh hãi khi thấy cảnh tượng một đứa em cùng cha khác mẹ của mình toàn thân đẫm máu nằm bất động, người mẹ ghẻ đang thoi thóp. Tạo lao vào bế mẹ ghẻ lên xe trâu chở lên Trạm Y tế xã cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn. Mẹ ghẻ của Tạo đã chết ở ngang đường. Công an tới điều tra, Tạo thật thà khai ra toàn bộ...

Đường về nẻo thiện của kẻ dùng lựu đạn giết 2 mạng người ảnh 2

Tình yêu cứu rỗi tội nhân

Do lúc gây án, Tạo chưa tròn 18 tuổi nên gã chỉ bị Tòa tuyên phạt 18 năm tù về tội “Giết người”. Vụ án đã gây chấn động dư luận địa phương suốt một thời gian dài. Tội ác của Tạo bị nhiều người lên án bởi gã đã cướp đi hai mạng người, trong đó có một đứa trẻ vô tội là anh em cùng cha khác mẹ của bị cáo. Tạo chấp nhận tất cả những búa rìu dư luận, thành tâm ăn năn hối cải trong trại giam. 

Năm 1980, Tạo được chuyển về Trại giam A20 trên địa bàn xã Xuân Phước. Tại đây, được các quản giáo động viên, giúp đỡ, Tạo ngày ngày cần mẫn lao động, cải tạo. Vốn là người chất phác, chăm chỉ nên chỉ qua 5 năm, Tạo đã lọt vào danh sách được giảm án. Thụ án 18 năm tù, nhưng chỉ qua 11 năm 6 tháng, Tạo đã được trả tự do. Chừng ấy cũng đủ để nói lên nỗ lực hướng thiện và mong muốn làm lại cuộc đời của tội nhân này. Trước khi ra tù 2 năm, Tạo được Ban quản lý trại giam cho ra ngoài lao động tự giác. Công việc hàng ngày của Tạo là chăn bò ngoài đồng, sáng đi, tối về. Trong những lần đi chăn bò, Tạo may mắn gặp cô thôn nữ Võ Thị Quý (SN 1970), ở xã Xuân Phước cũng đi chăn bò. Sau 2 tháng thường xuyên gặp mặt, trò chuyện trên cánh đồng, Tạo đã dốc bầu tâm sự với Quý về chuyện đời mình.

Cảm thương anh chàng miền quê Nam bộ thật thà mà chất phác, chị Quý đã đem lòng yêu mến. Lần đầu yêu một người con gái nhưng sợ người mình yêu khổ nên Tạo cũng chỉ dám nói: “Nếu Quý thương thì đợi anh ra trại, anh về quê rồi quay trở ra hỏi cưới...”. Ai ngờ, chỉ một câu nói ấy mà chị Quý đã chờ Tạo gần 2 năm. Ra trại, Tạo lập tức trở về quê. Lúc này cha Tạo đã lại lấy vợ mới, Tạo hỏi thăm nhưng ông chẳng nói chẳng rằng. Cực chẳng đã, Tạo đành phải nhờ người trong họ xuống hỏi cưới chị Quý. Ban đầu gia đình chị Quý cũng phản đối, sau thấy Tạo thật lòng, ăn ở cũng có trước có sau nên đã thuận tình cho đôi trẻ tổ chức cưới hỏi.

Qua hàng chục năm chung sống, đến nay vợ chồng Tạo đã có với nhau ba mặt con, trong đó hai đứa vẫn còn đang tuổi ăn học. Cả hai vợ chồng đều dành tất cả sức lực và tình yêu để mong các con có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Nhìn lại quãng đường đã qua của mình, người đàn ông có gương mặt sạm đen sương gió này trần tình: “Tình yêu của vợ đã giúp tôi có nghị lực làm lại cuộc đời trên mảnh đất này. Tôi kể lại câu chuyện cuộc đời mình với mong muốn những người lầm lạc như tôi tin rằng dù thế nào cũng sẽ vẫn có đường về nẻo thiện”.